Bị ký sinh trùng suốt 10 năm, ho ra máu gây nhầm lẫn là lao phổi

Thường xuyên bị ho và ho ra máu, người phụ nữ đi khám được chẩn đoán lao phổi và phải dùng thuốc suốt 10 năm. Đến một ngày, người phụ nữ bất ngờ phát hiện nguyên nhân thực sự.

Ký sinh trùng tấn công não, phồi, gan... gây ra nhiều bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh minh họa

Nhiều người cứ nghĩ rằng, ký sinh trùng chỉ là con giun trong bụng và gây ra tình trạng đau bụng, gầy yếu. Nhưng thực chất, giun chỉ là một trong số hàng chục loại ký sinh trùng gây bệnh cho con người.

Thậm chí, có nhiều loại ký sinh trùng tấn công vào não, phổi, gan… gây ra những bệnh lý nguy hiểm, không ít người còn bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh mạn tính dẫn đến điều trị sai, gây hại cho sức khỏe, kinh tế.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, Nguyên trưởng bộ môn ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội, không ít bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng nhưng bị chẩn đoán sai và dẫn đến điều trị sai, bệnh tình không thuyên giảm mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống.

Giáo sư Đề kể lại, ông đã từng khám cho một bệnh nhân nữ ở Hà Giang trước đó đang điều trị lao phổi hơn 10 năm.

Trước đó, người phụ nữ này thường xuyên bị ho và ho ra máu, khi đi thăm khám thì được xác định là lao phổi và phải dùng thuốc điều trị lao trong thời gian dài.

Điều đáng nói là trong suốt hơn 10 năm chữa bệnh, người phụ nữ này luôn bị bạn bè, đồng nghiệp và những người xung quanh xa lánh vì sợ lây nhiễm bệnh lao phổi. Chính điều đó làm chị luôn mệt mỏi và gặp áp lực trong cuộc sống.

Trong một lần tình cờ làm xét nghiệm ký sinh trùng, nữ bệnh nhân này được bác sĩ Đề chẩn đoán bị nhiễm sán lá phổi gây tổn thương phổi nên mỗi lần ho ra rất nhiều máu tươi, có nhiều biểu hiện giống với lao phổi dẫn đến chẩn đoán trước đó bị nhầm lẫn.

Sau đó bệnh nhân được uống thuốc điều trị sán lá phổi kịp thời, chỉ vài tháng bệnh đã khỏi hoàn toàn.

Bệnh nhân rất ngỡ ngàng vì tác hại của ký sinh trùng dẫn đến tình trạng bệnh tật kéo dài. Vậy mà từ trước đến nay, bản thân bệnh nhân và nhiều người cứ nghĩ ký sinh trùng chỉ là con giun trong ruột, là hiện tượng bình thường mà không biết nhiều bệnh nguy hiểm gây ra từ ký sinh trùng.

Thường xuyên ăn cua sống, tôm sống, ốc sống... dễ nhiễm ký sinh trùng gây bệnh ở phổi, gan, não... Ảnh minh họa

Chuyên gia cảnh báo, chính tập quán ăn tôm, cua chưa nấu chín cũng như ăn gỏi cua, gỏi tôm, ăn cua nướng (thực chất thịt cua nướng chưa chín), ăn gạch cua sống, ăn mắm cua, uống nước cua sống... đều có nguy cơ bị nhiễm sán lá phổi.

Bởi trong cua hoặc tôm chưa nấu chín có chứa ký sinh trùng ở giai đoạn ấu trùng nang metacercaria. Sau khi ăn, metacercaria tới phổi và gây bệnh ở phổi.

Lúc đầu xung quanh sán thâm nhiễm bạch cầu ái toan và trung tính, sau đó là bạch cầu đơn nhân. Xuất hiện hoại tử khu trú nhu mô phổi, sau đó hình thành nang xơ bao quanh sán trưởng thành.

Sau khi nhiễm 7 - 8 tuần, sán trưởng thành hoàn toàn bắt đầu đẻ trứng ở trong nang. Nang này có thể lớn lên và vỡ, thường là vỡ vào tiểu phế quản.

Ngoài gây bệnh tại phổi, ký sinh trùng cũng gây bệnh tại một số cơ quan khác. Sau khi metacercaria đã thoát vỏ tại tá tràng để di chuyển đến các cơ quan nội tạng và phát triển thành sán non, trong quá trình đó chúng có thể di trú từ khoang màng bụng đến các cơ quan khác ngoài phổi hoặc từ phổi tới các cơ quan khác và chúng có thể tạo nang và đẻ trứng tại vị trí ngoài phổi.

Trứng của sán trưởng thành sống trong phổi đi vào hệ tuần hoàn và được đưa đến các vùng phía xa của cơ thể. Trứng và sán chưa trưởng thành ở các vị trí lạc chỗ có thể gây phản ứng viêm, dẫn đến hình thành nang, áp-xe, u hạt.

Khi chẳng may bị ký sinh trùng vào phổi, ở giai đoạn sớm, tính từ khi nhiễm cho đến khi sán đẻ trứng đầu tiên, trung bình 2 - 20 ngày, có thể kéo dài đến 2 tháng, trong thời gian ấu trùng di trú trong khoang phúc mạc, một số bệnh nhân thấy đau bụng hay đau thượng vị, thậm chí có thể có ỉa chảy.

Khi ấu trùng xuyên qua cơ hoành và di trú trong khoang màng phổi, có thể có đau ngực kiểu màng phổi (thường là hai bên).

X quang phổi lúc này, khoảng sau nhiễm từ một tháng trở lên, có thể thấy tràn khí màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi. Tràn dịch màng phổi là dịch tiết và dày đặc bạch cầu ái toan.

Khi ấu trùng di trú trong nhu mô phổi tăng cao, bệnh nhân thường có biểu hiện ho khan, đau ngực và khó chịu. Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm sốt nhẹ và đờm có dây máu.

Ở giai đoạn muộn (giai đoạn thứ hai của nhiễm sán lá phổi là thời gian sán trưởng thành sống ở phổi. Giai đoạn này có thể kéo dài tới mười năm trước khi sán chết dần), người bệnh có thể bị ho ra máu tái diễn. Đây là triệu chứng hay gặp nhất trong giai đoạn này.

Điển hình thì chất đờm có màu sô-cô-la, bao gồm hỗn hợp máu, tế bào viêm và trứng sán phóng ra khi nang bao quanh sán trưởng thành vỡ vào tiểu phế quản.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể thấy khó chịu, không sốt, người gầy sút, kém ăn… và ho máu tái diễn các lần sau nếu không được phát hiện và điều trị.

Để phòng ngừa ký sinh trùng tấn công phổi cần phát hiện và điều trị triệt để đồng thời quản lý tốt nguồn phát tán mầm bệnh từ người bệnh.

Thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh trong ăn uống (ăn chín, uống sôi), nhất là những nơi có thói quen ăn gỏi và các hải sản sống cần phải được tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng nhằm loại bỏ thói quen ăn uống không hợp vệ sinh.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan