Đây là một tay nạn trời ơi đất hỡi nhưng bác sĩ Bệnh viện Việt Đức lại thường xuyên gặp.
Thạc sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức cho biết, anh thường quyên gặp trường hợp bệnh nhân bị gãy xương cánh tay do vật tay. Rất nhiều thanh niên, trung niên lúc cao hứng thách nhau vật tay, và kết quả thường là “Rắc”: một cánh tay rơi lìa.
Chụp X-Quang lên thường xương cánh tay gãy bung rời ra. Một tai nạn theo kiểu trời ơi đất hỡi nhưng lại xảy ra thường xuyên.
Ngoài ra, bác sĩ Khánh còn chứng kiến rất nhiều trường hợp chấn thương khớp (gối, cổ chân, cổ tay...) do tai nạn giao thông, tai nạn thể thao như đá bóng, chạy, bóng rổ… trong đó hai trường hợp anh trực tiếp tham gia phẫu thuật.
Tất cả đều có đặc điểm chung: Tuổi tương đối (trên dưới 40), ít vận động thể thao đều, dẫn tới bị đứt gân A-sin, đứt dây chằng chéo gối, vỡ nát sụn chêm gối, rách gân cơ vai…
“Thực sự theo thời gian, nếu chúng ta không tập luyện thể thao đều rồi đột ngột cứ ngỡ mình mới… đôi mươi, chơi thể thao một vài trận kiểu sống còn sẽ thường trả giá bằng một vài ca mổ, và sau đó thì chức năng chân, tay sẽ bị giảm đi nhiều”, bác sĩ Khánh chia sẻ.
Bác sĩ Khánh đưa lời khuyên:
- Ngay sau thời điểm xảy ra tai nạn, việc bất động là điêu ưu tiên hằng đầu. Hiện nay, hầu hết các nhà thuốc, phòng khám, cửa hàng thể dục thể thao đều bán các dụng cụ nẹp gối, khuỷ, cổ tay, cổ chân nên ngay sau tai nạn, chúng ta cần ưu tiên bất động.
Trong vòng 24 giờ sau tai nạn, chúng ta cũng có thể dùng đá bọc trong túi vải chườm mát vùng chấn thương giúp giảm đau, chống viêm, chống phù nề.
Nếu đau quá chúng ta có thể dùng thêm thuốc giảm đau thông thường và thuốc giãn cơ, chống sưng. Với những chấn thương khớp, việc chúng ta chủ quan không đi khám bài bản, chuyên khoa và bất động kiêng dè ngay từ đầu thường sẽ để lại hậu quả lâu dài về sau như lỏng khớp, mất vững khớp, thoái hoá khớp sớm, viêm đau khớp mạn tĩnh…
Chúng ta nên tạo thói quen tập thể dục thể thao đều, đều chứ không cần quá sức. Nếu có tham gia thể thao một vài trận, hãy biết lượng sức mình cũng như khởi động thật kỹ trước khi chơi.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh hiện đang công tác tại Khoa phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức.
Bác sĩ Khánh về công tác tại Bệnh viện Việt Đức từ năm 2009, sau khi tốt nghiệp khóa 100 Đại học y Hà Nội và học xong bác sĩ đa khoa.
Bác sĩ Khánh có tuổi thơ nghèo khó tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, Nghệ An, một xã rẻo cao, sát biên giới với Lào, nơi mà phải đi bộ đến 18 km mới đến được trường tiểu học.
Năm 6 tuổi, anh xa bố mẹ, về ở với bà nội tại một xã ven biển ở Hà Tĩnh để được đến trường. Khao khát học để đổi đời, Khánh học rất chăm và rất giỏi. Anh từng được giải quốc gia môn sinh học và được tuyển thẳng vào một trường đại học bất kỳ.
Từ đầu năm 2017, bác sĩ Khánh thường xuyên phát trực tiếp (livestream) trên facebook tư vấn các vấn đề cột sống cho người bệnh.
Từ tháng 11/2017, bác sĩ Khánh ra mắt “Quỹ đầu tư phẫu thuật cho bệnh nhân nghèo”.