Ngày mai, 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại rượu bia chính thức có hiệu lực.
Luật quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Luật nêu rõ 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, tại khoản 6 Điều 5 cấm "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Phương tiện giao thông bao gồm các phương tiện sau:
- Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
- Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
Để Luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu quả cao nhất, Chính phủ cũng ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông.
Nếu trước đây người điều khiển xe đạp, xe thô sơ khi tham gia giao thông có nồng độ cồn sẽ không bị xử phạt, thì tại dự thảo nghị định tới đây quy định chỉ cần có nồng độ cồn sẽ bị phạt 80.000-100.000 đồng; nếu trong máu có nồng độ cồn tối đa là 80mg/100 ml máu sẽ bị phạt từ 400.000-600.000 đồng.
Người đi môtô, xe máy bị phạt tối đa 8 triệu đồng và thấp nhất từ 2- 3 triệu nếu phát hiện có nồng độ cồn trong máu.
Như vậy, từ ngày mai, người đi xe đạp uống rượu bia cũng sẽ bị phạt tới 600.000 đồng.
Cũng tại dự thảo Nghị định mới, người điều khiển ôtô có nồng độ cồn, mức phạt thấp nhất từ 6- 8 triệu đồng (thay vì 1-2 triệu như hiện hành) và tối đa là 30- 40 triệu đồng.
V.LinhBạn đang xem bài viết Từ ngày 1/1/2020, đi xe đạp uống rượu bia cũng bị phạt tới 600.000 đồng tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].