Không nhiều người biết một blogger thời trang được nhiều chị em tìm tới xin lời khuyên trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân lại sở hữu một tủ đồ đơn giản, là người ít đi mua sắm và thường tìm tới những chỗ bán trang phục giá rẻ.
Đôi giày cao gót sắc hồng kết hợp cùng bộ trang phục tông màu trầm ấm dẫn bà mẹ một con đi vào không gian ấm cúng.
Cách kết hợp quần áo cùng phụ kiện của cô trong buổi gặp gỡ, giống như cái tên Trầm cô mang, một chút kiêu sa, thêm nét thanh lịch, tinh tế nhưng trong đó có cả sự phá cách và sôi nổi.
Cuộc trò chuyện với Giám đốc của ba thương hiệu sách ‘I love Cookbook’, ‘Stylory’ và ‘Messy Book’ bị cuốn đi bởi chất giọng nhẹ nhàng, đủ âm lượng cùng sự nhiệt thành, tường tận trong từng vấn đề cô chia sẻ.
Xuất phát từ đâu mà chị chọn lĩnh vực sách để khởi nghiệp?
- Tính đến nay cũng đã 5 năm kể từ ngày tôi bắt đầu làm sách. Tôi làm dòng sách ‘I love Cookbook’ với mong muốn đem tới những cuốn sách dậy nấu ăn đẹp để chính bản thân mình và những người xung quanh có hứng thú học nấu ăn.
Tôi là một người yêu thời trang và nhiều người tìm tới tôi xin lời khuyên trong cách ăn mặc và tạo phong thái. ‘Stylory’ ra đời nhẹ nhàng như vậy.
Còn ý tưởng làm dòng sách dành cho thiếu nhi và giáo dục gia đình có tên ‘Messy book’ có khi tôi mang thai đứa con đầu lòng của mình.
Với sự háo hức, mong chờ của một người mẹ và những vướng mắc gặp phải trong quá trình mang thai cũng như nuôi dạy con sau này, tôi nghĩ mình phải làm sách dành cho thiếu nhi và các ông bố, bà mẹ.
Sách dạy nấu ăn, sách về thời trang và phong cách sống, sách về thiếu nhi và giáo dục gia đình trên thị trường không phải ít. Ba thương hiệu sách của chị có điểm gì đặc biệt?
- Thay vì làm những cuốn sách in đen, trắng thông thường, tôi làm các bản in màu bắt mắt. Có thể nói, ‘I love Cookbook’, ‘Stylory’ là hai dòng sách đi đầu về ẩm thực, thời trang và phong cách sống.
Bản thân tôi là một người yêu sách và hay đọc những cuốn tiểu thuyết nhưng tôi không chọn làm dòng sách đó. Bởi tôi biết rõ một điều, tôi cần phải làm những cuốn sách có tính ứng dụng được không phải là sách đọc xong thấy vui, buồn vu vơ.
Khi độc giả tìm đến những cuốn sách của ba thương hiệu trên, gấp cuốn sách đó lại, họ muốn thay đổi. Đây cũng là tiêu chí đầu tiên tôi chọn một cuốn sách để xuất bản.
‘I love Cookbook’, ‘Stylory’ và ‘Messy book’ có tính ứng dụng như thế nào với độc giả?
- ‘I love Cookbook’ thực sự đi vào đời sống của những người yêu ẩm thực và cả những người không mấy thiện cảm với việc bếp núc.
‘Stylory’ là những cuốn sách cổ vũ người phụ nữ tạo lập giá trị cá nhân. Nó không đơn thuần chỉ là cách mặc mà còn là cách đi đứng, giao tiếp. Những cuốn sách đó giúp họ biết trân trọng bản thân hơn và biết làm thế nào để được mọi người ghi nhận.
Đa số mọi người nghĩ thời trang thì thường gắn liền với sự xa xỉ, phải là những tờ tạp chí có tên tuổi cùng những thương hiệu đắt đỏ, hào nhoáng.
‘Stylory’ cung cấp cho mọi người những bí kíp rất đơn giản, những trang phục không đắt tiền và dễ dàng mua được, để xây dựng cho mình một phong cách, diện mạo riêng trong việc ăn mặc.
