Thực tế, không phải người cao tuổi nào cũng dễ dàng đồng ý việc rời xa gia đình, rời xa ngôi nhà quen thuộc đã gắn bó bao nhiêu năm để đến sống ở một nơi xa lạ nốt phần đời còn lại.
Có nhiều người già chia sẻ, họ hy vọng cuộc sống ngắn ngủi còn lại ở tuổi xế chiều được ở bên người thân ruột thịt. Nhưng vì thương con, thương cháu, vì hoàn cảnh éo le hay vì tình trạng sức khỏe già yếu, không còn tự chăm sóc được mình… nên họ quyết định chọn vào viện dưỡng lão ở, để không trở thành “gánh nặng” của người thân.
Mặc dù cuộc sống của người cao tuổi trong viện dưỡng lão khá đầy đủ, có nhiều thuận tiện cho việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, quá trình sinh hoạt trong ngôi nhà chung, họ cũng gặp phải những chuyện éo le.
Bà Nguyễn Thị Biển (89 tuổi, ở Hải Dương) từng sống nhiều năm trong viện dưỡng lão chia sẻ, người già giống như trẻ con và là những “đứa trẻ cứng đầu” nên rất dễ xảy ra mâu thuẫn.
Những mâu thuẫn tưởng chừng rất nhỏ nhặt nhưng có thể làm các cụ không vui, giận hờn, bỏ ăn, bỏ uống và sinh bệnh.
“Cùng sống dưới một mái nhà chung nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng vui vẻ với nhau. Chúng tôi cũng gặp tình trạng người này không hợp với người kia thì sẽ không nói chuyện, không chơi cùng.
Bản thân tôi cũng ít tham gia chơi cùng tập thể. Bởi vì tôi bị nặng tai, ra ngồi chơi với một nhóm đông tôi không nghe rõ mọi người nói gì. Như vậy tôi thành lạc lõng giữa đám đông.
Vậy nên, tôi chọn cách ở trong phòng vui với những thú vui riêng của mình như đọc sách, đọc thơ, nhắn tin nói chuyện với các con, các cháu.
Tôi nhớ trước đây tôi có ở cùng phòng với một cụ bà khá khó tính. Ở với ai cụ cũng gây chuyện với bạn cùng phòng nên trung tâm liên tục chuyển cụ đến các phòng khác nhau.
Lần này, trung tâm xếp cụ sang ở cùng tôi, bởi tôi cũng được tiếng là vui vẻ và dễ tính. Nhưng, dù tôi dễ tính đến đâu thì cũng không thể “chiều chuộng” được cụ ấy.
Tôi đã phản ánh lên lãnh đạo trung tâm và cụ đó lại được “chuyển nhà” đến một nơi khác, còn tôi thì ở với một bạn cùng phòng mới” – cụ Biển tâm sự.
Nói về những vấn đề tâm lý mà người cao tuổi có thể gặp phải khi sống trong viện dưỡng lão, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho hay, người già bao giờ cũng muốn sống quây quần bên con cháu.
Khi mới vào viện dưỡng lão các cụ thường có tâm lý lo lắng, cảm thấy nhớ nhà và chỉ muốn về. Có người cho rằng con cái họ bất hiếu, bỏ rơi bố mẹ dẫn đến tinh thần suy sụp, thậm chí bị trầm cảm, rối loạn lo âu.
Còn có người thì nói dối về hoàn cảnh gia đình, không có con cháu nên mới phải nương nhờ viện dưỡng lão.
“Cũng phải thừa nhận, có những người con xem bố mẹ là gánh nặng vô dụng và thoái thác trách nhiệm chăm sóc cho trung tâm dưỡng lão”.
Hiện nay, vấn đề viện dưỡng lão đang ngày càng được xã hội nhìn nhận một cách đầy đủ và cởi mở hơn. Đa phần người già sau khi vào viện dưỡng lão thì các chỉ số về sức khỏe thực thể và tâm lý được cải thiện một cách đáng kể.
Vì họ được sống trong môi trường lành tính, thiết kế phù hợp với người cao tuổi, đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế cơ bản, thể chất và cả tinh thần” – chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân chia sẻ.
Đồng quan điểm đó, bà Hoàng Thị Thu Ngân, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cũng cho rằng, bên cạnh nhiều lợi ích về sức khỏe, tinh thần, người cao tuổi sống trong viện dưỡng lão cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Đó là việc họ phải xa con cháu, không được gặp hằng ngày. Ban đầu, nhiều cụ vào các trung tâm dưỡng lão đều nhớ nhà và chỉ muốn về. Do vậy, khi các cụ mới vào viện, các điều dưỡng thường xuyên phải hỏi han, trò chuyện trong tâm thế là người thân, người nhà. Như vậy, họ sẽ cảm thấy không còn cô đơn nữa.
Bên cạnh đó, với các cụ sống ở phòng tập thể thì họ phải làm quen và thích nghi với môi trường tập thể với nhiều vấn đề mới phát sinh như yêu, ghét, giận hờn... Và vì sống trong phòng tập thể nên họ cũng không thể làm mọi việc theo ý mình mà cần phải tôn trọng những người xung quanh.
Đặc biệt, đối với những cụ hay uống rượu, bia, hút thuốc lá thì khi vào ở trong viện dưỡng lão sẽ rất khó chịu. Các cụ sẽ cảm thấy không được tự do, thoải mái như ở nhà, bởi ở đây không được uống rượu/bia, không được thuốc lá, thuốc lào...
Để hạn chế được tình trạng, cách đơn giản và hiệu quả là những lời hỏi han, quan tâm từ phía người thân và những người xung quanh. Khi các cụ vào ở viện dưỡng lão, các con cháu cũng cần gọi điện hỏi thăm hoặc đến thăm các cụ khi rảnh rỗi. Còn tại các trung tâm dưỡng lão, nhân viên cần phải có tình thương đối với người già, được đào tạo để chăm sóc người cao tuổi thì mọi thứ sẽ tốt cho các cụ hơn.
Đây là một góc nhìn khác của Viện Dưỡng lão, với những quan điểm xuất phát từ quan niệm từ xưa. Cùng thảo luận chủ đề "Có nên vào viện dưỡng lão?" trên Gia Đình Mới, gửi bài qua email: [email protected]. Theo dõi tuyến bài tại đây: https://www.giadinhmoi.vn/tag/co-nen-vao-vien-duong-lao.html
An AnBạn đang xem bài viết Người già ở Viện Dưỡng lão đối mặt với những vấn đề gì? tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].