Dù được bảo hiểm chi trả toàn bộ khi về Nhật Bản điều trị và công ty đã có bảo hiểm ở một bệnh viện quốc tế, nhưng ông Udagawa KemlChi người Nhật Bản vẫn lựa chọn Bệnh viện K làm nơi điều trị ung thư.
Ông Udagawa KemlChi sinh sống và làm việc tại Việt Nam 8 năm, là kỹ sư làm việc tại Công ty xây dựng Kanto. Với tình trạng đau tức bụng dưới một thời gian dài, đau rát hậu môn, khó khăn trong đại tiện, ông KemlChi vẫn nghĩ đó là biểu hiện của bệnh lý thông thường đường tiêu hóa nên không đi kiểm tra.
Cho đến khi thấy hiện tượng đi ngoài ra máu gia đình mới đưa bệnh nhân tới khám. Sau khi làm các xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm, nội soi, bác sĩ bệnh viện K chẩn đoán ông bị ung thư trực tràng giai đoạn tiến triển.
Ngay sau đó phác đồ đa mô thức chuẩn trong điều trị ung thư đại tràng đã được đưa ra cho bệnh nhân. Ông KemlChi được chỉ định điều trị hóa xạ trị tiền phẫu, sau đó sẽ phẫu thuật trực tràng.
Kíp phẫu thuật gồm TS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng I cùng các bác sĩ trong khoa và kíp gây mê đã tiến hành phẫu thuật Miles cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật được đánh giá phức tạp bởi khối u tương đối lớn xâm lấn thành chậu, việc phẫu tích gặp nhiều khó khăn, ê-kíp phải thắt mạch máu và chậu trong. Các bác sĩ lấy trọn vẹn được khối u 4x5cm.
Được biết, bệnh nhân sinh sống và làm việc tại Việt Nam 8 năm, là kỹ sư làm việc tại Công ty xây dựng Kanto. Khi biết mình mắc căn bệnh ung thư trực tràng, ông vẫn quyết định lựa chọn điều trị tại bệnh viện K mặc dù có bảo hiểm tại Nhật Bản.
Bà Q. (vợ bệnh nhân KemlChi) chia sẻ: “Nếu quay trở về Nhật Bản, ông sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí trong quá trình điều trị.
Tại Việt Nam, ông cũng có bảo hiểm ở bệnh viện quốc tế do công ty hỗ trợ nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết tâm chữa trị tại đây. Chúng tôi tin tưởng vào trình độ chuyên môn, trang thiết bị y tế, kỹ thuật tiên tiến mà các bác sĩ bệnh viện K áp dụng trong điều trị ung thư”.
Thời gian qua, bệnh viện K đã khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân là người nước ngoài mang các quốc tịch như Lào, Campuchia, Hàn Quốc..... Đây có lẽ là nguồn động viên tinh thần rất lớn với các bác sĩ, khi bệnh viện K đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong việc tầm soát, khám và điều trị bệnh lý ung bướu.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện K, ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với những bệnh lý đường tiêu hóa khác như: chán ăn, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, nôn, buồn nôn, táo bón, đi ngoài ra máu, cảm giác mệt mỏi, cân nặng sụt giảm…
Do vậy ngay khi thấy những biểu hiện bất thường trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế thăm khám để được tư vấn, điều trị kịp thời.