Báo Điện tử Gia đình Mới

Tai biến mạch máu não – Bệnh nguy hiểm chết người dễ mắc vào mùa đông và cách phòng tránh

Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não là các thiếu sót thiếu sót chức năng thần kinh xảy ra đột ngột với các triệu chứng khu trú hơn là lan tỏa, các triệu chứng tồn tại trên 24 giờ hoặc tử vong trong 24 giờ, trừ sang chấn sọ não.

Bệnh nhân hoặc tử vong hoặc sống sót với những di chứng nặng nề, lâu dài như: Gây liệt nửa người hay toàn thân, tàn phế mất sức lao động, biến chứng loét mông do nằm liệt một chỗ, mất các chức năng ngôn ngữ, mất phản xạ nhai nuốt; nặng thì hôn mê, tử vong...

Thời tiết lạnh mùa đông khiến tình trạng bệnh cao huyết áp chuyển biến xấu hơn, nhiều khả năng dẫn tới đột quỵ

Thời tiết lạnh mùa đông khiến tình trạng bệnh cao huyết áp chuyển biến xấu hơn, nhiều khả năng dẫn tới đột quỵ

Tại sao bệnh tai biến mạch máu não dễ xảy ra vào mùa đông?

Tai biến mạch máu não là căn bệnh thường xảy ra ở người già. Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội, những năm gần đây, số người trẻ bị đột quỵ có xu hướng gia tăng.

Mà nguyên nhân của tình trạng này là do lối sống không lành mạnh như nghiện thuốc lá, rượu bia, chế độ ăn uống thiếu khoa học, cuộc sống hiện đại với nhiều căng thẳng, kèm theo lối sống ít vận động khiến người trẻ tuổi dễ mắc các bệnh về chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, cholesterol trong máu tăng cao…

Đặc biệt, vào mùa đông, thời tiết lạnh khiến tình trạng bệnh cao huyết áp chuyển biến xấu hơn, nhiều khả năng dẫn tới đột quỵ.

Bởi, vào mùa lạnh, cơ thể tăng tiết các catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên. Mạch máu ở một số vùng co lại sẽ đẩy máu ra những khu vực ít chịu ảnh hưởng hơn, gây giãn mạch thụ động ở những nơi đó (như mạch não, mạch phổi), do đó, dễ gây các biến chứng đứt mạch não.

Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.

Ở người già, khả năng miễn dịch và tính chịu đựng cơ thể kém, mạch máu giảm tính đàn hồi, trở nên cứng hơn, máu tăng độ quánh do tăng cholesterol, giảm enzyme tiêu hủy sợi huyết, lòng mạch bị thu hẹp, máu hay bị kết vón, lưu lượng máu qua não giảm, dự trữ chức năng không còn nhiều nên rất khó thích nghi với những thay đổi bất thường của thời tiết.

Những người có tiền sử tăng huyết áp, thành mạch máu thoái hóa dày lên, sẽ ảnh hưởng tới tuần hoàn não.

Khi gặp thay đổi đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy, dẫn đến đột quỵ và tử vong. 

Sự thay đổi lớn về nhiệt độ, từ ấm sang lạnh, làm tăng huyết áp, khiến mạch máu bị thắt lại. Mạch máu khi bị biến dạng sẽ dễ dẫn tới tình trạng phình động mạch chủ, gây đột quỵ.

Lối sống không lành mạnh như nghiện thuốc lá, rượu bia... làm gia tăng số người bị tai biến mạch máu não

Lối sống không lành mạnh như nghiện thuốc lá, rượu bia... làm gia tăng số người bị tai biến mạch máu não

Các yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não

Bệnh tai biến mạch máu não chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nên việc phát hiện và điều trị các yếu tố nguy cơ đóng vai trò quan trọng. Các yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não gồm:

Tăng huyết áp: Là yếu tố nguy cơ hàng đầu của tai biến mạch máu não. Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng, khi huyết áp ở mức 160/95mmHg thì tỉ lệ đột quỵ tăng từ 2,9 lần (nữ) và 3,1 lần (nam) so với những người có huyết áp bình thường.

Stress: Những căng thẳng, mệt mỏi gây nên những tác động bất lợi cho động mạch não. Khi xảy ra stress thì nhịp tim yếu đi, động mạch não co lại làm tái mặt, rối loạn nhịp tim, thay đổi huyết áp. Nếu stress xảy ra trên bệnh nhân tăng áp hoặc xơ vữa động mạch thì nguy cơ tai biến mạch máu não tăng.

Bệnh tim mạch: Các bệnh lý về tim mạch như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, đau thắt ngực, bệnh mạch vành… kết hợp với yếu tố tuổi hoặc tăng huyết áp góp phần làm tăng nguy cơ nhồi máu não.

Đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường làm tăng tình trạng xơ vữa động mạch não, từ đó làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não.

Thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ nhồi máu não và xuất huyết não. Nguyên nhân là do thuốc lá làm thay đổi thành phần lipid máu, làm tăng độ nhớt của máu, tăng kết dính tiểu cầu…

Uống rượu: Việc tiêu thụ rượu tăng 10% góp phần làm tăng đột quỵ não lên 29% và tăng tỉ lệ tử vong lên 16%.

