Thấy con liên tục bị táo bón, ăn mãi không lên cân nên nhiều cha mẹ lựa chọn cách tháo thụt đại tràng cho bé để giúp loại bỏ các chất cặn bã, độc tố khỏi cơ thể. Cách làm này có thực sự hiệu quả?
Chị Lê Thị Hiếu (32 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) luôn đau đầu vì cô con gái 7 tuổi suốt ngày bị táo bón. Cả tuần bé chỉ đi ngoài 1 – 2 lần, phân thì khô cứng, mỗi lần đi ngoài bé phải dùng hết sức để rặn, toát mồ hôi mới ra được. Thậm chí, có những lúc vì rặn quá sức mà bé bị rách, chảy máu hậu môn, dẫn đến đau rát khó chịu.
Vì hay bị táo bón nên con chậm lớn, thấp còi hơn các bạn cùng trang lứa, mặt luôn cau có, khó chịu, ăn ngủ kém.
Nghĩ rằng trẻ cũng như người lớn, khi bị táo bón thì đường ruột không được thông thoáng, sạch sẽ, dễ sinh ra bệnh tật, gây hại cho sức khỏe của con. Vậy nên, chị Hiếu thực hiện làm sạch đường tiêu hóa cho con bằng cách tháo thụt đại tràng.
“Bản thân tôi cũng thường thực hiện tháo thụt thải độc đại tràng, mỗi lần thực hiện tôi thấy bụng nhẹ hơn hẳn, cơ thể dễ chịu.
Đấy là tôi không có bệnh gì mà khi tháo thụt thải độc đại tràng còn thấy cơ mình tích tụ nhiều cặn bã, độc tố, nếu không được loại bỏ cơ thể sinh bệnh chỉ là tương lai gần.
Bản thân mình là người lớn bị tích tụ cặn bã trong người còn khó chịu nữa là trẻ nhỏ. Vậy nên tôi cũng tìm cách thải độc đại tràng cho con bằng các cách như dùng thuốc thụt, dụng cụ thụt, thụt mật ong vào hậu môn của con và tăng cường cho con uống các loại nước hỗn hợp hoa quả tự chế có tác dụng thải độc cơ thể” – chị Hiếu chia sẻ.
Khi được hỏi về phương pháp tháo thụt thải độc đại tràng cho trẻ, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc cha mẹ tự ý thụt hậu môn, tháo thụt đại tràng cho trẻ sẽ để hại hậu quả nghiêm trọng.
Hệ tiêu hóa của trẻ rất non nớt và chưa hoàn thiện đầy đủ, khu vực hậu môn, đại tràng của trẻ rất nhậy cảm, những tác động từ bên ngoài vào rất dễ làm trẻ bị tổn thương.
Việc lạm dụng thuốc thụt nhiều khiến khu vực hậu môn bị bỏng rát, lâu ngày dẫn đến mất phản xạ đi cầu ở trẻ, trẻ gặp phải tình trạng ị đùn, đi ngoài không kiểm soát…
Hơn nữa, việc sử dụng thuốc thụt, dùng mật ong bơm vào hậu môn chỉ có tác dụng hỗ trợ làm mềm phân, hỗ trợ làm giảm táo bón cho trẻ, chứ không có tác dụng điều trị táo bón, thải độc cho cơ thể.
Bản thân cơ thể mỗi người, kể cả trẻ nhỏ đã có các bộ phận tự làm sạch, bài tiết các chất cặn bã, chất độc cho cho cơ thể như qua gan, thận, qua da bằng cách bài tiết mồ hôi…
Vậy nên, không cần thiết phải làm các biện pháp thải độc cơ thể như tháo thụt thải độc đại tràng, nhịn ăn thải độc, uống các loại nước detox thải độc cơ thể…
Làm như vậy, nhất là với trẻ nhỏ sẽ làm mất cần bằng lợi khuẩn trong bộ máy tiêu hóa, làm cho cơ thể mất nước, mất điện giải, gây rối loạn tiêu hóa…, tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Hơn nữa, táo bón cũng gây ra tình trạng chán ăn của trẻ, vì ăn vào lại không ra được làm trẻ khó chịu, chán ăn, sợ ăn, tình trạng này kéo dài làm trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, hay cáu bẳn, quấy khóc, ngủ không ngon…
Khi trẻ bị táo bón, bác sĩ Dũng cũng khuyến cáo không nên tháo thụ thường xuyên cho trẻ. Nếu trẻ bị táo bón quá nặng, một tuần không đi vệ sinh thì nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để bác sĩ thăm khám và sẽ thực hiện cho trẻ.
Cha mẹ cũng không nên khuyến khích trẻ rặn quá sức. Bởi khi bị táo bón phân của trẻ thường khô rắn và to, rặn quá mức làm nứt, rách kẽ hậu môn gây đau rát, chảy máu và làm trẻ sợ, không dám đi ngoài, nhịn đi tiêu lâu ngày lại sinh táo bón nặng nề hơn, trẻ còn có thể gặp phải tình trạng sa trực tràng, trĩ… Thay vào đó, cha mẹ nên massge nhẹ nhàng vùng bụng cho trẻ để kích thích đại tràng.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt cho trẻ, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Trường hợp sữa mẹ không đủ, mẹ không có sữa phải dùng sữa bột thay thế thì cha mẹ nên thay đổi loại sữa phù hợp với thể trạng của trẻ để giảm táo bón.
Với những trẻ lớn hơn, có thể ăn thức ăn bổ sung thì cha mẹ cần đảm bảo bữa ăn của trẻ phải đa dạng các loại thực phẩm, có đầy đủ chất đạm, bột, béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Nhắc trẻ uống nhiều nước, có thể cho trẻ uống thêm nước ép hoa quả, sinh tố hoa quả giúp bổ sung chất xơ và vitamin cho trẻ.
Bên cạnh điều chỉnh chế độ ăn uống cho con, cha mẹ cũng cần tập cho con phản xạ đi vệ sinh mỗi ngày vào một giờ cố định để tập thói quen đi ngoài mỗi ngày, tránh nhịn tiêu, mải chơi quên đi tiêu gây ra táo bón.
Sau khi trẻ đi vệ sinh, cha mẹ nên dùng nước sạch để rửa cho con, cách này vừa giúp giảm viêm nhiễm, vừa giúp trẻ cảm thấy dịu mát, không bị đau rát, khó chịu khi phải cọ xát với giấy vệ sinh.