Kinh nghiệm sống ở Sài Gòn với thu nhập 10 triệu/tháng và cách tổ chức đám cưới trong mơ

Loay hoay giữa Sài Thành gần 10 năm, từ cô nàng nhân viên văn phòng lương 3 triệu, đến giờ cũng đã đạt mức lương 10 triệu. Tôi đã sống và có đám cưới trong mơ của mình như thế nào?

Loay hoay giữa Sài Thành gần 10 năm, từ cô nàng nhân viên văn phòng lương 3 triệu, đến giờ cũng đã đạt mức lương 10 triệu. Thế nhưng, so với bạn bè cùng trang lứa, tôi khá tự ti vì thu nhập của mình. Thậm chí, ngoài nuôi sống bản thân tôi còn phải nuôi em gái đang học đại học và phụ giúp gia đình.

Đến thời điểm trọng đại của cuộc đời – Kết hôn, tôi đã may mắn gặp được người đồng điệu. Một anh chàng kiến trúc sư, thu nhập 12 triệu/tháng. Hiện đang nuôi một cậu em vẫn còn đi học. Chúng tôi đã tính đến hôn nhân nên đã thông qua sự đồng ý của hai bên gia đình, sau đó bắt đầu chuẩn bị mọi thứcho cuộc sống và cho đám cưới.

Nếu như đã dám mơ về đám cưới, bạn cũng phải dám bắt tay vào chuẩn bị từng bước một. Dưới đây là cách cặp đôi 9x lên kế hoạch cho tương lai của mình.

Lập kế hoạch tài chính cho đám cưới

Bắt đầu xác định đám cưới của bạn sẽ như thế nào? Diễn ra ở đâu, thời điểm nào và danh sách những thứ cần cho đám cưới ? Số tiền cần và đủ để chi cho lễ cưới của mình?  Khi đó, hãy lên một kế hoạch ngắn hạn, dài hạn cho lễ cưới và một kế hoạch tài chính thông minh.

1.    Lên danh sách những thứ cần cho đám cưới

Để chuẩn bị cho một đám cưới đơn giản nhưng không thiếu bất kỳ một bước nào. Bạn cần phải lập một danh sách những thứ cần thiết. Từ vật dụng, đồ cưới, nhà hàng, phương tiện, số lượng khách,.... Tất tần tật những phần việc chuẩn bị cho đám cưới. Thậm chí tính đến những tình huống bất ngờ, chi phí phát sinh.

2.    Tính ngân sách cho lễ cưới

Bắt đầu khảo sát thị trường và tính toán tất cả các chi phí cho lễ cưới. Đương nhiên, chúng ta không có nhiều tiền. Vậy nên tôi khuyên bạn nên chọn những thời điểm không thu hút đông người tổ chức cưới.

Bởi vì thời gian đó, chắc chắn dịch vụ tiệc cưới sẽ tăng giá rất cao. Hãy tính thật kỹ mức tiền gần đúng nhất, và dự trù cho những dịch vụ có khả năng sẽ tăng giá trong thời gian tới. Và cần thiết phải tham khảo ý kiến của những người đã cưới trước đó để có những lời khuyên tốt.

3.    Bắt tay vào kế hoạch tiết kiệm cho đám cưới

Nguồn ảnh: Ảnh cưới của cặp đôi Ngọc Linh - Mỹ Linh

Không chi nhiều thứ trong một lúc là quyết sách hàng đầu khi chúng ta chuẩn bị kế hoạch cưới. Nếu như trong một tháng bạn phải chuẩn bị tất cả những khoản từ quần áo, vật dụng, chụp ảnh,... Bạn sẽ khó lòng đảm bảo được khoản tiền hiện tại của mình đủ cho tất cả mọi thứ.

Để giảm áp lực tiền bạc và phân bổ thời gian cho công việc, cuộc sống. Bạn nên chia đều cho các tháng. Giả sử bạn dự định sang năm cưới. Tức bạn có tối đa 12 tháng để chuẩn bị. Hãy chọn những thứ có thể làm trước, đến thời điểm cưới vẫn không lỡ. Giờ chúng ta sẽ chuẩn bị theo cách của tôi:

Mở tài khoản tiết kiệm

Khi bắt đầu có dự định tiến tới hôn nhân, chúng tôi đã cùng nhau mở 2 tài khoản tiết kiệm kỳ hạn 2 tháng. Thay vì 1 tháng để có lãi suất tương đối tốt và đáp ứng nhu cầu thanh toán ngắn hạn của tôi vào mỗi tháng, mỗi lần chi tiền chỉ tất toán 1 tài khoản, số tiền trong tài khoản còn lại vẫn không bị ảnh hưởng.

Chúng tôi đều nhận lương từ ngày 10, sau khi chi trả và giữ lại số tiền sử dụng cho mỗi tháng, từ 15/10/2020 tôi gửi gói 1 kỳ hạn 2 tháng, 15/11/2020 tôi gửi gói 2 kỳ hạn 2 tháng, từ đó mỗi tháng kế tiếp tôi sẽ gửi thêm tiền vào đúng ngày đáo hạn của gói tiết kiệm. Và chi phí chuẩn bị đám cưới đều được chi sau ngày 15. Kế hoạch của chúng tôi là chuẩn bị chu toàn và sẳn sàng cho đám cưới vào tháng 6/2021.

Chọn thời gian, địa điểm chụp ảnh cưới tiết kiệm nhất

Tận dụng thời gian nghỉ lễ để chụp hình cưới. Chúng tôi đã chọn dịp Lễ 30/4, vì đây là thời điểm được nghỉ nhiều ngày. Hoặc bạn có thể chọn chụp hình vào các tháng thấp điểm, chụp ảnh cưới trái mùa cưới.

Tiếp đến bạn nên chọn một địa điểm chụp đẹp nhưng mức phí không cao. Không nhất thiết phải ở Tp Hồ Chí Minh, có thể chọn một studio ngoài thành phố, tận dụng địa điểm gần nhà người quen để không tốn thêm chi phí khác và đăng ký gói chụp ảnh giá rẻ nhưng chất lượng không kém so với Sài Thành. Chủ yếu, chúng ta biết tìm studio chất lượng giá cả hợp với túi tiền.

Mua đồ cưới hàng thanh lý

Bạn có thể tham gia vào hội thanh lý váy cô dâu, hầu hết sản phẩm chỉ mặc một lần. Tôi đã rất hài lòng khi được xem trực tiếp hàng và mặc thử. Chúng tôi đã mua lại váy cưới chỉ với 1-2 triệu/bộ tặng kèm phụ kiện cô dâu. Rẻ gần một nửa so với thuê và rất nhiều so với mua mới. Nếu như bạn không ngại, hãy dùng cách này. Còn một cách thứ hai nữa mà chắc hẳn rất nhiều bạn trẻ biết, đó săn sale váy cưới. Kết thúc lễ cưới có thể thanh lý lại cho người sau.

Ngoài ra, với áo dài cưới, bạn hoàn toàn có thể đặt may. Áo dài thì chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để mặc. Điều quan trọng hãy đặt may đơn giản, tiết kiệm, lại thể hiện phong cách truyền thống vừa hiện đại cho lễ cưới của bạn.

Còn với vest của chú rể thì cũng không khó để săn sale. Theo như đã khảo sát, xét về mặt lâu dài thì việc thuê còn đắt hơn nhiều. Với giá tiền đó, chúng ta nên mua một bộ vest hẳn sẽ tiết kiệm hơn, nếu lựa chọn thời điểm để mua khi được khuyến mãi bạn sẽ được bộ đầy đủ bao gồm vest, áo sơ mi, quần tây, ghi-lê, cà-vạt. Như vậy, bạn sẽ sở hữu được bộ vest riêng. Nếu như sau khi cưới không muốn dùng tiếp vẫn có thể thanh lý để thu lại tiền.

Ngoài ra còn có những vật dụng khác: Giày cưới, thiệp cưới, hoặc dịch vụ trang điểm,... đều lựa chọn săn sale và hình thức đơn giản nhất để thực hiện. Không cầu kỳ nhưng cũng phải theo phong cách mà cả hai thích.

Thương lượng với nhà hàng, đơn vị tổ chức tiệc cưới

Với khâu này thì cũng rất khó khăn, bạn sẽ phải cân nhắc thật kỹ số lượng khách, vị trí và uy tín nhà hàng, lựa chọn món ăn, hình thức tổ chức để tiến tới lựa chọn nhà hàng phù hợp nhất với các yêu cầu.Bởi vì sẽ tổ chức cho nhà trai, nhà gái và lễ báo hỷ.

Theo tính toán của hai bên gia đình. Nhà gái sẽ tiến hành đãi tiệc trước tại quê cô dâu, thanh toán phí sau. Phần này cũng rất phù hợp, ở tỉnh chúng ta tổ chức tiệc tại nhà sau đó dùng tiền mừng cưới để chi trả, và có thể thương lượng không cần phải đặt cọc. Nhà trai cũng sẽ đặt cọc tiệc cưới trước 1 tuần, phần còn lại thanh toán sau. Tiệc báo hỷ sẽ tổ chức sau khi 2 lễ cưới hoàn tất, lúc này không còn áp lực tài chính nào nữa.

Cả một quá trình đều cần sự thương lượng của bạn, đừng quá nóng vội. Hãy tìm đơn vị tổ chức uy tín, giá cả phải chăng để liên hệ đặt tiệc. Họ sẽ thông cảm nếu bạn có khả năng giao tiếp thật tinh tế.

Không nên tự gây áp lực cho mình và gia đình. Chúng ta có thể đi từng bước để thực hiện. Dù khả năng tài chính của bạn hạn hẹp cũng đừng vội nản lòng. Cứ mỗi tháng chuẩn bị một ít, đến đúng thời gian tất cả sẽ tốt đẹp. Quan trọng đôi bên đủ tin tưởng và cố gắng cùng nhau.

Chi tiêu cho cuộc sống tiết kiệm hợp lý

Cuộc sống chất lượng là điều mà bất kỳ ai đều mong muốn có được. Chúng tôi quan niệm, cuộc sống phải đáp ứng các nhu cầu cơ bản thì mới có thể nghĩ đến nhu cầu cao hơn. Hãy chăm sóc tốt cho bản thân, dù bạn không có quá nhiều tiền bằng cách sau đây:

1.    Chỉ mua khi cần

Dù cho là thức ăn, quần áo, vật dụng trong gia đình,...  khi cần thiết chúng ta nên lên một danh sách để mua. Trong một buổi ăn, không nên quá keo kiệt với chính mình, bạn có thể ăn thịt, cá, trứng, rau củ quả,... Cứ chia buổi để đảm bảo đủ dưỡng chất mà không quá xa hoa phung phí.

Luôn đi chợ cho 3-7 ngày, để đảm bảo khoảng chi tiêu mỗi tuần, mỗi tháng. Đặc biệt, các nhu yếu phẩm khác, ngoài thực phẩm vẫn có thể săn sale định kỳ.

Hạn chế ăn ngoài, đi chơi, du lịch trong thời điểm này. Bởi vì bạn có thể chọn du lịch cùng nhau sau đó. Trừ khi vì mục đích công việc, nếu không hãy cố gắng không tiêu khi không cần thiết.

2.    Thanh toán bằng ví điện tử

Không cần rút tiền mặt, bạn có thể sử dụng app để thanh toán, như vậy sẽ tận dụng được các phiếu mua hàng. Tiết kiệm được một khoản lớn. Đồng thời hiện tại chúng ta đều mua đồ ở cửa hàng tiện lợi và siêu thị. Đó chính là cơ hội để bạn tích thêm điểm và hưởng nhiều chương trình khuyến mãi khi thanh toán bằng ví điện tử.

Ngoài ra bạn còn có thể mua hàng online, cơ hội săn sale ở các trang thương mại điện tử rất nhiều. Tỷ như Shopee, Lazada, Tiki,… Tiết kiệm hơn nhiều so với mua trực tiếp.

3.    Về chung một nhà

Để không mất nhiều chi phí phòng ở, chúng tôi đã về chung một nhà sau khi bàn bạc với gia đình hai bên. Kế hoạch cụ thể là đăng ký kết hôn trước và tổ chức đám cưới sau. Nếu như gia đình hiện đại thì cách làm này tiết kiệm được một phần chi phí thuê phòng trọ (đối với người không có nhà). Thậm chí, khi về chung một nhà còn giảm được tiền đi chơi, tiền di chuyển,... chọn được môi trường sống tốt hơn, gắn kết mối quan hệ đôi bên.

4.    Khoản đầu tư cá nhân

Nếu như bạn cảm thấy chỉ đang chi và không có thu nhập khác ngoài công việc. Hãy thử tính đến việc kinh doanh. Bởi vì nếu bạn có khả năng buôn bán, bạn sẽ phát triển rất tốt.

Chúng tôi đã mở một cửa hàng online bán đồ ăn vặt, món chính là “Khô bò nhà làm”. Với sự cố gắng, mỗi đơn hàng cũng thu về 50-150 nghìn đồng. Ngoài ra, bạn còn có thể kết hợp với một số ứng dụng bán hàng để tăng thu nhập.

5.    Chăm sóc sức khỏe và làm đẹp trước hôn nhân

Bất kỳ một cô dâu nào cũng muốn mình được đẹp nhất trong ngày cưới. Nếu lo lắng buồn phiền khiến bạn mất ăn, mất ngủ. Dẫn đến trạng thái không tốt lúc kết hôn. Chúng tôi đã dùng cách “Cùng nhau tập luyện và làm đẹp”.

Chúng tôi đã cùng đăng ký một gói tập thể thao, rèn luyện sức khỏe. Trước khi mua đã tìm hiểu kỹ để tối ưu chi phí, tận dụng voucher giảm giá và kèm thêm người đi cùng. Sẽ deal được giá tốt và tặng thêm tháng tập luyện.

Ngoài ra, chúng ta có thể chăm sóc sắc đẹp với những sản phẩm từ thiên nhiên, tự làm tại nhà. Các sản phẩm dưỡng da bình dân, không dùng mỹ phẩm đắt tiền, chỉ cần bạn có cuộc sống cùng nhau vui vẻ, ngủ sớm, luyện tập và ăn những món tốt cho sức khỏe. Tự khắc cơ thể bạn sẽ thoải mái và da dẻ hồng hào hơn. Như vậy, đến thời điểm kết hôn cũng sẽ là đôi vợ chồng trai tài gái sắc.

Với tổng thu nhập mỗi tháng 22 triệu chi tiêu cho 4 người gồm tất cả chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ. Đối với mức chi phí cần cho đám cưới khoảng 100 triệu là khá áp lực.

Tuy nhiên, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn nếu như biết tận dụng thời gian để thực hiện và chi tiêu thật hợp lý mỗi ngày. Hãy thử làm cách này, chúng tôi đã thành công, còn bạn thì sao?

Người dự thi: Lê Thị Mỹ Linh (29 tuổi, TP. HCM)

Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY


Tin liên quan