Thời tiết mùa đông khắc nghiệt, nhiệt độ giảm sâu trong những ngày gần đây làm cho lượng bệnh nhân đi khám và nhập viện do bị liệt mặt, méo mồm gia tăng.
Trao đổi với Gia Đình Mới về thực trạng này, ThS.BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho hay: “Những ngày lạnh gần đây, mỗi ngày bệnh viện chúng tôi có khoảng 20 - 30 bệnh nhân đến khám và điều trị méo mồm, liệt mặt, trong đó có nhiều bệnh nhân là trẻ nhỏ.
Điển hình là trường hợp của bé Đinh Gia Linh (3 tuổi ở Nho Quan, Ninh Bình) được mẹ phát hiện bị méo mồm, một bên mắt nhắm không kín sau một đêm ngủ dậy.
“Sáng hôm đó khi gọi con ngủ dậy, lúc mặc áo cho con tôi thấy một bên miệng của con bị méo, mắt một bên nhắm một bên mở.
Cứ tưởng con ngái ngủ làm nũng mẹ nên tôi không để ý nhiều. Tuy nhiên, sau khi rửa mặt, chải tóc gọn gàng cho con vẫn thấy tình trạng không thay đổi, cho con uống sữa thì sữa chảy ra ngoài, con có biểu hiện khó nuốt.
Lúc này vợ chồng tôi mới hốt hoảng đưa con đi bệnh viện thăm khám thì được biết con bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh”, mẹ bé Gia Linh chia sẻ.
Mọi người thường có suy nghĩ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên chỉ xảy ra với người lớn tuổi. Tuy nhiên, bác sĩ Dương Văn Tâm cho hay: “Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Biểu hiện chính của bệnh là liệt nửa mặt, méo miệng.
Đây là căn bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ảnh hưởng nặng nề và để lại di chứng nếu không được điều trị đúng cách”.
Hơn nữa, khi chẳng may gặp phải tình trạng méo mồm, liệt mặt nhiều người thường áp dụng các biện pháp không có cơ sở khoa học như đắp lá, đắp đuôi lươn, dán cao nóng, bôi các loại thuốc tự chế…
Và bác sĩ Tâm khẳng định rằng: “Những biện pháp chữa bệnh không có căn cứ mà nhiều người đang áp dụng như đã kể trên hoàn toàn không có tác dụng đối với bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.
Nguy hiểm hơn là việc áp dụng những phương pháp này không chỉ khiến bệnh không khỏi mà còn diễn biến nặng hơn, người bệnh càng khó phục hồi”.
Về cơ chế gây nên bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên được bác sĩ Dương Văn Tâm giải thích chủ yếu là do lạnh, lạnh đột ngột làm tổn thương gây phù nề chèn ép dây thần kinh khi chạy trong xương đá, gây mất dẫn truyền giữa thần kinh trung ương ra ngoài, từ đó gây liệt.
Hiểu theo y học cổ truyền là do phong hàn xâm nhập vào các kinh dương ở mặt gây ngưng bế vận hành khí huyết, dẫn đến không nuôi dưỡng được các cơ ở mặt và gây liệt.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác gây liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên như nhiễm virus, cảm cúm, chấn thương vùng mặt, ở sọ vùng thái dương, xương chũm, viêm tai mũi họng…
Khi chẳng may bị bệnh, người bệnh rơi vào tình trạng mắt nhắm mắt mở trừng trừng, nhắm không kín, miệng kéo lệch về phía bên lành, rãnh mũi má bên liệt mờ hoặc mất.
Người bệnh không thể huýt sáo hay thổi lửa như bình thường. Khi ăn, thức ăn đọng ở má bị liệt. Các nếp nhăn ở trán bị xóa mờ hoặc mất hẳn. Ngoài ra, một số người còn có các dấu hiệu đau buốt nửa đầu.
Dấu hiệu bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên
- Mặt bị xệ, hơi cứng khác thường, miệng méo sang một bên, uống nước bị trào ra ngoài.
- Liệt cơ khép vòng mi khiến mắt phía bên mặt bị liệt không nhắm kín được.
- Một vài trường hợp cảm thấy bị tê liệt đột ngột, yếu hẳn một bên mặt.
- Người bệnh khó cử động, khó cười nói, đau trong tai, nhức đầu.
Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên có điều trị được không?
Thực tế thăm khám và điều trị cho các bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bác sĩ Tâm nhận thấy, việc áp dụng các biện pháp điều trị của Đông y, trong đó có kết hợp các liệu pháp điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại… có hiệu quả tích cực.
Với các bệnh nhân phát hiện và chữa trị sớm thì tỷ lệ khỏi bệnh sẽ rất cao. Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu của bệnh, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện sớm để được chữa trị kịp thời.
Để phòng ngừa bệnh, mọi người cần giữ ấm cơ thể vào mùa đông, không được tắm quá muộn, tắm nước lạnh, hạn chế uống rượu bia.
Khi ra ngoài đường cần đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, không nên để trẻ nhỏ ngồi phía trước xe máy lúc trời lạnh. Đặc biệt, những người có thói quen đi tập thể dục sáng sớm cần mặc đủ ấm hoặc nên đi thể dục muộn hơn hoặc thể dục nhẹ nhàng ở những nơi kín gió.
Đồng thời, cần nâng cao sức đề kháng, tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý nhiều rau xanh, vitamin. Vào mùa nắng nóng sử dụng quạt, điều hòa không nên để luồng khí lạnh trực tiếp vào người, nhất là sau gáy.