Việc ghi phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia luôn khiến các bạn học sinh phải đau đầu bởi chỉ sai một dấu phẩy thôi cũng phải làm lại phiếu mới. Vậy cách ghi phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018 thế nào cho chuẩn xác nhất?
- Phần A. Thông tin cá nhân:
Phần A gồm các thông tin: họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, dân tộc, số Chứng minh nhân dân hoặc số thẻ Căn cước công dân, hộ khẩu thường trú, nơi học THPT hoặc tương đương, điện thoại, địa chỉ liên hệ.
Thí sinh điền đầy đủ thông tin bằng chữ in hoa có dấu, bằng số hoặc bằng chữ viết thường theo yêu cầu cụ thể của từng mục. Thông tin điền vào cần rõ ràng, dễ đọc, không tẩy xóa.
Đặc biệt, ở mục Nơi học THPT hoặc tương đương, thí sinh cần ghi rõ tên lớp 12 đang học; thí sinh tự do ghi “TDO”. Ở mục Hộ khẩu thường trú, thí sinh được hưởng ưu tiên xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển Đại học, Cao đẳng theo hộ khẩu thường trú tại các xã/phường đặc biệt khó khăn cần khai chính xác mã xã, phường.
- Phần B. Thông tin ĐKDT
Trước khi điền phần B, thí sinh cần xác định rõ mục đích của việc tham dự kỳ thi và đăng ký bài thi (đối với học sinh hoặc thí sinh chưa tốt nghiệp THPT) hoặc môn thi thành phần (đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT).
Phần B gồm các thông tin: mục đích ĐKDT, cụm thi, nơi ĐKDT, bài thi ĐKDT. Thí sinh điền thông tin bằng cách đánh dấu X vào ô bên cạnh thông tin tương ứng. Lưu ý, năm 2018, thí sinh ĐKDT bài thi nào phải tham gia đủ các bài thi đó, nếu không tham gia sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp).
- Phần C. Thông tin xét công nhận tốt nghiệp THPT
Phần C gồm các thông tin đăng ký miễn thi ngoại ngữ, đăng ký môn xin bảo lưu. Học sinh THPT hoặc thí sinh chưa tốt nghiệp THPT điền thông tin vào các mục này. Nếu không có yêu cầu miễn thi ngoại ngữ hoặc không có môn xin bảo lưu thì bỏ trống.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT thì bỏ qua phần này.
Phần D. Thông tin xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng, Trung cấp
Trong Phần D ngoài các trường thông tin: đối tượng ưu tiên tuyển sinh, khu vực tuyển sinh, năm tốt nghiệp THPT hoặc tương đương và thông tin đối với thí sinh dự thi để xét liên thông lên Đại học, Cao đẳng là Thí sinh sẽ làm theo hướng dẫn như:
1/ Thuộc đối tượng ưu tiên nào thì khoanh tròn vào số tương ứng, sau đó ghi ký hiệu vào 2 ô bên cạnh,
2/ Thí sinh không thuộc đối tượng ưu tiên thì để trống.
3/ Thí sinh thuộc khu vực tuyển sinh nào thì khoanh tròn vào số tương ứng, sau đó ghi ký hiệu vào 2 ô bên cạnh.
4/ Thí sinh tốt nghiệp THPT năm nào thì ghi đủ 4 chữ số của năm đó vào 4 ô bên cạnh và
5/ Nếu thí sinh dự thi để xét liên thông lên Đại học, Cao đẳng thì ghi thông tin bằng cách đánh dấu X vào ô tương ứng, nếu không thì bỏ trống phần này. Phần quan trọng hơn hết, giữ vai trò quan trọng là điền thông tin xét tuyển vào bảng đăng ký Nguyện vọng xét tuyển vào đại học và các trường cao đẳng, trung cấp (đào tạo sư phạm).
Trước khi điền phần này, thí sinh cần tra cứu mã trường Đại học muốn xét tuyển. Mã trường viết bằng ba chữ cái in hoa. Ví dụ, mã trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) là DKC; mã trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) là KTC....
Sau mã trường, thí sinh nhất thiết phải điền mã ngành/nhóm ngành; tên ngành và tổ hợp xét tuyển. Việc làm này không chỉ đòi hỏi thí sinh điền chính xác mà phải có chiến lược đăng ký nguyện vọng một cách thông minh nhất: trường nào, ngành nào mà mình yêu thích nhất và phù hợp năng lực nhất sẽ "đặt bút" ở vị trí đầu tiên.
Theo kinh nghiệm từ năm 2017, những trường đại học được ưu tiên lựa chọn hàng đầu là các đại học lớn, uy tín, đa ngành, có truyền thống đào tạo và sở hữu những điều kiện vượt trội về cơ sở vật chất như: Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Sư phạm, Đại học HUTECH, Đại học Cần Thơ...
Cuối cùng, để hoàn tất hồ sơ, thí sinh cần ghi rõ ngày tháng năm làm hồ sơ, ký tên, dán ảnh 4x6 có xác nhận của trường (nếu đang là học sinh, sinh viên) hoặc xác nhận của Công an xã/phường (đối với thí sinh tự do đang cư trú tại địa phương).
Khi thí sinh nộp hồ sơ, nơi thu hồ sơ giữ lại bì đựng phiếu Đăng ký dự thị, Phiếu số 1, bản sao CMND hoặc Thẻ căn cước công dân và 2 ảnh, trả lại phiếu số 2 cho thí sinh sau khi đã ký và đóng dấu xác nhận. Thí sinh lưu giữ phiếu số 2 này để nhận Giấy báo thi, Giấy chứng nhận kết quả thi.
Bì đựng phiếu ĐKDT có dán ảnh, Phiếu số 1, Phiếu số 2, Hướng dẫn ghi phiếu ĐKDT THPT quốc gia và xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng.
Bản sao 2 mặt Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân trên 1 mặt của tờ giấy A42 ảnh 4x6 kiểu chân dung, chụp trong vòng 6 tháng.
Mặt sau ảnh ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh. 2 ảnh này đựng trong phong bì nhỏ.Ngoài ra, phải dán thêm 1 ảnh vào vị trí đã xác định ở mặt trước bì đựng phiếu ĐKDT.
Trước khi ghi hồ sơ, thí sinh cần xác định rõ mục đích của việc tham dự kỳ thi THPT quốc gia; tra cứu thông tin về mã Sở Giáo dục, mã tỉnh/huyện, mã xã/phường, mã trường THPT, đối tượng ưu tiên tuyển sinh, khu vực tuyển sinh.
Xem thêm thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại đây.