Bản Quán - Gói hương vị bản xa, về hòa ca nơi phố thị

Bình luận

Nằm giữa khu phố cổ náo nhiệt, Bản Quán (số 2 Đường Thành) thu hút thực khách với không gian độc đáo, mang đậm chất núi rừng. Khi đặt chân đến Bản Quán, thực khách sẽ được trải nghiệm văn hóa và ẩm thực Bản giữa lòng Thủ đô.

Mang hương vị bản hòa vào phố thị nhộn nhịp, tươi vui

Sau những cánh rừng già, vượt qua những ruộng bậc thang, ngược lên muôn trùng núi là những nền văn hóa được giữ gìn qua hàng trăm thế hệ. Đặc biệt hơn, trong những Bản nhỏ bình dị như thế lại mang theo những tinh hoa ẩm thực, được kết tinh từ thiên nhiên, núi rừng, tinh thần của cả nền văn hóa ấy. Nhưng, những tinh túy ấy liệu sẽ ẩn mình dưới lớp sương giăng mù, sau tầng tầng lớp lớp cây cỏ hay chúng sẽ băng qua ngàn cây số, tràn vào giữa lòng thành phố và làm say mê biết bao thực khách? Chính những trăn trở đó đã thôi thúc bà Phạm Kiều Duyên và các cộng sự của mình sáng lập nên Bản Quán. Và gói ghém tất cả chúng lại, mang theo những điều tươi đẹp nhất để rồi: Gói hương bị bản xa, về hòa ca phố thị.

Không gian tầng 1 nổi bật với lối đi lát đá, gợi nhắc cho thực khách về đường lên bản

Không gian tầng 1 nổi bật với lối đi lát đá, gợi nhắc cho thực khách về đường lên bản

Bản quán là nơi kế thừa, tiếp nối và phát triển các món ngon dựa trên cách chế biến, nguyên liệu và gia vị của đồng bào. Các món ăn của Bản Quán đều được xuất phát từ chính cuộc sống, gắn liền với tính ngưỡng, văn hóa. Chúng phát triển theo thời gian, cộng hưởng cùng với nguồn sản vật trù phú rồi lan tỏa tới khắp mọi nơi nhờ hương vị đặc biệt và đầy mới lạ. “Chúng tôi đã lưu giữ, phát triển từ nguồn nguyên liệu để truyền bá, giới thiệu về đời sống đồng bào thông qua món ăn. Đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa ẩm thực đặc sắc và truyền cảm hứng tới nhiều thế hệ thông qua không gian sáng tạo, hiếu khách và đậm nét dân tộc. Bản Quán cũng là nơi chúng tôi nêm thêm chút tình, chút nhớ, chút thương, chút nồng hậu, chân tình… để ai ghé ngang cũng phải xao xuyến trước nền ẩm thực độc đáo, phong phú của đồng bào” – bà Kiều Duyên, CEO của Bản Quán chia sẻ.

Không gian độc đáo, mang đậm chất núi rừng

Không gian độc đáo, mang đậm chất núi rừng

Nói thêm về thương hiệu Bản Quán, vị CEO này cho biết: “Bản Quán lấy hình ảnh từ “Cái Cây” sinh ra từ bản, mang theo nguyên liệu tươi ngon, lấy tinh thần văn hóa làm cốt lõi, chảy tràn trong mình sự hiếu khách. Chúng tôi có một phần nhánh cây hướng về bản làng, hướng về những giá trị truyền thống giàu đẹp, những cánh rừng, những thửa ruộng bậc thang, khung cảnh thân thương nơi núi rừng. Một phần khác hướng về thành phố với tất cả những điều tươi đẹp để hòa vào phố thị nhộn nhịp, tươi vui”.

Đặc biệt, Bản Quán không giống với những mô hình nhà hàng chuyên ẩm thực dân tộc khác ở chỗ, với sự tác động của mục tiêu dân tộc đổi mới, thương hiệu sẽ thể hiện tiêu chuẩn và tinh thần cấp tiến của ẩm thực, văn hóa dân tộc trong nội dung và hình thức của mình. Thực khách khi đến Bản Quán sẽ được trải nghiệm một phong cách gần gũi nhưng chỉn chu, phóng khoáng nhưng chuyên nghiệp, hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc dân tộc truyền thống.

Một lòng một dạ - món ăn được thực khách yêu thích khi ghé Bản Quán

Một lòng một dạ - món ăn được thực khách yêu thích khi ghé Bản Quán

“Một lòng một dạ” với Bản Quán

Điểm nhấn trong thực đơn của Bản Quán là lấy cảm hứng từ nguồn nguyên liệu tươi sạch, mùa nào thức nấy. Các món ngon của đồng bào nhưng với sự kế thừa, chắt lọc và phát triển theo vùng ẩm thực, mang đến cho khách hàng một trải nghiệm phong phú và đầy màu sắc.

Để mang đến cho thực khách những món ăn tươi ngon, chất lượng, Bản Quán mang về phố những búp rau xanh của rẻo cao, đánh bắt những mẻ cá tôm tươi ngon từ nguồn, tận tay đong những hạt nếp Tú Lệ và Séng Cù thơm hương từ những thửa ruộng bậc thang Tây Bắc... và thêm rất nhiều món ngon theo mùa, đậm đà hương vị núi rừng.

Chính vì vậy mà các món ăn của Bản Quán khiến thực khách lần đầu ghé thăm cảm được “vị ngạc nhiên” để rồi nguyện “một lòng một dạ” - một món ăn được thực khách yêu thích khi ghé Bản Quán. Món ăn đặc biệt này được chế biến từ dạ dày lợn tròn căng, bên trong nhồi thịt thủ, thịt dải mềm, được tẩm ướp cùng các loại gia vị đậm đà như hạt dổi, mắc khén, rau rừng. “Một lòng một dạ” đậm đà hương vị núi rừng được luộc 45 phút trong lửa nhỏ liu riu. Gắp một miếng dạ dày xắt vừa miệng, nhai giòn giòn, ăn kèm “một lòng” non chín mọng và gan luộc thơm bùi. Không thể thiếu củ Chí Cống đặc biệt của đồng bào Mông. Gói gọn miếng ngon chấm cùng chẩm chéo hoặc mắm tôm và cảm nhận hương vị vừa lạ vừa quen.

Món Gà H'Mong tần bí thơm

Món Gà H'Mong tần bí thơm

Bên cạnh món Một lòng một dạ thì món Gà H'Mong tần bí thơm cũng là món ngon được nhiều thực khách yêu thích trong những ngày hè. Bí thơm là một đặc sản nổi tiếng có ở Bắc Kạn và Cao Bằng, với mùi hương như mùi nếp cái hoa vàng, không thể lẫn vào đâu được. Gà H'Mong là loại gà nhỏ, thơm, chắc thịt với giá trị dinh dưỡng cao. Hai nguyên liệu quý này được kết hợp thêm cùng các loại đậu và gia vị đặc trưng của đồng bào. Gà H'Mong tần trong quả bí chín tới, chắc thịt nhưng không hề cứng, rất mềm dễ ăn, đặc biệt là ngấm đủ hương vị qua từng thớ thịt. Nước dùng có vị ngọt thanh mát, rất tốt cho sức khỏe.

Xôi trám đen thơm ngon

Xôi trám đen thơm ngon

Xôi trám đen cũng là một món ăn gây thương nhớ cho thực khách khi đến Bản Quán. Đây là một món ăn dân dã của đồng bào các tỉnh miền núi, đặc biệt ở Cao Bằng. Món ăn có quá trình chế biến rất kì công. Đồng bào chọn loại trám nếp chín cây có màu tím thẫm, quả còn tươi, đỉnh cuống còn dính nhựa, da quả căng, bóng, mịn không bị rộp. Ngâm trám trong nước nóng 70 – 80 độ khoảng 30 phút sau đó tách lấy phần cùi trám. Khi đồ xôi để phần cùi trám lên trên gạo, khi xôi chín trộn đều trám và xôi, có thể cho thêm chút mỡ lợn đen hoặc thịt băm. Món xôi trám ngon nhất khi ăn cùng muối vừng đen hoặc lạp sườn gác bếp Cao Bằng.

Món cá nấu măng chua của người Mường

Món cá nấu măng chua của người Mường

Ngoài những món ngon nói trên, thực đơn Bản Quán còn rất nhiều món ăn gây thương nhớ cho thực khách khi một lần được thưởng thức như món Quay đầu, Pa Pỉnh Tộp, Nhộng ong đất, Cơm lam, Xôi ngũ sắc, Canh rêu đá, Nộm rau rừng, Cá nấu măng chua…

Đặc biệt, Bản Quán còn gây ấn tượng với thực khách bởi đồ uống bia độc đáo của người Hà Nhì. Công đoạn ủ bia rất cầu kỳ, phải dùng đúng loại gạo nếp truyền thống: Hạt tròn mẩy, đều, có mùi thơm. Gạo được đem đi đãi sạch, ngâm nước 1 tiếng rồi mới đem đồ thành xôi. Công đoạn chọn men là công đoạn then chốt quyết định hũ bia có đủ thơm ngon hay không. Men được làm từ hạt rừng.

Đồ uống bia độc đáo của người Hà Nhì

Đồ uống bia độc đáo của người Hà Nhì

Người đồng bào đem nghiền nhỏ trộn với bột gạo nếp và ủ trong rơm. Rắc men trộn đều cùng xôi rồi cho vào chum sành, bịt kín lại. Sau 3 ngày, xôi sẽ lên men, cho ra thành phẩm là nước cốt màu trắng ngà có mùi thơm và vị ngọt dịu. Người Hà Nhì tiếp tục đổ thêm nước cất từ mạch nguồn, ủ thêm 15 ngày mới có thể thưởng thức vị bia đúng chuẩn. Không dùng đến kỹ thuật chưng cất, chỉ bằng sự khéo léo, tỉ mỉ và những kỹ thuật truyền thống đã tạo nên Thức uống đặc sản - Bia mang thương hiệu của người Hà Nhì ở vùng đất đại ngàn Y Tý.

Trải nghiệm quay tơ, dệt vải tại Bản Quán

Trải nghiệm quay tơ, dệt vải tại Bản Quán

Không chỉ quảng bá những nét đẹp trong văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào qua không gian, món ăn, Bản Quán còn đem đến cho thực khách những hoạt động đầy bản sắc như quay tơ, dệt vải, nhuộm vải, các tiết mục văn nghệ… Một trong những tiết mục được yêu thích nhất ở Bản Quán phải kể tới là “Hát mời rượu của người Thái”.

Tiết mục Hát mời rượu của người Thái tại Bản Quán

Tiết mục Hát mời rượu của người Thái tại Bản Quán

“Đưa truyền thống ẩm thực, văn hóa và câu chuyện của đồng bào tới phố thị và Bản Quán móng muốn kể lại câu chuyện về văn hóa của đồng bào dân tộc theo một cách thật đặc biệt. Tựa như những chuyện kể dân gian là sự góp gọng của nhiều thế hệ, chúng tôi mong muốn viết nên câu chuyện của riêng mình, vừa của chung những người có tình yêu với văn hóa và ẩm thực dân tộc, để vẻ đẹp ấy có thể vươn xa hơn, trường tồn hơn nữa” – bà Duyên nói.

Bạn đang xem bài viết Bản Quán - Gói hương vị bản xa, về hòa ca nơi phố thị tại chuyên mục Dinh Dưỡng của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Ly Linh