Bí quyết sống thọ của nữ nhiếp ảnh gia 103 tuổi ở Nhật: Thích ăn thịt, không tinh bột

Là một trong những nữ nhiếp ảnh gia đầu tiên của Nhật Bản, cụ Tsuneko Sasamoto 103 tuổi vẫn tràn năng lượng sống, năng lượng sáng tạo và sự hiếu kỳ. Bí quyết gì giúp cụ có được sức khỏe và sự dẻo dai đó?

Rất nhiều tờ báo trong và ngoài nước Nhật đã bắt đầu chú ý tới nữ nhiếp ảnh gia đầu tiên ở Nhật Tsuneko Sasamoto kể từ sau khi bà công bố số tuổi thật của mình vào năm bà gần 100 tuổi. Điều họ ngạc nhiên không chỉ là khả năng sống thọ, vẻ ngoài trẻ hơn so với tuổi thật vài chục năm mà còn bởi năng lượng, nhiệt huyết vẫn tràn đầy nơi người phụ nữ bé nhỏ này.

Cụ Tsuneko Sasamoto sinh ngày 1/9/1914. Theo lời cụ kể, lúc đầu, cụ muốn trở thành một họa sỹ nhưng bố cụ không cho phép vì sợ cụ không thể kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Sau đó, cụ đăng ký học ở một trường kỹ thuật, chuyên ngành tài chính. Tuy nhiên, cụ vẫn không thể từ bỏ nghệ thuật.

Cuối cùng, cụ cãi lời cha mẹ, bỏ học ở trường này và đăng ký học ở trường chuyên về may mặc. Sau khi học được một thời gian, cụ ra phụ giúp một người họ hàng ở cửa hàng thời trang và tham gia học ở một học viện nghệ thuật vào ban đêm. Mẹ cụ là người đã giấu cha cụ, cho phép cụ học ở trường này.

Đúng lúc đó, cụ được một người quen - là trưởng ban tin tức nội địa ở tờ Mainichi Shinbun (sau này đổi tên thành Tokyo Nichi-Nichi Newspaper) - hỏi liệu cụ có thích làm mảng tranh minh họa trong tờ báo không. Rất háo hức nhận lời, nhưng cụ lại nhanh chóng thất vọng khi về sau người được chọn làm mảng đó là một chuyên gia vẽ tranh minh họa.

Người quen của cụ sau đó giới thiệu cho cụ tới gặp một người có tên Kenichi Hayashi – người đang tìm một “nhân viên ảnh” làm việc ở nước ngoài. Đây chính là người đầu tiên giới thiệu cho cụ về nghề nhiếp ảnh và cũng là người khơi nguồn cảm hứng với nhiếp ảnh ở cụ. Sau đó cụ làm việc cho Hiệp hội Điện ảnh, và từ đây con đường trở thành nhiếp ảnh của cụ bắt đầu.

Để trở thành nữ nhiếp ảnh gia đầu tiên của Nhật, cụ đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ mẹ - một người vô cùng tiến bộ, đã không những bắt cụ phải lấy chồng (dù lúc đó cụ đã 25 tuổi) mà còn ủng hộ cụ vô điều kiện. Bà thậm chí còn giúp con gái nói dối cha và anh trai là đi tổ chức chụp ảnh, chứ không phải là làm nhiếp ảnh gia.

Trong phần lớn sự nghiệp của mình, cụ chuyên tâm chụp các hình ảnh về Nhật Bản trước và sau cuộc chiến. Các bức ảnh của cụ đã cho thấy rõ được sự chuyển mình của nước Nhật từ sau cuộc chiến.

Những khó khăn về kỹ thuật, sự yếu thế của một nữ nhiếp ảnh gia, sự ngăn cản của gia đình, định kiến xã hội… tất cả đều không làm cụ chùn bước. Khi được hỏi về nguồn sức mạnh tiếp sức cho mình, cụ không ngần ngại chia sẻ rằng: “Đó là sự tò mò”.

Ở tuổi 97, cụ xuất bản một cuốn sách có tên Hyakusai no Finder (Centenarian’s Finder). Ở tuổi 100, cụ mở một triển lãm với các bức ảnh chọn lọc. Ở tuổi 101, cụ tiếp tục làm việc trong một dự án có tên Hana Akari để tưởng nhớ những người bạn đã khuất của mình. Dù bị tai nạn gãy tay trái và 2 chân năm 102 tuổi, cụ vẫn quyết tâm tham gia các lớp hồi phục chức năng để hoàn thiện tâm nguyện này của mình.

Ở tuổi 102, cụ được trao giải thưởng “Oscar trong lĩnh vực nhiếp ảnh” có tên Lucy Lifetime Achievement Awards.

Không chỉ đam mê nhiếp ảnh, cụ còn có niềm yêu thích với thời trang. ở tuổi 100, cụ đã giành giải thưởng Người mặc đẹp nhất. Theo cụ, việc chọn các phụ kiện là một bài tập não bổ ích.

“Thời trang không hẳn là tiền, mà còn là biết dùng não”. Quần áo cụ hầu hết là do cụ tự may. Cụ rất biết cách kết hợp quần áo và tạo ra phong cách cho riêng mình.

Tràn đầy nhiệt huyết và mạnh khỏe dù 103 tuổi, bí quyết trường thọ của cụ là gì?

Chế độ dinh dưỡng

Chia sẻ về chế độ dinh dưỡng của mình, cụ nói: “Trước kia các bác sĩ toàn khuyên là chúng ta nên ăn nhiều rau và đậu phụ khi về già, tôi toàn làm ngược lại. Tôi rất thích ăn thịt từ khi còn trẻ. Tôi không ăn tinh bột, và chỉ uống rượu vang đỏ. Nếu thức ăn tồi, nhân cách của bạn cũng sẽ bị hủy hoại”.

Cụ rất đề cao việc ăn uống: “Hầu hết những người sành điệu thường dành tiền vào việc ăn mặc thay vì ăn uống. Điều này là không khoa học. Dù chúng ta có nghèo thế nào thì thức ăn – thứ nuôi dưỡng cơ thể - cũng phải được đặt hàng đầu".

Cụ thường chọn những loại thực phẩm theo mùa để đảm bảo được sự tươi ngon và chế biến chúng theo cách giữ được tốt nhất hương vị và màu sắc của thực phẩm. “Ăn uống là điều quan trọng nhất của “sự sống”. Việc ăn uống giống như thưởng thức món quà từ thiên nhiên vậy”.

Chế độ sinh hoạt

Dù cao tuổi, cụ Tsuneko Sasamoto vẫn duy trì thói quen sinh hoạt hàng ngày. Cụ đi ngủ lúc 23 giờ, dậy lúc 5 giờ sáng. Sau đó, cụ uống một cốc sữa chua, rồi bật tivi xem các chương trình bằng tiếng Anh và tự học. Sau chương trình Thể dục dành cho phụ nữ, cụ sẽ đọc báo, ghi âm hoặc xem xét để quyết định sẽ gặp ai trong số những người đến phỏng vấn hoặc muốn gặp cụ.

Cụ có thói quen ghi lại những công thức nấu ăn hữu ích, những câu thoại tiếng Anh mới, những hình minh họa ngộ nghĩnh … trong một cuốn sổ. Tổng số cuốn sổ cụ có giờ đã hơn 30 cuốn.

Khoảng 8 giờ sáng, sau khi ăn sáng, cụ sẽ thay quần áo, trang điểm, xịt nước hoa và đón chào một ngày mới bận rộn của mình.

Lối sống

Một điều dễ nhận thấy ở cụ bà Tsuneko Sasamoto là bà luôn luôn cười.

"Đừng bao giờ quên khám phá trái tim bạn, có niềm vui thích với mọi thứ xung quanh, làm những điều bạn thích và bạn sẽ luôn tràn đầy năng lượng".

Trong những cuốn sách bà viết, thật khó tìm được trang viết về những ngày khó khăn, đau buồn.

"Con người luôn luôn ghét những gì khiến họ tổn thương. Ngay cả khi bạn than phiền, bạn cũng chẳng thể thay đổi được điều gì. Hãy luôn vui cười, ngay cả khi bạn buồn. Sự may mắn sẽ luôn tới với những người sống lạc quan, vui vẻ" - bà nói.

Quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, luôn giữ sự tò mò với mọi thứ và có một chế độ sinh hoạt đều đặn, lành mạnh chính là bí quyết trường thọ của cụ Tsuneko Sasamoto.

Hiền Thảo/giadinhmoi.vn

Tin liên quan