Bệnh nhân chết lâm sàng gần 1 giờ đồng hồ, 4 lần tim ngừng đập tưởng như không còn cơ hội sống lại hồi sinh một cách thần kỳ.
Trường hợp hy hữu này là của một bệnh nhân 50 tuổi, ở TP Hạ Long, Quảng Ninh. Theo gia đình cho biết, trước đó, bệnh nhân đang đi làm buổi sáng bất ngờ đau tức ngực trái, khó thở, choáng váng đầu óc, đến khi vào viện cơn đau càng dữ dội, bất ngờ xuất hiện loạn nhịp rung thất, ngừng tim ngay sau đó.
Các bác sĩ, điều dưỡng viên lập tức thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn, nỗ lực kiên trì thay nhau liên tục thổi ngạt, ép tim và sốc điện.
Sau gần 60 phút cấp cứu căng thẳng có tuần hoàn tái lập, bệnh nhân được đặt nội khí quản và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, điện tim nhịp nhanh xoang phải duy trì ba thuốc vận mạch liều cao.
Kết quả xét nghiệm đã có tình trạng toan chuyển hóa nặng, suy thận, bệnh nhân được chẩn đoán sốc tim do nhồi máu cơ tim trước rộng cấp, biến chứng loạn nhịp phức tạp, suy đa tạng, hôn mê sâu ngừng tuần hoàn.
Trước tình trạng tối khẩn cấp, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Chống độc – Thận nhân tạo đã khẩn trương điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực nhất như: thở máy, lọc máu liên tục, kiểm soát huyết động, kiểm soát rối loạn nhịp tim và đặc biệt áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não cho bệnh nhân ngay lập tức.
Trong ngày đầu điều trị, bệnh nhân liên tục có rối loạn nhịp thất, phải cấp cứu ngừng tuần hoàn 3 lần và luôn trong tình trạng đe dọa tử vong. Nhờ phối hợp áp dụng nhiều biện pháp hồi sức, bệnh nhân dần chuyển biến tốt, không còn loạn nhịp tim, huyết động ổn định, đã ngừng thuốc vận mạch, còn duy trì liều thấp thuốc trợ tim.
Sau 15 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo hoàn toàn, được rút ống nội khí quản, tự thở tốt, không đau ngực, nói chuyện tiếp xúc bình thường, phục hồi vận động và không để lại di chứng về thần kinh.
Ths.Bs Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Chống độc – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn 4 lần, có lần tim ngừng đập gần 1 tiếng đồng hồ, chỉ còn 1% hy vọng sống sót.
Theo phác đồ của thế giới, nếu hồi sức 30 phút mà đánh giá bệnh nhân không có dấu hiệu hồi phục thì đành phải ngưng hồi sức.
Tuy nhiên khi đó chúng tôi nhận thấy trường hợp này là bệnh cấp tính, bệnh nhân còn khá trẻ, lại vốn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý mãn tính trước đó nên kíp cấp cứu đã kiên trì đến cùng, áp dụng tất cả các biện pháp với hy vọng “còn nước còn tát”.
Sau gần 1 giờ cấp cứu căng thẳng tột độ, nỗ lực của chúng tôi được đền đáp xứng đáng khi trái tim bệnh nhân đã hồi sinh trở lại.
Cùng với đó, quá trình điều trị phục hồi tiếp theo cũng gặp không ít khó khăn do những biến chứng ngừng tuần hoàn gây ra, tế bào não thiếu oxy trong thời gian dài gây ra tổn thương không nhỏ.
Rất may bệnh nhân đến viện kịp thời, được chẩn đoán, cấp cứu nhanh, khẩn trương và chính xác, đặc biệt đã áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để tế bào não phục hồi, giúp bệnh nhân tỉnh lại không bị các di chứng nặng nề về thần kinh.
Dù bệnh nhân vẫn phải tiếp tục lọc máu ngắt quãng do suy thận cấp vô niệu, tuy nhiên sức khỏe hiện tại đã tiến triển tốt hơn rất nhiều. Đây là trường hợp hy hữu với khả năng phục hồi rất ngoạn mục”.