Những dấu hiệu thầm lặng của ung thư đại trực tràng dễ bị bỏ qua
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, tỉ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng của nước ta cao thứ 3 - 4 và đang có xu hướng gia tăng mạnh. Theo số liệu thống kê 5 tháng đầu năm 2018 của khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, trong tổng số 2.437 ca nội soi đại trực tràng thì có tới 247 ca có polyp chiếm khoảng 10%.
Đáng báo động là số ca phát hiện bị ung thư đại trực tràng có xu hướng gia tăng: 47 bệnh nhân và độ tuổi chiếm đa số từ 50 tuổi trở lên. Đặc biệt trong số các bệnh nhân phát hiện bị mắc ung thư có nhiều bệnh nhân đây là lần nội soi đại trực tràng đầu tiên của họ và cũng đồng nghĩa tình trạng ung thư đang ở giai đoạn nặng.
Cũng theo các bác sĩ, khi ở độ tuổi 50, mọi người có nhiều nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Thông thường, phần lớn ung thư đại trực tràng được phát hiện ở bệnh nhân trên 50 tuổi. Tuy nhiên, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, vì thế việc quan trọng nhất là biết cách phát hiện và điều trị sớm khi ung thư ở gia đoạn đầu.
So với các loại ung thư khác, ung thư đại trực tràng có những dấu hiệu âm thầm, rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý đường tiêu hoá thông thường. Một số bệnh nhân chỉ có biểu hiện như rối loạn lưu thông ruột với việc thay đổi thói quen đại tiện nên rất dễ bị bỏ qua.
Theo bác sĩ, mọi người nên chú ý những thay đổi của thói quen đại tiện, thay đổi giờ giấc đi ngoài, số lần đi ngoài trong ngày. Nếu bệnh nhân khi táo bón hay bị đi ngoài phân lỏng hoặc xen kẽ cả hai cần nghĩ ngay đến ung thư trực tràng và kiểm tra sớm.
Hoặc khi có biểu hiện như đi ngoài nhầy máu, theo bác sĩ, đây vốn được coi là triệu chứng hay gặp nhất và dấu hiệu thông báo quan trọng nhất của ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, dấu hiệu này thường dễ bị nhầm sang bệnh lỵ hoặc viêm đại trực tràng, trĩ.
Ngoài ra, một số biểu hiện dễ nhầm lẫn khác như đau vùng hạ vị, buồn đi ngoài, cảm giác đi ngoài không hết phân… là những dấu hiệu hay gặp nhưng dễ bỏ qua.
Bác sĩ cảnh báo, mọi người cũng cần chú ý dấu hiệu thay đổi khuôn phân: phân có thể bị dẹt, vẹt góc hoặc có những rãnh, những vết trên khuôn phân vì có thể chúng được tạo ra do khối u ở trực tràng.
Bên cạnh đó, dấu hiệu thông báo ung thư đại trực tràng còn có: thiếu máu do bệnh nhân bị mất máu do chảy máu trực tràng kéo dài, da xanh, niêm mạc nhợt, xét nghiệm thấy giảm hồng cầu, huyết sắc tố hoặc gầy sút, suy nhược.
Nội soi - cách tốt nhất phát hiện ung thư đại trực tràng
Ban đầu, ở đại trực tràng của bệnh nhân sẽ hình thành polyp, polyp này sẽ biến chứng thành tế bào ung thư nếu không điều trị kịp thời. Do polyp là mầm ung thư nên việc phát hiện và cắt polyp qua nội soi là cách phòng ngừa ung thư đại trực tràng hiệu quả nhất và bệnh nhân không phải hóa trị, xạ trị.
Theo bác sĩ Tẩn A Pao - Chuyên khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, để tránh những biến chứng nguy hiểm và điều trị với chi phí cao, bệnh nhân nên tầm soát trước khi bệnh có triệu chứng.
Khi bắt đầu bước sang tuổi 50, người dân nên thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng định kỳ bằng phương pháp nội soi trực tràng, đại tràng hàng năm. Nội soi đại trực tràng là “phương pháp vàng” để phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Những bệnh nhân tiền sử có polyp đại trực tràng, viêm loét đại trực tràng, đã từng cắt polyp đại trực tràng, có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao cần theo dõi sức khỏe định kỳ.
Ngoài ra người có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao gồm những người nằm trong nhóm các hội chứng di truyền ung thư đại trực tràng, những người thuộc nhóm này cần tầm soát ung thư đại trực tràng thường xuyên.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Ung thư đại trực tràng: Kẻ giết người thầm lặng tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].