Có một số thông tin cho rằng, việc triển khai vắc-xin ComBE Five muộn hơn dự kiến đang dẫn tới tình trạng thiếu vắc xin, nhiều trẻ em phải đợi. Sáng 18/12, Bộ Y tế đã lên tiếng trả lời về vấn đề này.
Trước đó, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2912/QĐ ngày 14/5/2018 về việc triển khai vắc-xin DPT-VGB-Hib (ComBE Five) do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất, thay thế vắc-xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại 7 tỉnh Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu trước khi triển khai trên toàn quốc.
vắc-xin này từng được hứa đưa vào tiêm chủng quy mô nhỏ từ tháng 5/2018, tháng 6 triển khai rộng rãi.
Các dự án tiêm chủng mở rộng liên quan đến vắc-xin ComBE Five đã được triển khai tuy nhiên, thời gian triển khai vắc-xin tại 7 tỉnh muộn hơn so với kế hoạch dự kiến trong khi đó nhiều tỉnh thành đã hết vắc-xin 5 trong 1 từ lâu.
Trước vấn đề này, Bộ Y tế cho biết, do vắc-xin ComBE Five được cung ứng thông qua UNICEF cho Việt Nam vào ngày 04/10/2018.
Ngay sau khi nhận được giấy chứng nhận xuất xưởng vắc-xin, sinh phẩm của Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế cho lô vắc-xin, ngày 15/10/2018, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án TCMR đã phân bổ vắc-xin cho 7 tỉnh để triển khai tiêm cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi vào ngày tiêm chủng thường xuyên của tháng 10 và tháng 11/2018.
Các địa phương đã thực hiện triển khai ngay sau khi được cung ứng vắc-xin ComBE Five triển khai trong tháng 10/2018 là Hà Nam, Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang (2 huyện), Bình Định (5 huyện), tỉnh Yên Bái, Kon Tum, Đồng Tháp và các huyện còn lại của Bắc Giang triển khai trong tháng 11/2018.
Kết quả tính đến thời điểm ngày 30/11/2018, theo báo cáo của 7 tỉnh, đã triển khai tại 60 huyện, 899 xã/phường, đã có 17.356 trẻ đã được tiêm vắc-xin ComBE Five, tỷ lệ tiêm chủng đạt 75,7%.
Theo Bộ Y tế, vắc-xin ComBE Five đã được triển khai an toàn, việc theo dõi phản ứng sau tiêm vắc-xin ComBE Five được thực hiện chủ động, chặt chẽ trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng, ghi chép, báo cáo tất cả các trường hợp phản ứng thông thường được người nhà và cán bộ y tế ghi nhận.
Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường (sốt<39°C, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) là 5,5 %.
Có 3 trường hợp phản ứng phải nhập viện điều trị đã được Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm chủng tuyến tỉnh kết luận: 2 trường hợp phản ứng phản vệ, 1 trường hợp sốt cao/co giật đã được xử trí ban đầu và cấp cứu kịp thời tại bệnh viện. Không có trường hợp tử vong.
Việc chuyển đổi sử dụng vắc-xin ComBE Five tại 7 tỉnh đã được sự chấp nhấp nhận của cộng đồng và không có trường hợp từ chối không tiêm chủng vắc-xin.
Căn cứ kết quả chuyển đổi sử dụng vắc-xin ComBE Five tại 7 tỉnh, Bộ Y tế cho phép triển khai vắc-xin ComBE Five trên quy mô toàn quốc từ cuối tháng 12/2018.