Khá Bảnh đập phá, đốt xe máy quay clip tung lên mạng có bị xử lý không?

Nếu Khá Bảnh đốt xe do sự chỉ đạo của hãng xe điện nhằm quảng cáo cho sản phẩm xe điện của mình thì hành vi này có thể được xem xét là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Khá Bảnh trong clip đốt chiếc xe Honda PCX.

Ngô Bá Khá hay còn được gọi là Khá Bảnh nổi lên như một hiện tượng trên mạng xã hội. Vừa qua, Khá Bảnh gây sốc khi cùng với 2 người khác dùng gậy đập xe máy rồi đốt.

Ngày 29/3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp Công an thị xã Từ Sơn cũng vào cuộc xác minh clip Khá "Bảnh" đốt xe máy rồi quay clip lên mạng xã hội.

Liên quan đến việc này, trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: để kết luận hành vi đốt xe máy của Khá "Bảnh" có vi phạm pháp luật không, cơ quan điều tra phải làm rõ các vấn đề sau:

Thứ nhất, chiếc xe máy Khá "Bảnh" đốt là của ai?

Nếu đó là chiếc xe thuộc quyền sở hữu của Khá "Bảnh", thì theo quy định của pháp luật dân sự, cá nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nên họ có toàn quyền đối với tài sản do mình sở hữu.

Còn trong trường hợp, phương tiện giao thông đó là xe đi thuê, đi mượn hoặc là tài sản của người khác thì người tự phá hủy có thể bị điều tra tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Thứ hai, Khá "Bảnh" đốt chiếc xe trong hoàn cảnh nào, ở đâu và có làm ảnh hưởng đến người khác không?

Nếu cá nhân tự đập phá, phá hủy phương tiện giao thông của mình mà không làm ảnh hưởng đến người khác, không làm ảnh hưởng đến trật tự chung thì hành vi đó là quyền của cá nhân và không bị hạn chế hay áp dụng chế tài xử phạt nào.

Nếu việc đập phá, hủy hoại tài sản đó làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng thì có thể bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng.

Khá "Bảnh" bị triệu tập lên cơ quan vì hành vi đốt xe máy.

Đáng chú ý, trong clip Khá Bảnh đốt xe có chi tiết sau khi đốt xe máy, Khá Bảnh ngồi trên chiếc xe điện. Có thông tin cho rằng sở dĩ Khá "bảnh" có hành động nêu trên là vì thanh niên này nhận quảng cáo giúp một hãng xe điện, trong khuôn khổ chương trình "đập xe máy đổi xe điện".

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường cho rằng, nếu hành vi quay video đập xe tay ga và kêu gọi đổi xe điện của Khá Bảnh là do cá nhân này tự thực hiện đối với chiếc xe sở hữu của mình, là hành vi muốn thể hiện mình của cá nhân đó thì đó là quyền cá nhân của anh ta.

Tuy nhiên nếu hành vi đó không phải là do cá nhân này tự thực hiện mà được thực hiện do sự chỉ đạo của hãng xe điện nhằm quảng cáo cho sản phẩm xe điện của mình thì hành vi này có thể được xem xét là hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

Rõ ràng, hành vi này đã ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ, cổ vũ việc hủy hoại tài sản, không tôn trọng tài sản, thương hiệu của doanh nghiệp khác.

Nếu cơ quan chức năng xác định được điều này là đúng, rất có thể doanh nghiệp này sẽ bị xử lý về tội cạnh tranh không lành mạnh, quy định tại Luật cạnh tranh. Mức phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Việt Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan