Phổi là cơ quan nhạy cảm, dễ bị tác động bởi các yếu tố có hại bên ngoài như khói bụi, ô nhiễm, nấm mốc…
Chính vì vậy, nếu không biết cách giữ gìn, hầu hết mọi người sẽ mắc các bệnh lý về phổi, nhẹ là bệnh về đường hô hấp, nặng có thể là các bệnh mãn tính, ung thư…
Mới đây, Ths. Bs Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung Ương đã chia sẻ về 5 thói quen dễ thực hiện để có một lá phổi khoẻ mạnh.
Thay khẩu trang định kỳ
Theo Ths. BS Vũ Văn Thành, đối với cơ quan hô hấp, bao gồm phổi, phế quản, không khí trong lành có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, không khí đang bị ô nhiễm, khói bụi… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan này
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, để tránh các tác nhân gây hại từ bên ngoài, một trong những cách mọi người thường sử dụng là đeo khẩu trang để loại bỏ bớt hạt bụi xâm nhập vào phổi qua đường thở, tuy nhiên với hạt bụi kích thước nhỏ thì chỉ có khẩu trang chuyên dụng mới có hiệu quả (N95).
Tuy nhiên, với việc đeo khẩu trang, mọi người nên chú ý cách sử dụng thế nào cho đúng. Bác sĩ cho biết, không nên đeo một chiếc khẩu trang trong thời gian dài mà phải thường xuyên thay mới hoặc vệ sinh. Riêng khẩu trang dùng một lần (khẩu trang giấy), không được sử dụng lại.
Ths. Bs Vũ Văn Thành cho biết, nếu đeo khẩu trang trong thời gian dài, không vệ sinh, vô tình khẩu trang trở thành nơi khu trú ổ bệnh, vi khuẩn và lây nhiễm ngược lại cơ thể.
Vệ sinh mũi họng cẩn thận
Ths. Bs Vũ Văn Thành cho biết, hệ hô hấp được chia thành hô hấp trên và hô hấp dưới. Với hô hấp trên, bao gồm có mũi, xoang, họng… Các cơ quan này có liên quan trực tiếp đến phổi bởi vi khuẩn khu trú tại đây có thể gây bệnh đường hô hấp dưới, hay gặp ở trẻ em và người già. Chính vì vậy, những trẻ nhỏ bị viêm họng trên, nếu không xử lý sớm, sạch sẽ, bệnh sẽ dẫn đến viêm phổi.
Chính vì vậy, vệ sinh mũi họng, tránh nhiễm trùng “vùng cửa ngõ” này góp phần bảo vệ phổi một cách hiệu quả.
Tập hít thở đúng cách
Tập thể dục có ảnh hưởng tích cực tới toàn bộ cơ thể, kể cả phổi. Khi vận động, các cơ quan sẽ phải tăng khả năng làm việc, phổi phải tăng số lần và cường độ. Việc kết hợp hít thở sâu, đều đặn trong khi tập thể dục, đi bộ… có thể làm tăng độ giãn nở, độ đàn hồi và kích thích sự phát triển của các cơ hô hấp tại phổi.
“Khi phổi thở ra bình thường, vẫn còn một lượng khí dự trữ trong phổi (khí cặn), mọi người có thể thở ra thêm một lượng khí cặn này, giúp khí cặn được làm mới, thải bớt khí CO2 và tăng O2, nhờ đó mà tăng chất lượng trao đổi khí của phổi. , bác sĩ Thành cho biết.
Ăn uống thức ăn giàu vitamin
Chuyển hoá của phổi rất đa dạng và phức tạp, bao gồm liên quan đến các chất trung gian gây viêm và chất gốc oxy hoá.
Riêng với chất trung gian gây viêm: khi có chất gây kích ứng, dị nguyên bất thường đi qua phế quản vào phổi, phần lớn sẽ được bắt giữ và đào thải ra ngoài qua phản xạ ho theo cơ chế bảo vệ cơ học. Một số sẽ được tiêu hóa tại chỗ. Trong quá trình tiêu hoá, đường thở sẽ sinh ra các chất trung gian hoá học gây viêm và đây là tiềm tàng gây ra bệnh lý về phổi.
Bên cạnh đó còn sinh ra các gốc oxy hoá, có nhiều nhất trong khói thuốc lá… gây ảnh hưởng đến sự trẻ hóa của phổi
Chính vì vậy, để có lá phổi khoẻ mạnh, ta nên ăn những thực phẩm có thể tăng các chất chống oxy hoá như vitamin E, vitamin nhóm D, vitamin C… có nhiều trong củ quả, rau, mầm,…
Cũng giống bệnh lý tim mạch, mọi người nên hạn chế sử dụng đồ ăn chất nhiều dầu mỡ…
Thực tế trên thế giới có những báo cáo cho thấy, ở những bà mẹ khi mang thai có chế độ ăn nhiều rau, củ, quả, giàu vitamin nhóm C, E, D… thì đứa trẻ sinh ra sau này sẽ thường ít mắc các bệnh lý về phổi hơn”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Không hút thuốc lá
Bác sĩ Thành cho biết, phổi là cơ quan đặc biệt thường xuyên tiếp xúc với môi trường thông qua hít thở, do đó bất cứ một thay đổi môi trường nào cũng tác động trực tiếp đến phổi.
Trong khói thuốc lá có hơn 7.000 chất độc hại, trong đó có hàng trăm chất có khả năng gây ung thư, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ con người, đặc biệt với phổi, phế quản là cơ quan phải chịu tác động trực tiếp nhiều nhất và đề lại những hậu quả nặng nề.
Cụ thể, khi hít phải, chất độc có trong khói thuốc sẽ trực tiếp tác động tiêu cực vào thảm nhầy, nhung mao có trong phế quản khiến cho chức năng bảo vệ của cơ quan này giảm xuống, suy giảm chức năng bảo vệ của phổi. Từ đó, nó có thể gây ra bệnh lý ở phổi như nhiễm trùng hô hấp gồm có viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phổi (thường gặp ở trẻ em và người cao tuổi), làm khởi phát bệnh hen .
Khi tiếp xúc lâu dài, khói thuốc lá làm biến đổi cấu trúc tế bào biểu mô đường thở, hình thành nên các tế bào bất thường - nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ….