Chúng ta không ngừng chỉ trích bản thân về sự lười biếng của mình, nhưng không thay đổi được bao nhiêu. Đã đến lúc chấm dứt việc phê phán bản thân và tìm cách biến lười biếng thành điều tích cực và có ích cho bạn.
Thường thì những người thông minh nhất là những người lười nhất. Họ luôn luôn tìm cách để thoát khỏi công việc, hoặc làm cho mọi việc dễ dàng hơn, và những cách làm sáng tạo của họ đưa đến một số phát minh thiên tài.
Không còn nghi ngờ gì nữa, họ chính là lý do tại sao chúng ta có cuộc sống thoải mái như hiện giờ nhờ những phá minh cho phép chúng ta LƯỜI: máy tính, máy giặt, máy rửa chén, máy rửa xe,…
Thay vì dành hàng giờ, hàng giờ học tập để cố thu nạp kiến thức nào đó, sao không chọn cách lười biếng và hiệu nghiệm hơn để vượt qua vấn đề?
1. Khiến làm biếng thành khó khăn
Chúng ta, những người lười ghét làm việc nặng nhọc. Vậy hãy lợi dụng điểm này để bản thân phải làm việc.
Ví dụ tôi đang có một việc quan trọng cần làm ngay bây giờ. Tất nhiên tôi không muốn làm.
Nhưng nếu tôi đặt ra chướng ngại vật khó khăn hơn nếu tôi muốn làm biếng, vậy là tôi sẽ làm, bởi vì tôi quá lười để làm việc khó hơn việc ấy.
Cụ thể, nếu tôi muốn xem TV thay vì làm việc, tôi sẽ cất điều khiển TV ở một nơi khó lấy, chẳng hạn như mái nhà.
Vì lười, tôi sẽ ngại mượn thang, trèo lên nóc nhà, lấy điều khiển. Mà cũng vì lười, tôi sẽ ngại xem TV mà không có điều khiển từ xa. Thế là tôi phải làm việc.
Tương tự, với mạng Internet, hãy đưa người khác cầm hộ modem và nhờ họ giữ không hoàn lại trước buổi chiều. Hoặc hãy hứa với ai đó rằng nếu bạn không hoàn thành đúng thời hạn, bạn sẽ đi lau nhà.
2. Làm việc này để trốn việc khác
Ý tưởng này được gọi là ‘trì hoãn có tổ chức’ (Structured Procrastination) được viết đầu tiên bởi Robert Benchley trong 1 bài viết tuyệt vời được gọi là ‘Getting Things Done’ (1949).
Tất cả những người thích trì hoãn thường trốn tránh những việc mà họ phải làm. Trì hoãn có tổ chức là nghệ thuật khiến thói xấu này thành thế mạnh của bạn.
Người thích trì hoãn hiếm khi không làm gì cả; mà họ sẽ làm những công việc bên lề, như là gọt bút chì, chăm cây, vẽ biểu đồ để sắp xếp những việc mà họ phải làm.
Tại sao họ lại làm những việc ấy ư? Vì đó là cách để họ trốn tránh làm những việc quan trọng.
Nếu nhiệm vụ hàng đầu của họ là phải gọt bút chì, đừng mơ tưởng bắt ép họ làm.
Nhưng nếu những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, khó khăn nào đó giúp họ không phải làm một việc quan trọng hơn khác, họ sẽ có động lực để làm.
Vì vậy, để làm theo cách này, bạn hãy ghi ra nhiệm vụ thực sự khó khăn lên hàng đầu trong danh sách công việc và 1 đống việc quan trọng khác phía dưới.
Bây giờ, hãy yêu cầu bản thân phải làm nhiệm vụ đầu tiên ngay bây giờ. Nếu bạn cảm thấy lười biếng, bạn sẽ làm những việc khác để thay vào.
3. Giao phó
Người lười thích trở thành những nhà quản lý để họ có thể giao phó nhiệm vụ cho người khác mà vẫn có vẻ đang làm việc hiệu quả.
Ngay cả nếu bạn không phải là 1 nhà quản lý, hãy học cách giao phó nhiệm vụ cho đồng nghiệp hoặc thậm chí sếp của bạn.
Hãy nhìn vào bản danh sách công việc của bạn xem thử bạn có thể giao phó một nửa trong tổng số công việc không.
4. Tự động hoá
Thay vì làm những việc giống nhau lặp đi lặp lại, hãy xem thử bạn có thể tìm cách nào đó để tự động hoá việc đó. Điều này sẽ đòi hỏi tính sáng tạo mà người lười có.
5. Loại bỏ
Bây giờ hãy xem lại to-do list của bạn (giả định rằng bạn không lười đến nỗi không nổi một to-do list).
Có bao nhiêu việc nhất định phải làm? Có cách nào để loại bỏ một vài trong số đó, đặc biệt những việc bạn thực sự không muốn làm?
6. Trì hoãn
Một cách khác để bỏ bớt công việc trong to-do list của bạn mà không hẳn là gạch bỏ luôn, đó là trì hoãn cho đến khi những việc đó trở thành không cần thiết nữa.
Tôi đã làm cách này nhiều lần - tôi thường trì hoãn một việc gì đó và làm chuyện khác, và sau 1, 2 tuần, những việc mà tôi trì hoãn trở thành không cần thiết phải làm nữa. Hoá ra những việc đó cũng không quan trọng.
7. Đơn giản hoá
Nếu có việc gì đó phức tạp và khó khăn, hãy tìm cách làm nó đơn giản và dễ dàng hơn.
Liệt kê các bước, xem thử bước nào có thể bỏ hoặc tổ chức hợp lý.
8. Đợi đến phút cuối
Đôi khi chúng ta trì hoãn (như mục 6) nhưng cuối cùng hóa ra việc đó lại là việc quan trọng thật và cần phải làm.
Khi ấy, bạn sẽ biết nó quan trọng vì ai đó sẽ thúc giục bạn, hối bạn hoàn thành công việc.
Khi ấy, tình trạng khẩn cấp chính là động lực tuyệt vời khiến bạn buộc phải hoàn thành công việc.
Tuy nhiên thường thì gần đến phút cuối bạn mới bị thúc giục, và khi ấy bạn mới có động lực.
Chiến thuật này không nên áp dụng với việc học và những thứ tương tự - những nhiệm vụ đòi hỏi cả một quá trình để tiến bộ. Hãy cân nhắc khi áp dụng!
9. Phần thưởng lười biếng
Tôi thích thưởng cho bản thân bằng cách nói với mình rằng nếu tôi làm công việc này, tôi sẽ được phép lười. Điều này sẽ thúc đẩy tôi vì tôi thích sự lười biếng.
Chẳng hạn, nếu tôi có thể hoàn thành mục tiếp theo trong vòng 5 phút, tôi sẽ được xem một video của Niga Higa.
10. Làm những việc bạn yêu thích
Nếu bạn quá lười để làm việc gì đó, có lẽ là vì việc đó quá chán.
Nếu vậy, hãy làm việc khác thú vị hơn. Hãy viết danh sách những việc quan trọng mà thú vị bạn có thể làm. Và làm những việc đó. Bạn sẽ tránh được sự nhàm chán.
Bây giờ, nếu bạn vẫn cần phải làm những việc nhàm chán ( và bạn không thể giao phó, xoá bỏ, trì hoãn, tự động hoá), hãy tìm cách làm cho nó thú vị hơn.
Thử kỹ thuật này: thay vì nghĩ đến sự khó khăn, vất cả, hãy nghĩ về tất cả những lợi ích bạn sẽ nhận được khi làm việc đó: Tiền bạc, danh tiếng, đồ ăn nhẹ… những điều thú vị đó sẽ là của bạn khi bạn hoàn thành nhiệm vụ này.
Lười biếng nhiều lúc, nhưng hãy thật chăm chỉ khi cần
Vào những năm 1980, nhà vật lý học Stephen Hawking thường tan làm tầm 5 đến 6 giờ chiều và hầu như không bao giờ tăng ca.
Ông giải thích với sinh viên của mình – Bruce Allen rằng:
‘Bruce, đây là lời khuyên cho em: Vấn đề với Vật lý là hầu hết mọi ngày chúng ta không thực hiện bất kỳ bước tiến lớn nào (với các dự án của chúng ta).
Đó là lý do tại sao em nên làm những thứ khác: nghe nhạc, gặp bạn bè.
Có một ngoại lệ đối với quy tắc này: Nếu em tìm ra giải pháp cho một vấn đề nhất định, em hãy làm việc 24 giờ/ngày và quên mọi thứ khác đi. Cho đến khi vấn đề được giải quyết hoàn toàn.’
Tất nhiên chúng ta không phải là Stephen Hawking, nhưng điều chúng ta học được ở đây là gì? Đó là, hãy làm việc hết 200% sức lực khi cần thiết, nhưng sau đó hãy dành thời gian lười biếng với âm nhạc và bạn bè.
Nguồn: jarfit.wordpress.com, Study Hacks Blog