Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

GS.TS Lê Thị Quý nêu quan điểm Xã hội học về vụ bé trai 10 tuổi bị bạo hành ở Hà Nội

'Câu chuyện bé 10 tuổi bị bạo hành mới đây, tội ác của người cha và mẹ kế cần phải trừng trị nặng. Bên cạnh đó, người mẹ đẻ cũng cần có trách nhiệm', GS.TS Lê Thị Quý cho hay.

gs-le-thi-quy

Vụ bé trai 10 tuổi bị bạo hành ở Hà Nội mới đây khiến cho nhiều người không khỏi xót thương và phẫn nộ. Tuy nhiên, vụ việc này cũng đưa ra câu chuyện cần phải bàn luận đó là hậu quả của chia con sau ly hôn.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, Chủ nhiệm bộ môn Công tác xã hội Trường Đại học Thăng Long để tìm hiểu rõ hơn.

Nhiều trường hợp trẻ em sau khi bố mẹ ly hôn ở Việt Nam cực kỳ bi đát

PV: Câu chuyện bé trai 10 tuổi bị bạo hành ở Hà Nội đưa ra vấn đề chia con sau ly hôn, vậy hậu quả của vấn đề này đối với những đứa trẻ như thế nào, thưa bà?

G.S Lê Thị Quý: Tỷ lệ ly hôn ngày càng nhiều trong xã hội hiện đại, như một hiện tượng xã hội phức tạp. Chúng ta đều biết ly hôn là kết thúc của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhưng không kết thúc một gia đình.

Điều đó có nghĩa là nếu cặp đôi có con thì dù cha mẹ chia tay nhưng những đứa con sẽ sống với một người (hoặc cha hoặc mẹ) vì vậy họ vẫn tập hợp thành gia đình. Xã hội học gọi đó là những gia đình khuyết thiếu.

Nếu người cha hoặc mẹ lập gia đình mới thì đó là những gia đình ghép hoặc đơn giản như dân gian gọi là 'rổ rá cạp lại'.

Theo các nghiên cứu của chúng tôi, ở Việt Nam, ly hôn để lại hậu quả lớn nhất, đau thương nhất cho trẻ em bởi cách mà cặp đôi ly hôn và cách mà Tòa án xử ly hôn.

GS,TS Lê Thị Quý  ( người đứng) đang giảng bài cho  sinh viên Đại học Thăng Long, Hà Nội

GS,TS Lê Thị Quý ( người đứng) đang giảng bài cho sinh viên Đại học Thăng Long, Hà Nội

Khi yêu thì anh/em không thể sống thiếu em/anh nhưng khi ly hôn thì họ coi nhau như kẻ thù thậm chí phải triệt hạ làm cho nhau càng đau khổ càng tốt. Hai loại 'vũ khí' mà họ thường dùng trong những trường hợp này là con cái và của cải.

Tòa án xử ly hôn cũng chưa thật phù hợp, thiếu chất Xã hội học. Chẳng hạn cần phải xem xét các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng của người được nuôi trẻ và sự đóng góp của người còn lại.

Rất nhiều vụ án Tòa xử cho mẹ nuôi con, bố đóng góp nhưng hầu hết những người chồng không thi hành án vì họ còn bận lo cho gia đình mới của họ. Hậu quả là mẹ con phải sống trong nghèo khổ, thiếu thốn.

Nhiều người mẹ đã trả đũa bằng cách nói xấu và không cho con gặp mặt bố và không thiếu những trường hợp người bố cũng hành xử như vậy với người mẹ khi anh ta được quyền nuôi con. Họ không biết rằng cách hành xử thiếu văn hóa và nhẫn tâm của họ đã làm cho con cái họ vô cùng tổn thương.

Sau mỗi vụ ly hôn, con cái chính là người gánh chịu những tổn thương nặng nề về tinh thần

Sau mỗi vụ ly hôn, con cái chính là người gánh chịu những tổn thương nặng nề về tinh thần

Trẻ em là giai đoạn non nớt của con người, cần một mái ấm gia đình che chở, cần sự đồng thuận của cha mẹ để được tự do học hành, ăn chơi, ngủ nghỉ, để lớn lên, trưởng thành cả về mặt nhân cách lẫn thân thể.

Vì vậy khi Tòa hỏi 'Con muốn ở với ai?' thì 100% trẻ đều khóc lóc và nói 'Con muốn ở với cả hai'. Đó là nguyện vọng rất chính đáng nhưng chúng đành bất lực trước quyết định ly hôn của bố mẹ. Điều đó có nghĩa là môi trường gia đình hay hệ thống sinh thái cũ của chúng đang tan vỡ.

PV: Bà có thể chia sẻ những câu chuyện mà mà mình từng chứng kiến về hậu quả của những cuộc hôn nhân tan vỡ với trẻ được không?

GS Lê Thị Quý: Nhiều lắm, cha dượng hãm hiếp, hành hạ trẻ. Mẹ kế ngược đãi, đánh đập. Có người mẹ kế đã từng là luật sư đã ném con gái riêng 5 tuổi của chồng xuống sông Hồng giữa mùa đông…

Những tội ác chống trẻ em rất tàn bạo như vậy đã bị xử rất nhẹ. Nhiều vụ còn không xử. Vụ cháu bé 10 tuổi bị bố ruột, mẹ kế hành hạ tàn bạo vừa qua thật là nỗi kinh hoàng của xã hội.

Cần phải xét xử họ nghiêm khắc vì họ đã vi phạm rất nhiều luật của Việt Nam: Luật Hình sự, Luật Dân sự, Công ước quyền trẻ em, Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Ly hôn để lại hậu quả lớn nhất, đau thương nhất cho trẻ em

Ly hôn để lại hậu quả lớn nhất, đau thương nhất cho trẻ em

gsltq1
'Tôi nghĩ nếu Tòa xử nhẹ là nhân đạo với tội ác mà không nhân đạo với nạn nhân và xã hội vì chúng ta phải xử án cho xã hội chứ không phải chỉ xử cho một gia đình'.

GS Lê Thị Quý

GS Lê Thị Quý: Nhiều vụ án rất man rợ nhưng lại được xử rất nhẹ vì Tòa căn cứ vào bãi nại của nạn nhân. Tôi nghĩ điều này không công bằng.

Các nạn nhân hoặc vì nhân đạo hoặc vì sợ hãi mà bãi nại. Tòa phải căn cứ trên tính chất của vụ việc và hậu quả mà nó để lại cho gia đình và xã hội để xử.

Xử cho xã hội để giáo dục, răn đe chứ không chỉ xử cho một gia đình. Làm như vậy là tạo điều kiện cho tội ác lộng hành.

Câu chuyện bé 10 tuổi bị bạo hành mới đây, cần phải trừng trị nghiêm tội ác. Không chấp nhận những lý do mà kẻ thủ ác đưa ra, đặc biệt khi kẻ đó là cha đẻ. Người mẹ kế cũng phải xử nghiêm, xứng với tội của cô ta.

lyhon2

Bên cạnh đó, người mẹ đẻ cũng cần có trách nhiệm. Trong 2 năm trời không biết con bị bạo hành, không biết con ra sao là một điều phi lý. Phải kêu với mọi người chứ, phải nhờ chính quyền, đoàn thể, gia đình can thiệp.

Tôi nghĩ pháp luật cần chặt chẽ hơn về gia đình, buộc trách nhiệm lớn hơn với cha mẹ và phải kiểm tra việc thi hành án bởi vì phần lớn những trẻ sống trong các gia đình ghép là không an toàn.

PV: Về trường hợp của cậu bé 10 tuổi bị bạo hành cần làm thế nào để giảm bớt tổn thương cho bé?

GS Lê Thị Quý: Tôi nghĩ việc quan trọng nhất là đưa bé về ở với mẹ ruột và buộc người cha phải góp tiền nuôi bé đến khi trưởng thành.

Nhân đây chúng ta phải có bài học cảnh tỉnh cho tất cả các bậc cha mẹ, kể cả gia đình hoàn chỉnh hay gia đình ghép cần phải có trách nhiệm lớn và chấm dứt bạo lực gia đình với trẻ.

Sau khi bố mẹ ly hôn, trẻ có thể chịu những tổn thương tâm lý nặng nề

Sau khi bố mẹ ly hôn, trẻ có thể chịu những tổn thương tâm lý nặng nề

PV: Bà có lời khuyên nào cho bố mẹ về cách chăm sóc, nuôi dạy con sau khi ly hôn?

GS Lê Thị Quý: Các bạn trẻ khi lập gia đình ngày càng ít học kiến thức văn hóa gia đình. Không thể hứng lên thì cưới, có con và giận thì ly hôn  vì trong hôn nhân ngoài tình còn nghĩa và trách nhiệm, đặc biệt đối với con cái.

Sau ly hôn, cần phải hiểu nỗi đau của trẻ và hợp tác trong nuôi dạy chúng để chúng bớt tổn thương. Chính quyền, đoàn thể, nhân viên công tác xã hội cần chú ý giúp đỡ cho các gia đình này.

Bố mẹ cần quan tâm, chăm sóc con, giáo dục lối sống lành mạnh cho con giống như lúc vẫn ở với nhau. Bố mẹ đừng giáo dục con thù hằn mà phải giáo dục tình thương yêu, cảm thông với bố mẹ và những người khác.

Xin cảm ơn bà!

Empty

GS.TS Lê Thị Quý (1950) là nhà Xã hội học và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Giới, đặc biệt là về Nữ quyền.

Bà cũng là nhà hoạt động tích cực đấu tranh cho sự công bằng và bình đẳng cho nữ giới. Các lĩnh vực nghiên cứu của bà tập trung vào lý thuyết về nữ quyền, phòng chống bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới.

Năm 2005, bà nằm trong 1.000 phụ nữ được đề cử cho giải Nobel Hoà bình.

Năm 2010, bà được công nhận chức danh Giáo sư, đồng thời trở thành nữ giáo sư đầu tiên về Xã hội học ở Việt Nam.

Bà là tác giả của 12 cuốn sách cá nhân và 54 cuốn in chung cùng nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác.

Các sách và công trình nghiên cứu

+ Vấn đề ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ ở Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động - Xã hội, 2000.

+ Bạo lực gia đình - Một sự sai lệch giá trị (viết chung), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2007.

+ Mại dâm, quan điểm và giải pháp (chủ biên), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xuất bản, 2000.

+ Gia đình học (viết chung với chồng là Giáo sư Đặng Vũ Cảnh Khanh), Nhà xuất bản Lí luận Chính trị, 2007.

+ Giáo trình Xã hội học Giới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2010.

+ Giáo trình Xã hội học Gia đình, Nhà xuất bản Chính trị - Hành chính, 2011.

Bùi Hồng Tưởng (Tạp chí Khám phá)

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính