Bệnh nhân lên cơn đau ngực, sau đó khó thở, vã mồ hôi, vào viện, bệnh nhân xuất hiện ngừng tim, bác sĩ tiên lượng, chỉ đến bệnh viện muộn vài phút, chắc chắn bệnh nhân tử vong.
Theo lời kể, khoảng 6 giờ sáng ngày 03/02/2019, người bệnh Nguyễn Thị Mỵ, 73 tuổi (ở tại Thôn Miếu Bòng, Xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí) xuất hiện cơn đau ngực, sau đỡ dần. Đến khoảng 8 giờ sáng người bệnh đau dữ dội ngực trái, lan lên hàm, tay trái kèm khó thở, vã mồ hôi. Gia đình lập tức đưa người bệnh đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Sau khi được thăm khám, người bệnh đột ngột mất ý thức. Kết quả theo dõi nhịp tim xác định rung thất gây ngưng tim, ngừng thở. Ngay lập tức người bệnh được shock điện qua cơn nguy kịch.
Các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ nhất biến chứng rung thất trên nền nhiều bệnh cảnh phối hợp: tăng huyết áp, suy thận mạn, đái tháo đường type 2, parkinson, đa hồng cầu.
Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, người bệnh được chỉ định can thiệp mạch vành cấp cứu. Trong quá trình can thiệp, người bệnh xuất hiện ngừng tim, ngừng thở lần 2, mạch, huyết áp không đo được. Các bác sĩ tiếp tục shock điện chuyển nhịp cho người bệnh…
Sau 12 lần shock điện và áp dụng nhiều biện pháp hồi sức tích cực khác, đặc biệt với thủ thuật can thiệp động mạch vành nhằm tái thông động mạch vành, thủ phạm chính gây lên cơn nhồi máu cơ tim cấp đã được giải quyết. Các rối loạn nhịp tim của người bệnh cũng không còn. Các bác sĩ đã hồi sinh tim 2 lần thành công cho người bệnh...
Là một trong những bác sĩ trực tiếp can thiệp cho người bệnh, Bs. Nguyễn Đình Bảng- khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Uông Bí Thuỵ Điển cho biết: Khoảng 5% người bệnh nhồi máu cơ tim có biến chứng rung thất gây ngừng tim, ngừng thở trong những giờ đầu tiên.
Trường hợp của người bệnh Nguyễn Thị Mỵ là trường hợp nặng, rối loạn nhịp tim xuất hiện liên tục. Rất may gia đình đã đưa người bệnh đến viện kịp thời, bởi chỉ đến muộn chút nữa, nguy cơ người bệnh tử vong hoàn toàn do không được phát hiện và có phương tiện shock điện chuyển nhịp kịp thời là rất cao.
Do đó việc cảnh giác với triệu chứng đau ngực và đưa người bệnh đến viện sớm để có các biện pháp can thiệp thích hợp, kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp giảm đáng kể tỷ tệ tử vong ở người bệnh.