Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn khi có dấu hiệu không tập trung, hay quên, dễ xung động, chưa hỏi xong đã trả lời xong thì coi chừng bị tăng động giảm chú ý.
ThS.BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng Điều trị tâm thần nhi, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Tại Việt Nam, trong số 1.320 trẻ được nghiên cứu, tỷ lệ trẻ có vấn đề về chú ý chiếm khoảng 4%. Trẻ bị rối loạn này thường kém tập trung, hiếu động quá mức và có hành vi hấp tấp, bốc đồng.
Rối loạn này ngày càng tăng trong khoảng 10 năm gần đây, theo số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thì đã tới 9,4% vào năm 2016, tức là hễ 10 trẻ thì có 1 trẻ mắc tăng động giảm chú ý.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân bị tăng động giảm chú ý đến khám khá nhiều và có xu hướng gia tăng.
Phần lớn trẻ vào khám là do thầy cô giáo phát hiện triệu chứng rồi thông báo với gia đình. Biểu hiện phổ biến của chứng bệnh này là không tập trung chú ý, hoạt động không kiểm soát, tăng hoạt động.
Tăng động giảm chú ý thường được chẩn đoán sau tuổi đi học (6 tuổi), chẩn đoán ở trẻ nhỏ cực kỳ khó khăn vì đặc điểm phát triển của độ tuổi, vì chậm phát triển ngôn ngữ… nên tuổi sớm nhất có thể chẩn đoán là từ 5 tuổi trở lên.
Trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý từ lúc sinh ra nhưng không thể phân biệt được với hiếu động không tập trung “tự nhiên” của lứa tuổi 2 - 4. Bởi trẻ con thì hay hiếu động, không ngồi yên một chỗ nhưng có thể kiểm soát và dần dần sẽ cải thiện khi lớn hơn.
Điều đáng nói là trẻ bị tăng động giảm chú ý thường hiếu động hay không tập trung quá mức gây khó khăn trong học tập và cuộc sống và nguy hiểm hơn là bệnh này không mất đi khi trẻ lớn lên.
Vậy nên, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ đối diện với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc cũng như các kỹ năng xã hội của trẻ.
Đặc biệt, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có nguy cơ cao hơn mắc kết hợp các rối loạn tâm thần khác, tăng nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, hành vi phạm tội cũng như tai nạn so với trẻ bình thường.
Cha mẹ nên nghĩ tới tăng động giảm chú ý khi con trẻ có các biểu hiện dưới đây kéo dài hơn 6 tháng:
- Hay mơ màng
- Hay quên hay làm mất vật dụng cá nhân, đồ dùng học tập
- Hay vặn vẹo ngồi không yên, bồn chồn
- Nói quá nhiều
- Hay mắc những lỗi hay tai nạn do bất cẩn hay làm những việc tạo ra nguy cơ không cần thiết.
- Không thể chống lại những ước muốn, rất kém kiên nhẫn, không thể chờ đợi được.
- Không thể chờ đến lượt
- Không hoà đồng, chơi vui cùng bạn bè (thật sự là do bạn bè không muốn chơi với trẻ).
Tăng động giảm chú ý là rối loạn hành vi mạn tính suốt đời, nếu không trị liệu sẽ gây ảnh hưởng đến học hành, công việc, quan hệ xã hội và nhiều mặt khác cuộc sống.
Trẻ em mắc tăng động giảm chú ý sẽ kém chú ý, hấp tấp gây học hành kém, tụt hậu. Chúng có thể có vấn đề về giao tiếp, không biết chia sẻ, chờ tới lượt, hoà đồng với bạn bè, khó có bạn. Lâu dài sẽ đưa đến tự ti, trầm cảm hay hành vi chống đối.
Trẻ bị tăng động và hấp tấp nên dễ bị tai nạn hơn, vài nghiên cứu cho thấy trẻ tăng động giảm chú ý phải đi cấp cứu nhiều hơn.
Trẻ vị thành niên thì có các vấn đề này với mức độ ngiêm trọng hơn, bao gồm cả uống rượu, hút thuốc, ma tuý, tình dục không an toàn, rối loạn ăn uống, trầm cảm, tự ti,…
Đặc biệt, không ít người sai lầm khi nghĩ rằng tăng động giảm chú ý chỉ gặp ở trẻ nhỏ, nhưng thực tế có nhiều trường hợp người lớn bị tăng động giảm chú ý. Nguyên nhân là do đây là rối loạn tâm lý mạn tính, theo người bệnh suốt đời.
Thực tế, tại Viện Sức khỏe Tâm thần, hiện có những bệnh nhân đã điều trị đến 8 năm, vào điều trị từ lúc 8 tuổi đến nay đã 16 tuổi và sẽ phải học cách sống chung với bệnh kể cả khi trưởng thành.
Với người lớn bị tăng động giảm chú ý thường gặp các vấn đề sau:
- Đi làm trễ
- Không hoàn thành công việc đúng hạn
- Thiếu ngăn nắp
- Hay gây gổ với đồng nghiệp
- Rất dễ xúc động
- Không thể chấp nhận chỉ trích một cách bình tĩnh
- Khó duy trì quan hệ tình cảm
- Ly dị cao
- Tai nạn xe cao
- Cờ bạc
- Phạm pháp
- Trầm cảm, tự ti
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, cho đến này vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra tăng động giảm chú ý.
Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ gây nên rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ như: di truyền, biến đổi chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc của não, yếu tố tổn thương não, thai sản, vai trò của môi trường sống…
Việc phát hiện sớm, điều trị sớm, can thiệp đúng cách có vai trò quan trọng trong cải thiện, hồi phục chức năng cho trẻ mắc bệnh. Do đó, các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện của rối loạn tăng động giảm chú ý, cha mẹ và nhà trường nên đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa để được khám, đánh giá chính xác và tư vấn, can thiệp điều trị kịp thời.