Biên đạo múa Chu Quỳnh Trang, người đào tạo khá nhiều nhân tài trong các cuộc thi Vietnam's Got Talent, Bước nhảy hoàn vũ… chia sẻ thẳng thắn về câu chuyện mẹ kế - con chồng và những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc hôn nhân với người đàn ông bằng tuổi mẹ cô.
Hẹn gặp Chu Quỳnh Trang vào một ngày Hà Nội mưa lạnh, ngồi nói chuyện khoảng 10 phút, chồng của Trang là cựu trưởng nhóm Big Toe - Nguyễn Viết Thành ân cần hỏi vợ ‘Em có lạnh không? Anh lấy áo cho em mặc nhé!’.
Nhìn vào những lời hỏi han, cử chỉ quan tâm, ánh mắt kín đáo mà đong đầy ngọt ngào của cả hai, sự chênh lệch tuổi tác lớn trong tình yêu trở về không khoảng cách.
Nhiều người tiếc nuối trước quyết định kết hôn khi mới 19 tuổi, có con năm 20 tuổi, nghỉ thi đấu, lui về hậu trường, tập trung vào việc đào tạo khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp của nữ biên đạo múa sinh năm 1994 này.
Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao vụ việc một cháu bé bị bố và mẹ kế đánh đến rạn sọ não. Không biết quan hệ giữa chị và con chồng như thế nào?
- Chúng tôi khá thân thiết với nhau. Con chồng tôi năm nay 16 tuổi và sống cùng mẹ cháu. Tôi quý cháu và cháu cũng gần gũi với gia đình riêng của bố.
Nhiều người phụ nữ ghen với con chồng, chị có như vậy không?
- Thực ra, khi yêu thì tôi cũng có ghen tỵ đấy. Ví dụ như thời gian anh ấy dành cho con nhiều hơn cho tôi chẳng hạn (cười). Nhưng khi lấy nhau rồi thì tôi suy nghĩ khác đi và cũng không còn có cảm giác đó nữa.
Sự thay đổi trong suy nghĩ đó của chị được biểu hiện như thế nào?
- Cứ có dịp gì mà cả gia đình đi chơi được với nhau, tôi đều bảo chồng rủ con anh đi cùng. Chúng tôi ít khi gặp gỡ vì lịch làm việc của tôi và lịch học của cháu lệch nhau. Nhưng bất kể khi nào có thời gian, tôi đều muốn con chồng đi cùng.
Tôi chưa bao giờ cấm chồng không được quan tâm tới con vì đó mà máu mủ của anh ấy. Làm sao bắt một người đàn ông ngừng yêu thương con được?
Tôi cũng không quản tiền của anh ấy. Anh ấy muốn chi tiêu gì cho con trai, đó là quyền của anh ấy. Tôi không can thiệp.
Tôi thấy khá nhiều người cay nghiệt, hắt hủi con chồng. Tại sao lại phải như vậy? Tất nhiên mối quan hệ con chồng và mẹ kế không thể nào toàn vẹn 100% được. Mình cứ đối xử hoà thuận với con chồng thì mình cũng đâu có mất gì, tôi nghĩ vậy.
Hơn nữa, con gái tôi lại có anh trai. Hai đứa cũng rất quý nhau.
Phản ứng của chồng chị như thế nào khi chị đối xử tốt với con trai anh ấy?
- Tôi làm vậy cũng vì muốn gia đình mình hạnh phúc, không xảy ra bất kỳ mâu thuẫn nào với mối quan hệ vốn đã nhạy cảm đó. Chồng tôi vui với điều đó.
Cơ duyên nào đưa đẩy chị tới với người đàn ông hơn mình nhiều tuổi như vậy?
- Tôi và chồng quen nhau khi cùng tập luyện ở nhà văn hoá thành phố. Tôi tập tầng 1, anh Thành tập tầng 3.
Lúc đó, tôi cực ghét dân hiphop vì tôi nghĩ ai nhảy hiphop cũng có cách đi đứng, ăn nói lấc cấc. Còn tôi, tôi theo múa và dancesport, mọi thứ chỉn chu và nghiêm túc.
Hai năm sau, vào năm 2009, tôi và anh Thành đi diễn cùng nhau thì mới bắt đầu nói chuyện. Anh Thành ‘cưa’ tôi và sau 2 tuần tôi ‘đổ’ luôn.
