Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Định kiến với nữ giới trong các vụ việc báo chí đưa tin về đánh ghen

Nghiên cứu được thực hiện nhằm chỉ ra những định kiến với nữ giới trong các vụ việc đưa tin về đánh ghen, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện cách phản ánh của báo chí và giảm bớt những định kiến xưa nay của công chúng.

 

danh ghen

Tác giả: ĐỖ ANH ĐỨC, TRẦN THỊ PHƯƠNG THẢO, HOÀNG NGỌC NHI

Tóm tắt: Trong mối quan hệ xã hội cũng như văn hóa ứng xử ở Việt Nam, đánh ghen luôn là một chủ đề nóng, gây tò mò, chú ý của nhiều người. Báo chí cũng triệt để khai thác đề tài này, tuy nhiên, cách đưa tin của báo chí tiết lộ những định kiến, đặc biệt là với người phụ nữ, trong khi làm mờ đi vai trò, tác nhân của người đàn ông. Nhân vật nữ, dù ở vai người vợ chính thức hay là ‘kẻ thứ ba’ thường được khắc họa dưới những khung tham chiếu thiên lệch, hoặc là vợ kém duyên, không biết giữ chồng, hoặc ngược lại, ghen tuông mù quáng, mất lý trí. Ở phía nhân vật bị ghen, đó luôn là kẻ phá hoại, giật chồng, đáng bị trừng trị, bất luận hành vi xử phạt có vi phạm pháp luật hay không. Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích nội dung định tính với 20 bài báo về các vụ việc ghen tuông trong khoảng 2 năm gần đây, trên  một số trang báo điện tử phổ biến. Những phát hiện trong bài nghiên cứu chỉ ra vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc đóng khung định kiến với nữ giới, và đề xuất kiến nghị báo chí tiếp cận vấn đề một cách cân bằng hơn, tuân thủ pháp luật, tuân thủ quyền con người, không khoét sâu thêm định kiến và không kích thích hành xử tự phát trong các mối quan hệ dân sự có xung đột.

Từ khóa: đánh ghen, định kiến giới, báo chí truyền thông Việt Nam, đóng khung, phụ nữ

Abstract: In social relations as well as behavioural culture in Vietnam, jealousy is always a hot topic, causing the curiosity and attention of many people. The press also thoroughly exploited this hot issue, however, the way Vietnamese news media covers the topic reveals its prejudices, particularly towards women while blurring the man’s role and responsibility. Female characters, whether as the official wife or as a ‘third person’ are often portrayed in biased frames of reference, either a poor wife, unable to keep her husband, or conversely, blindly jealous, losing her mind. On the side of the ‘love enemy’ character, it is always the one who destroyed the family, seduced the man, and who deserves to be punished, regardless of whether the sanction is illegal or not. The authors conducted a qualitative content analysis of 20 articles on jealousy incidents, published in the last two years, in some popular online newspapers. The findings in this study point to the role of the news media in framing stereotypes against women, and propose to the press to approach the issue in a more balanced manner, complying with the law, and complying with human rights, not to deepen prejudices and not to stimulate spontaneous behavior in conflicting civil relationships.

Keywords: framing, gender stereotype, Vietnamese news media, jealousy, women

1. Đặt vấn đề

Đánh ghen luôn là một chủ đề thu hút đông đảo sự quan tâm từ dư luận, cũng như được báo chí triệt để khai thác. Tuy nhiên, cách đưa tin của báo chí lại mang đầy định kiến khi xoáy sâu vào người phụ nữ và làm mờ đi hình ảnh người đàn ông trong câu chuyện. Người phụ nữ, dù ở vai người vợ hay là ‘kẻ thứ ba’ thì đều được khắc họa dưới những khung tham chiếu thiên lệch. Người vợ xuất hiện với hình ảnh nông cạn, không biết giữ chồng, ghen tuông mù quáng, mất lý trí; còn người bị ghen thì luôn là kẻ phá hoại, giật chồng, đáng bị trừng trị, bất luận hành vi xử phạt có vi phạm pháp luật hay không. Cách tái hiện này của báo chí có thể làm ảnh hưởng đến cái nhìn của công chúng đối với phụ nữ hiện đại và tạo nên những định kiến không đáng có. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm chỉ ra những định kiến với nữ giới trong các vụ việc đưa tin về đánh ghen, dựa trên lý thuyết đóng khung và phương pháp phân tích nội dung nhằm phân tích thông tin trên báo chí Việt Nam. Nghiên cứu này được Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội tài trợ trong danh mục đề tài trọng điểm NCKH sinh viên năm 2023.

2. Lý thuyết đóng khung

Lý thuyết đóng khung (framing theory) là một tập hợp các khái niệm được rút ra từ xã hội học và khoa học truyền thông nhằm giải thích tại sao mọi người tập trung sự chú ý của họ vào một số khía cạnh nhất định của thực tế mà không phải là những khía cạnh khác. Ngoài ra, lý thuyết đóng khung còn lý giải lý do tại sao đa số công chúng lại nhìn thấy, diễn giải sự việc theo một cách nhất định.

Từ năm 1922, Walter Lippmann đã đặt nền móng cho lý thuyết đóng khung khi đưa ra nhận định “chúng ta đều là tù nhân của hình ảnh trong đầu chúng ta - niềm tin rằng thế giới ta trải nghiệm là thế giới thực sự tồn tại” trong cuốn Public Opinion, nhưng phải tới năm 1974, Erving Goffman mới lần đầu tiên đưa ra khái niệm “đóng khung” (framing). Theo Goffman, “khung” chính là những lược đồ về mặt nhận thức (schemata of interpretation) để con người diễn dịch lại thế giới. Nó cho phép con người “định vị, tiếp nhận, phân biệt, dán nhãn” cho những sự kiện, hiện tượng bên ngoài để từ đó thiết lập các kinh nghiệm sống cũng như hành vi của mình.

Từ định nghĩa này của Goffman, Gamson William bắt đầu xây dựng lý thuyết đóng khung. Khác với Goffman định nghĩa khung ở mặt nhận thức nói chung thì Gamson đã đi sâu hơn vào lý thuyết này trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Theo ông, cái khung của báo chí không được phơi bày tuyệt lộ mà “gần như hoàn toàn ngầm ẩn và được coi là điều hiển nhiên”. Cả nhà báo lẫn công chúng đều không nhận ra rằng đây thực chất là thứ được kiến tạo (social construction) mà chỉ đơn giản coi nó là sự phản ánh hiện thực mà thôi. Chính vì thế mà Gamson khẳng định những bộ khung này khiến cho thế giới trông có vẻ tự nhiên, nhưng thật ra chúng đều đã được kiến tạo cả. Khung tin tức cho chúng ta thấy những gì được lựa chọn, những gì được loại ra và những gì được nhấn mạnh. Với Gamson (1984), tin tức mang đến cho chúng ta cách hiểu về một thế giới đóng gói - tức đã được người sản xuất chọn lọc ra những điều mà họ muốn người tiếp nhận biết.

Định nghĩa tường minh nhất về lý thuyết đóng khung có lẽ được đưa ra bởi Robert Entman: “Đóng khung tức là cách người ta lựa chọn một số phương diện của hiện thực và làm nổi bật nó lên trong văn bản truyền thông.” Entman (1993) cũng đã chỉ ra 4 hướng phổ biến thường xuất hiện trên các tác phẩm báo chí, bao gồm: nhận diện vấn đề; phân tích, diễn giải nguyên nhân của câu chuyện; đánh giá các phương diện về mặt luân lý, đạo đức và đưa ra giải pháp.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả áp dụng lý thuyết đóng khung nhằm nhận diện những bộ khung mà báo chí đã lựa chọn và làm nổi bật lên trong những vụ việc đánh ghen để chỉ ra định kiến đối với những người phụ nữ trong câu chuyện, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện cách phản ánh của báo chí và giảm bớt những định kiến xưa nay của công chúng.

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp phân tích nội dung (content analysis) là phương pháp được sử dụng để xác định sự hiện diện của các từ, cụm từ định danh, định tính đối với đối tượng được khắc họa, mô tả trong văn bản tác phẩm. Mặt khác, phương pháp này cũng cho phép nhà nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa các thành phần từ, cụm từ, ngữ, các khái niệm, từ khóa được đặt trong sự xâu chuỗi, để cấu thành nên ‘nghĩa’ (meaning) về đối tượng. Đây là một trong các phương pháp thu thập thông tin phổ biến và quan trọng nhất trong các nghiên cứu truyền thông. Phân tích nội dung có thể là cả định lượng (tập trung đếm và đo lường) và định tính (tập trung vào diễn giải và hiểu).

Trong khuôn khổ nghiên cứu này, chúng tôi áp dụng phương pháp phân tích nội dung định tính (qualitative content analysis) để nghiên cứu dữ liệu dựa trên 20 bài viết được chọn mẫu ngẫu nhiên, đã đăng trên ba tờ báo điện tử là Phụ nữ online, Vietnamnet Lao động điện tử, trong thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2022. Đây đều là những tờ báo điện tử nhiều người đọc, trong đó Phụ nữ online là tờ báo dành cho nữ giới.

Nhóm tác giả sử dụng phương pháp phân tích nội dung định tính để phân tích các khái niệm (conceptual), tức là xác định sự tồn tại và tần suất xuất hiện của các khái niệm được dùng trong toàn bộ nội dung của các bài báo và phân tích quan hệ (relational) bằng cách xem xét mối quan hệ giữa các khái niệm trong việc sản xuất ra nghĩa. Phương pháp này nhằm tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa, mối quan hệ giữa các vấn đề được nhắc tới và cả ý đồ của tác giả khi viết báo. Soi chiếu với lý thuyết khung, sự tạo nghĩa cho đối tượng đánh ghen và bị đánh ghen trong các bài báo ở đây, được nhìn nhận như là những khung tham chiếu, cách thức báo chí dán nhãn với đối tượng có tính lặp lại và phổ biến khi thuật chuyện về các vụ việc ghen tuông.

4. Hình thức thể hiện các tin tức đánh ghen trên báo chí

Loại bài đưa tin: Thể loại này đơn thuần chỉ là đưa thông tin về sự việc đã diễn ra. Thông tin có thể lấy từ các phương tiện truyền thông mạng xã hội hoặc từ cơ quan chức năng. Những bài báo dưới dạng bài thông tin thường có dung lượng trung bình (khoảng 300-500 chữ), thông tin thường ngắn gọn, súc tích, có đầy đủ text, hình ảnh và/hoặc video. Ảnh và video trong bài thường được quay chụp dưới góc độ trung cảnh hoặc cận cảnh, tập trung vào hành động đánh ghen.

Loại bài định hướng: Bài định hướng là những bài có phỏng vấn luật sư hay các chuyên gia nhằm đưa ra những lời khuyên, thông tin chứng minh việc đánh ghen là sai. Luật sư thường sẽ trả lời các câu hỏi về mức hình phạt khi đánh ghen. Dạng bài định hướng thường có chung cách triển khai là phỏng vấn chuyên gia và luật sư, được thể hiện dưới đa dạng hình thức để thu hút độc giả.

Loại bài bàn luận: Trên các trang báo điện tử, loại bài bàn luận đa số là câu chuyện do độc giả gửi tới nhằm chia sẻ về chính câu chuyện của bản thân hoặc từ góc độ người ngoài nói lên suy nghĩ về việc đánh ghen. Ngoài những bài viết bàn luận về việc đánh ghen thì còn có một số bài viết hướng dẫn, mách nước các cách đánh ghen văn minh.

