Miễn cưỡng gửi con cho ông bà nội 1 tuần, khi gặp lại người mẹ cúi mặt vì nghĩ xấu cho bố mẹ

Thông thường, con dâu thường có những mâu thuẫn xung quanh việc chăm sóc trẻ nhỏ với bố mẹ chồng. Thế nhưng, bằng cách này hay cách khác thì tất cả đều muốn mang lại những gì tốt nhất cho con, cho cháu.

Khi nhắc tới chuyện chăm sóc trẻ em hiện nay, nhiều bố mẹ trẻ luôn nghĩ rằng kinh nghiệm của người già đã lỗi thời, cũ kỹ, không phù hợp để áp dụng. Vì thế, bần cùng bất đắc dĩ họ mới gửi con cho ông bà để đi làm.

Thậm chí, có nhiều bố mẹ trẻ, do có khả năng tài chính nên họ sẵn sàng bỏ tiền ra thuê giúp việc với mong muốn tìm được một người chăm con hoàn hào nhất. Họ không muốn nhờ tới ông bà vì nghĩ ông bà không đủ khả năng chăm cháu, dần dần, ông bà dần bị tách ra khỏi đứa trẻ. Họ quên mất rằng đứa cháu cũng là máu mủ ruột thịt của ông bà và người già luôn yêu thương con trẻ hơn bất kỳ ai khác.

Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây!

Cô Xuân và chồng đều là những người thành đạt trong công việc. Cô có một bé gái rất kháu khỉnh và cặp đôi luôn sắm sửa cho con những thứ tốt nhất như quần áo đẹp, đồ chơi mới, thức ăn ngon,... Khi cô trở lại làm việc sau khi sinh con, cô đã thuê một người trông trẻ giàu kinh nghiệm để chăm sóc con gái.

Người giữ trẻ rất chuyên nghiệp nên chăm sóc cô bé rất chu đáo. Vì vậy, con gái luôn ngoan ngoãn tươm tất hơn những đứa trẻ cùng trang lứa, điều này luôn khiến mẹ cô bé tự hào. Khi lớn hơn, con gái nhỏ được gửi đến một trường mẫu giáo quốc tế đắt đỏ.

Cha mẹ chồng sống ở vùng quê. Do luôn bận rộn nên cô chỉ đưa con gái về thăm ông bà vài lần trong năm. Ông bà rất vui mỗi khi cháu về thăm nhà. Họ bế con bé suốt và không hề buông tay. Nếu cháu nói thích ăn quả trên cây, ông 70 tuổi sẽ không nề hà nguy hiểm mà trèo ngay lên cây để hái.

Rồi sau khi cháu về, bà cứ gọi điện lên suốt và nói nhớ cháu lắm, cứ hỏi mãi cái câu: “Không biết khi nào có thể gặp lại cún con của nội đây?” Dù biết hai người già ở quê rất cô đơn, nhưng cả hai vợ chồng đều không thu xếp được thời gian.

Gần đây, hai vợ chồng cô Xuân nhận được thông báo từ trường của con là tạm thời trường không nhận giữ trẻ trong 1 tuần do tình hình mới. Hai vợ chồng không thể nghỉ ở nhà trông con. Chồng cô Xuân gợi ý gửi con gái cho ông bà nội vì dù sao họ cũng không còn chọn lựa nào khác. Thuê người bên ngoài cũng có thể họ có mang mầm bệnh. Cô Xuân thì đắn đo vì thực sự cô không muốn gửi con cho ông bà nội chút nào. Chồng cô thuyết phục vợ, dẫu sao ông bà cũng đã không gặp mặt cháu mình được nửa năm.

Cô Xuân gọi cho mẹ chồng trước vài ngày, và ông bà vui mừng khôn xiết, nhưng cô cảm thấy không được thoải mái. Đó là lần đầu tiên cô xa con trong một thời gian dài như vậy và cũng có một chút nghĩ ngợi, sợ ông bà chăm cháu không tốt, không biết chừng gặp lại cô con gái nhỏ sẽ rất nhem nhuốc bẩn thỉu cho mà xem.

Với tâm trạng đó, 7 ngày trôi qua chầm chậm, người mẹ trẻ ngày nào cũng gọi cho bà, ý tứ nhắc nhở về các vấn đề chăm cháu. Cô không nói chuyện với con vì sợ con đòi về. Đến ngày đón con, người mẹ lo lắng không biết con gái như thế nào. Đúng như dự đoán, cô Xuân không thể nhận ra con gái cưng của mình.

Đi đến đầu ngõ, cô thấy con bé đang ngồi trên máy kéo của ông, mặc một bộ đồ thêu tay xinh xắn, đang ca vang một bài hát đồng dao và trông vô cùng hạnh phúc. Cô bé được bà đội cho cái khăn trùm đầu đặc trưng của địa phương, còn tóc thì được buộc đuôi ngựa một cách duyên dáng. Trông cô bé thật xinh đẹp và rạng rỡ dưới ánh mặt trời.

Cô Xuân chưa bao giờ nghĩ rằng con gái mình sẽ xinh đẹp đến thế, có thể thấy rằng con bé đã được chăm sóc rất chu đáo. Thậm chí là khi ở với người trông trẻ, con gái cũng không phúng phính vui vẻ như thế. Tuy chỉ quấn quýt với ông bà vài ngày nhưng khi rời đi, trông con bé rất miễn cưỡng. Còn bà nội thì mắt đỏ hoe, bà giả vờ mắng yêu và đuổi cháu gái đi vì ông bà mệt quá. Bà từng nói rằng niềm vui ở tuổi xế chiều của ông bà là nghe tiếng trẻ con ngọng nghịu.

Cô Xuân cảm thấy thương cha mẹ chồng vô cùng. Họ lúc nào cũng nồng ấm và nhiệt tình, trong khi cô luôn dùng những nguyên tắc cứng nhắc của mình để nhắc ông bà. Chẳng hạn như lúc về nhà chồng chơi khi mới sinh con vài tháng, cô khó chịu khi mẹ chồng nói rằng bé khóc lúc nào thì cho bú lúc đó. Trong khi cô học tiền sản thì bác sĩ bảo phải thiết lập thời gian bú cho bé thành thói quen.

Hay khi cô để bé ọ ẹ khóc, ông bà cứ chực chờ dỗ dành còn cô thì không chi vì muốn rèn con tính tự lập… Nghĩ lại cô Xuân cảm thấy xấu hổ với cha mẹ chồng quá. Họ chỉ muốn điều tốt nhất cho con cho cháu, còn cô thì quá cứng nhắc. Cũng may ông bà không để bụng.

Thời gian ông bà gần gũi cháu còn được bao nhiêu nữa đâu. Cô quyết định bàn với chồng sắp xếp đưa con về chơi với ông bà nhiều hơn, hoặc đón hai người già về sống chung, để ông bà luôn có thể nhìn thấy cháu gái yêu quý.

Bạn nghĩ như thế nào về câu chuyện trên?

Chớ nghĩ rằng ông bà chăm cháu là nỗi mệt nhọc và vất vả với người già, bởi đó là niềm vui và sự ấm áp. Đừng coi thường những kinh nghiệm chăm trẻ của người già, dù ông bà đã già, có nhiều chuyện nghĩ không thông hay lạc hậu thì chẳng phải ông bà đã nuôi nấng chính chúng ta lớn lên khỏe mạnh, nên người hay sao.

Cháu nhỏ có thể làm cho ông bà vui vẻ, cuộc sống tươi mới hơn, khiến những tháng ngày đìu hiu trở nên không còn buồn chán với những sắc màu rực rỡ nhất. Và ngược lại, đứa trẻ sẽ được sống trong tình thương yêu ấm áp của ông bà.

Thạch Thảo/giadinhmoi.vn