Bệnh nhi 7 tuổi quê ở Ninh Thuận bị rắn độc cắn dẫn tới sưng phù toàn thân, không cầm được máu đã được cấp cứu qua cơn nguy kịch.
Cháu bé 7 tuổi, quê ở Ninh Thuận nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) trong tình trạng nguy kịch.
Theo đó, khi vào viện, tình trạng toàn thân của cháu sưng phù, chảy máu chân phải không cầm được do chức năng đông/ cầm máu bị rối loạn hoàn toàn.
Ban đầu, các bác sĩ đã huy động các chế phẩm máu để điều trị cho bệnh nhi nhung không hiệu quả.
Sau đó, bác sĩ đã sử dụng huyết thanh kháng nọc độc rắn truyền cho cháu thì mới kiểm soát được tình trạng chảy máu.
Người nhà bệnh nhân cho biết, gia đình rất nghèo, ba mẹ cháu bỏ rơi cháu từ lúc 2 tuổi và cô nuôi cháu đến nay. Cháu bị rắn độc cắn khi theo cô đi làm rẫy.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 thì cháu bé có thể đã bị loại rắn Chàm Quạp cắn.
Rắn Chàm Quạp hay còn gọi là rắn lục lá khô. Rắn có màu nâu hay đỏ nâu dài khoảng 0,2 – 1 m, nặng 100 – 2000g, đầu hình tam giác, dọc theo sống lưng có nhiều hình tam giác màu nâu đối xứng giống cánh bướm. Hoa văn trên thân gồm từ 19 đến 31 dấu hình tam giác sẫm màu trên nền nâu đỏ tía hoặc hung đỏ đậm nhạt.
Màu sắc của rắn mới thoạt nhìn giống loài trăn hoa nên người dân dễ nhầm lẫn dẫn đến tai nạn. Rắn thường nằm cuộn tròn trong lá cây khô nên rất khó phát hiện. Sau khi cắn, rắn thường nằm yên tại chỗ, không di chuyển nên được nhận diện dễ dàng.
Lượng nọc độc của chúng có thể nhanh chóng làm tê liệt hệ thần kinh của các con mồi như chuột, chim và một số loại động vật nhỏ khác, sau đó khiến cho tim của nạn nhân ngừng đập chỉ một vài phút sau khi bị cắn. Khi con người bị cắn, chất độc từ răng nanh của chúng sẽ ngấm vào vết thương, vào máu, làm phá vỡ các tế bào thành mạch và gây ra hiện tượng chảy máu bên trong rất nguy hiểm.