Bác sĩ Dương Minh Tuấn, một trong những bác sĩ trẻ tình nguyện đăng ký chương trình “Dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn’ của Bộ Y tế, đã mở đầu cuộc trò chuyện với Gia Đình Mới khá thẳng thắn và cởi mở.
"Năm thứ nhất đại học, một người bạn cùng khóa quyết định dừng việc học ngay buổi thực hành giải phẫu đầu tiên chỉ vì bạn không thể chịu nổi mùi phooc-môn ngâm xác, lại càng không dám nhìn xác người khô đặt trên bàn thí nghiệm.
Năm thứ hai đại học, một người bạn khác sau rất nhiều lần lấy hết dũng cảm để mổ chó trong giờ phẫu thuật thực hành, đã quyết định dừng học vì không chịu nổi mùi máu, không dám nhìn thấy máu.
Năm thứ ba đại học, một người bạn nữa khóc ngất khi chứng kiến một bệnh nhân đa chấn thương, chân tay gần như đứt lìa và dập nát vào cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức. Mấy ngày sau đó, bạn lại khóc ngất sau khi ép tim và chứng kiến một bệnh nhân qua đời. Bạn ấy xin dừng học.
Năm thứ tư đại học, một người bạn khác xin dừng học ngay vì không thể theo kịp khối lượng kiến thức đồ sộ phải học trong trường. Bạn không chịu được nữa nên bạn nghỉ.
Năm thứ năm đại học, một người bạn nữa xin nghỉ hẳn sau đợt nghỉ để điều trị bệnh. Hai tuần đi thực tập ở bệnh viện lao phổi, dù đã tuân thủ rất nghiêm ngặt về việc phòng bệnh nhưng rồi một ngày ho khạc đờm nhiều quá. Tình cờ đi khám bạn ấy biết mình cũng mắc lao. Và cả nhà bạn đã nhất quyết đồng tình với con quyết định thôi không học nữa.
Năm thứ sáu đại học, một cậu bạn phương xa nhảy từ tầng năm xuống tự tử, không cứu được. Trước khi đi, bạn để lại bức thư cho gia đình, nói rằng ở trường nhiều bạn học giỏi quá, nhiều thầy cô giỏi quá, áp lực học hành cộng thêm môi trường cạnh tranh quá khốc liệt khiến bạn không thể tìm thấy được lối thoát nào cho bản thân dù bạn cũng là một người học xuất sắc, chỉ là người giỏi sẽ có người giỏi hơn và bạn không chấp nhận được điều đó…
Và khi tốt nghiệp ra trường, nhiều người bạn của tôi đã quyết định không theo nghề nữa".
Bác sĩ Dương Minh Tuấn mở đầu cuộc trò chuyện của mình bằng những tâm sự của người đã tốt nghiệp ngành Y đa khoa, Đại học Y Hà Nội được gần 3 năm.
Người bác sĩ sinh năm 1991 bộc bạch, anh đã trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống về gia đình, sự nghiệp, tình cảm… Có những thời điểm anh không biết mình là ai và đang ở đâu. Anh hoang mang và bế tắc khi nghĩ tới con đường phía trước. Nhưng rồi, khi quay lại với bệnh viện, với màu áo blouse quen thuộc, ống nghe y tế, bệnh nhân… anh được “trình diễn” trên “sân khấu” của chính mình.
Chứng kiến sự bỏ cuộc của nhiều người bạn đồng môn trong 6 năm theo học tại trường ĐH Y Hà Nội, lại không thích chọn nghề này từ đầu, vậy cách nào anh vẫn hoàn thành được chương trình đào tạo y đa khoa?
- Trong 6 năm theo học, tôi tới các bệnh viện, tham gia công tác khám chữa bệnh nhưng chỉ là trách nhiệm. Trong tôi vẫn nhen lên tình yêu thương với mọi người, sự đồng cảm với người bệnh nhưng chưa đủ để thổi bùng thành niềm yêu thích và đam mê.
Khoảnh khắc anh nhận ra mình thực sự yêu nghề và muốn theo đuổi?
- Bố tôi mất cách thời điểm tôi tốt nghiệp ra trường chỉ 2 tháng. Tôi sụp đổ và có ý định bỏ cuộc. Nhưng rồi, tôi chợt nhận ra, mình phải tiếp tục học tập và làm việc để có thể giúp được những người bệnh, không còn cảnh ra đi đột ngột như trường hợp của bố mình. Tôi lao đầu vào học, công việc cũng là để vơi bớt nỗi buồn.
Tôi còn nhớ như in, trong một lần tham gia kíp cấp cứu, tôi là người ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân và cuối cùng bệnh nhân đó không qua khỏi. Tôi thấy buồn đến mức phải chạy ra ngoài hít thở.
Đúng lúc đó, một người đàn ông chạy đến ôm chầm lấy tôi và reo lên vui mừng: “Tôi vui quá bác sĩ ơi! Vợ và con tôi vừa vượt qua ca mổ đẻ khó”.
Cùng một thời điểm, chứng kiến sự ra đi của một người bệnh và một sự sống mới lại bắt đầu... Vậy tại sao mình cứ đắm chìm trong nỗi buồn mãi…
Đó chính là khoảnh khắc tôi nhận ra mình yêu nghề y và muốn trở thành bác sĩ.
Đi làm được 2 năm (từ tháng 6/2015 đến tháng 7/2017), anh bỏ việc đột ngột 6 tháng liền. Và rồi lại quay lại với nghề .Vì sao vậy?
- Đêm 24/1 vừa rồi là đêm trực đầu tiên của tôi ở Bệnh viện Bạch Mai sau thời gian nghỉ việc ở một bệnh viện mình đã từng công tác 2 năm sau khi ra trường. Năng lượng trong tôi được lấp đầy và tôi háo hức khi được trở lại sân khấu của chính mình.
Trước đó, luôn có một màn sương u ám bao vây lấy tôi, tôi không tìm được điều gì khiến mình trở nên vui vẻ. Giờ đây, tôi được sống ở nơi tôi thuộc về, tôi hạnh phúc.
Anh chuẩn bị cho sự trở lại với nghề của mình?
- Tôi không chuẩn bị gì cho sự trở lại của mình ngoài chiếc áo blouse và ống nghe y tế. Tôi đăng ký chương trình “Dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn’ của Bộ Y tế. Trong đó, tôi sẽ theo học bác sĩ chuyên khoa I tại Bệnh viện Bạch Mai trong vòng 2 năm và 3 năm tiếp theo, tôi sẽ tới huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình để làm nhiệm vụ.
Tại sao anh đăng ký tham gia dự án này?
- Tôi đã đi nhiều nơi và nhận ra bản thân thích những nơi ít người, yên bình. Tôi từng chứng kiến sự khó khăn của bà con trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế do ở đó thiếu bác sĩ, nhất là những bác sĩ có trình độ chuyên môn.
Tuy nhiên, việc giúp họ về mặt chuyên môn chỉ là một phần trong mục tiêu của tôi. Bởi lẽ, làm việc ở nơi không có trang thiết bị hiện đại, thiếu thốn thuốc thang… thì dù kiến thức chuyên môn có giỏi đến mấy thì cũng không làm được gì nhiều. Một người bác sĩ không có công cụ trong tay cũng giống như một người chiến binh không có khiên khi ra trận.
Tôi thấy bản thân mình có thế mạnh trong việc chia sẻ các quan điểm, tạo dựng được niềm tin giữa mọi người với nhau.
Tôi hy vọng sẽ tìm được nguồn tài trợ, đưa được trang thiết bị tới những nơi khó khăn, mời các bác sĩ tới khám chữa bệnh cho bệnh nhân và đào tạo đội ngũ ở đó. Đó là mục tiêu chính mà tôi mong muốn thực hiện khi đăng ký tham gia.
Minh Hoá là là một trong những huyện vùng cao nghèo nhất của tỉnh Quảng Bình. Anh có lo sợ sau 3 năm công tác tại đó, trình độ chuyên môn của anh sẽ bị mai một?
- Tôi nghĩ đó là lý do mà nhiều bác sĩ dè dặt đăng ký tham gia chương trình. Nhưng tôi vẫn lựa chọn và đi để trả lời cho câu hỏi “Mình có thể giúp gì cho họ?”.
Anh từng chia sẻ, “Anh chọn nghề y, mang trái tim của người bác sĩ”. Trái tim của người bác sĩ có gì đặc biệt?
- “Anh chọn nghề y, mang trái tim của người bác sĩ” là một câu hát tôi thích trong bài “Con đường về cuộc sống” của nhạc sĩ Đỗ Bảo.
Trái tim của người bác sĩ cũng như trái tim của một người bình thường. Bác sĩ là người phải gánh chịu quá nhiều áp lực trong công việc. Họ phải chứng kiến những mảnh đời khó khăn, những số phận giàu nghèo, sự sống và cái chết… Vậy làm thế nào để họ luôn giữ được một trái tim nhiệt huyết trước những áp lực công việc như vậy? Đấy là điều khác biệt trong trái tim của người bác sĩ.
Làm ở lĩnh vực chịu nhiều áp lực, là một bác sĩ trẻ kinh nghiệm chưa nhiều thì anh đối diện với những áp lực đó như thế nào?
- Tôi từng nghe anh chị đi trước nói về bức tranh ngành y tế của nước ta. Bản thân tôi khi đi làm cũng chứng kiến những điều đó, nhiều mặt trái và nhiều điều mình không thích. Câu chuyện bác sĩ nhận phong bì, bác sĩ kê toa thuốc đắt tiền cho bệnh nhân mà không quan tâm kinh tế của bệnh nhân như thế nào… vẫn diễn ra.
Ngoài ra, nhiều bác sĩ sợ chịu trách nhiệm đến mức chỉ nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới nơi khác, không lăn xả cứu bệnh nhân dù trong tầm tay. Phải có một trái tim can đảm và gan dạ mới dám chịu trách nhiệm. Nhiều bác sĩ chọn nghề y nhưng trái tim họ không đủ mạnh mẽ để theo đuổi.
Khi đi lâm sàng cấp cứu, chúng tôi không có thời gian ngồi dở sách ra suy nghĩ, học ngày học đêm, lịch trực liên miên, cuối tuần tưởng được nghỉ xả hơi thì phải vác bút đi thi. Có khi sáng thứ 7 vừa thi lâm sàng, chiều nhận trực, cả đêm thức trắng lo bệnh nhân, rồi sáng chủ nhật có mặt ở một hội thảo chuyên ngành nào đó để cập nhật các phương pháp điều trị mới.
Vào những ngày trực, chúng tôi ở bệnh viện 24/24 là chuyện bình thường. Khi đi làm, các bác sĩ phải đối mặt với hàng trăm người bệnh với hàng trăm nỗi niềm, làm việc trong những không gian chật chội với thực trạng cơ sở vật chất tại nhiều bệnh viện vẫn chưa được tốt. Người nhà bệnh nhân cũng gây áp lực lớn lên các bác sĩ. Họ luôn đòi hỏi người nhà của mình phải được chữa trị ngay lập tức.
Anh có thể chia sẻ ví dụ về câu chuyện bác sĩ và trách nhiệm?
- Tôi nhớ lại câu chuyện về người bác sĩ trong sự cố y khoa Cát Tường vào năm 2015. Đó là một điều đáng buồn của ngành y tế.
Tôi từng có cơ hội trực với bác sĩ đó một lần tại Khoa ngoại, Bệnh viện Bạch Mai. Khi sự việc xảy ra, việc đối diện với những trách nhiệm đã khiến anh ấy từ một người hiền lành, nói chuyện nhẹ nhàng với bệnh nhân đã hành động một điều mà không ai có thể tưởng tượng được.
