Chuyên gia trẻ em Trần Ban Hùng cho rằng: “Hành vi của cô giáo bắt các bạn trong lớp tát một em học sinh 231 cái đã vi phạm luật hình sự và cần phải tiến hành xử lý hình sự để tạo được sự răn đe”.
Liên quan tới việc học sinh nhập viện sau khi cô giáo bắt cả lớp tát 231 cái vì nói tục, trao đổi với Gia Đình Mới về hình phạt mà cô giáo N.T.P.T. dành cho học sinh của mình, ông Trần Ban Hùng, chuyên gia bảo vệ trẻ em chia sẻ: “Hành vi của cô giáo đã vi phạm luật giáo dục, luật trẻ em và luật hình sự.
Được biết, trước đây cô T. cũng từng có biện pháp quá mạnh tay với học sinh khiến phụ huynh bức xúc.
Như vậy, hành vi dùng bạo lực của cô giáo này đối với học sinh đã từng xảy ra mà chưa bị xử lý nghiêm dẫn đến cô giáo không sợ và không có sự thay đổi.
Theo tôi, cần tiến hành xử lý hình sự đối với hành vi của cô giáo để tạo được sự răn đe cho cộng đồng.
Bởi, rất nhiều sự việc bạo hành đối với học sinh đã xảy ra nhưng hình thức kỷ luật đình chỉ công tác, chuyển công tác… hầu như không đem lại hiệu quả.
Chính vì các hình phạt đưa ra không có hiệu quả nên liên tiếp xảy ra các sự việc học sinh bị thầy cô bạo hành”.
Theo đánh giá của ông Hùng, hình thức kỷ luật tát học sinh là cô giáo đang dùng nhục hình với học sinh. Điều này thể hiện sự bế tắc, cô giáo không biết dạy ra sao, không kiềm chế được cảm xúc của mình nên dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Để sự việc diễn ra như vậy không chỉ cô giáo mắc sai phạm, mà đây còn là lỗi của những người quản lý, cụ thể là lỗi của hiệu trưởng nhà trường, lỗi của Sở Giáo dục.
Cô giáo đặt quy định xử phạt sai trên lớp mà hiệu trưởng nhà trường lại để một quy định sai như vậy tồn tại, rồi đổ lỗi cho áp lực thi đua của nhà trường là không chấp nhận được.
Người quản lý giáo dục tại trường học cần phải nắm được các quy định trong lớp để đảm bảo các quy định trong lớp học không vi phạm quy định luật pháp, không trái quy định của trường học.