Mua nhà Hà Nội vượt quá khả năng khiến vợ chồng ly hôn, chạy thêm xe ôm vẫn nợ đầm đìa

Ý định mua nhà Hà Nội gửi gắm bao nhiêu mơ ước của cặp vợ chồng trẻ về một tổ ấm bao nhiêu thì thực tế phũ phàng bấy nhiêu: Hai vợ chồng ly hôn, nợ nần đầm đìa, xoay tiền ăn hàng tháng.

Gia Đình Mới khởi đăng series bài viết "Làm thế nào mua được nhà ở Hà Nội?" ghi lại những kinh nghiệm, kỷ niệm của người trong cuộc, đồng thời có tư vấn, chỉ dẫn của các chuyên gia giúp cho việc mua nhà đơn giản và dễ thực hiện hơn. 

Toà soạn mong nhận được các bài viết, chia sẻ của bạn đọc, nhất là những người từng trải qua hành trình mua nhà đầy gian nan nhưng vô cùng ý nghĩa. Xin bình luận phía dưới bài viết hoặc gửi về theo email: toasoan@giadinhmoi.vn

Xem thêm

Với những người mới gặp mặt, anh Nguyễn Văn Trung (29 tuổi, ở Trực Ninh, Nam Định) là một người thành công vì mới 29 tuổi đã mua nhà Hà Nội, có vợ đẹp, con ngoan.

Nhưng người nào thân thiết, biết hoàn cảnh của anh thì mới thấy được, để có căn nhà ở Hà Nội anh phải đánh đổi cả tiền của và hạnh phúc. Câu chuyện dưới đây được anh Trung kể lại khi vừa nhận được căn hộ chung cư ở tòa nhà The Vesta, Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội.

Ước mơ từ căn phòng trọ 20 mét vuông

Như bao bạn trẻ khác đang sinh sống ở Hà Nội, tôi cũng là dân tỉnh lẻ (quê tôi ở Trực Ninh, Nam Định) ra Hà Nội học tập và sau đó làm cho một công ty truyền thông.

Khu nhà đẹp mơ ước với đầy đủ tiện nghi, khuôn viên đẹp của vợ chồng anh Trung

Năm 2015, tôi lập gia đình với một cô gái làm bên ngành xuất bản đến từ Quảng Ninh sau một thời gian yêu đương, tìm hiểu khá kỹ càng.

Khi đó chúng tôi thuê nhà trọ với giá 2,5 triệu đồng/tháng để ở. Thu nhập của cả 2 vợ chồng khoảng 21 – 22 triệu đồng/tháng. Cuộc sống vợ chồng mới cưới không quá giàu sang nhưng cũng dư dả, có chút tích cóp cho tương lai.

Đến khi vợ tôi sinh cậu con trai đầu lòng thì căn phòng trọ hơn 20 m2 có phần chật chội, bí bách, nhất là khi con tập bò, chập chững học đi.

Lúc đó, vì nghĩ đến tương lai của con, nghĩ đến sức khỏe của con nên hai vợ chồng tôi ngồi tính toán đến chuyện mua nhà Hà Nội.

Có 240 triệu đồng, mua nhà 980 triệu 

Sau hơn 2 năm cưới nhau, tổng cộng số tiền dành dụm của cả 2 vợ chồng trước khi cưới, tiền bố mẹ 2 bên cho khi cưới và tiền chung của 2 vợ chồng làm ra trong thời kỳ hôn nhân của chúng tôi là 240 triệu đồng.

Có ý định mua nhà nên bố mẹ 2 bên đồng tình ủng hộ và có bảo sẽ giúp đỡ vay mượn, cho thêm một chút để có thể sớm hoàn thành việc đại sự của đời người.

Nhưng nhà thấp cấp cũng cần phải đạt được một vài tiêu chí như thiết kế rộng rãi, khuôn viên tốt, vị trí thuận tiện cho bố mẹ đi làm con đi học.

Với mức tiền đó và qua tìm hiểu chúng tôi chọn mua dự án nhà ở xã hội The Vesta ở khu vực Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội có mức giá 14,2 triệu đồng/m2.

Căn hộ chung cư vợ chồng tôi chọn mua có diện tích là 68,4m2 (diện tích thông thủy) và chúng tôi phải trả khoảng 980 triệu đồng để mua căn hộ đó.

Với thiết kế khá hợp lý gồm 3 phòng ngủ, 2 phòng vệ sinh, 1 phòng khách liền bếp làm chúng tôi khá ưng ý vì 3 phòng ngủ riêng biệt thuận tiện cho con trai, con gái được ở riêng phòng hoặc ông bà ở quê ra thăm cháu cũng có phòng riêng để ngủ.

Tính cua trong lỗ 

Theo tính toán ban đầu của 2 vợ chồng là ký hợp đồng mua nhà năm 2017, đến năm 2019 họ bàn giao nhà, tiền sẽ không phải trả cả cục, trả theo từng giai đoạn nên sẽ có đủ thời gian thu xếp tiền.

Với số tiền của 2 vợ chồng có được cộng thêm bố mẹ cho sẽ đủ để trả tiền đợt 1 là 30%. Sau đó, các đợt tiếp theo bố mẹ 2 bên sẽ vay ngân hàng và người thân giúp.

Đến năm 2019 nhận nhà, với sự hỗ trợ của người thân, 2 vợ chồng sẽ chỉ còn nợ khoảng 200 triệu đồng. Và với khoản nợ này, nếu như 2 vợ chồng dành dụm thì có thể 2 năm sau chúng tôi sẽ trả hết nợ.

Thực tế anh Trung nhận nhà chậm so với tiến độ và phải gánh khoản nợ kếch xù

Áp lực trả nợ bắt đầu 

Giấc mộng về ngôi nhà hạnh phúc được 2 vợ chồng tôi thêu dệt đẹp như vậy, tính khả thi cao như vậy nhưng mọi thứ vẫn sụp đổ. Tất cả chỉ là dự tính và cuộc đời không ai biết trước chữ ngờ. Mọi việc xảy ra một phần cũng liên quan đến kinh tế.

Đợt đầu đóng tiền nhà do có sẵn tiền tiết kiệm nên cuộc sống vợ chồng tôi vẫn bình thường. Bắt đầu đến đợt đóng tiền nhà thứ 2 thì chúng tôi phải chạy vạy vay tiền khắp nơi. Bố mẹ 2 bên cũng vay giúp và thế chấp sổ đỏ nhà ở quê để vay tiền ngân hàng.

Khó khăn từ việc vay mượn tiền, cộng với phía chủ đầu tư gây sức ép phải đóng tiền đúng kỳ hạn.

Mặc dù chúng tôi ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư nhưng khi nộp tiền cho họ lại không có hóa đơn đỏ, không biết tiền mình nộp sẽ đi về đâu. Dù tôi có hỏi nhưng họ tìm mọi cách để lảng tránh vấn đề đó, lúc thì họ hẹn 1 tuần, lúc lại bảo hóa đơn đỏ bên em xuất theo quý, theo năm…, đợt nộp tiền là đầu năm thì phải cuối năm mới có hóa đơn…

Hơn nữa, việc nuôi con nhỏ cũng tốn kém về tiền bạc, áp lực tâm lý từ việc chăm sóc con cái, kinh tế không có, vay tiền chưa được, sự thúc ép từ chủ đầu tư, lo lắng tiền bị mất mà nhà thì mãi chưa xong… làm vợ chồng tôi luôn xảy ra mâu thuẫn.

Những cuộc cãi cọ diễn ra thường xuyên hơn và đến đợt đóng tiền nhà thứ 3 vào giữa năm 2018 cũng là lúc cuộc hôn nhân của chúng tôi tan vỡ.

Lúc đầu dự tính là bố mẹ vợ sẽ vay giúp khoảng 300 triệu đồng. Nhưng khi 2 vợ chồng chia tay thì cũng không vay được khoản tiền đó nữa. Vậy là tôi bị rơi vào thế bị động, sẽ phải tự xoay 300 triệu đồng để đóng tiền đợt 3 và các đợt sau đó.

