Những ngày gần đây, số lượng người nhập viện do ngộ độc thực phẩm tăng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do ăn, uống các thực phẩm không rõ nguồn gốc và đã bị nhiễm khuẩn.
Trước tình hình thời tiết còn nắng nóng kéo dài, là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn có hại phát triển, các bác sĩ cảnh báo người dân cần thận trọng trong việc ăn uống và nên ghi nhớ cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm.
Ca ngộ độc thực phẩm gần đây nhất là sau bữa ăn trưa ngày 23/5, 19 công nhân Công ty TNHH Willtech Vina (Khu công nghiệp Quế Võ, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đều có chung biểu hiện buồn nôn, mệt mỏi, đau bụng và tiêu chảy.
Ngay sau đó, các công nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Võ để tiến hành cấp cứu, chữa trị với phác đồ kháng sinh, điều trị theo hướng ngộ độc thực phẩm, truyền dịch, sử dụng thuốc liên quan đến tiêu hóa, kháng sinh tiêu hóa, bù điện giải… để tăng cường đào thải chất độc, bảo vệ niêm mạc dạ dày, ruột, men tiêu hóa.
Cách đây vài ngày, tại Quảng Ngãi cũng xảy ra tình trạng ngộ độc tập thể nghi do uống trà sữa. 40 em học sinh lớp 3B Trường tiểu học Trần Phú, TP Quảng Ngãi bị ngộ độc phải vào Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu, với triệu chứng nôn ói, đau bụng, sốt…
Hay sự việc 70 sinh viên ở Vĩnh Phúc phải nhập viện cấp cứu ngày 14/5, sau bữa liên hoan chia tay cuối khóa tổ chức tại một nhà hàng trên địa bàn phường Xuân Hòa, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Liên tiếp những ca ngộ độc tập thể diễn ra trong một thời gian ngắn đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng an toàn thực phẩm và ý thức của người dân trong việc phòng ngừa, cách ứng xử khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Chia sẻ với Gia Đình Mới về vấn đề gia tăng tình trạng ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng và cách sơ cứu khi bị ngộ độc, bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết: Năm nào cũng vậy, tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra nhiều vào thời điểm nắng nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do ăn, uống các thực phẩm không rõ nguồn gốc và đã bị nhiễm khuẩn.
Tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn, uống phải thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây độc, thức ăn bị ôi thiu… Thông thường ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc 1 - 2 ngày sau khi ăn.
Ngộ độc thực phẩm nặng thì có thể dẫn tới tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh. Vì vậy, tự bảo vệ mình là biện pháp thiết thực đầu tiên cần nghĩ tới, trong đó việc trang bị một số kiến thức về các bước sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm là việc làm cần thiết.
Khi chẳng may bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh thường có các biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi có kèm theo các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở... tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc. Và khi thấy chính mình hoặc người thân có các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm như đã kể trên, cần thực hiện các bước sơ cứu dưới đây:
- Gây nôn (nếu người bệnh không có biểu hiện nôn): Để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn.
Nôn được càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Khi tiến hành gây nôn cho người bệnh, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu để chất thải nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không gây sặc cho người bệnh. Với người bệnh bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
- Cho người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi: Sau khi người bệnh nôn và đi ngoài thì cơ thể sẽ bị mất nước. Chính vì vậy cần tiến hành bù nước cho người bệnh bằng cách cho uống nhiều nước lọc, uống nước oresol hoặc uống nước gạo rang để bù nước cho người bệnh.
- Gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất: Dù đã tiến hành sơ cứu ban đầu nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Vậy nên bệnh nhân cần được sự trợ giúp của nhân viên y tế bằng cách gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Để dùng oresol an toàn, bác sĩ Thắng khuyến cáo:
- Cần đọc kĩ hướng dẫn cách dùng, liều lượng... nếu hướng dẫn pha với 200 ml thì cần pha chính xác 200 ml vì như thế sẽ đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp, pha quá ít hay nhiều nước hơn cũng sẽ nguy hiểm, thậm chí tử vong.
- Chỉ sử dụng dung dịch đã pha trong 24 giờ, bảo quản kĩ tránh nhiễm bẩn, bởi, dung dịch có thể bị nhiễm khuẩn nếu để quá lâu và gây nguy hiểm cho người bệnh.
- Không chia nhỏ gói oresol rồi pha vì rất có thể các thành phần không đồng nhất và dễ gây nhầm lẫn thể tích khi pha.
- Không đun sôi dung dịch đã pha vì khi đó sẽ làm mất tác dụng của thuốc, bay hơi làm tăng độ thẩm thấu.
- Không pha với nước khoáng vì nước này có sẵn thành phần khoáng sẽ làm sai lệch nồng độ, nên pha oresol với nước đun sôi để nguội.
- Khi nhiều người cùng bị ngộ độc, không cho các người bệnh uống chung nước, uống chung oresol vì có thể làm tăng tình trạng của những người bị nhẹ.
Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong ngày hè
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra 10 nguyên tắc “vàng” về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO):
1. Chọn thực phẩm an toàn
2. Nấu kỹ thức ăn
3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín
4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín
5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn
6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín
7. Luôn giữ bàn tay chế biến thực phẩm sạch sẽ
8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, dụng cụ chế biến sạch sẽ
9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác
10. Sử dụng nguồn nước sạch