Lương y Nguyễn Thanh Thúy, tốt nghiệp học viện Y dược học cổ truyền, có kinh nghiệm gần 30 năm làm việc tại Phòng khám Ích Thọ Đường (Hà Nội), mách bạn cách chữa hội chứng ruột kích thích bằng những thảo dược dễ tìm.
Có thời gian làm việc tại phòng khám Đông Y Ích Thọ Đường tại Hà Nội gần 30 năm, điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích, Lương y Nguyễn Thanh Thúy cho rằng cần hiểu đúng về chứng bệnh này, từ đó mới có phương án điều trị đúng.
Theo triết lý của Đông Y, mọi vật chất trong tự nhiên tuân theo thuyết “Ngũ hành tương sinh”. Cơ thể con người cũng theo quy luật đó, thể hiện qua việc có ngũ tạng, các tạng phủ có liên quan mật thiết đến nhau, bệnh ở bộ phận này ảnh hưởng đến bộ phận khác, từ đó ảnh hưởng đến thể trạng chung của con người.
Nguyên nhân của người bị chứng ruột kích thích là do tỳ hư – tức là hệ tiêu hóa yếu, khí trệ. Dựa trên một số đặc điểm thể chất, Đông y chia người mắc chứng ruột kích thích thành 3 thể:
Thể hàn: có thể bị đau bụng hoặc không, đại tiện lỏng nát, người lạnh, chân tay lạnh, sắc mặt môi miệng nhợt. Thích uống nước nóng, ăn đồ nóng. Thích chườm nóng vào bụng.
Thể nhiệt: người mắc chứng ruột kích thích thể nhiệt đại tiện táo bón, thích uống nước nguội, ăn đồ mát. Môi miệng đỏ, lưỡi đỏ, tưa lưỡi vàng. Môi miệng khô khát. Có thể thấy đau ở hố chậu trái hoặc phải.
Một số bệnh nhân có thể vừa bị đi ngoài táo, vừa bị đi ngoài lỏng, hoặc đi ngoài có lẫn nhầy.
Thể khí trệ: Một triệu chứng khá phổ biến nữa là bệnh nhân bị đầy hơi, trướng bụng (khí trệ). Những người này ăn kém, khó tiêu, trung tiện được thì bụng nhẹ, thích xoa bóp nhẹ.
Bên cạnh yếu tố nội nhân nói thên, có thể kể đến các ngoại nhân gây chứng ruột kích thích như: chế độ ăn uống, thời tiết, môi trường làm việc và sinh sống.
Về chế độ ăn, có thể do ăn uống thất thường, ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn mà sinh bệnh, hoặc sử dụng nhiều chất kích thích... Về thời tiết, khi cơ thể hư suy, tà khí dễ xâm nhập.
Vì vậy, có những người bệnh đi đại tiện nhiều hơn khi thời tiết ẩm thấp. Với những người thể nhiệt, nếu làm việc ở nơi có nhiệt độ cao, nóng bức thì sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu hơn.
Cũng như khi xác định nguyên nhân gây bệnh, việc điều trị cũng chia theo 2 hướng riêng cho người bệnh thể hàn và thể nhiệt.
Hội chứng ruột kích thích thể hàn có thể dùng các loại thảo dược vị cay, tính ấm, ôn ấm trừ hàn, có tác dụng ôn ấm táo thấp.
Cụ thể như sau:
- Rang lá ngải nóng và chườm vào bụng giúp giảm đau bụng. Cần lưu ý rang lá nóng vừa phải để đảm bảo không bị bỏng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng túi chườm nóng chườm vào bụng.
- Khi bị đau bụng, đi ngoài nhiều, có thể dùng gừng nướng lên, đập ra, đổ nước sôi vào để uống. Có thể cho thêm chút đường.
- Nhục quế (vỏ quế) nghiền ra, cất trong tủ lạnh dùng dần. Bột nhục quế pha với nước sôi uống hay vỏ quế dày đun lên lấy nước uống là những cách đơn giản để điều trị chứng ruột kích thích thể hàn.
Hội chứng ruột kích thích thể nhiệt cần dùng các loại thuốc giúp thanh nhiệt, giải độc, ích khí.
Bác sĩ Đông y sẽ kê đơn một số thảo dược có tác dụng sinh tân dịch, nghĩa là tăng tiết nhầy, giúp bệnh nhân dễ đi ngoài hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể tận dụng những thảo dược có ngay trong gia đình, có tác dụng hỗ trợ giảm bớt triệu chứng ruột kích thích.
Có rất nhiều loại rau, lá thanh nhiệt, giúp ích cho người bị chứng này. Rau diếp cá (ăn, xay lấy nước uống) là một trong số đó.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể ăn rau má, uống bột sắn, ăn các loại hoa quả mát (thanh long, bưởi, đu đủ chín...) cũng giúp các triệu chứng bệnh giảm bớt.
Đỗ đen có thể dùng để nấu chè, sao vàng để uống... cũng rất mát. Các bệnh nhân có thể uống nước hạt dành dành, hạt muồng để thanh nhiệt.
Mắc chứng ruột kích thích có cảm giác đầy hơi cũng có nhiều loại thảo dược để điều trị.
Có thể dùng lá thị (thị diệp) gói vào vải, chườm vào rốn hoặc đặt dưới lưng. Hoặc rửa sạch lá thị, hãm nước sôi uống. Cách làm này sẽ giúp người bệnh trung tiện được, thấy bụng nhẹ nhàng.
Bệnh nhân có thể dùng tỏi sống, đập nát, bọc vải mỏng, đắp lên bụng, khi thấy trung tiện được thì bỏ ra. Chú ý thấy nóng rát bỏ ra ngay, tránh bỏng rộp da do sự cay nóng của tỏi. Hoặc dùng tỏi nướng lên bọc vải, đắp vùng rốn, thấy trung tiện được hoặc nóng bỏ ra.
Có thể đun sôi uống khoảng 9 - 10 tép tỏi cũng giúp giảm đầy bụng.
Lưu ý với những người mắc bệnh thể này phải kiêng ăn đồ sống lạnh, thức ăn ôi thiu, tránh sinh hoạt, nằm ở nơi ẩm thấp.
Lương y Nguyễn Thanh Thúy nhấn mạnh các thảo dược trên chỉ có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng, còn nếu muốn chữa khỏi bệnh ruột kích thích cần sử dụng các bài thuốc Đông y chế biến từ các vị thuốc chất lượng tốt, chế biến đạt chuẩn, gia giảm theo đúng cơ địa từng bệnh nhân.
Nếu chẩn đoán đúng, bệnh nhân có thể chữa khỏi chứng ruột kích thích với thời gian từ 10 – 20 ngày uống thuốc. Những người có thể trạng yếu cần điều trị lâu hơn, từ 20 – 30 ngày là hết bệnh.