Bệnh đột quỵ là gì?
Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Bích Hường - Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 sau các bệnh lý tim mạch, ung thư và bệnh có thể gây tử vong cao, để lại di chứng nếu không được chữa trị kịp thời.
Tại Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân chính dẫn đến khoảng 200.000 người tử vong mỗi năm. Ngày 29/10 hằng năm được chọn là Ngày Đột quỵ thế giới nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh này.
Bệnh đột quỵ hay còn được biết đến với tên gọi là tai biến mạch máu não, đây là vấn đề sức khỏe cực kỳ nghiêm trọng, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời để bảo toàn tính mạng. Bởi vì khi đột quỵ xảy ra, mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ và không cung cấp lượng máu cần thiết cho hoạt động của não bộ, gây ra các khiếm khuyết chức năng thần kinh.
Trên thực tế, bệnh thường xảy ra đột ngột và dễ dẫn tới các di chứng tàn phế nặng nề, thậm chí nhiều bệnh nhân tử vong. Theo tổ chức đột quỵ thế giới, chi phí đột quỵ toàn cầu ước tính là hơn 721 tỷ USD (0,66% GDP toàn cầu).
Từ năm 1990 đến 2019, số lượng bệnh nhân đột quỵ tăng lên đáng kể (tăng 70%, tỷ lệ tử vong do đột quỵ là 43%) với gánh nặng đột quỵ trên toàn cầu chủ yếu tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi. Trên thực tế, trên toàn cầu có khoảng 1/4 người lớn trên 25 tuổi sẽ bị đột quỵ trong đời. Nhận biết sớm dấu hiệu cảnh báo đột quỵ giúp chúng ta xử trí kịp thời, khắc phục được hậu quả tàn phế và tử vong do đột quỵ gây ra.
Mặc dù nhóm tuổi cao tuổi thường bị ảnh hưởng bởi đột quỵ não hơn, nhưng nó cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi. Hiểu các yếu tố nguy cơ và nhận biết các triệu chứng có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ não. Đồng thời nhận được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ tăng cơ hội hồi phục hoàn toàn.
Trong nhiều năm trước, bệnh đột quỵ xảy ra chủ yếu ở người ngoài 60 tuổi do tình trạng lão hóa, chức năng của một số cơ quan suy giảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ tăng nhanh chóng và trở thành vấn đề đáng lo ngại cho toàn xã hội.
Khác với người cao tuổi, nguyên nhân gây đột quỵ ở giới trẻ thường xuất phát từ một số vấn đề sức khỏe liên quan tới tim mạch, hoặc cấu trúc mạch máu bất thường… Đây là những vấn đề người trẻ ít khi quan tâm tới, họ thường mặc định rằng mình còn trẻ tuổi và không hề mắc bệnh lý gì nghiêm trọng.
Cũng chính vì lý do này, các bệnh nhân trẻ tuổi chỉ phát hiện ra đột quỵ khi tình trạng đã diễn biến xấu, việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Hậu quả, rất nhiều người phải chịu đựng di chứng nặng nề sau đột quỵ, thậm chí là tử vong.
Có thể nói tình trạng đột quỵ ở giới trẻ là vấn đề đáng báo động và cần được mọi người quan tâm nhiều hơn.
Quy tắc F.A.S.T phát hiện và cấp cứu nhanh người bị đột quỵ
Quy tắc F.A.S.T là một phương pháp đơn giản và dễ nhớ để nhận diện triệu chứng đột quỵ và ứng phó kịp thời.
Biểu hiện đột quỵ rất đơn giản, người dân có thể nhận biết được. Các dấu hiệu này được tóm tắt bằng chữ F.A.S.T gồm:
F - Face (Khuôn mặt): Kiểm tra xem có triệu chứng biến dạng mặt không? Yếu tố này đặc biệt quan trọng nếu một nửa khuôn mặt bất thường, không thể điều khiển hoặc có biểu hiện lệch hướng.
A - Arms (Cánh tay): Kiểm tra xem có triệu chứng tê, yếu hoặc mất khả năng điều khiển cánh tay không? Nếu một cánh tay bất thường hoặc không thể nâng lên được hoặc có triệu chứng khó thực hiện các chuyển động thông thường, đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
S - Speech (Lời nói): Kiểm tra xem có triệu chứng nói chuyện không rõ ràng, khó hiểu hoặc có giọng điệu lạ không? Nếu người đang nói gặp khó khăn trong việc phát âm, không thể diễn đạt một cách rõ ràng, đây có thể là một biểu hiện của đột quỵ.
T - Time (Thời gian): Đây là yếu tố quan trọng nhất. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nêu trên, hãy hành động ngay lập tức và gọi cấp cứu. Mỗi phút trôi qua là quý giá trong việc đưa ra liệu pháp cứu trợ và giảm thiểu tổn thương não.
Trong 3 giờ đầu sau đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi cao. Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp... nếu thấy những dấu hiệu trên thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm.
Để phòng ngừa bệnh, mỗi người nên có lối sống khoa học như hạn chế ăn nhiều chất đạm, béo, tăng cường rau xanh và trái cây, không hút thuốc lá, không uống nhiều rượu bia và tập luyện thể dục đều đặn.
>>> Đột quỵ ập đến rất nhanh: 6 dấu hiệu, 5 bước sơ cứu, 4 cách phòng ngừa ai cũng cần biết
Hoàng Nguyên (t/h)Bạn đang xem bài viết Quy tắc F.A.S.T phát hiện và cấp cứu nhanh người bị đột quỵ ai cũng cần biết tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].