Trước sự việc đang gây xôn xao dư luận gần đây, về một cô giáo bắt các em học sinh vi phạm nội quy quỳ gối trong giờ học khiến nhiều em sợ không dám đến lớp, và sau đó phụ huynh đến trường bắt cô giáo phải quỳ gối xin lỗi khoảng 30 phút, Gia Đình Mới đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Lê Thị Quý, Viện trưởng viện nghiên cứu giới và phát triển về vấn đề này.
-Thưa Giáo sư Lê Thị Quý, dưới góc nhìn là một phụ huynh, nếu có con đi học mà bị cô giáo xử phạt vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ thì Giáo sư sẽ có cảm xúc như thế nào?
-Giáo sư Lê Thị Quý: Gần đây có nhiều vụ việc về việc giáo viên đánh đập, hành hạ học sinh, đặc biệt là các bé mẫu giáo rất tồi tệ khiến cho người dân rất bức xúc.
Những giáo viên này đã bộc lộ rất rõ bản chất “phi giáo dục” của họ và họ không xứng đáng đứng trong đội ngũ những người đại diện cho tri thức và đạo đức của dân tộc.
Chúng ta biết rằng lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên, vị thành niên là giai đoạn ngây thơ của cuộc đời mà ai cũng đã từng trải qua.
Không ít những kỷ niệm về sự nghịch ngợm thậm chí “nghịch dại” của thời niên thiếu vẫn còn đọng lại trong kí ức của nhiều người trong đó có cả những người nổi tiếng và người ta thường mỉm cười, thậm chí còn coi đó là những kỷ niệm đẹp.
Giá lúc đó họ gặp những giáo viên, người lớn độ lượng xử lý thì những kỷ niệm đó sẽ đẹp hơn.
Ngày nay, nhiều học sinh không may mắn đã trở thành nạn nhân của những sự trừng phạt mang tính xúc phạm nhân phẩm và thân thể của một số thày cô giáo.
Phụ huynh học sinh là những người đóng tiền cho nhà trường để trả lương cho thày cô giáo, họ có quyền yêu cầu con cái họ phải được học kiến thức, học điều hay, lẽ phải ở nhà trường chứ không phải bị hành hạ, sỉ nhục như thế.
Các cụ có câu “thương cho roi, cho vọt” với tư duy dạy trẻ cần nghiêm khắc thì các con mới nên người. Sau vụ việc trên mạng xã hội, một số giáo viên cũng cho rằng, việc phạt học sinh quỳ sẽ giúp các con trưởng thành hơn và phụ huynh sẽ vui vì việc đó hơn là nuông chiều để trẻ hư. Giáo sư đánh giá sao về việc này?
Truyền thống của dân tộc dạy chúng ta nhiều điều hay nhưng cũng có những điều không còn phù hợp với xã hội hiện đại như câu trên.
Việc trừng phạt học sinh bằng bạo lực ngày nay đã mang tính phổ biến. Nó khiến cho không khí giáo dục căng thẳng và thiếu nhân văn.
Có thày giáo ném phấn vào mồm học sinh, có cô giáo tát, đấm hoặc bắt học sinh khác đánh đập các học sinh vi phạm kỷ luật.
Hành động này không chỉ xúc phạm học sinh mà còn làm xấu đi quan hệ giữa thày cô giáo và học sinh, giữa học sinh với nhau.
Tình hình này khiến cho nhiều học sinh và phụ huynh không còn tin tưởng vào môi trường giáo dục của nhà trường và nguy hiểm hơn không còn tin tưởng vào chính sách giáo dục của Nhà nước ta.
Theo tôi, cần chấm dứt ngay các hành vi bạo lực mà khoa học đã gọi là “Bạo lực học đường”.
Việc học sinh bị quỳ khiến cho các em bị xúc phạm nặng nề, không còn mặt mũi nào đi học hoặc gặp bạn bè. Vậy điều này có khiến cho những người giáo viên có suy nghĩ gì không?
Chúng ta đã có Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em và cũng đã ký Công ước về Quyền trẻ em. Vậy những tài liệu pháp lý này có tác dụng gì trong xã hội ta?
Thế hệ trẻ Việt Nam cần được giáo dục trong môi trường lành mạnh để ngẩng cao đầu trong tương lai và họ biết dũng cảm nhìn nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa chứ không phải những kẻ đớn hèn, khuất phục trước uy lực của kẻ mạnh.
Hiện đang là một nhà giáo, theo Giáo sư, việc bắt trẻ quỳ có tác dụng giáo dục không? Có thể gây ra những hệ quả như thế nào đối với trẻ? Nếu không thực hiện biện pháp này thì có thể thay thế bằng những hình thức nào?
Câu chuyện trên là một minh chứng về hậu quả xấu của việc này. Tác dụng rõ nhất là học sinh không dám đi học và gây bức xúc cho phụ huynh và xảy ra xô sát.