Với ‘Messy book’, tôi tập trung vào sách giáo dục giới tính cho trẻ con thay vì những kiến thức phổ thông về nuôi dạy con. Vì tôi thấy ở thị trường sách Việt Nam hiện nay, sách cung cấp kiến thức về giới tính cho các con và bố mẹ không nhiều.
Bản thân chị thấy ưng ý những cuốn sách nào? Chúng đã làm thay đổi độc giả của chị như thế nào trong nhận thức và hành động?
- Có rất nhiều cuốn sách mà tôi ưng ý. Bởi tôi là người yêu sách và khó tính trong việc thẩm định nên bất cứ sản phẩm nào cũng phải được lựa chọn kỹ càng.
‘Hành trình bếp bánh’ là cuốn sách đến bây giờ vẫn được nhiều độc giả yêu thích và chúng tôi đã bán được hơn 1 vạn bản. Cuốn sách đó với gần 60 công thức bánh đỉnh cao, chia sẻ cặn kẽ, tỉ mỉ nhất từng thao tác nhỏ nhưng quan trọng trong kỹ thuật làm bánh, là cuốn sách thay đổi cuộc đời của rất nhiều người.
Cuốn sách tạo khiến nhiều người có động lực mở cửa tiệm bánh riêng, nhận ra đam mê thực sự của cuộc đời họ không phải là ngồi văn phòng mà là muốn đứng bếp để tạo ra những sản phẩm như vậy.
‘Chef - Đầu bếp chuyên nghiệp’ cũng là cuốn sách dành cho những ai có đam mê thực sự với nghề đầu bếp. Không chỉ là một cuốn sách truyền cảm hứng, nó mang sứ mệnh hoàn thiện tầm nhìn về một nghề nghiệp vất vả nhưng cũng đầy vinh quang – nghề đầu bếp. Với cuốn sách này, chúng tôi thực sự ‘chạm’ vào được giới đầu bếp chuyên nghiệp và họ còn lấy những điều có trong sách làm giáo trình.
‘Đời thay đổi khi ta thay đồ’ đã trở thành tuyên ngôn của nhiều người phụ nữ. Nhiều người tâm sự, trước đây vì lao tâm lo cho cuộc sống thường nhật mà họ quên việc chăm sóc bản thân. Chồng và những người xung quanh chê họ ăn mặc xuề xoà, luộm thuộm… khiến cuộc sống trở nên căng thẳng.
Khi đọc được cuốn sách này, tự họ ý thức được việc chăm sóc cho chính bản thân mình. Họ vui khi thấy mình ăn mặc đẹp lên, cảm thấy mình được trân trọng và truyền cảm hứng mặc đẹp cho đồng nghiệp.
Cuộc sống của nhiều người trở nên thuận lợi hơn, chỉ bắt đầu đơn giản từ việc thay đổi phong cách ăn mặc.
Như vậy, thương hiệu sách của chị tránh những nội dung buồn?
- Không hẳn như vậy. Tôi thường hướng độc giả tới những điều tích cực, kể cả những nỗi buồn nhưng luôn có cách nhìn nhẹ nhõm. Trước khi lựa chọn cuốn sách nào, tôi đặt ra câu hỏi, tinh thần mà cuốn sách này đem lại cho độc giả là gì? Vì hầu hết độc giả của chúng tôi không chỉ đọc một cuốn sách mà họ đọc gần như toàn bộ.
Chị là người có phong cách thời trang và ghi điểm với mọi người xung quanh, nhờ điều đó mà chị làm sách về thời trang. Vậy còn nấu ăn, chị có phải là người giỏi nội trợ không?
- Mình làm sách về cái gì không có nghĩa mình phải giỏi về cái đó, tôi nghĩ vậy. Tôi chỉ là người đưa ra ý tưởng của mỗi cuốn sách. Tôi nghĩ mình nên làm tốt phần việc đó thay vì ôm đồm quá nhiều thứ.
Hỏi tôi về kỹ thuật nấu nướng, tôi đã có các chuyên gia rồi. Tại sao tôi lại phải biết tất tần tật về nấu ăn thì tôi mới có được một cuốn sách hay? Tôi không biết nấu ăn nhưng tôi biết ăn ngon, chồng tôi lại là một đầu bếp nên tôi tự tin khi làm sách về nấu ăn.
Việc làm sách đem tới cho chị điều gì?
- Đó là niềm vui khi thấy những cuốn sách của mình giúp nhiều người thay đổi theo chiều hướng tích cực.
