GS Nguyễn Bá Đức: Thuốc miễn dịch ung thư được giải Nobel cần thời gian để đánh giá

Theo GS Nguyễn Bá Đức, liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư có biểu hiện tác dụng trong nghiên cứu thử nghiệm nhưng phải chờ một thời gian nữa mới đánh giá được khả năng đến đâu.

Liên quan tới liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư của hai nhà khoa học vừa đạt giải Nobel Y học và Sinh lý học 2018 mới đây, nhiều người thắc mắc về tính hiệu quả của thuốc miễn dịch theo cơ chế này.

Trao đổi với PV Gia Đình Mới ngày 8/10, GS Nguyễn Bá Đức - Nguyên GĐ Bệnh viện K cho rằng còn phải đợi thêm một thời gian nữa thì mới biết được hiệu quả của liệu pháp này như thế nào. 

GS Đức cho hay: “Chữa Ung thư không đơn giản và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài việc điều trị thì yếu tố tinh thần cũng rất quan trọng. Cách điều trị ung thư là phẫu thuật, hoá trị, xạ trị và điều trị nhắm đích. Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc điều trị ung thư. Lúc đầu, thuốc có tác dụng làm thoái lui bệnh nhưng có thể sau đó bệnh nhân kháng thuốc, bệnh lại tái phát. 

Có thuốc tốt với loại ung thư này, với người này nhưng lại không tốt với đối tượng khác. Cụ thể, cùng một bệnh ung thư, cùng dùng những loại thuốc đắt tiền nhất hoặc dùng những thuốc cơ bản, sơ đẳng cũng đều không có tác dụng như nhau".

“Bước đầu liệu pháp này có biểu hiện tác dụng trong nghiên cứu thử nghiệm nhưng phải chờ một thời gian nữa mới đánh giá được khả năng đến đâu”, GS Đức nhận định. 

Tác giả của công trình này là 2 nhà khoa học danh tiếng là GS Tasuku Honjo (76 tuổi, ĐH Kyoto, Nhật Bản) - người phát hiện ra PD1 và GS James P. Allison (70 tuổi, ĐH Texas, Mỹ) - người phát hiện ra chất CTLA4 nằm trong tế bào ung thư.

Cả 2 yếu tố trên đều là tác nhân điều biến miễn dịch và có vai trò quan trọng trong bệnh học ung thư. Kháng thể kháng PD1 và kháng thể kháng CTLA4 đã chính thức trở thành thuốc điều trị ung thư mới nhất trên thế giới.

Các thuốc trên có vai trò hoạt hóa và kéo dài tuổi thọ của các tế bào miễn dịch đặc hiệu để các tế bào này có thể nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Cả GS Tasuku Honjo và GS James P. Allison đều tìm ra lý do vì sao tế bào ung thư lại “trốn thoát” khỏi sự tiêu diệt của các tế bào miễn dịch. Trong đó, GS Honjo phát hiện ra thụ thể PD-1, GS Allison phát hiện ra thụ thể CLTA-4.

Khi tiếp xúc với tế bào miễn dịch, tế bào ung thư làm bất hoạt 2 thụ thể nói trên khiến tế bào miễn dịch không nhận ra tế bào ung thư. Nhờ phát minh của 2 giáo sư, ngành dược đã sản xuất ra kháng thể kháng lại 2 thụ thể PD-1 và CLTA-4, giúp tế bào miễn dịch nhận ra tế bào ung thư để tiêu diệt đích.

Phương pháp này đã được thế giới áp dụng và được coi là phương pháp chính thức để điều trị ung thư và đã có hướng dẫn cụ thể.

Giáo sư Chấn Hùng đánh giá: "Đây là tin mừng cho người bệnh ung thư. Con người đang có một bước nhảy lớn trong công cuộc chăm sóc người bệnh ung thư. 

Thành công của liệu pháp miễn dịch mở ra nhiều hy vọng mới, giúp kho vũ khí điều trị ung thư ngày càng phong phú, với nhiều gam màu tươi sáng hơn. Mỗi bệnh nhân sẽ có những chỉ định phù hợp, lựa chọn phối hợp với những phương pháp trước đây như phẫu trị, hóa trị, xạ trị, nội tiết, nhắm trúng đích... để có kết quả tốt nhất.

Tú Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan