Thời tiết chuyển mùa, gió rét đột ngột là thời điểm rất dễ ốm, nhất là các bệnh về đường hô hấp. Hãy giữ ấm 6 bộ phận dưới đây, bạn sẽ không lo ốm bệnh.
Thời tiết đang ngày càng lạnh, nhiều khi thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng được, dẫn tới việc bị ho, cảm lạnh, sổ mũi, viêm đường hô hấp.
Bởi vậy chúng ta cần đặc biệt lưu ý giữ ấm cho 6 bộ phận dưới đây.
1. Đôi tai
Tai là bộ phận cực kỳ nhạy cảm của cơ thể. Nếu mùa đông để hở tai, bạn sẽ thấy rét buốt vô cùng, thậm chí ''nhức lên tới óc''.
Hãy thử dùng đôi bàn tay bịt chặt đôi tai mỗi khi lạnh hay có gió lùa vào sẽ không có cảm giác thấy lạnh nữa nhưng nếu để trống đôi tai, các dây thần kinh trong người bỗng “rùng mình” và bắt đầu truyền cảm giác gai lạnh đi khắp cơ thể.
Vì thế mùa đông khi cần ra ngoài, chúng ta nên sử dụng bịt tai hoặc mũ len trùm kín tai, vừa giữ ấm lại tốt cho cơ thể. Đồng thời, nếu có trẻ con, khi ra ngoài nhất định phải giữ ấm tai, vào nhà có thể bỏ mũ len hoặc bịt tai cho thoáng.
2. Mũi
Mũi là bộ phận ít khi được giữ kín khi vào mùa đông. Khi bị lạnh, mũi sẽ bị ửng đỏ, đặc biệt là trẻ nhỏ, nếu hít quá nhiều khí lạnh sẽ bị ốm.
Các bệnh thường gặp mùa lạnh khi mũi bị lạnh đó là sổ mũi, cảm cúm, cảm lạnh. Về lâu dài cho thể tình trạng bệnh có thể nặng hơn: khô mũi, dịch nhầy trong mũi ít đi, tình trạng vỡ mao mạch, chảy máu mũi có thể xảy ra, thậm chí ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
Chính vì thế, bất cứ ai cũng nên sử dụng khẩu trang vào mùa đông để tránh rét, tránh nhiễm phải vi khuẩn có trong không khí ẩm ướt.
Những lúc rảnh rỗi hoặc trẻ kêu lạnh có thể massage nhẹ nhàng hai bên cánh mũi, tốt nhất là trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy.
3. Cổ họng
Mùa đông nếu không giữ ấm cổ cẩn thận, chúng ta dễ bị ho dai dẳng kéo dài.
Thường thì khi cổ bị lạnh sẽ không thể phát hiện ra bởi đây là bộ phận thường xuyên được để lộ, không có sự che chắn của quần áo. Tuy nhiên, khi nhiệt độ cơ thể giảm, phần cổ sẽ có cảm giác lạnh, nhất là gáy, từ đó dẫn đến cảm giác gai lạnh toàn cơ thể.
Phần cổ còn bao gồm dây thanh quản và yết hầu, rất quan trọng, liên quan đến giọng nói. Đó chính là lý do vì sao nhiều trẻ bị cảm cúm, cảm lạnh giọng nói thường khàn, do không giữ ấm cổ.
Hãy nhớ quàng khăn khi ra đường và giữ ấm cổ vào ban đêm khi ngủ nhé.
4. Bụng
Phần bụng liên quan đến hệ tiêu hóa và cực kì nhạy cảm khi thời tiết lạnh. Nhiều người, đặc biệt là trẻ con hay gặp phải tình trạng đi ngoài, tiêu chảy vào mùa đông, đó là vì phần bụng bị nhiễm lạnh, nhu động ruột tăng lên. Nếu tình trạng kéo dài dẫn tới mất nước, sốt cao, mất sức đề kháng.
Lưu ý khi ngủ nên mặc áo dài qua bụng, đắp chăn ấm, nếu trẻ con sợ hay đạp chăn thì nên mặc áo body.
5. Đôi bàn tay
Bàn tay là bộ phận ít khi được giữ ấm nhất. Vì chúng ta phải làm việc nên thường không mấy khi đeo găng tay. Tuy nhiên, tay bị nhiễm lạnh thường ảnh hưởng đến các khớp tay, da dẻ bị nhăn nheo.
Vì vậy, nên lưu ý, nếu lúc làm việc không đeo được găng tay thì những lúc như đi xe, hay không bận bịu thì chú ý giữ ấm cho đôi bàn tay nhé.
6. Đôi bàn chân
Đôi bàn chân, nơi có rất nhiều mạch máu của cơ thể và thường khiến cả cơ thể gai lạnh nếu chân bị lạnh. Lạnh chân thường khiến hcungs ta dẽ bị ốm, nhất là mắc các bệnh về hô hấp.
Vì thế, mùa đông nên đi tất đầy đủ, nếu có thể ngâm bằng nước gừng ấm chứng 15 phút trước khi đi ngủ mỗi ngày thì càng tốt.