‘I love Cookbook’ và ‘Stylory’ không đơn thuần chỉ là những thương hiệu sách mà nó mang đến cho tôi những người bạn thực sự. Nó trở thành cuộc sống thường ngày của tôi.
Chị chia sẻ, việc làm sách đem tới cho chị những người bạn thực sự. Đó có phải là những độc giả được truyền cảm hứng không?
- Chúng tôi có nhóm ‘Stylory – Sách phong cách sống’, là nơi tổng hợp những bài viết phân tích, lý giải cho bạn thấy được gốc rễ của vẻ thanh lịch đáng ngưỡng mộ đến từ một phong cách sống tinh tế và lịch thiệp, tự nhiên và kiêu hãnh, tránh xa thói khoe mẽ và những điều không chân thật, hướng tới xây dựng phong cách cá nhân, trau dồi nội lực và chiều sâu tâm hồn.
Những điều mà chúng tôi tin chắc rằng luôn tồn tại sẵn sàng trong trái tim của hầu hết mọi phụ nữ, dù nàng sinh ra ở bất cứ nơi đâu và mang quốc tịch gì đi chăng nữa. Vậy nên chỉ cần nàng thực muốn, nàng hoàn toàn có thể nắm được tuyệt chiêu và trở thành một phụ nữ ‘đẹp không gắng gượng’.
Mỗi tuần, chúng tôi gặp gỡ 5 – 7 độc giả, tư vấn giúp họ thay đổi phong cách và xây dựng thương hiệu cá nhân.
‘Stylory’ đã vượt xa mục đích làm sách ban đầu của chúng tôi vì chúng tôi còn có ‘Stylory share’, ủng hộ cho quỹ xây nhà và cầu cho các vùng quê nghèo.
Có vẻ như đối tượng sách của chị luôn là phụ nữ và trẻ em?
- Một phần cũng là do cảm nhận của tôi về phụ nữ tốt hơn về đàn ông. Tôi bị hấp dẫn bởi phụ nữ nhiều hơn nên làm điều gì tôi cũng chỉ xoay quanh đối tượng này.
Chúng tôi cũng có dự án làm một cuốn sách xây dựng phong cách cho đàn ông nhưng đối tượng độc giả chúng tôi hướng tới vẫn là phụ nữ.
Nhiều người phụ nữ tâm sự, chồng của họ ra đường mà mặc đồ hơi nhàu hoặc không đẹp thì lỗi thuộc về các bà vợ. Có phải xuất phát từ điều này mà chị có dự án làm một cuốn sách xây dựng phong cách cho đàn ông nhưng người đọc nó lại là phụ nữ?
- Tôi chính là người từng bị nói như vậy. Mọi người hay nói với tôi tại sao không làm đẹp cho chồng? Nhưng họ không biết với môi trường làm việc của một người đầu bếp như chồng tôi thì ăn mặc kiểu cách quá sẽ không phù hợp.
Chồng tôi thấy tự tin nhất khi anh ấy ăn mặc đồ phong cách bụi bặm, đơn giản, lúc nào cũng đi một đôi boots, mặc quần jeans và áo phông.
Như vậy, người vợ cũng cần nắm bắt được điều gì phù hợp với chồng của mình để đưa ra những lời khuyên hợp lý?
- Tôi cần nắm bắt được phong cách mặc nào hợp với anh ấy để giúp anh ấy chọn lựa món đồ ưng ý. Bình thường chồng có thể ăn mặc đơn giản nhưng vào những dịp đặc biệt, tôi cần phải hiểu chồng để tư vấn sao cho vừa hợp với bộ trang phục mình mặc lại vừa khiến anh ấy tự tin và thoải mái.
Tôi nghĩ, việc vợ có tiếng nói và tham gia ý nhị vào việc ăn mặc của chồng là điều hiển nhiên và các bà vợ nên biết để chăm sóc chồng một cách tốt nhất. Nhưng cũng không nên tham gia nhiều quá vì có thể sẽ gây ra phản ứng ngược.
Chị thường chọn phong cách trang phục như thế nào khi ra ngoài?
- Tôi không có phong cách cố định. Nhưng có điểm chung là tôi mặc phóng khoáng, chủ yếu là đồ trơn, kẻ hay hoạ tiết đơn giản. Mọi người dễ nhận thấy tôi hay phối đồ một cách tinh nghịch.
Ví dụ với bộ đồ này nếu đi với đôi giày màu đen thì rất hoàn hảo. Nhưng tôi không muốn như vậy, tôi kết hợp với đôi giày màu khác. Tức là, tôi luôn có điểm dừng nhất định để gây ấn tượng trong mọi người.
Trang phục chị mặc có quyết định tâm trạng của chị hôm đó không?
- Nếu trời mưa thì tôi sẽ đi một đôi giày sáng màu để xua đi sự ảm đạm. Nếu tâm trạng không tốt thì tôi sẽ mặc một bộ quần áo đẹp nhưng thoải mái, không gò bó, cầu kỳ. Tôi là người có thể vui lên hay buồn đi chỉ vì một bộ quần áo.
Chắc hẳn đi ra ngoài, thấy một người ăn mặc đẹp thì tâm trạng của chị sẽ vui lên và ngược lại…
- Tôi thường xuyên như vậy. Đi ra đường, tôi thấy ai mặc đẹp thì tôi rất phấn khích. Bây giờ còn đỡ chứ ngày trước nhìn thấy ai mặc đẹp thì tôi không thể nào kiềm chế được và đi theo.
Những điểm khác biệt chị nhận thấy ở một người phụ nữ có phong cách thời trang so với những người phụ nữ khác như thế nào?
- Tôi nhận thấy, những người phụ nữ ăn mặc đẹp sống thoải mái, nhẹ nhõm, không so kè. Họ phóng khoáng cả về tinh thần, tấm lòng và tâm hồn chứ không chỉ thể hiện trong cách chọn trang phục.
Để xây dựng được phong cách thời trang riêng, chị hay khuyên mọi người điều gì?
- Điều tôi khuyên mọi người đầu tiên là cần biết mình có thế mạnh gì và hãy tin vào bản thân mình. Khi mình hiểu được con người của mình thì sẽ cảm thấy việc ăn mặc vừa quan trọng lại vừa không quan trọng.
Mỗi người phải tự rèn cho mình có thần thái riêng qua cách nói chuyện, đi đứng, ăn mặc, ngôn ngữ cơ thể… những điều toát ra từ bên trong. Khi đã có được thần thái thì chuyện mặc đẹp sẽ đơn giản và dễ dàng hơn.
Cách đây hơn 2 năm, chị chia sẻ: ‘Có những thứ hầu như không mấy ai có thể lung lạc được tôi. Đó là dùng son đỏ, không make up mặt, tóc đen nguyên bản, sơn móng tay màu đỏ đậm, điện thoại cổ lỗ sĩ màn hình đen trắng. Còn thời trang thì thích gì dùng nấy, không chạy theo trend’. Có vẻ như chưa có ai thay đổi được chị?
- Tôi nghĩ một người phụ nữ có phong cách thời trang riêng, có thần thái thì họ có sức hút lớn. Còn gương mặt đẹp thì chỉ là một phần nhỏ thôi. Nhìn vào một người phụ nữ ăn mặc đẹp, mình có thể bắt chước.
Cũng như sống trong môi trường toàn người mặc đẹp thì mình không thể mặc xấu được, nó tự thẩm thấu vào con người mình. Có thể nói, thời trang giống như tiếng nói vô hình, gắn kết mọi người lại gần với nhau.
Đã có ai phản đối những điều chị không thể lung lạc chưa?
- Nhiều người bạn bảo tôi phải nhuộm tóc vàng cho sáng da. Nhưng tôi nghiệm ra, làn da của người châu Á chỉ phù hợp với mái tóc đen thôi. Tôi không bao giờ thay đổi màu tóc của mình.
Những lúc mặt tôi nổi mụn chi chít, tôi thấy mọi người yêu quý và muốn gặp gỡ, trò chuyện với tôi vì họ thích cách tôi lắng nghe, chia sẻ chứ không phải do mặt tôi láng mịn hay không đẹp.
Mỗi ngày, chị mất bao nhiêu thời gian cho việc lựa chọn trang phục khi đi ra ngoài?
- Tôi kết hợp trang phục rất nhanh. Nhưng tôi luôn có quy tắc trước khi chọn trang phục, suy nghĩ xem hôm nay mình đi gặp ai, trong dịp gì, mình muốn họ cảm nhận gì về mình? Dựa trên những điều đó mà tôi chọn trang phục phù hợp.
