Giáo sư Lê Thị Quý: 'Khi nào ngày 8/3 chỉ còn là kỷ niệm thì phụ nữ sẽ hạnh phúc'

Cho đến nay số đàn ông hiểu về bình đẳng giới ngày càng nhiều nhưng cũng không thiếu những kẻ hình thức chỉ “khua môi múa mép“ về bình đẳng giới.

  Giáo sư Lê Thị Quý là nhà hoạt động xã hội sôi nổi và ghi nhiều dấu ấn với những hoạt động đấu tranh vì nữ quyền

Giáo sư Lê Thị Quý là nhà hoạt động xã hội sôi nổi và ghi nhiều dấu ấn với những hoạt động đấu tranh vì nữ quyền

Nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế phụ 8/3, Giáo sư đã chia sẻ với Gia Đình Mới về phụ nữ và khái niệm "Giỏi việc nước- Đảm việc nhà" trong thời hiện đại. 

Bản thân là giáo sư, lại kết hôn với Giáo sư Đặng Vũ Cảnh Khanh, bà có gặp nhiều khó khăn khi trong gia đình có 2 giáo sư? Cuộc sống ấy liệu có nhiều khác biệt so với các gia đình khác?

-Giáo sư Lê Thị Quý: Khi kết hôn, chúng tôi chỉ là hai cử nhân. Chúng tôi không quan niệm gia đình hai giáo sư lại khác biệt với các gia đình khác.

Bên cạnh việc là vợ chồng, chúng tôi còn là hai người bạn, đồng nghiệp vì vậy chúng tôi luôn giúp đỡ nhau trong công việc, thậm chí tranh luận với nhau về nhiều vấn đề. Điều cơ bản là chúng tôi tôn trọng tự do của nhau và ủng hộ mọi cơ hội phát triển mà không phân biệt đó là của vợ hay của chồng. 

Tôi luôn nghĩ mình may mắn vì đã có bình đẳng giới trong gia đình.

Điều này cũng là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu và thay đổi nhận thức trên cơ sở khoa học. Bình đẳng giới không phải là món quà từ trên trời rơi xuống. 

Là một nhà khoa học luôn nỗ lực làm việc và cống hiến không ngừng nghỉ, làm thế nào để giáo sư có thể cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc, sự nghiệp của mình? Đặc biệt là công việc nhà, giáo sư phải xử lý thế nào?

-Giáo sư Lê Thị Quý: Khoa học là đam mê của tôi nên tôi lao động không phải chỉ 8 tiếng mà có thể hơn nữa, vào ban đêm và vào ngày nghỉ.

Khi mọi người đi chơi thì tôi làm việc. Chồng tôi cũng vậy. Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng kết hợp nghỉ ngơi và làm việc nhà.

Chẳng hạn, không quá cầu kỳ về ăn uống cũng giúp chúng tôi có rất nhiều thời gian rảnh mà vẫn được ăn ngon. Khi chồng bận thì vợ nấu cơm và ngược lại. Nhiều lúc cả hai đều vào bếp hoặc cùng dọn dẹp.

Chúng tôi thường đi công tác hoặc dạy học ở các tỉnh cùng nhau, đôi khi là ở nước ngoài và đây là thời gian tuyệt vời cho du lịch, khám phá.

Giáo sư Lê Thị Quý: 'Khi nào ngày 8/3 chỉ còn là kỷ niệm thì phụ nữ sẽ hạnh phúc' 1

Chúng tôi lựa chọn hình thức nghỉ ngơi, thưởng thức nghệ thuật, âm nhạc có chất lượng và thường trao đổi với nhau.

Chúng tôi thích làm thơ và mỗi người có một “kho” thơ nho nhỏ của mình. Chồng tôi chơi đàn, vẽ tranh, làm câu đối còn tôi ham đọc truyện, xem phim.

Chúng tôi cũng hay hát các bài yêu thích cùng bạn bè hoặc với các con, cháu. Ngoài ra chúng tôi còn chơi thể thao mỗi ngày. Lối sống tích cực này khiến chúng tôi tạm quên những khó khăn thường nhật của cuộc sống và thêm yêu đời. 

Bản thân giáo sư Đặng Vũ Cảnh Khanh có cùng chia sẻ công việc nhà với bà?

-Giáo sư Lê Thị Quý: Chồng tôi nấu ăn ngon và cầu kỳ hơn tôi về gia vị. Đôi khi do bận quá, tôi cứ đơn giản, nhưng chồng tôi lại ra chợ hoặc vào bếp.

Càng lớn tuổi, chồng tôi càng ý thức hơn trong việc chia sẻ việc nhà và coi đó là trách nhiệm và niềm vui.