Tôi không phán xét vì tôi không ở trong hoàn cảnh của người bác sĩ đó. Song tôi chỉ thấy tiếc nuối cho một người bác sĩ.
Đối với những y bác sĩ là việc tại phòng cấp cứu thì dường như áp lực còn được nhân lên nhiều lần. Anh đã từng làm việc tại Phòng Cấp cứu của Bệnh viện, cũng từng 2 lần liên tiếp bị chỉ mặt chửi vô đạo đức. Khi đó, anh đã cảm thấy như thế nào?
- Tôi buồn! Tại sao mình tận tâm với người bệnh mà phải nhận lại những lời mắng chửi như vậy?
Tôi nhớ, chồng của bệnh nhân chỉ thẳng tay vào mặt tôi: Tôi nói cho anh biết, đừng bao giờ chưa có đầy đủ xét nghiệm trong tay mà dám nói là bệnh nhân mắc bệnh này bệnh kia. Bằng chứng đâu mà anh nói vợ tôi có hen phế quản? Rồi gì mà phải nhập viện? Anh làm bác sĩ mà vô tâm, vô đức vậy à? Anh có biết anh nói như vậy sẽ khiến người nhà bệnh nhân vô cùng lo lắng không?
Hai mươi năm trước tôi từng mất đi một đứa con chỉ vì sự tắc trách của bác sĩ, cũng chẩn đoán theo dõi rồi cũng chưa cho làm xét nghiệm đủ đã kết luận vội vàng để cuối cùng con tôi phải ra đi.
Tôi sững người lại khi nghe người nhà tâm sự vậy. Tôi nghĩ, khi đặt mình vào vị trí của họ, mình có thể cũng sẽ có những phản ứng như vậy. Nếu không đứng vào vị trí của họ thì sẽ nghĩ tại sao lại có một người vô ơn như thế?
Phản ứng của người nhà bệnh nhân đó có thể xuất phát từ việc nhìn thấy anh là một bác sĩ trẻ, họ không tin tưởng…
- Tôi đã từng nhiều lần bị người nhà và bệnh nhân không tin tưởng vì nhìn trẻ quá. Tôi vừa mới ra gặp bệnh nhân, họ đã nói thẳng: “Tìm cho tôi bác sĩ nào già, tôi không khám bác sĩ này”.
Vài lần đầu, tôi tự ái nhưng sao tôi có thể cứ giữ khư khư sự tự ái đó được? Các lần sau, tôi chào hỏi khéo léo và nhẹ nhàng: “Cô ơi, bác sĩ chính hiện đang không có mặt ở đây. Cháu nhìn trẻ vậy thôi chứ cũng đã làm lâu năm rồi”. Rồi họ cũng đồng ý để tôi khám. Nhưng có những người cương quyết đòi hỏi phải là bác sĩ già thì tôi cũng đành chịu. Đến thời điểm này, tôi đã vượt qua được cảm giác tự ái của bản thân để tiến gần hơn với người bệnh.
Anh đã rút ra bài học như thế nào cho mình?
- Tôi không thể nói trong bất cứ trường hợp nào, tôi cũng có thể bao dung bỏ qua hết, chỉ là khi đủ bình tĩnh thì sẽ có sự ứng xử hợp lý. Khi người nhà đang nổi giận, nếu như tôi làm găng lên thì chuyện gì sẽ xảy đến và người thiệt nhất là ai?
Tôi đã từng có những chỉ định sai hoặc chỉ định chậm trễ, dẫn đến việc bệnh nhân mổ muộn và có biến chứng. Sau đó, tôi bị kiện. Tôi chấp nhận kỷ luật. Từ những sai lầm đó, tôi rút ra bài học cho bản thân mình.
Nhiều khi, tôi mượn mạng xã hội để chia sẻ trên trang cá nhân những câu chuyện vui để mọi người nhìn vào sẽ tìm thấy đâu đó sự nhân văn trong cuộc sống.
Theo anh, làm thế nào để rút ngắn khoảng cách giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, người nhà của họ?
- Chúng ta cần có sự chia sẻ, đồng cảm, nhẫn nại hơn cả từ hai phía. Bác sĩ có những áp lực riêng và bản thân phía người bệnh cùng gia đình của mình cũng vậy. Nếu như cả hai bên có thể cùng kiên nhẫn hơn với nhau, tôi tin là sẽ có thêm nhiều câu chuyện tình người tốt đẹp trong cuộc sống.
Nhiều bác sĩ thổ lộ, họ cũng là con người, họ được quyền sai và sửa sai. Tuy nhiên, cái sai trong ngành y tế lại bị xã hội xét nét hơn. Anh nghĩ đó có phải sự bất công?
- Có lẽ, xã hội Việt Nam quá đề cao ngành y tế và người Việt Nam quá kỳ vọng vào nhân viên y tế. Chỉ cần nhân viên y tế sai sót dù là nhỏ thôi nhưng chính xã hội lại làm trầm trọng vấn đề đó lên. Xã hội biết tới ngành y tế với câu nói “Lương y như từ mẫu”, là bác sĩ không được quyền sai sót.
Nhưng bác sĩ cũng là con người, không ai hoàn hảo cả, không phải lúc nào họ cũng đúng, nhưng lỗi lầm đó đừng nặng nề đến mức gây tổn hại đến sinh mạng.
Đấy là những gì xã hội kỳ vọng về một nhân viên y tế. Ngược lại, là một người bác sĩ trẻ, anh kỳ vọng gì từ bệnh nhân và người nhà của họ?
- Tôi không kỳ vọng gì ở người bệnh và người nhà bệnh nhân. Bởi tôi xác định làm bác sĩ với tấm lòng và khao khát cống hiến của mình.
Tôi chỉ mong họ hiểu về nghề của chúng tôi, về những cống hiến và hy sinh thầm lặng, về nền y tế của Việt Nam khó khăn như thế nào và những nhân viên y tế còn trụ lại với nghề là họ đã dũng cảm ra sao.
Những chia sẻ trên trang cá nhân của anh, dù là vấn đề gì thì đều kết thúc bằng sự dí dỏm và đem lại tiếng cười cho mọi người. Vậy thì, ưu điểm lớn nhất của anh có phải là sự lạc quan không?
- Không (cười). Ưu điểm lớn nhất của tôi là luôn biết nhìn cuộc sống theo lăng kính lạc quan. Khi nhìn được nó theo cách lạc quan rồi thì mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, cũng có lúc tôi phải tháo lăng kính đó xuống.
Luôn nhìn mọi thứ qua lăng kính lạc quan, có khi nào anh thấy mình phải gồng lên quá mà đặt nó xuống không?
- Có chứ! Đó là những lúc tôi chia sẻ sự bức xúc của mình về sự nhầm lẫn, cái sai của đơn vị nào đó đưa tin về ngành y tế một cách phiến diện. Tuy nhiên, tôi tìm cách phê bình nhẹ nhàng và đưa thông điệp rõ ràng tới cộng đồng.
Còn với công việc bác sĩ hiện tại, anh cần tới lăng kính đó như thế nào?
- Ở thời điểm hiện tại, tôi không cần lăng kính lạc quan để nhìn công việc của tôi. Bởi tôi đang được sống ở “sân khấu” của mình. Có thể sau này khi nhiều thứ ập đến, tôi sẽ cần tới lăng kính đó.
Tôi nhìn mọi thứ qua lăng kính lạc quan và sống ở thời điểm hiện tại vì quá khứ là điều đã qua, tương lai là điều chưa đến. Đó cũng là cách tôi đối diện với cuộc sống dễ dàng hơn.