Trong nhiều gia đình Việt vẫn đang tồn tại câu cửa miệng “đối xử tốt với con cháu không sau này già chúng cho vào trại dưỡng lão”. Vì có tâm lý đó mà trong mắt nhiều người trại/viện dưỡng lão là nơi không mấy tốt đẹp, nó chủ yếu dành cho những người già neo đơn, không nơi nương tựa hay người nghèo khó…
Tuy nhiên, định kiến đó đang dần được thay đổi nhờ sự hình thành của các trung tâm dưỡng lão dịch vụ với cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng chăm sóc đẳng cấp không thua kém các viện dưỡng lão ở nước ngoài.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Tâm Phúc, khi nhắc đến viện dưỡng lão, cơ sở chăm sóc người cao tuổi là nhiều nghĩ đến các cơ sở thuộc diện bảo trợ xã hội.
Nhưng cùng với sự phát triển của kinh tế, hiện nay có sự hình thành các trung tâm dưỡng lão dịch vụ, là một xu thế tất yếu khi đời sống người dân ngày càng nâng cao.
Với sự đầu tư về cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ, những cơ sở chăm sóc người cao tuổi dịch vụ đang giúp người cao tuổi sống vui - sống khỏe - sống thọ hơn.
Người cao tuổi được chăm sóc thế nào khi ở viện dưỡng lão?
Bác sĩ Thanh Vân chia sẻ, nhiều người cao tuổi cũng như người thân của họ khá băn khoăn khi gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão. Ví như họ thường quan tâm đến giờ giấc sinh hoạt ở viện dưỡng lão, người cao tuổi sẽ được chăm sóc như thế nào…
Cụ thể, tại Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Tâm Phúc, người cao tuổi sẽ được chăm sóc và được hưởng những dịch vụ cơ bản như sau:
- 4 giờ 30 phút: Nhân viên của trung tâm sẽ chuẩn bị bữa sáng cho người cao tuổi tùy vào thực đơn tuần. Thời gian chuẩn bị là khoảng 1 tiếng và các món ăn sẽ là: bún, mỳ, phở, xôi, bánh mỳ, cháo (cháo thịt, cháo đậu xanh, cháo trứng), bánh bao, miến…
- Từ 5 giờ 30 – 6 giờ 30: Đây là thời gian để điều dưỡng viên thay bỉm, thay băng, rửa sonde tiểu, sonde dạ dạy, vệ sinh cá nhân răng miệng cho người cao tuổi. Ngoài ra, các điều dưỡng sẽ đo huyết áp, kiểm tra đường máu (thử test) và tiêm thuốc đối với các cụ bị tiểu đường theo đơn bác sĩ bệnh viện chỉ định. Đối với những người cao tuổi khỏe mạnh, minh mẫn, thời điểm này họ sẽ dậy để tập thể dục, hít thở không khí sớm mai trước giờ ăn sáng.
- Từ 6 giờ 30 – 8 giờ: Là thời gian ăn sáng và uống thuốc của người cao tuổi tại trung tâm.
- Từ 8 giờ 30: Là thời gian thư giãn của người cao tuổi tại phòng sinh hoạt chung hay đi dạo quanh khuôn viên của viện dưỡng lão. Trong thời gian này, các điều dưỡng viên và hộ lý sẽ dọn dẹp phòng ở, thay chăn ga gối đệm những phòng cần thiết.
- Từ 11 giờ 30: Là thời gian chuẩn bị cơm trưa. Sau khi ăn xong bữa trưa, người cao tuổi sẽ được đưa về phòng thay bỉm và nghỉ ngơi.
- Từ 13 giờ 30 – 14 giờ 30: Là thời gian trà chiều. Người cao tuổi sẽ được ăn bánh ngọt, hoa quả, sữa chua cũng như uống trà hay cà phê tùy theo sở thích. Sau đó, người cao tuổi sẽ đọc báo, chơi cờ, đi dạo hay có nhiều cụ sẽ xem những chương trình ca nhạc mà mình yêu thích.
- 16 giờ: Người cao tuổi sẽ được đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe cơ bản cũng như theo dõi chỉ số đường trong máu.
- 17 giờ: Là thời gian bắt đầu cơm tối, uống thuốc và nghỉ ngơi.
- Từ 20 giờ 30 – 21 giờ: Là thời gian ăn đối với những người cao tuổi có nhu cầu ăn bữa phụ (như uống sữa, ăn sonde) trước khi đi ngủ.
- 22 giờ: Người cao tuổi sẽ được thay bỉm.
Bên cạnh đó, tại trung tâm còn có một số hoạt động khác để chăm sóc người cao tuổi trong ngày như: tập vật lý trị liệu, tắm định kỳ, trò chuyện cùng các tình nguyện viên, tiêm thuốc tiểu đường.