Giáo sư từng chia sẻ về gia đình hạnh phúc và lãng mạn của mình. Vậy theo giáo sư, yếu tố quan trọng nào để mỗi gia đình luôn giữ được lửa hạnh phúc và sự lãng mạn như vậy. Người phụ nữ có vai trò thế nào trong việc giữ lửa hạnh phúc ấy?

-Giáo sư Lê Thị Quý: Tôi nghĩ vợ chồng luôn yêu thương, tôn trọng sự tự do của nhau. Cả phụ nữ và nam giới đều có quyền và trách nhiệm giữ lửa hạnh phúc của gia đình vì gia đình là tổ ấm không thể thiếu được của con người. 

Cả một cuộc đời đấu tranh cho bình đẳng giới, giáo sư có nghĩ rằng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, sự chênh lệch ấy đã giảm nhiều chưa, và liệu có đến một ngày nào đó cán cân ấy sẽ cân bằng?

-Giáo sư Lê Thị Quý: Hiện nay, bình đẳng giới ở Viêt Nam đã có nhiều tiến bộ to lớn. Nếu so với trước năm 1945 thì phụ nữ Việt Nam đã được giải phóng nhiều, đặc biệt trên phương diện luật pháp, Việt Nam được đánh giá là tiến bộ.

Về cơ bản phụ nữ đã có quyền tự do, quyền được làm việc ngoài xã hội và bình đẳng hơn trong gia đình không phải quá phụ thuộc vào những người đàn ông gia trưởng. Tuy nhiên từ năm 1995 đến nay, chỉ số bình đẳng giới (GDI) của Việt Nam vẫn đứng vào hạng trung bình của thế giới.

Trong tương lai, chắc chắn sẽ đến ngày bình đẳng giới về mặt xã hội sẽ đạt được nhưng trách nhiệm giới tính của phụ nữ do tạo hóa quy định (mang thai, sinh con và cho con bú bằng sữa mẹ) vẫn nặng nề hơn nam giới.

Bình đẳng giới thực chất chỉ có thể được thực hiện khi nhận thức của chính quyền và nhân dân thay đổi và xóa bỏ mọi hủ tục, lối sống, cách ứng xử mang định kiến giới. 

Đấu tranh đòi hỏi công bằng trong xã hội, vậy giáo sư nghĩ rằng phụ nữ có thực sự công bằng với chính mình không? (Ví dụ có nhiều người phụ nữ vẫn quá đề cao gánh nặng hy sinh, trách nhiệm với gia đình mà quên đi bản thân mình?)

-Giáo sư Lê Thị Quý: Vẫn còn rất nhiều phụ nữ chưa hiểu được quyền và trách nhiệm của mình, đặc biệt là phụ nữ nông thôn và miền núi vì vậy họ còn hy sinh mù quáng cho những người thân mà quên đi bản thân mình.

Chắc chắn là họ chưa công bằng với bản thân mình và điều này cũng khiến người khác chưa công bằng với họ.

Điều này rất nguy hiểm vì với tư cách thành viên trong gia đình, chất lượng sống của họ quá thấp và với tư cách công dân họ không có cơ hội học tập, phát triển bản thân mình như những người khác.

Giáo sư Lê Thị Quý: 'Khi nào ngày 8/3 chỉ còn là kỷ niệm thì phụ nữ sẽ hạnh phúc' 2

Giáo sư có suy nghĩ gì về phụ nữ thời đại ngày nay, cụ thể phụ nữ thế hệ 9x? Theo giáo sư họ có đảm việc nhà như quan điểm trước đây của chúng ta: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”?

-Giáo sư Lê Thị Quý: Một người “Giỏi việc nước” thì không thể “Đảm việc nhà” đúng nghĩa bất kể họ là nam hay nữ. Muốn làm được cả hai việc lớn đó, họ phải cần đến sự hỗ trợ của bạn đời và gia đình họ.

Làm sao cho tất cả các thành viên gia đình đều có thể “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” thì mới có hạnh phúc hoàn hảo trong gia đình. 

Trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện hiện nay, bà thấy hình ảnh phụ nữ nói chung, hay các khuôn mẫu về giới được thể hiện như thế nào?

-Giáo sư Lê Thị Quý: Hình ảnh phụ nữ trên truyền thông đã thay đổi rất nhiều. Những hình ảnh tích cực của họ đã làm cho cuộc sống tươi đẹp.

Bên cạnh đó vẫn còn các hình ảnh là sản phẩm của định kiến giới như quảng cáo thân thể của phụ nữ cho các món hàng hay quảng cáo cho phụ nữ làm việc nhà; Phê phán nặng nề những người phụ nữ dám chống lại những người chồng vũ phu, say rượu và gián tiếp khuyên họ nên chịu đựng.

Điều đặc biệt là một số hủ tục gần đây được thể hiện công khai trên truyền thông như tảo hôn, bắt vợ, bạo lực gia đình hay những vụ Tòa án xử quá nặng phụ nữ khi họ có những hành vi tự vệ chính đáng chống lại bạo lực gia đình… nhưng đã không nhận được sự phản ứng tích cực của chính quyền và nhân dân do đó tình trạng áp bức giới vẫn diễn ra thường xuyên trên truyền thông và trong cuộc sống. Điều đó làm đau cuộc sống văn minh của chúng ta.

Các cuộc thi sắc đẹp tràn lan, các gameshow truyền hình thực tế, mua format nước ngoài với đối tượng là phụ nữ, như Next Top Model, The Face... có ảnh hưởng thế nào đến nhận thức của giới trẻ về cái đẹp về phụ nữ? Liệu rằng việc đề cao cái đẹp về ngoại hình ấy có thể là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng giới?

-Giáo sư Lê Thị Quý: Hướng theo cái đẹp là nhu cầu chính đáng của con người nhưng nhận thức về cái đẹp lệch lạc đang là bệnh của nhiều người. Các cụ đã nói “Cái nết đánh chết cái đẹp”.

Thực chất không cái gì “đánh” cái gì cả mà đây là sự kết hợp hài hòa tuyệt vời của con người. Tôi muốn bổ sung thêm là “trí tuệ”. Có ba cái này, người phụ nữ sẽ là người đẹp hoàn hảo và họ biết cách đấu tranh cho bình đẳng giới. 

Bà có quan điểm gì về ngày 8/3 hiện nay? Có quan điểm cho rằng Việc đàn ông chỉ tặng hoa, làm những điều đặc biệt cho người phụ nữ của mình trong một ngày duy nhất này có phải là một biểu hiện bề ngoài, mang tính hình thức?

-Giáo sư Lê Thị Quý: Cho đến nay số đàn ông hiểu về bình đẳng giới ngày càng nhiều nhưng cũng không thiếu những kẻ hình thức chỉ “khua môi múa mép“ về bình đẳng giới.

Điều đáng buồn là họ chưa có sự hiểu biết và tình yêu thực sự với phụ nữ, những người mẹ, người vợ, chị em gái, con gái là một nửa không thể thiếu được của xã hội.

Khi nào ngày 8/3 chỉ còn là kỷ niệm thì khi ấy những người phụ nữ sẽ hạnh phúc vì họ được sống trong những năm tháng tràn đầy tinh thần 8/3.

Vậy nhân dịp 8/3 sắp tới, bà muốn chia sẻ với những người phụ nữ?

-Giáo sư Lê Thị Quý: Phụ nữ hãy chủ động làm mới mình về mọi mặt, đóng góp vào bình đẳng giới đừng trông chờ các “vị tiên” sẽ mang đến cho mình.

Hãy học tập nâng cao kiến thức và đó là chìa khóa để mở cánh cửa bình đẳng giới trong cuộc sống của bạn. Chúc các bạn thành công

Xin chân thành cảm ơn Giáo sư về bài phỏng vấn!

  Giáo sư Lê Thị Quý là con dâu của Giáo sư Vũ Khiêu

Giáo sư Lê Thị Quý là con dâu của Giáo sư Vũ Khiêu

Giáo sư Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu giới và phát triển được biết tới như một nhà Xã hội học từng được đề cử giải Nobel Hòa bình và có nhiều hoạt động tích cực đấu tranh cho bình đẳng giới.

Bà cũng là người đặt nền móng cho các mô hình phòng chống bạo lực gia đình ở nhiều địa phương, là người đầu tiên gióng hồi chuông nghiên cứu lĩnh vực phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới. Bà đã cùng với Viện Nghiên cứu Thanh niên lập những mô hình hỗ trợ những phụ nữ là nạn nhân trở về tại Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương từ những năm 1997 - 2000.

Vừa làm nghiên cứu khoa học và cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội, người phụ nữ xuất thân trong một gia đình theo Nho học và cũng có tính cách quyết liệt, xốc vác ấy luôn hết mình trong mỗi việc mình theo đuổi, từ những tiếng nói đóng góp quan trọng xây dựng Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 cho đến nghiên công trình Gia đình học - do GS Lê Thị Quý cùng chồng mình là GS Đặng Vũ Cảnh Khanh thực hiện.

Hoàng Ngọc Vũ

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính