Phụ nữ khi mang thai, chuẩn bị làm mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để tự chăm sóc cho bản thân cũng như thai nhi, đặc biệt là các mẹ trẻ mang thai lần đầu, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Những điều mẹ bầu cần biết khi mang thai lần đầu bao gồm chế độ dinh dưỡng đúng chuẩn, triệu chứng và cách xử lý những biến chứng trong thai kỳ, những lưu ý trong cuộc sống hàng ngày, dấu hiệu sắp sinh...
Trong đó, vấn đề dinh dưỡng cho bà bầu được rất nhiều người quan tâm. Bởi, mẹ bầu hiện đại ăn uống không chỉ để bồi bổ cho con mà còn phải đảm bảo mẹ tăng cân đúng chuẩn, tăng cường sức khỏe cho cả mẹ và bé.
ThS.BS Mai Trọng Hưng, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng, yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất để quyết định sức khỏe của cả mẹ và bé.
Một chế độ dinh dưỡng tốt cho mẹ và bé được hiểu là chế độ ăn đủ số lượng và chất lượng, với những thực phẩm ăn hàng ngày phải kiểm soát được nguồn gốc, thực phẩm đảm bảo sạch và an toàn, đảm bảo ăn chín uống sôi. Với các thực phẩm cần tăng cường bổ sung gồm rau xanh, hoa quả, thực phẩm giàu tinh bột, thực phẩm giàu protein…
Bà bầu không chỉ cần chú ý đến vấn đề dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai mà còn phải lưu tâm đến dinh dưỡng trước khi mang thai.
Trong giai đoạn chuẩn bị để làm mẹ, chị em cần tránh những thực phẩm ô nhiễm, thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các thực phẩm ướp muối, thực phẩm chứa các chất kích thích như rượu, bia, cà phê... và đặc biệt cần tránh xa khói thuốc lá.
Bởi nhiều nghiên cứu khoa học học đã chỉ ra rằng, rượu và thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây ra sinh non và sảy thai.
Siêu âm thai nhi ở tuần 12 đến tuần 13: Đây là mốc chính để siêu âm khám thai và bắt đầu phát hiện những bất thường về mặt hình thái của thai nhi. Ở tuần thứ 12 có thể phát hiện một số dị tật ở vùng đầu cổ của thai nhi như: thai vô sọ, thoát vị não…
Siêu âm thai nhi ở tuần thứ 18: Ở tuần thai này, bác sĩ tiến hành siêu âm có thể quan sát được gần hết các hình thái của em bé khi ở trong bụng mẹ như quan sát cấu trúc của não, quan sát cấu trúc của tim, phổi, gan, thận, ruột… của em bé.
Siêu âm thai nhi từ tuần 28 đến tuần 32: Thời điểm này bác sĩ sẽ theo dõi những dấu hiệu bất thường của thai nhi ở cấu trúc não, phần lồng ngực và phần ổ bụng. Bên cạnh đó, siêu âm ở thời điểm này còn giúp đánh giá nuôi dưỡng, phát triển của em bé trong tử cung.
Đồng thời, nhận biết được tình trạng phát triển của tử cung là nhanh hay chậm, đánh giá một số khối u tim bắt đầu xuất hiện ở quý thứ 3 của thai kỳ, đánh giá chức năng của tim, với các bệnh thường gặp như hở van tim, hẹp van tim…
Mỗi bà bầu lại có những dấu hiệu chuyển dạ khác nhau. Tuy nhiên, các bà bầu cần lưu ý những dấu hiệu dưới đây để đến viện kịp thời, tránh nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé.
Thai nhi giảm chuyển động và bụng mẹ tụt xuống: Vài tuần trước khi sinh bụng của mẹ bầu tụt xuống thấp hơn trước rất nhiều. Hơn nữa, ở thời điểm này, các bé bắt đầu quay đầu xuống vùng xương chậu ở vị trí thấp và nằm ở vị trí này bé sẽ giảm chuyển động hơn trước.
Đi tiểu thường xuyên hơn: Ở thời điểm sắp sinh, mẹ bầu sẽ đi tiểu thường xuyên hơn do đầu của bé chèn ép lên bàng quang ở mức độ lớn, mẹ cũng sẽ cảm thấy nặng nề hơn.
Chuột rút và đau lưng nặng hơn: Những tuần cuối của thai kỳ, thai nhi đang trong quá trình di chuyển xuống vùng xương chậu của mẹ, các khớp xương và cơ ở hai bên háng bị chuột rút và kéo căng liên tục khiến bà bầu đau lưng, tê bại khớp háng.
Xuất hiện các cơn đau bụng: Thời điểm sắp sinh mẹ bầu thường xuất hiện các cơn đau bụng. Cơn đau có thể bắt đầu từ phần dưới lưng, lan sang vùng bụng dưới và 2 chân. Các cơn đau sẽ đến liên tục và mạnh hơn dù bà bầu đã thay đổi tư thế nằm, ngồi.
Ra máu báo: Vùng kín của bà bầu xuất hiện nhiều chất dịch nhầy đặc dính hơn bình thường, có chút máu hồng. Đây là dấu hiệu cho thấy mẹ bầu sắp chuyển dạ sinh con.