Người già nên ăn nhiều rau củ quả, đời sống tình cảm tâm lý ổn định, tránh những xúc động hay chấn thương quá mức để phòng ngừa cơn đột quỵ

Người già nên ăn nhiều rau củ quả, đời sống tình cảm tâm lý ổn định, tránh những xúc động hay chấn thương quá mức để phòng ngừa cơn đột quỵ

Chế độ dinh dưỡng cho người bị tai biến mạch máu não

Theo PGS.TS Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, hầu hết những bệnh nhân tai biến mạch máu não đều có nguy cơ suy dinh dưỡng và việc kiểm soát dinh dưỡng rất phức tạp.

Nhiều bệnh nhân có tình trạng khó nuốt và khả năng đưa thức ăn tới miệng thường bị hạn chế.

Nếu bệnh nhân không nuốt được, hoặc nuốt khó cần được đặt sonde dạ dày hoặc mở thông dạ dày để nuôi dưỡng. Việc điều chỉnh chế độ ăn cho người bị tai biến mạch máu não cần phải đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.

Trong đó, nhu cầu năng lượng ước lượng cho từng bệnh nhân phải được điều chỉnh tuỳ theo tình trạng rối loạn thần kinh và biểu hiện lâm sàng cũng như mục tiêu điều trị.

Bệnh nhân béo phì cần một lượng năng lượng thấp hơn 25 - 30Kcalo/kg thể trọng/ ngày. Bệnh nhân nhẹ cân hoặc những người có mức sử dụng nhu cầu năng lượng cao do có cơn co giật hay có tình trạng co giật như Parkinson... là 35-40Kcalo/kg/ngày.

Bệnh nhân chấn thương vùng đầu cũng có sự gia tăng nhu cầu năng lượng, ít nhất 35 - 40 Kcalo/kg thể trọng/ngày…

Ngoài việc cung cấp đủ năng lượng cũng cần phải cung cấp đủ nước cho người bệnh. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý một số vấn đề như:

- Nhiệt độ thức ăn và các đồ uống lạnh sẽ kích thích các cảm giác ở miệng và tăng cường việc nuốt.

- Độ acid - cảm thụ quan nuốt phản ứng tích cực với thức ăn acid như nước ép trái cây, nước chanh.

- Khẩu phần thức ăn lớn dễ gây nên vấn đề về nuốt, tốt hơn là nên cho ăn thường xuyên, 6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày.

- Độ đồng nhất: cung cấp đủ năng lượng và protein cần thiết với thức ăn đặc hoặc lỏng đồng nhất là việc không dễ dàng.

Các bệnh nhân không thể dung nạp dịch có thể đổi thành nuốt thức ăn dạng nửa rắn. Đa dạng hoá thức ăn với các công thức nuôi ăn tổng hợp hoặc nuôi ăn ít một luôn luôn cần thiết. Bổ sung vi lượng đặc biệt là vitaminC và B12 ở người lớn tuổi.

- Nước bọt: Bình thường mỗi ngày nước bọt tiết ra từ 1 - 1,5lít. Tăng lượng nước bọt mà không thể nuốt sẽ tăng nguy cơ và rủi ro. Nước bọt đặc cũng có thể ảnh hưỏng đến việc nuốt thức ăn, có thể khắc phục bằng cách ăn thức ăn có vị chua.

- Nếu việc nhai hoặc nuốt gặp khó khăn bệnh nhân cần được yên tĩnh khi dùng bữa.

Hạn chế các loại thức ăn mặn chứa nhiều muối, các loại thực phẩm chứa nhiều acid béo bão hoà, chứa nhiều cholesterol, chất kích thích... để phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não

Hạn chế các loại thức ăn mặn chứa nhiều muối, các loại thực phẩm chứa nhiều acid béo bão hoà, chứa nhiều cholesterol, chất kích thích... để phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não

Cách phòng ngừa tai biến mạch máu não vào mùa đông

Để dự phòng bệnh tai biến mạch máu não trong mùa đông, cần có chế độ sinh hoạt hợp lý.

Đặc biệt, không nên dùng hoặc hạn chế các loại thức ăn mặn chứa nhiều muối Natri, các loại thực phẩm chứa nhiều acid béo bão hoà, chứa nhiều cholesterol, các loại đồ uống có tính chất kích thích thần kinh trung ương như: Thịt muối, dưa muối, thịt mỡ, rượu, óc, nội tạng động vật, đường, cà phê, trà đặc...

Đồng thời, với người cao tuổi cần giữ đủ ấm, tránh những đợt gió lạnh bất thường ùa vào khi cửa mở, sống thư thái, tránh căng thẳng, ngăn ngừa stress... sẽ giúp thích ứng tốt hơn với môi trường sống, tránh được tai biến mạch máu não.

Ngoài ra, cần ngăn chặn các yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não bằng cách:

- Điều trị tốt bệnh tăng huyết áp

- Phòng và điều trị bệnh đái tháo đường

- Khắc phục tình trạng tăng cholesterol máu cùng với triglyceride máu.

- Phòng và trị bệnh đa hồng cầu

- Nên ăn nhiều rau củ quả; hạn chế muối; đời sống tình cảm tâm lý ổn định, tránh những xúc động hay chấn thương quá mức.

- Tăng cường tập thể dục, vận động vừa sức sao cho phù hợp với tình hình sức khỏe.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO