Trong ngày tôn vinh nghề nghiệp của mình, trên Facebook các bác sĩ đã chia sẻ nhiều suy nghĩ tâm huyết cũng như trăn trở về trên con đường mình đang đi.
Được sự đồng ý của các bác sĩ, Gia Đình Mới đăng tải lại những chia sẻ trên Facebook cá nhân như một nhật ký mỗi ngày của những người đang hàng ngày, hàng giờ đang làm công tác cứu người.
Bởi ngày nay, Facebook cá nhân đã trở thành một phương tiện truyền thông mở để các bác sĩ, những người làm ngành y thể hiện quan điểm cũng như kết nối với người bệnh.
Mục Điểm Facebook Bác sĩ được ban biên tập mở nhân dịp 27/2 với hy vọng đem lại nhiều góc nhìn hơn về cuộc sống của bác sĩ, tâm tư, tình cảm cũng như những suy nghĩ về cuộc sống, về cả người bệnh. Mong bạn đọc đón nhận!
Bác sĩ Hoàng Quốc Tường, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM
"DỪNG LẠI, CÓ DỄ DÀNG !
Kết thúc ngày làm việc 27/2 sau hơn 10h trong phòng can thiệp. Cảm giác bây giờ là mệt các bác ạ ! Vâng rất mệt !
Ai đã từng làm nghề này chắc chắn hiểu được cảm giác để nói lời dừng lại không tiếp tục can thiệp không hề dễ dàng với những ca nặng. Nếu đặt tình huống là con cháu của bạn, vẫn muốn cố gắng hết sức dù tỷ lệ thành công gần như không có.
Nhưng sẽ có người cho rằng đã biết như vậy tại sao còn cố gắng công sức và tiền bạc để làm việc mà mình biết trước được kết quả.
Ai cũng đúng và có lý cả, nhưng khi phải là người trực tiếp đưa ra quyết định, bạn phải đấu tranh tâm lý rất nhiều. Và đối với chính bản thân tôi, dù đã hơn 10 năm làm nghề mỗi lần như vậy lại cảm thấy cực kỳ khó khăn.
Ca bệnh cuối cùng ngày hôm nay là ca bất thường hồi lưu tĩnh mạch phổi về tim có tắc nghẽn, em nặng lắm, nhưng với hy vọng mong manh, cả ekip đã quyết định tiếp tục. Và hơn 6h miệt mài chúng tôi đã nong được chỗ tắc nghẽn, có thể đây là ca khó nhất từ trước đến giờ tôi gặp.
Em bé có thể không qua khỏi vì tình trạng quá nặng do toan và sốc kéo dài. Nhưng cứ hy vọng thôi dù là rất mong manh.
Dù thế nào chúng tôi đã cùng nhau làm hết sức rồi. Một kỷ niệm cho ngày 27/2 thật xứng đáng.
Bác sĩ Hoàng Quốc Tường
Làm xong biết được một đồng nghiệp sắp nghỉ việc, hơi bất ngờ nhưng đúng là ở nơi người ta không còn tìm thấy đam mê, nơi mà người ta dành hết tâm lực lại không đem đến hạnh phúc, không đủ nuôi sống hay lo cho gia đình, còn rình rập nhiều hiểm nguy từ sự đe doạ của thân nhân, vậy thì có gì để níu kéo đây. Buồn thật!
Nhưng đâu đó trong những nỗi buồn, vẫn còn hình ảnh này, cùng nhau sát cánh, đoàn kết vì một mục đích chung. Chỉ mong còn đủ đam mê để tiếp tục cùng nhau, như thế này.
Giờ thì về nhà thôi ! Tối rồi..."
Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai:
"Hầu như tuần nào mình cũng thông báo cho người nhà người bệnh rằng bệnh nhân đã tử vong.
Đối với nhiều người, việc này rất khó khăn, nhưng đối với các bác sĩ, nhất là các bác sĩ cấp cứu thì việc này lại là nghĩa vụ.
Hy vọng rằng, mình không bị "dính đòn" của người thân người bệnh trong tương lai như các bác sĩ ở Quảng Bình cách đây vài hôm.
Đang định trang bị áo giáp và mũ sắt để hành nghề (!)"
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn
Bác sĩ Trần Văn Phúc dành một bài viết dài cho sự trăn trở: "Ngành y hiện đứng thứ 17 trong số 18 ngành nghề, được trả theo thời gian công tác với hệ số cứng nhắc, vừa thấp vừa cào bằng, không liên quan đến hiệu suất công việc, bác sĩ khám 100 bệnh nhân thu nhập cũng chẳng khác gì so với khám cho 10 bệnh nhân.
Tôi ra trường đã gần 20 năm, hiện tại tính tổng cả tiền lương, tiền trực, tiền phụ cấp khoảng 6 triệu đồng.
Nếu chỉ trông vào khoản tiền này, thì những người công tác trong bệnh viện như chúng tôi có chờ hết cả cuộc đời cũng không thể thấy được căn nhà đơn sơ để ở, chứ nói gì đến căn hộ tiện nghi hay chiếc xe sang trọng...
Buổi chiều rời bệnh viện, chúng tôi phải lao đi làm phòng khám đến 9 – 10 giờ đêm, làm kín cả thứ 7 và chủ nhật, thay vì làm việc 40 giờ mỗi tuần thì chúng tôi phải làm tới 60 giờ, thậm chí là 70 giờ...
Đã có những bác sĩ dù khó khăn nhưng vẫn nói không với phong bì, mặc dù đó là phong bì cám ơn sau khi điều trị mà họ xứng đáng được nhận.
Chúng tôi từ chối phong bì một phần bởi người bệnh đến viện đã là sự khốn cùng, phần nữa là lòng tự trọng của chúng tôi đang bị xúc phạm, đang bị xã hội và truyền thông làm tổn thương ghê gớm..."
Bác sĩ Lê Tuấn Thành, Viện Tim mạch Việt Nam
"Tâm sự về nghề Y
Ngày xưa khi còn nhỏ tôi thuộc dạng mọt sách. Từ bé đã mang trên lưng 5kg sách và có thể đọc ở bất cứ nơi nào.
Đặc biệt hơn khi lần đầu tiên đọc được câu: "là bác học nghĩa là không bao giờ ngừng học". Cái đầu non nớt lúc đó luôn ngưỡng mộ các nhà khoa học thế giới và một vài người Việt Nam.
Duyên số đưa tôi vào ngành Y theo một đường thẳng tắp, nghĩa là chưa bao giờ tôi lựa chọn ngành khác, cũng như chưa bao giờ cảm thấy mình đã lựa chọn sai. Rồi dần dần tôi nhận ra rằng, chỉ cần bước chân vào ngành Y thì dù ở vị trí công việc nào cũng phải không ngừng học hỏi.
Hôm nay đọc được một bài báo có tiêu đề: "Nói thẳng: có một thứ máu lạnh đang chảy trong bệnh viện". Tôi thấy người viết thật sự phiến diện và thiếu hiểu biết. Đây chính là sự khác biệt giữa các hệ thống Y tế trên thế giới khi phải trả lời câu hỏi: người bệnh không có tiền thì có cứu không?
Việt Nam với hệ thống Y tế còn nghèo, với nhân lực mỏng, nhưng từ thầy tới trò đều khẳng định: cứu người quan trọng nhất. Điều này phải được ghi nhận. Dù sao thì cũng chỉ có một cái kim chọc vào khiến chúng tôi nhói một chút, còn lại là vô vàn những lời chúc tốt đẹp và hoa đã được gửi tới.
Y tế Việt Nam có bản sắc riêng, có những tấm gương tốt đẹp, có truyền thống và có văn hóa. Tất cả những lùm xùm khác cũng sẽ không bao giờ khiến chúng tôi chùn bước trên con đường đầy cảm xúc này.
Tôi tự hào là nhân viên Y tế Việt Nam".
Bác sĩ Dương Minh Tuấn
"Cảm ơn đời đã cho em được làm công việc rất rất đáng yêu này. Cảm ơn đời cho em gặp một ai đó thương em và thương cả những xấu xí mỡ màng của em.
Chưa bao giờ em thấy yêu đời, yêu cuộc sống này thiết tha đến thế dù ngày nào em cũng tươi vui như thế.
Vì em vẫn tin, và hi vọng sẽ mãi tin yêu vào bao điều tốt đẹp còn hiện hữu trên cuộc đời này.
Chúc mừng ngày Thầy Thuốc Việt Nam ❤ Kính chúc các cô, chú, anh, chị, em, bạn bè đồng nghiệp luôn nhiều sức khoẻ và an vui với con đường khó khăn nhưng đầy kì diệu này!"