Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư đang được quảng bá như là một liệu pháp thần kì cho việc điều trị bệnh ung thư. Tuy nhiên, giới chuyên gia có những lưu ý không thể bỏ qua.
Trong khi người bệnh đổ xô đi tìm thuốc miễn dịch theo phương pháp trị liệu mới thì các chuyên gia y tế lại tiết lộ rằng, phương pháp này đang gặp phải một số khó khăn trong việc đưa vào điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Dưới đây là những chia sẻ của TS.Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA về các khó khăn vẫn đang gặp phải của phương pháp điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.
Mặc dù hai phương pháp điều trị ức chế miễn dịch bằng PD-1 và CTLA-4 đã có nhiều thành công nhưng cũng có nhiều trường hợp cho thấy thuốc có tác dụng trong thời gian đầu nhưng sau đó hiện tượng kháng thuốc xuất hiện và khối u phát triển trở lại.
Nhiều nghiên cứu đang được triển khai để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân kháng thuốc này.
Một số kết quả ban đầu cho thấy khi điều trị bằng phương pháp này tế bào ung thư vẫn tiếp tục chọn lọc tiến hóa để sử dụng các con đường trốn tránh miễn dịch khác.
Trong tự nhiên, chức năng của PD-1 và CTLA-4 là để ngăn ngừa hiện tượng tự kháng (autoimmune), khi hệ miễn dịch hoạt động quá mức của nó gây ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể (ví dụ như các cảnh sát có vũ trang lạm quyền sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống và tính mạng của người dân thường).
Do vậy việc sử dụng các thuốc ức chế PD-1 và CTLA-4 có thể mang đến các phản ứng phụ không mong muốn khi đẩy mạnh hoạt động của hệ miễn dịch trên toàn cơ thể.
Các phản ứng phụ có thể gặp phải như: nhẹ thì có thể bị tiêu chảy, mệt mỏi, ngứa, buồn ói, mất cảm giác ngon miệng…; nặng thì có thể tiêu chảy cấp, viêm ruột, tăng men gan trong máu, viêm phổi, viêm thận,…
Một số nghiên cứu còn cho thấy nó còn có thể làm nặng thêm tình trạng của một số người đã có bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch trước đó hoặc tiến triển thêm một bệnh rối loạn miễn dịch khác như tiểu đường loại 1 (đái tháo đường tuýp 1) (có thể do các tế bào miễn dịch hoạt hóa quá mức tấn công và tiêu diệt các tế bào tụy sản sinh insulin).
Đây là một vấn đề vẫn được tranh cãi rất nhiều trong những năm gần đây. Giá các thuốc sử dụng trong điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch vẫn còn rất cao so với túi tiền của nhiều người.
Thuốc Opdivo được cho phép sử dụng điều trị cho ung thư da và phổi có giá khoảng 12.500 USD mỗi tháng và tốn khoảng 150.000 USD mỗi năm.
Người bệnh sử dụng cho đến khi ung thư kháng thuốc, phát triển trở lại hoặc không chịu nổi các tác dụng phụ. Giá của thuốc Keytruda cũng tương tự.
Thuốc Yervoy được sử dụng cho các bệnh nhân ung thư da với giá 130.000 USD cho một lần trị liệu trong 12 tuần và nhiều người phải điều trị nhiều hơn một lần điều trị.
Làm sao để giảm được giá thuốc để người bệnh có nhiều cơ hội hơn sử dụng là một câu hỏi rất lớn ở nhiều nước trên thế giới.
Các công ty dược biện hộ rằng việc họ đưa ra giá cao như vậy là do chi phí sản xuất kỹ thuật cao, các đầu tư trong nghiên cứu phát triển và các thử nghiệm lâm sàng đã và đang được thực hiện (kể cả thành công và thất bại)…
Giá cả này có thể giảm xuống trong tương lai khi công nghệ kỹ thuật cao hơn, dây chuyền sản xuất được công nghiệp hóa hơn.
Mặt khác, việc xuất hiện nhiều loại thuốc khác có thành phần và tác dụng tương tự của các hãng dược khác trong tương lai cũng là một yếu tố cạnh tranh trên thị trường trong tương lai giúp giảm giá thuốc.
Ngoài ra, việc hỗ trợ từ chính phủ hoặc các công ty bảo hiểm Y Tế cũng cần thiết để chia sẻ gánh nặng với người bệnh ung thư.
Gần đây, chính phủ Úc đã có một quyết định chia sẻ khó khăn bằng cách đưa thuốc Keytruda vào “danh mục dược phẩm hưởng lợi” (Pharmaceutical Benefits Scheme) cho bệnh nhân ung thư lymphô Hodgkin (classical Hodgkin’s lymphoma).
Bằng hành động này họ đã cắt giảm chi tiêu cho thuốc này của mỗi bệnh nhân từ khoảng 200.000 AUD xuống còn khoảng 39.5 AUD cho một đợt điều trị.
Tóm lại, công trình nghiên cứu của 2 Giáo Sư James P. Allison và Tasuku Honjo đã mở ra nhiều hy vọng hơn cho con đường phát triển thuốc điều trị ung thư dựa trên việc hoạt hóa hệ miễn dịch của cơ thể.
Tuy nhiên, để nó trở nên an toàn hơn, hiệu quả hơn và giá cả phải chăng hơn thì còn cần nhiều nghiên cứu từ các nhà khoa học cũng như từ sự hỗ trợ của chính phủ trong bảo hiểm Y Tế.
Giải Nobel năm nay giúp nhấn mạnh một lần nữa tầm quan trọng của hướng phát triển này và hy vọng bệnh ung thư sẽ không còn là một căn bệnh quá đáng sợ nữa trong tương lai.
Hiện nay có nhiều thông tin bán thuốc miễn dịch chữa ung thư dưới dạng hàng xách tay trên mạng cho các bệnh nhân ung thư, vì sự an toàn, chúng tôi cũng khuyên các bệnh nhân ung thư nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị của mình về việc sử dụng các loại thuốc này chứ không nên tự mua và sử dụng.