Có lý do gì đặc biệt khiến chị ‘đổ’ anh Thành chỉ sau 2 tuần?
- Bạn thử tưởng tượng xem, một cô bé mới 15 tuổi được một người đàn ông 35 tuổi tỏ tình thì sẽ như thế nào? Hồi đó, tôi có chút hiếu kỳ về tình yêu nên tôi đồng ý. Ngay từ đầu, tôi nghĩ sẽ chỉ yêu thôi chứ không tính đến chuyện lâu dài với anh Thành.
Anh thành bằng tuổi mẹ chị, có khi nào chị gọi là chú chưa?
- Tôi chưa bao giờ gọi anh Thành là chú và cũng không biết anh Thành hơn mình tận 20 tuổi. Tôi chỉ biết, chúng tôi đã nói chuyện với nhau đã cực kỳ hợp.
Ở độ tuổi 15 của chị khi đó, yêu một người hơn 20 tuổi chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều người, trước tiên là gia đình của chị. Chị có chia sẻ điều này với mẹ không?
- Tôi giấu diếm chuyện tình của mình với hầu hết mọi người, đặc biệt là mẹ. Mà cuối cùng mẹ tôi vẫn phát hiện ra sau hai tháng. Mối quan hệ giữa tôi và mẹ trở nên căng thẳng, đến mức ngày nào đi học tôi cũng khóc.
Mẹ chị cấm con gái yêu khi còn đi học hay là cấm chị yêu người đàn ông đó?
- Mẹ không cấm tôi yêu. Nhưng khi biết tôi yêu người đàn ông đã có một đời vợ, có con riêng và hơn tôi 20 tuổi thì mẹ không ủng hộ.
Có lý do nào khác khiến mẹ chị lại cấm đoán chị quyết liệt như vậy không?
- Bố mẹ tôi ly dị khi tôi 3 tuổi, mẹ một mình nuôi tôi khôn lớn. Mẹ không muốn tôi là lẽ, là người đến sau. Và mẹ tôi muốn thể hiện với bố tôi rằng bà nuôi tôi khôn lớn trưởng thành và có cuộc sống hoàn toàn ổn dù vắng hình bóng của ông.
Ở thời điểm đó, tôi thi đấu có thành tích, có chỗ đứng trong nghề… đủ để tôi có nhiều sự lựa chọn tốt hơn. Mẹ đã nghĩ như vậy.
Chị có nghĩ mình đã mang tới cho mẹ thêm một áp lực không?
- Mẹ tôi bị áp lực nhiều từ phía họ hàng. Họ nói tại sao mẹ tôi lại để tôi kết hôn với một người đàn ông như thế.
Tôi hỏi mẹ tôi ‘Mẹ sống cho ai? Con gái mẹ vui và mẹ làm điều này để con gái mẹ được hạnh phúc.
Khi con đã quyết định cuộc đời con thì có xảy ra chuyện gì thì con cũng tự chịu trách nhiệm về chuyện đó chứ con không bắt ai phải cùng chịu với con cả’.
Gặp phải sự phản đối từ người thân yêu nhất của mình, chị đã bao giờ có suy nghĩ muốn bỏ cuộc chưa?
- Khi yêu, tôi như con thiêu thân. Từ trước tới nay, bất kể điều gì mà tôi muốn làm thì tôi đều nỗ lực theo đuổi đến cùng, đến khi thấy không thích hợp nữa thì tôi tự dừng lại.
Tôi là một đứa cứng đầu, rất khó để ai đó bắt tôi phải làm cái này, phải làm điều kia. Nhưng tôi cũng không đến mức bảo thủ đến bất chấp.
Mẹ chị cấm hai người đến với nhau, chị và anh Thành đã suy nghĩ như thế nào và đã làm những gì để thuyết phục mẹ?
- Khi biết điều đó, mẹ tôi đến gặp trực tiếp anh Thành, không cho anh Thành tiếp tục qua lại với tôi nữa. Nhưng anh Thành đã không bỏ cuộc, vẫn kiên trì cùng tôi thuyết phục mẹ. Áp lực đến mức có thời điểm anh Thành chuẩn bị hộ chiếu, sẵn sàng ra nước ngoài sinh sống.
Anh Thành không bao giờ rủ tôi bỏ chốn. Anh luôn nói tôi phải nghe lời mẹ, đừng khiến mẹ buồn lòng và động viên tôi học, để mẹ biết con gái mẹ yêu anh nhưng vẫn ngoan ngoãn và cố gắng học tốt.
Cả hai có nhận được sự ủng hộ nào từ phía bạn bè không?
- Bạn bè hầu như ai cũng tôn trọng lựa chọn của tôi. Tôi nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người, trong đó có mẹ nuôi, ca sĩ Văn Mai Hương…
‘Cuộc chiến’ giữa mẹ và chị sau bao lâu thì kết thúc?
- Sau hơn 7 tháng cấm, mẹ tôi gọi anh Thành tới nói: ‘Tôi đồng ý cho hai đứa yêu nhau nhưng dưới sự kiểm soát của tôi’.
Đấy là về phía gia đình nhà chị, thế còn phía gia đình nhà anh Thành, mọi người đã phản ứng như thế nào?
- Mẹ anh Thành không cấm chúng tôi đến với nhau. Lúc đó, bác chỉ hỏi tôi: ‘Con đã nghĩ kỹ chưa?’.
Kết hôn năm 19 tuổi, chị có nghĩ là quá sớm không?
- Chúng tôi có dự định cưới năm 2017 và mẹ tôi cũng có nguyện vọng tôi cưới chồng vào năm 24 tuổi. Nhưng cuối cùng người giục tôi cưới lại là mẹ.
Lúc đó, tôi đã có một công việc đem lại thu nhập ổn nên khi mẹ bảo vậy, tôi không suy nghĩ gì nhiều mà đồng ý luôn. Tôi nghĩ trước sau gì mình cũng cưới, nó cũng chỉ là một giai đoạn mình cần trải qua trong cuộc đời.
Hồi đó, hai đứa cũng đang trục trặc nhiều, một phần cũng là do yêu lâu quá, mọi thứ bị chững lại. Tôi bảo anh Thành thôi cưới đi để có cái mới mà tiếp tục với nhau chứ cứ yêu nhau như thế này mãi thì cũng nhạt.
Quan trọng, tôi thấy mình và anh Thành hợp nhau. Tôi là đứa cá tính mạnh nên chắc gì đã yêu và lấy được người hơn mình ít tuổi.
Đôi khi, anh Thành còn nói tôi có suy nghĩ già hơn anh ấy. Tôi thấy mình may mắn khi lấy chồng hơn 20 tuổi.
Nhận lời yêu trưởng nhóm Big Toe đình đám khi đó, chị đã phải chịu những áp lực và thiệt thòi như thế nào?
- Tôi từng bị nhiều người nói là ‘cáo già’, là ham giàu nên mới lấy chồng hơn nhiều tuổi vậy.
Khi nghe thấy những điều đó, tôi thấy buồn cười chứ không có ý định giải thích.
Quan trọng người sống với mình, họ có hiểu mình hay không thôi chứ tôi không quan tâm người ngoài nghĩ gì.
Họ không biết khi cưới tôi, anh Thành không có tiền. Tôi nói với anh Thành là anh phải làm thế nào để những điều mọi người nói là đúng đi, anh phải trở thành đại gia để em có cơ hội ‘đào mỏ’ anh chứ, rõ ràng như thế này là em bị mang tiếng oan rồi.
Đến bây giờ, tôi thấy mình không thiệt thòi gì cả. Hai vợ chồng hoà thuận, phấn đấu kiếm tiền để dành cho con những điều tốt nhất.
Chênh nhau 20 tuổi, đã bao giờ chị thấy đó là khoảng cách chưa?
- Có vẻ như đến thời điểm này, thay vì ôm đồm như trước đây thì anh Thành làm những điều cần thiết hơn.
Tôi vẫn muốn làm nhiều nhất có thể, đôi khi không quan tâm đến sức khoẻ của mình.
Có những thời điểm ngày nào tôi cũng ở phòng tập từ sáng tới tối, trong vòng 1-2 tháng trời. Những lúc đó, anh Thành chính là người giúp tôi lấy lại cân bằng: ‘Em phải đi chơi, dành thời gian cho bản thân mình nhiều hơn chứ đừng suốt ngày ở phòng tập như thế’.
Trước khi cưới, nhiều bạn bè tôi nói khi lấy chồng sẽ không được đi chơi, không được tụ tập… Nhưng hiện tại cho thấy, chúng tôi vẫn đi ăn, đi xem phim đấy chứ.
Có vẻ như cả hai đúng là hai mảnh ghép vừa vặn với nhau?
- Chúng tôi tương trợ nhau trong mọi việc. Tôi nhận ra, quan trọng là người đàn ông đó tôn trọng mình thì mình sẽ luôn có cảm giác muốn chia sẻ với họ những điều mình làm.
Lớn lên thiếu vắng tình yêu thương của bố, chị có lo sợ khi bước vào hôn nhân không?
- Đàn ông cũng có người này người kia, mình không thể vơ đũa cả nắm được. Nhiều người nói tôi may mắn khi được anh Thành yêu thương.
Sau những tai tiếng xảy đến với anh Thành, khi anh đến với tôi, đến với cuộc hôn nhân này, anh đã thay đổi một cách tích cực. Suy nghĩ của anh Thành chín chắn hơn và đàn ông hơn.
Chị vẫn tin vào tình yêu và hôn nhân chứ?
- Tôi tin vào số mệnh, nên vợ nên chồng hay không là duyên số. Mình gặp được người đàn ông như thế nào là do bản thân mình hết.
Mình tự chủ, tự lập về mọi thứ thì không sợ khi bất chợt một ngày người đàn ông đó rời đi thì mình sẽ suy sụp, gục ngã. Tôi nghĩ vậy.
Chị có tâm sự với bố của mình về người đàn ông này và nói về lễ cưới của mình không?
- Trước ngày tôi cưới, tôi nhận một cuộc điện thoại số lạ xưng ‘Chú đây’. Suốt 16 năm qua, đây là lần đầu tiên bố tôi liên lạc với tôi. Ngay lập tức, tôi dập máy luôn vì sốc và cũng không liên lạc lại với ông.
Có nhiều người khuyên tôi nên kết nối lại với bố nhưng tôi đã không làm. Có lẽ là vì tôi nhìn vào mẹ của mình ở thời điểm hiện tại, bà đang có cuộc sống vui bên hai vợ chồng và cháu. Tôi không muốn mọi thứ bị xáo trộn.
Bố đã gây ra cho mẹ tôi những điều khiến bà không bao giờ tha thứ. Tôi nghĩ nếu tôi liên lạc với bố thì sẽ khiến mẹ tôi buồn – điều tôi không hề mong muốn.
Quyết định cưới một người mà chị nghĩ không có ý định lâu dài và người đó đã có một đời vợ, đã bao giờ trong suy nghĩ của chị xuất hiện ý nghĩ biết đâu cuộc hôn nhân này cũng như cuộc hôn nhân trước của anh ấy và mình lại giống như mẹ?
- Thời điểm quyết định cưới anh Thành, tôi không muốn nghĩ trước điều gì và cũng không biết điều gì sẽ xảy đến.
Tôi không thích nghĩ nhiều về tương lai lắm. Bởi vì tôi nghĩ mình phải tồn tại được ở thời điểm hiện tại đã thì mình mới có được tương lai.
Xung quanh tôi có nhiều bạn không may mắn khi gặp người đàn ông không tốt. Tôi rút ra, phải suy nghĩ thật kỹ trước khi tiến tới hôn nhân với ai đó. Đôi khi, người mình yêu nhất sẽ không phải là chồng của mình.
Có ai nghĩ một dancer Chu Quỳnh Trang hết mình với đam mê sân khấu, đến một ngày lại quyết định lấy chồng và lui về hậu trường…
- Năm 2009 là năm tôi học lớp 10, tôi quyết định nghỉ thi đấu vì không đủ điều kiện để theo đuổi bộ môn dancesport.
Tôi cũng có ý định thi đấu lại nhưng chồng đưa ra hai lựa chọn cho tôi. Một là tiếp tục thi đấu thì sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của. Hai là rút về hậu trường để làm đào tạo thì mình có nghiệp dài hơi hơn, ‘tuổi thọ’ công việc sẽ dài hơn thi đấu.
