9 dấu hiệu cảnh báo u não ở trẻ, cha mẹ không nên bỏ qua
Bệnh u não ở trẻ em không phải là bệnh lý hiếm gặp. Dưới đây là 9 dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh mà cha mẹ không nên bỏ qua.
Theo chia sẻ của ThS.BS Dương Trung Kiên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Xanh Pôn, việc nhận biết các dấu hiệu của bệnh u não ở trẻ em đôi lúc gặp trở ngại bởi đối tượng người bệnh là trẻ nhỏ. Có một số các triệu chứng gợi ý bệnh mà cha mẹ chớ bỏ qua như sau.
Đau đầu: Đây là triệu chứng “kinh điển” của bệnh lý khối u nội sọ. Nhưng không may, nó cũng là triệu chứng của rất nhiều các bệnh lý khác. Những cơn đau đầu dai dẳng kéo dài trên 4 tuần, xuất hiện không có tiền triệu, thường vào buổi sáng và kèm nôn là một dấu hiệu cần được lưu tâm. Tuy nhiên, với trẻ chưa nói, dấu hiệu này thường không được nhận biết.
Buồn nôn và/hoặc nôn: Đây là triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảnh tiêu hóa, một dạng bệnh lý rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Triệu chứng này trong bệnh lý u não thường không đi kèm sốt hay rối loạn hình thái phân. Nếu bệnh nhi của bạn nôn kéo dài không tương xứng với những triệu chứng bệnh lý tiêu hóa, hãy nghĩ u não. Thậm chí, nên loại trừ triệu chứng của u não, trước khi bắt tay vào điều trị các rối loạn tiêu hóa cho trẻ.
Co giật: Là triệu chứng đầu tiên trong khoảng 40% các ca u não ở trẻ nhỏ. Lưu ý, trẻ có thể co giật ngay cả khi không có rối loạn thân nhiệt, một dấu hiệu quan trọng để phân biệt với sốt cao co giật.
Rối loạn về thị giác: Trẻ có thể nhầm lẫn trong khi tiếp cận đồ vật, một số có thể có dấu hiệu sụp mi hoặc lác.
Rối loạn về dáng đi hoặc khả năng thăng bằng
Rối loạn về phát triển
Rối loạn về giấc ngủ
Yếu liệt nửa người
Vẹo cổ, rung giật cơ
Nếu trẻ có một hoặc nhiều dấu hiệu như trên, cha mẹ nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.