Ngoài ra, trung tâm còn có các bữa đêm theo chỉ định trong hồ sơ bệnh án của viện gửi về đối với người cao tuổi có nhu cầu chăm sóc đặc biệt.
Để đảm bảo các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, đội ngũ điều dưỡng viên cũng như hộ lý, chuyên viên của trung tâm sẽ làm việc theo ca (sáng, chiều và đêm). Các ca sẽ được họp và ban giao công việc với nhau để luôn bảo đảm có điều dưỡng 24/24 ở tại trung tâm.
Người cao tuổi được chăm sóc cả về thể chất và tinh thần
Nói về hoạt động chăm sóc người cao tuổi tại viện dưỡng lão, bà Hoàng Thị Thu Ngân, Phó tổng giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng cho biết, trung tâm sẽ có 1 lịch sinh hoạt hàng ngày phù hợp với người cao tuổi.
Tùy vào tình trạng sức khỏe mà viện dưỡng lão sẽ có hình thức chăm sóc khác nhau. Với các cụ khỏe mạnh, minh mẫn, Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng sẽ phục vụ các bữa ăn, giặt giũ, xoa bóp cơ bản giúp người cao tuổi thư giãn và kích thích hệ miễn dịch và nâng cao sức đề kháng, tổ chức các hoạt động giao lưu, các trò chơi vận động tập thể, tạo không gian để người cao tuổi làm những việc mình thích như đọc sách, khiêu vũ, vẽ tranh, chơi cờ...
Với các cụ sức khỏe yếu hơn, ngoài các nội dung trên sẽ được nhân viên chăm sóc hỗ trợ tắm rửa, vệ sinh, hỗ trợ xúc ăn...
Tất cả người già ở Diên Hồng đều được đo các chỉ số sinh tồn (nhiệt độ, nhịp tim, huyết áp, đường huyết... thường xuyên để theo dõi sức khỏe), được bác sĩ khám bệnh định kỳ hàng tuần, cho uống thuốc theo đơn.
Ngoài ra, trung tâm còn có chuyên viên tham vấn tâm lý để kịp thời hỗ trợ cho người cao tuổi khi cảm thấy không thoải mái.
Còn tại Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức, người cao tuổi sẽ được hưởng những dịch vụ tốt nhất, điển hình như:
- Người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, được kiểm tra các chỉ số sinh tồn thường xuyên như: huyết áp, mạch, nhiệt độ hàng ngày.
- Người cao tuổi được hướng dẫn tập thể dục dưỡng sinh, tập thở đúng cách để tăng cường thể lực.
- Người cao tuổi được xoa bóp, bấm huyệt hàng ngày.
- Người cao tuổi được hướng dẫn tập phục hồi chức năng phù hợp với từng tình trạng bệnh lý.
- Người cao tuổi được sử dụng liệu pháp y học cổ truyền như: ngâm chân bằng thuốc Nam, xông hơi giúp tăng cường sức khỏe.
- Người cao tuổi được sống trong một "cộng đồng tuổi vàng", được tham dự các lễ mít tinh, các ngày lễ lớn, các hội thảo tổ chức tại trung tâm,
- Người cao tuổi được tham gia các câu lạc bộ của trung tâm như câu lạc bộ Thơ, Đánh cờ, Khiêu vũ,..
- Người cao tuổi được đi lễ chùa vào ngày mồng Một và ngày Rằm hàng tháng.
Với cơ sở vật chất hiện đại, dịch vụ chăm sóc chất lượng, có hệ thống chăm sóc y tế, điều dưỡng viên được đào tạo bài bản để chăm sóc người cao tuổi nên người già khi sống trong các viện dưỡng lão sẽ có sức khỏe và tinh thần tốt hơn so với sống cô đơn ở nhà.
Thông tin tham khảo một số các Viện Dưỡng lão tại Hà Nội:
1. Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Tâm Phúc
- Thôn 2, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì
- Hotline: 0859555608
- https://duonglaotamphuc.vn
2. Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng
- CS1: U07 - L16 - KĐT Đô Nghĩa Đường Nguyễn Văn Trác - Hà Đông – HN
- CS2: A2.3 - LK05 - Ô số 18, KĐT Thanh Hà Cienco5, Kiến Hưng, Hà Đông, HN
- CS3: Số 9 ngõ 649 Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội
- https://duonglaodienhong.vn/
3. Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức
- Số 10, ngõ 39, ngách 11, đường Đông Ngạc, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
- Khu dân cư Lâm Trường Minh Phú, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
- Số nhà 57, phố Nhật Tảo, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
- https://duonglaothienduc.com
An AnBạn đang xem bài viết Một ngày tại Viện Dưỡng lão diễn ra như thế nào? tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].