Theo tôi nguyên tắc cao nhất của giáo dục là tình thương và sự tôn trọng. Giáo viên cần tôn trọng học sinh với tư cách là một con người, một công dân tương lai của đất nước chứ không phải nhìn chúng là những kẻ dưới quyền, răm rắp tuân lệnh.
Những sai sót của học sinh cần được nhìn nhận độ lượng và công bằng. Chúng ta cần những giáo viên giỏi về kiến thức, độ lượng và kiên nhẫn trong giáo dục.
Tình thương của thày cô giáo sẽ cảm hóa được các em học sinh, ngay cả những em ngỗ ngược nhất. Sự khâm phục sẽ làm chúng thay đổi bền lâu hơn là sự sợ hãi nhất thời.
Việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ gây nên phản ứng chung nhìn nhận đó là việc “phản giáo dục” vì sẽ khiến học sinh không tôn trọng giáo viên và việc dạy học không còn hiệu quả. Theo Giáo sư quan điểm này có đúng không?
Việc một số phụ huynh bắt cô giáo quỳ là hành vi không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ sau việc này, bản thân cô giáo cũng không có mặt mũi nào hành nghề được nữa.
Đó là bài học đắt giá cho cô giáo và những giáo viên khác nên thấy đó làm gương. Dư luận xã hội đã lên án gay gắt phụ huynh vì cho đó là hành động của họ đã phá hoại trật tự xã hội.
Điều đó đúng nhưng chúng ta cần công bằng hơn khi nhìn nhận vấn đề. Công bằng với cả học sinh và giáo viên, không nên quá thiên lệch khi chỉ bênh giáo viên.
Hành vi của giáo viên gây ra cái sai và phụ huynh lại lấy cái sai để tiếp tục tạo ra cái sai mới. Qua câu chuyện này thấy rõ người lớn cũng chưa phải hoàn hảo.
Người lớn cũng cần phải học tập, trau dồi đạo đức không chỉ cứ trẻ nhỏ. Học suốt đời là quan niệm của Lê Nin và của cả xã hội ta.
Cả giáo viên và phụ huynh đều có lỗi trong câu chuyện này. Vậy, theo Giáo sư, sau vụ việc trên nên xử lý thế nào đối với cả giáo viên và phụ huynh để thấu tình, đạt lý?
Về mặt pháp lý, chúng ta cũng không thể dùng cái sai thứ ba để chữa trị hai cái sai trên là chỉ bênh vực cô giáo. Cần phải xử lý cả hai cái sai này theo đúng mức độ mà nó gây ra.
Chuyện này tưởng nhỏ nhưng không nhỏ, nó phơi bày những lỗ hổng trong giáo dục. Cần nghiêm túc nhìn nhận những sai sót của ngành giáo dục để sửa, đặc biệt trong cách ứng xử, quan hệ thày trò.
Thầy phải ra thầy phải nêu gương thì mới đòi hỏi trò, chứ không thể chỉ dùng hình phạt.
Cần phải tập huấn nhiều hơn cho giáo viên để họ có cơ hội phát triển toàn diện, giữ đúng vai trò và vị trí nhà giáo dục.
Giáo dục là cốt lõi, là sự sống còn của đất nước. Mong sao các nhà giáo và xã hội thấu hiểu điều đó.
Xin cảm ơn giáo sư!
Giáo sư Lê Thị Quý (1950) là nhà Xã hội học và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Giới, đặc biệt là về Nữ quyền.
Bà cũng là nhà hoạt động tích cực đấu tranh cho sự công bằng và bình đẳng cho nữ giới.
Các lĩnh vực nghiên cứu của bà tập trung vào lý thuyết về nữ quyền, phòng chống bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới.
Năm 2005, bà nằm trong 1.000 phụ nữ được đề cử cho giải Nobel Hoà bình.
Năm 2010, bà được công nhận chức danh Giáo sư, đồng thời trở thành nữ giáo sư đầu tiên về Xã hội học ở Việt Nam.
Bà công tác và giảng dạy tại Khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHKHXH&NV) từ năm 2001 đến năm 2010.
Từ năm 2002 - 2013, bà giữ chức giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phát triển, thuộc trường ĐHKHXH&NV trước khi thành lập Viện nghiên cứu Giới và Phát triển trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam vào năm 2013 và trở thành Viện trưởng cho đến năm 2015.
Ngoài ra, bà còn là chủ nhiệm bộ môn Gia đình học của trường Đại học Thăng Long.
(Theo Wikipedia)
Nguyễn QuyếtBạn đang xem bài viết Giáo sư Lê Thị Quý: Việc cô giáo quỳ xin lỗi, không thể dùng cái sai mới để sửa cái sai cũ tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].