Ngay sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2020, trên mạng xuất hiện nhiều quảng cáo bán thuốc giải rượu 'siêu tốc'.
Ngay khi Nghị định 100/2019/NĐ - CP quy định mức xử phạt vi phạm giao thông đường sắt, đường bộ được áp dụng song hành với Luật Phòng chống tác hại rượu, bia, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo bán các loại thuốc giải rượu thần tốc, đánh bay nồng độ cồn sau khi sử dụng khiến nhiều "ma men" tò mò.
Tài khoản facebook H.A.T là một trong số rất nhiều tài khoản quảng cáo bán kẹo giải rượu Hàn Quốc.
Theo quảng cáo, loại kẹo này được đóng hộp, 1 hộp có 10 gói, mỗi gói 3 viên kẹo, kẹo mềm dễ nhai, với thành phần chính là Curcumin 30mg được chiết xuất từ tinh bột nghệ, củ sả và hương xoài thơm nên giúp xả nhanh lượng cồn trong cơ thể. Giá mỗi hộp kẹo từ 60.000 - 100.000 đồng.
Kẹo này giúp cánh tài xế "Uống xả láng, không lo các anh áo vàng thổi nồng độ cồn...".
Nhiều sản phẩm thuốc giải rượu khác gồm: Nước uống giải rượu bia Aco... viên uống giải rượu, giải rượu Nam Dược...
Trước thực trạng tràn lan quảng cáo các loại thuốc giải rượu, bia, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khẳng định: Tại Việt Nam, chưa hề có một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành có công dụng giải rượu thần tốc hay “thổi bay nồng độ cồn” như vậy.
Theo Cục Quản lý Dược, ngay cả trên thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này.
Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.
Tiến sỹ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Xiêm (Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội) cũng cho biết, trên thị trường chưa có bất kỳ sản phẩm nào giúp chống say rượu hoặc giải rượu nhanh.
Một số bài thuốc dân gian giải rượu phải sử dụng trong thời gian dài. Dù có uống ngay lúc đó đi chăng nữa cũng không thể đẩy hết mùi rượu.