Nếu chưa thực sự nhận ra lỗi sai của mình, lời xin lỗi cũng không khiến trẻ thấy hối hận và muốn sửa sai mà thậm chí còn khiến trẻ càng ngang bướng hơn.
Khi trẻ có thái độ không ngoan, như tranh giành đồ chơi với bạn bè, không nghe lời bố mẹ... không ít cha mẹ đều khăng khăng bắt trẻ nói câu "xin lỗi".
Bằng cách này, chúng ta hy vọng trẻ sẽ biết sai và biết sửa sai.
Tuy nhiên, mỗi hành động của trẻ đều có lý do nhất định. Những việc làm mà cha mẹ thấy sai chưa chắc bé đã thấy đó là sai. Vì vậy, nhiều trẻ càng trở nên ngang bướng khi phải nói những câu xin lỗi "chiếu lệ" như vậy.
Để trẻ thực sự hiểu rằng mình đã làm sai, cha mẹ cần dạy trẻ nhiều hơn là câu: "Con phải xin lỗi đi!"
1. Hướng dẫn trẻ xin lỗi đúng cách
Để dạy con nói "xin lỗi" đúng cách, bạn cần giữ bình tĩnh cho cả bản thân mình. Bởi khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ thường có phản ứng quát mắng, to tiếng khiến trẻ càng sợ hãi hoặc càng cứng đầu.
Hãy nhẹ nhàng giải thích và phân tích lỗi sai của trẻ, để câu "xin lỗi" trẻ nói ra là thật lòng. Cách này cũng giúp trẻ dễ mở lòng với bố mẹ và không sợ phạm sai lầm.
2. Trò chuyện, làm rõ vấn đề
Lúc này, bạn cần giúp trẻ xác định xem trẻ đang cảm thấy gì và những cảm xúc đó có thể đã dẫn tới hành vi chưa đúng ra sao.
Hãy hỏi trẻ lý do, vì suy nghĩ của trẻ còn non nớt, chưa phân biệt được mọi điều phải trái trong cuộc sống. Nên cha mẹ cần là người "dẫn đường" đúng đắn cho trẻ.
Khi trẻ đã hiểu hơn về cảm xúc và hành vi của mình, đã tới lúc trò chuyện với trẻ về việc người kia cảm thấy thế nào. Có thể thực hiện việc này bằng cách liên hệ tình huống vừa diễn ra với một tình huống tương tự, từng xảy ra với trẻ.
Điều này giúp trẻ đồng cảm với người khác và không muốn mắc lại lỗi lầm đó nữa.
Bạn cũng có thể giải quyết vấn đề với con bằng cách hỏi xem trẻ sẽ làm gì khác đi nếu như có cơ hội. Điều này giống như một cơ hội để trẻ sửa sai, dù chỉ trong suy nghĩ.
3. Gợi ý cho trẻ cách nói "xin lỗi"
Lời xin lỗi cần thể hiện sự chân thành và mong muốn được sửa sai.
Cựu giáo viên tiểu học JoEllen Poon chia sẻ, cô đã áp dụng thành công 3 câu nói để hướng dẫn học sinh của mình thực hành xin lỗi một cách chân thành. Đó là: “Tôi xin lỗi vì…”; “Làm như này là sai vì…” và “Trong tương lai, tôi sẽ…”.
Những câu xin lỗi này giúp trẻ tự nhận ra mình sai ở đâu, nguyên nhân sai vì sao và cách sửa lỗi trong tương lai.
Nói về hiệu quả của phương pháp này, cô giáo Poon tiết lộ: “Học trò của tôi đã chủ động xin lỗi nhau chứ không chờ đợi người lớn buộc mình phải làm việc đó. Trẻ không còn hành xử như thể mình là kẻ “thua” khi nói lời xin lỗi. Hơn thế, cả hai bên đều “thắng” bởi cùng hướng tới một tình huống tốt đẹp hơn. Trẻ cũng có xu hướng thay đổi hành vi của mình sau đó”.
Một lời "xin lỗi" rất dễ nói ra, nhưng sự hối lỗi thật lòng mới là điều quan trọng mà cha mẹ nào cũng cần dạy trẻ từ nhỏ, để trẻ lớn lên trở thành người biết nhận sai và sửa sai để ngày càng tốt hơn.