Bán đồ đạc, chơi phường họ, vay lãi ngày giá cao 

Rơi vào thế bí làm tôi không biết kiếm đâu ra khoản tiền lớn để đóng tiền nhà. Tôi có suy nghĩ muốn bán lại nhà cho người khác. Nhưng lại nghĩ đến con mình, nghĩ đến tự trọng của bản thân nên tôi quyết mua bằng được căn hộ này.

Bình thường, khi mua căn hộ sẽ có hình thức vay tiền ngân hàng theo dự án. Tức là nếu bình thường tôi sẽ được vay ngân hàng với lãi suất thấp theo dự án đó.

Nhưng trớ trêu thay, tôi lại bị dính vào danh sách nợ xấu của ngân hàng từ hồi vay vốn sinh viên nên tôi không thể vay tiền theo dự án căn hộ đã mua.

Nghĩ lại tôi vẫn thấy đó là quãng thời gian đen tối. Vợ chồng chia tay, bố con xa cách, đã thế khoản nợ sinh viên vay 800 nghìn đồng/tháng quên đóng đúng thời hạn lại thành nợ xấu, dẫn đến bị đóng băng tất cả hoạt động vay tiền tại ngân hàng của tôi.

Trong lúc bí bách, tôi đem bán chiếc laptop, bán máy ảnh những chiếc ống kính mà tôi yêu thích. Nhưng số tiền đó cũng không thấm vào đâu so với khoản tiền kếch xù phải đóng để mua nhà.

Các cụ thường nói bí quá làm liều và tôi nghĩ tôi cũng đã làm liều. Khi đó tôi được một người quen chỉ cách chơi phường họ để có tiền nhanh.

Nhóm tôi chơi phường gồm 50 người, mỗi người mỗi tháng đóng 2 triệu. Để có đủ tiền tôi chơi 2 suất và khi đó tôi có được 200 triệu đồng từ chơi phường để nộp tiền nhà, số tiền đó sẽ được đóng trả dần từng tháng. Nhờ vậy mà tôi vượt qua giai đoạn đóng tiền đợt 3 và 4.

Nhưng rồi đến đợt đóng tiền thứ 5, tôi lại tiếp tục rơi vào tình trạng tay trắng đi gom tiền. Lúc đó tôi hỏi vay bạn bè, người thân, mỗi người vay tạm một ít để lấp khoảng trống đó rồi kiếm tiền trả dần.

Tuy nhiên, khi người ta bàn giao nhà cho mình cũng bị lỗi rất nhiều thứ, đường nước không đảm bảo, ống nhước nhỏ nên hay bị bục, nền nhà, trần nhà cũng làm cẩu thả. Tôi lại phải mất thêm chi phí khoảng 7 – 8 triệu để sửa chữa lại lúc mới nhận nhà.

Đối với những người khác, có thể số tiền 7 – 8 triệu không lớn, rất dễ để thu xếp, nhưng với một người vừa mới nhận nhà, cập rập nhiều thứ phải dùng đến tiền thì 8 triệu là một số tiền rất lớn, để có được ngay là rất khó.

Nhưng nếu tôi không nhận nhà vì những lỗi này thì họ lại lùi thời hạn bàn giao nhà để sửa chữa.

Chờ như vậy sẽ càng lo lắng, sốt ruột nên tôi lại phải cố bằng cách vay lãi ngày giá cao để tự sửa những chỗ lỗi, nhanh hoàn thiện nhà.

Sau đó lại phải tìm cách cày cuốc kiếm từng đồng để trả lãi ngày và tìm cách vay mượn để trả khoản vay lãi này trước, bởi nếu không để lãi mẹ đẻ lãi con tôi sẽ phải bán nhà sớm.

Gánh khoản nợ 400 triệu đồng cộng thêm chục triệu tiền lãi để mua nhà Hà Nội

Tìm đủ mọi cách có thể để mua nhà Hà Nội và đến hôm nay, khi đã nhận nhà được gần 1 tháng, tôi đang phải gánh khoản nợ 400 triệu đồng, cộng với đó là khoản tiền lãi hơn 10 triệu đồng mỗi tháng.

Với khoản nợ lớn trên vai, nếu trời cho khỏe mạnh, không gặp biến động gì trong cuộc sống thì chắc phải 8 năm sau tôi mới trả hết nợ.

Còn hiện tại, trong vòng 10 ngày gần đây sau khi lấy nhà, tôi luôn trong tình trạng không có nổi vài chục nghìn đồng trong túi.

Tiền đi mượn về đến đâu tôi trả hết đến đó, nay trả tiền công thợ, mai trả tiền quạt trần, hôm sau trả tiền bộ bàn ghế, ngày họ lắp tủ bếp, ngày họ lắp sàn gỗ…

Hôm đó, sau khi trả các khoản mua sắm, sửa chữa cho căn nhà mới, trong túi tôi còn chưa đến 20 nghìn đồng.

Trong tủ lạnh không có rau, chỉ còn 3 quả trứng, gạo thì hết. Trên đường đi làm về nhìn thấy xăng xe ở mức “báo động đỏ” nhưng không dám đổ xăng mà dùng mấy đồng trong túi mua một bó rau và mấy cọng hành về rán trứng, luộc rau ăn bữa tối.

Sáng hôm sau đi làm, đến giữa đường xe tôi bị hết xăng, trong túi không có tiền và tôi phải đứng ngoài đường gọi điện cầu cứu anh bạn đồng nghiệp mua cho nửa lít xăng đến đổ vào đi đến công ty.

Nghe chuyện này nhiều người chậc lưỡi, vay đâu chẳng được mấy trăm để tiêu tạm, làm gì đến mức như vậy.

Nhưng hoàn cảnh của tôi lại khác, tôi đã vay tất cả những người xung quanh, những người có thể cho vay đã vay hết để trả tiền nhà, giờ không dám hỏi vay bạn bè khoản nhỏ nhặt vài trăm nghìn nữa nên tôi cố cầm cự đến ngày lấy lương.

Với tôi, để mua nhà Hà Nội là quá vất vả cho cả bản thân và bố mẹ tôi. Và có lẽ, tình trạng nợ ngập đầu khi mua nhà không phải mình tôi mà rất nhiều người gặp phải.

Bởi thường khi đi mua nhà ít ai có đủ tiền hoặc có ngần này lại muốn mua nhà cao hơn số tiền mình có nên dẫn đến nợ tiền là không tránh khỏi. Và cứ đuổi theo như vậy dẫn đến áp lực gánh lãi ngân hàng, kiếm tiền trả nợ.

Cho đến lúc này, khi thấy bố mẹ vất vả chạy vạy vay tiền giúp tôi làm tôi lại có suy nghĩ mình không nên mua nhà khi tiềm lực kinh tế còn non yếu.

Bởi, khi tôi còn thanh niên, với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ đi chi phí sinh hoạt, chi tiêu cho bản thân hàng tháng tôi vẫn biếu được bố mẹ vài triệu đồng.

Nhưng hiện nay, bản thân tôi khi mua sắm phải tính toán từng tý, không những không biếu bố mẹ được đồng nào mà bố mẹ còn phải giúp đỡ để tôi có tiền mua nhà Hà Nội.

Với công việc văn phòng hiện nay rất khó để tôi trả được hết nợ trong thời gian ngắn. Tôi chỉ biết cố gắng kiếm tiền bằng mọi cách, từ việc bán thêm giầy, túi xách trên mạng để kiếm thêm, cho tới việc chạy thêm xe ôm lúc tan tầm (từ 17 giờ 30 – 21 giờ 30) để có thêm chút tiền trả nợ.

Bây giờ tôi phải làm sao? 

Nguyễn Văn Trung/giadinhmoi.vn

Tin liên quan