Ngoài việc quan tâm tới sự kết hợp của món đồ với những trang phục có sẵn ở nhà, chị còn dùng đồ second hand và còn tự khâu nữa… Vậy những tiêu chí khác để chị lựa chọn trang phục là gì?
- Tôi nghĩ một khi mình đã có phong cách riêng thì mình không bị phụ thuộc vào món đồ và thương hiệu. Tôi là người ít khi mặc đồ hàng hiệu. Tôi có những món đồ đắt nhưng đó là những món đồ xứng đáng với số tiền tôi bỏ ra. Tôi hay mua đồ rẻ và hay tìm được nơi bán đồ rẻ.
Đối với tôi, quần áo đẹp là có kiểu dáng, chất liệu đẹp, còn nó xuất phát từ đâu không quan trọng. Bản thân món đồ và cách mình sử dụng chúng như thế nào sẽ tạo nên phong cách của mình chứ mình không bị lệ thuộc vào điều gì cả.
Nhiều người nghĩ một blogger như chị chắc hẳn sẽ tốn rất nhiều tiền vào việc mua sắm quần áo và các món phụ kiện. Điều này với chị như thế nào?
- Tôi ít khi mua đồ cho mình và không phải là người ‘nghiện’ mua sắm. Trước khi bỏ tiền ra mua món đồ gì, tôi cân nhắc xem nó kết hợp được với bao nhiêu món đồ tôi đã có. Tủ đồ của tôi hầu hết là đồ cơ bản.
Tôi chứng kiến nhiều phụ nữ dành hết số tiền kiếm được để mua sắm quần áo, phấn son và chết ngập trong những món đồ đó. Bởi vì quá nhiều đồ nên sáng nào họ cũng đứng trước tủ đồ mà không biết mặc cái gì. Họ không kết nối được những thứ vật chất mà họ sở hữu nên cuộc sống của họ trở nên rối rắm.
Bi kịch của người phụ nữ là có nhiều đồ nhưng mặc không đẹp. Cuộc sống của mình nên chia đều cho những điều khác chứ không nên lao vào mua sắm, tôi nghĩ vậy.
Chị có cần tới sự tư vấn của chồng trong việc chọn trang phục không?
- Tôi thường xuyên hỏi chồng ‘Anh ơi em mặc bộ này có xinh không?’. Anh ấy sẽ gật gù khen xinh. Nếu như anh ấy không thích cách kết hợp đồ đó của tôi thì anh ấy sẽ nói ‘Anh thấy không hợp lắm’ chứ không bao giờ chê hay nói tôi mặc xấu.
Với những góp ý từ người chồng của mình, chị thay đổi theo chứ?
- Có chứ. Tôi là người yêu chồng và thích chia sẻ với chồng mọi điều trong cuộc sống. Tôi luôn nghĩ, bất cứ điều gì nếu được chia sẻ và hỏi ý kiến nhau thì đều giúp cuộc sống vợ chồng trở nên thú vị hơn. Chúng tôi chủ động cho sự xuất hiện của đối phương trong từng bước đi trong cuộc đời.
Có vẻ như cuộc sống của vợ chồng chị là những mảnh ghép từ sự chia sẻ với nhau hằng ngày…
- Cuộc sống vợ chồng không chỉ toàn những chuyện ủng hộ mà còn là những tranh cãi nữa. Tuy nhiên, sau những tranh cãi thì chúng tôi đều hiểu nhau hơn và cảm nhận được rõ tình cảm của đối phương dành cho mình.
Chúng tôi cùng nhau làm mọi thứ và chia sẻ với nhau mọi điều. Điều đó giúp cho chúng tôi có sự gắn kết lớn. Chúng tôi biết cách làm người kia vui, hài lòng và hạnh phúc. Đó chính là cách giúp chúng tôi duy trì được cuộc sống vợ chồng và là nền tảng để tôi làm được những điều tôi muốn.
Chồng tôi là người cực kỳ điềm đạm. Khi xảy ra tranh cãi, anh luôn là người làm lành trước bằng chính sự dịu dàng của mình. Dù ai là người có lỗi thì chồng tôi luôn là người có động thái làm lành trước.
Sự dịu dàng nào trong chuyện làm lành khiến chị nhớ nhất?
- Vợ chồng tôi từ trước tới nay rất không thích việc vừa giải quyết công việc lại vừa chơi với con. Tối hôm đó, tôi ru con ngủ và trả lời một email quan trọng. Chồng nhìn thấy tôi như vậy liền cáu, hai vợ chồng giận nhau.
Mặc dù ngày hôm sau là sinh nhật chồng nhưng tôi không nhún nhường, không mở lời xin lỗi dù tôi biết mình sai. Đến cuối ngày hôm đó, chồng mang về cho tôi rất nhiều món đồ xinh xắn mua tại một cửa hàng mà có lần chúng tôi đi qua, tôi bảo khi nào rảnh thì vào.
Dù có giận nhau đến mấy nhưng chồng vẫn lấy nước cho tôi uống, vẫn nhớ đưa thuốc cho tôi dùng… Mọi việc chăm sóc tôi thường nhật như thế nào thì chồng vẫn làm cho tôi như không có chuyện gì xảy ra.
Chồng đóng vai trò như thế nào trong sự thành công của chị?
- Cũng rất nhiều đấy. Chồng tôi có thể làm mọi thứ cho con tốt hơn tôi. Anh tắm cho con, ru con ngủ, thay bỉm cho con, cho con ăn… Chồng còn lo tới việc tôi ăn uống gì để tốt trong thời gian ở cữ. Tôi không bị những vấn đề như nhiều bà mẹ bỉm sữa khác gặp phải.
Ngoài ra, tôi may mắn có mẹ chồng cực kỳ tâm lý. Bà hiểu, ủng hộ, tôn trọng công việc của hai vợ chồng và trông con cho chúng tôi ra ngoài cả ngày. Mẹ tôi sẵn sàng đứng sau để lo từng bữa ăn cho chúng tôi và chăm sóc cháu cẩn thận. Bởi vì có một gia đình như vậy nên tôi mới có được ngày hôm nay.
Chị có bao giờ nghĩ rằng, gia đình riêng của chị giúp chị phát triển trên nền tảng những điều chị đã có chứ không phải có gia đình chị mới có được sự nghiệp?
- Trước khi gặp và lấy người chồng hiện tại, tôi đã có sự nghiệp khá vững vàng với tài chính chủ động và con người tự chủ. Tôi không lệ thuộc vào chồng và gia đình chồng.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn gái một điều, trước khi đi đến cuộc hôn nhân thì phải có cuộc sống riêng của mình. Đó là sự nghiệp, các mối quan hệ, những người sẵn sàng đứng ra hỗ trợ nếu mình có bất kì vấn đề gì với chồng và gia đình chồng.
Đừng bao giờ vội lao vào cuộc sống hôn nhân nếu chưa chắc chắn về bản thân mình. Khi đã tự chủ về mọi thứ thì chúng ta sẽ có tiếng nói. Cách gia đình nhà chồng nhìn vào và cư xử với mình cũng khác. Mọi người nói tôi may mắn nhưng mọi sự may mắn đều được xây dựng trên nền tảng.
Nhìn vào chị hiện tại, không ai nghĩ chị mới sinh con được 3 tháng. Chị đã có sự thay đổi như thế nào từ khi lập gia đình và có con?
- Khi còn độc thân, có những ngày tôi làm việc 12 – 14 tiếng là chuyện bình thường, thậm chí tôi còn mang việc về nhà. Thế nhưng khi kết hôn và có con, tôi bỏ thói quen này và làm việc khoa học hơn. Tôi nhận ra, thời gian làm việc ở văn phòng được tôi sử dụng hiệu quả hơn nhiều. Tôi xử lý công việc tập trung hơn.
Trong chặng đường đã qua, chị có nuối tiếc điều gì không?
- Tôi đã dành cả thanh xuân của mình để làm việc và phấn đấu, thành công rồi thất bại nhưng chưa khi nào nhụt chí, ăn mặc đẹp, yêu đương và rồi đau khổ rồi lại yêu đương… Tôi trau dồi kiến thức mỗi giờ, mỗi phút.
Cảm ơn thanh xuân ấy, nhiệt huyết ấy, tất cả khờ dại ngây thơ ấy, tất cả vui buồn ấy… Mọi khoảnh khắc đều khiến mỗi lần nhìn lại cảm thấy mãn nguyện và tự hào.