Mẹ kiêng khem quá mức trong ăn uống, kiêng ra gió, không tắm rửa cho trẻ,... đều là những sai lầm trong điều trị bệnh chân tay miệng. Cha mẹ cần lưu ý những điểm sau để chăm sóc trẻ mau khỏi bệnh.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cha mẹ thường thắc mắc về việc khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cần kiêng gì.
Nhiều người bắt con kiêng khem đủ thứ như trứng, rau muống, hải sản… để con nhanh khỏi bệnh, không bị sẹo.
Việc kiêng khem quá mức cho con như vậy là không đúng. Theo bác sĩ Dũng, trẻ bị tay chân miệng với những mụn nước ở miệng làm trẻ đau đớn, khó chịu khi ăn uống nên trẻ rất lười ăn.
Đã vậy mẹ còn kiêng không cho con ăn món này, món kia sẽ làm trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng, không đủ sức để chống chọi bệnh tật.
Cha mẹ cần dỗ dành cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm thức ăn để đảm bảo dinh dưỡng. Với trẻ đang bú mẹ thì cần cho trẻ bú đầy đủ các cữ để tránh mất nước, suy dinh dưỡng.
Khi con bị mắc chân tay miệng cha mẹ tuyệt đối không kiêng khem, hạn chế đồ ăn của trẻ. Bởi, trẻ đang khó chịu, lười ăn, nên cứ để trẻ, uống ăn tất cả những đồ ăn mà trẻ thích.
Vì bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa khi ăn uống nên cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như: ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng…
Đặc biệt, cha mẹ không nên mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi…
Một số cha mẹ có quan niệm khi trẻ bị chân tay miệng thì phải kiêng tắm gội, vì khi tắm có thể làm các mụn phỏng vỡ ra, trẻ sẽ bị bệnh nặng hơn.
Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên khi trẻ bị tay chân miệng cần được vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm gội cho con bình thường để đảm bảo vệ sinh cho con.
Nếu không tắm rửa thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, từ đó, dẫn tới những bệnh khác gây nên biến chứng nguy hiểm.
Khi tắm gội cho trẻ, cha mẹ nên chọn phòng kín, tránh gió. Đồng thời, nên chọn loại xà bông diệt khuẩn tốt dành cho làn da nhạy cảm của bé. Khi tắm cũng nên cố gắng tránh để không chạm vào các nốt mụn khiến chúng bị vỡ ra.
Đặc biệt, với các nốt phỏng mọc trong miệng, cha mẹ nên cố gắng hướng dẫn trẻ súc miệng nước muối, uống nhiều nước để đảm bảo vệ sinh răng miệng.
Với trẻ còn quá bé, cha mẹ dùng dụng cụ rơ lưỡi để làm sạch miệng cho trẻ. Cần vệ sinh miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ và khi ngủ dậy.
Trẻ mắc bệnh chân tay miệng thường có những vết loét đỏ hay tổn thương dạng phỏng nước, khi vỡ ra tạo thành vết lở loét.
Nhiều mẹ dùng muối, chanh để sát trùng những vét loét này cho con làm trẻ đau xót, khó chịu hơn, bởi da và niêm mạc của trẻ đang bị tổn thương, dùng muối, chanh sát khuẩn sẽ làm trẻ thêm đau đớn.
Cha mẹ nên nhớ: tuyệt đối không dùng muối, chanh hay bất cứ loại lá gì để chà lên vết loét. Việc cần thiết duy nhất là dùng xà phòng diệt khuẩn loại nhẹ tắm cho bé, lau khô và giữ cho bé sạch sẽ.
Nếu không bị biến chứng nguy hiểm, trẻ bị bệnh chân tay miệng sẽ khỏi trong vòng 10 - 12 ngày.
Để phòng tránh dịch tay chân miệng lây lan rộng, trẻ bị bệnh cần được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng bệnh. Không được đưa trẻ đến lớp, đến nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.
Cách phòng bệnh chân tay miệng đúng nhất:
Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm dễ dàng từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch mũi, họng, chất dịch từ mụn nước hoặc phân của người bị nhiễm bệnh.
Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh lây lan, cha mẹ cần lưu ý:
- Khi con có dấu hiệu mắc bệnh cần cho trẻ nghỉ học, tránh chơi đùa tiếp xúc với các trẻ khỏe mạnh dẫn tới bệnh lây lan ra cộng đồng.
- Cha mẹ và trẻ phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy nhiều lần trong ngày.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, rửa sạch đồ chơi, không cho trẻ mút tay, ngậm đồ chơi...
- Đôi bàn tay của cha mẹ hay người chăm trẻ cũng cần phải rửa sạch bằng xà phòng, nhất là thời điểm trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và sau khi đi vệ sinh, thay bỉm, tã…