Chị lui vào hậu trường khi sự nghiệp thi đấu vẫn còn ‘dài hơi’. Đó có phải là điều chồng chị muốn?
- Chồng phân tích để tôi lựa chọn chứ không ép tôi làm điều gì cả. Tôi may mắn vì chồng luôn tôn trọng mọi quyết định của mình. Chồng nói cho dù tôi làm gì thì anh ấy luôn ủng hộ.
Chắc hẳn chị đã nghe câu chuyện về ca sĩ Văn Mai Hương chia tay người yêu vì anh ấy không cho Hương theo đuổi đam mê của mình. Có vẻ như câu chuyện theo đuổi đam mê với người phụ nữ khó khăn hơn rất nhiều so với đàn ông?
- Văn Mai Hương là một người có hoài bão lớn. Tôi nghĩ tuỳ từng hoàn cảnh, tuỳ từng công việc và thời điểm mà mỗi người sẽ đưa ra quyết định của mình.
Tuy nhiên, có một điểm chung là khi người phụ nữ quyết định rút về hậu trường thì họ cần phải nhìn thấy được tương lai như thế nào thì họ mới đồng ý.
Anh Thành đã từng không thích tôi diễn cùng người đàn ông khác. Tôi cũng tôn trọng suy nghĩ đó của anh ấy nhưng không để nó chi phối quá nhiều trong quyết định của mình.
Chúng tôi không bao giờ bắt nhau phải làm điều gì theo ý ai cả. Thay vào đó, cả hai lắng nghe, cảm thấy hợp lý thì sẽ làm.
Chị đi dạy nhưng chị vẫn đang nuôi dưỡng niềm đam mê của mình đấy chứ, chỉ là chị đứng phía sau thôi…
- Trước đây, chúng tôi đều có một trung tâm riêng. Anh thành dạy hiphop còn tôi dạy dancesport. Đến năm 2017, hai trung tâm mới sát nhập thành một.
Hiện tại, trung tâm của chúng tôi có ba cơ sở ở Hà Nội với hơn 600 học viên. Việc gộp lại tôi thấy ổn hơn vì học viên có nhiều sự lựa chọn hơn.
Ngoài ra, cả hai có chung dự án nào không?
- Với mong muốn đem tới cho các tài năng nhí của bộ môn nhảy múa tại Việt Nam một sân chơi, cơ hội thể hiện khả năng của mình, đồng thời lan tỏa tình yêu đối với nghệ thuật nhảy múa, chúng tôi cùng nhau làm dự án Vũ kịch Sắc màu tuổi thơ.
Dự án này mất 1 năm để tuyển chọn và đào tạo các bé. Mọi chi phí đào tạo đều miễn phí. Sau khi vở kịch được công diễn thì 2 trong số những bé đó được chúng tôi cấp học bổng học ở nước ngoài trong 6 tháng.
Mỗi ngày, hai vợ chồng chị dành cho con bao nhiêu thời gian?
- Thời gian hai vợ chồng ở bên con cũng không được nhiều. Buổi sáng, con đi học sớm, hôm nào có thể dậy được thì tôi đưa con đi học, 4 giờ chiều con tan học thì hai vợ chồng lại đi dạy.
Thi thoảng, bà cho con qua phòng tập để chơi với bố mẹ. Tôi ôm con một cái rồi lại dậy tiếp hoặc nhìn con từ xa, chỉ là những cuộc gặp chốc lát như vậy. Khi hai vợ chồng đi làm về thì con đã ngủ rồi.
Chị nghĩ điều gì tạo nên tình yêu 4 năm và cuộc hôn nhân 4 năm bền chặt giữa hai người?
- Từ lúc yêu cho đến bây giờ khi đã lấy nhau, hai vợ chồng tôi tự chủ và độc lập về kinh tế, đúng kiểu ‘góp gạo thổi cơm chung’.
Mỗi tháng, mỗi người tự bỏ khoản tiền như nhau để đóng chung vào quỹ gia đình. Mua cái gì chung cũng chia 50 - 50.
Trừ khi một người muốn tặng món quà cho người còn lại thì tự bỏ tiền ra. Ai vay tiền của ai thì phải ký sổ đàng hoàng rồi trả nợ chứ không được lấy tiền của nhau để tiêu. Tôi nghĩ như vậy mới bền được.