5. Những định kiến với nữ giới trong các vụ việc đánh ghen trên báo chí

Bảng 1. Quan điểm định kiến với nữ giới trong các vụ việc đánh ghen trên báo chí

Nhóm

Khái niệm

Số lần

Nghĩa

Người tình

Tiểu tam

16/120

- Trẻ trung, xinh đẹp

- Bị đánh

- Cướp chồng/giật chồng

Nhân tình/Tình nhân

30/120

Người tình

4/120

Tình địch

10/120

Bồ nhí

28/120

Người thứ ba

32/120

Người vợ

Chính thất

5/110

- Hành vi bạo lực (túm tóc/giật tóc, chửi bới, đánh đập, la hét/gào thét)

- Đánh ghen

- Giận dữ

- Vi phạm pháp luật/phạm pháp

- Giữ chồng

Người vợ

105/110

Người chồng

Người chồng

80/102

- Ngoại tình

- Che chở nhân tình

- Phản bội

Người đàn ông

22/102

Kết quả phân tích Bảng 1 cho thấy, tổng số từ được gán cho nhân vật người tình trên các bài báo là 120 lần với 6 khái niệm phổ biến. Những khái niệm báo chí sử dụng để gọi tên nhân vật này đều mang đầy định kiến, đặc biệt khi thường được gắn với những tính từ tả ngoại hình: “trẻ trung”, “xinh đẹp” với 14 lần xuất hiện, trong tình cảnh “bị người vợ đánh” (10 lần) do đi “giật chồng” (3 lần).

Ví dụ, đoạn trích sau đây từ bài báo “Đánh ghen đừng đi một mình?” trên báo Phụ nữ online: “Người vợ trông thật lôi thôi với áo chống nắng, mũ bảo hiểm Grab, còn cô bồ “nuột nà” trong chiếc váy hai dây, đôi chân dài gợi cảm.” Có thể thấy, bài báo ghi lại điểm khác biệt của người vợ và người tình về vẻ ngoài. Trong khi người vợ xuất hiện lôi thôi thì người tình mặc những bộ váy hai dây gợi cảm, trẻ trung và lộng lẫy. Tác giả lý giải sở dĩ có sự so sánh nhan sắc đó là do người tình tuổi còn trẻ, còn người vợ đã có tuổi, trải qua sinh nở, vất vả nuôi con, lo vun vén gia đình. Hay trong bài báo “Cắn đứt tai tình địch và muôn kiểu đánh ghen mất kiểm soát của phụ nữ” trên báo Lao Động, khi đang ngồi trên ô tô với người chồng, người tình đã bị người vợ “mở cửa xe, túm tóc và đánh”, sau đó còn“bị cắn đứt một phần tai”.

Với người vợ, báo chí chủ yếu sử dụng 2 khái niệm phổ biến là chính thất và người vợ với 110 lần. Hai khái niệm trên thường được xuất hiện cùng với các cụm từ mô tả hành vi bạo lực gồm: túm tóc/giật tóc (17 lần), chửi bới (9 lần), đánh đập (12 lần), la hét/gào thét (8 lần). Khi phát hiện chồng mình ngoại tình, người vợ thường rơi vào trạng thái “giận dữ” (15 lần), muốn “giữ chồng” (8 lần) nên sẽ đi “đánh ghen” (49 lần), để rồi sau đó trở thành những người “vi phạm pháp luật” (24 lần).

Bài báo “Hà Nội: Công an điều tra dấu hiệu vụ gây rối liên quan đến đánh ghen” trên báo Lao Động đã miêu tả cảnh người vợ sau khi chứng kiến chồng mình bên nhân tình đã giận dữ “giật cửa xe ô tô để lôi cô gái trẻ xuống đường, sau đó liên tục chửi bới lớn tiếng và giật tóc, đánh đập tình địch rất mạnh tay.” Cũng trên báo Lao Động, bài viết “Dấu hiệu vi phạm pháp luật của người phụ nữ cắn đứt một phần tai tình địch” đã đưa ra ý kiến của luật sư về vụ việc đánh ghen cắn đứt tai tình địch trên phương diện pháp luật. Theo đó, luật sư cho rằng hành vi của người vợ “thái quá, có dấu hiệu cấu thành nhiều tội danh do xâm phạm nhiều khách thể do pháp luật bảo vệ”. Từ đó, luật sư đưa ra các trường hợp khởi tố người vợ có thể phải đối mặt dựa trên các điều của Bộ luật Hình sự.

Người chồng tuy được nhắc đến với 102 lần qua hai khái niệm “người chồng” và “người đàn ông” nhưng cách khắc họa lại rất mờ nhạt khi thường đi cùng với các động từ “phản bội” (5), “ngoại tình” (9) như là một nhân tố dẫn đến cuộc đánh ghen giữa hai người phụ nữ mà thường ít trực tiếp tham gia vào, trong một vài trường hợp thì có thêm hành động “che chở nhân tình” (4).

Bài báo “Vụ đánh ghen ở Hồ Tây: Được gì ngoài những tổn thương?” của Vietnamnet cũng là một trường hợp cụ thể khi người chồng được đặt trong cụm từ “che chở nhân tình”: “Người vợ cố túm tóc bồ chồng trong khi chồng thì vòng tay ôm, giữ, che chở cho bồ.” Báo Phụ nữ online cũng có bài viết “Vợ đánh ghen tình địch: Cuộc lôi đình vô dụng” bàn về vấn đề đàn ông ngoại tình. Tác giả cho rằng: “đàn ông ngoại tình, không phải là do người vợ xấu, cũng không phải do “tuesday” đẹp, mà do anh ta không nhốt được phần con của mình”. Với người đàn ông trăng hoa thì dù có đánh ghen bao nhiêu cũng sẽ xuất hiện nhân tình thay thế. Theo đó, mấu chốt của ngoại tình nằm ở đàn ông nên đánh ghen là vô ích.

6. Những vấn đề đặt ra trong cách báo chí đưa tin về các vụ việc đánh ghen

Đóng khung hình ảnh các nhân vật trong câu chuyện

Trong các câu chuyện đánh ghen trên báo chí, người vợ thường xuất hiện với hình ảnh chua ngoa, ghê gớm với những hành động đầy bạo lực như “túm tóc”, “đánh đập”, “chửi bới”, Nhân tình thì được khắc họa trẻ trung, xinh đẹp với các cụm từ: “tiểu tam”, “bồ nhí”, “nhân tình” và thường che mặt khi bị đánh. Ngược lại, người đàn ông trong các vụ việc đánh ghen được miêu tả rất mờ nhạt trên báo chí. Họ thường được nhắc đến là người phản bội trong hôn nhân, một số ít vụ đánh ghen có hành động che chở cho nhân tình. Trong ba nhân vật, người đánh ghen và bị đánh ghen được báo chí miêu tả chi tiết từng hành động, còn người đàn ông thì lại khắc họa nhạt nhòa.

Thông tin chưa khách quan

Cách đưa tin của báo chí thường khiến dư luận nhằm vào chỉ trích tiểu tam, với người vợ thì chia làm hai luồng cảm thông và oán trách. Bởi cách khắc họa người chồng mờ nhạt nên dù là người sai trong câu chuyện, người chồng vẫn thoát khỏi cảnh “đầu sóng ngọn gió”. Trong hôn nhân, người ngoại tình là người có lỗi, thế nhưng báo chí lại chỉ nhằm vào người vợ đi đánh ghen và cô nhân tình. Bản thân người vợ đã là người đau khổ khi chồng đi ngoại tình, thế nhưng cách khắc họa này lại khiến cho người vợ tiếp tục trở thành nạn nhân của việc bàn tán thị phi.

Bất bình đẳng giới trong cách đưa tin

Trong thực tế, những vụ việc đánh ghen không chỉ do phụ nữ thực hiện mà cũng xuất hiện ở phía nam giới. Những vụ việc đàn ông đi đánh ghen giết người nghiêm trọng gây xôn xao dư luận vẫn xảy ra nhưng lại không được báo chí chú trọng, khai thác trên nhiều tuyến bài như đối với phụ nữ. Cụ thể, báo Lao Động vẫn đăng tải các vụ việc đàn ông đánh ghen nhưng số lượng lại rất ít và không được khai thác sâu như với nữ giới. Vụ việc đối tượng Phàng A N. ra tay sát hại tình địch rồi bỏ trốn là sự việc có tính chất nghiêm trọng khi đối tượng đã vì ghen mà cướp mất mạng người, thế nhưng báo Lao Động chỉ lên duy nhất một bài báo tên “Sơn La: Khởi tố đối tượng giết người vì ghen tuông” nhằm cập nhật thông tin. Tương tự, sự việc “Chồng đâm vợ chết ngay tại tòa vì nghi ngờ vợ ngoại tình” và “Gọi bạn tham gia đâm người vì ghen tuông” cũng chỉ có một bài báo. Trong khi đó, những bài báo đánh ghen của phụ nữ có số lượng nhiều hơn hẳn: vụ việc cắn đứt tai tình địch có 7 bài, vụ đánh ghen ở Lý Nam Đế có 5 bài báo xoay quanh. Điều này dễ khiến người đọc hiểu rằng phụ nữ thường hay ghen tuông, làm đậm thêm tư duy đánh ghen là chuyện của phụ nữ, khắc sâu thêm định kiến giới và sự bất bình đẳng giới của công chúng, của xã hội.

Bài viết theo mô típ “hướng dẫn phụ nữ đánh ghen” thể hiện sự một chiều

Ghen tuông hay đánh ghen vốn không phải là việc chỉ xảy ra với phụ nữ, thế nhưng báo chí lại liên tục khai thác tuyến bài bàn luận dưới nội dung hướng dẫn phụ nữ đánh ghen. Các bài viết này thường có chung tư tưởng rằng phụ nữ cần có những bí quyết đánh ghen “văn minh” để vừa giữ chồng vừa tỏ thái độ quyết liệt với tình địch. Nếu người chồng có quan hệ tình cảm với người khác tức là người chồng đã có lỗi với vợ của mình. Người vợ hoàn toàn có quyền đòi hỏi chồng phải tôn trọng địa vị của mình trong vai trò là người hôn phối, chứ không phải là chật vật tìm cách để “giữ chồng”. Mô típ này rõ ràng đã làm nặng thêm lối suy nghĩ và hành xử bất bình đẳng giới theo phía gây nhiều thiệt thòi hơn cho phụ nữ.

7. Ảnh hưởng của những bộ khung định kiến tới công chúng

Những bài báo đề tài đánh ghen có ảnh hưởng lớn nhất với hai phạm trù đối tượng. Đầu tiên là những người trong cuộc bao gồm người vợ, người chồng và nhân tình. Họ có thể bị lộ danh tính bằng nhiều cách như công an công khai danh tính hay bị công chúng tìm kiếm danh tính thông qua các clip phát tán trên mạng xã hội. Hậu quả là mọi người tràn vào trang mạng xã hội của họ để soi mói, hóng chuyện, lên án hành động đánh ghen. Việc này có thể khiến cho người bị bạo lực mạng ảnh hưởng sức khỏe thể chất, tâm lý hoặc tình cảm.

Đối tượng thứ hai là công chúng, độc giả theo dõi trang và những bài báo đó. Sau khi đọc những nội dung trên báo, người đọc có thể hình thành bộ khung trong suy nghĩ về hành vi đánh ghen cũng như hình ảnh nhân vật trong các vụ đánh ghen. Hơn nữa, việc người đàn ông xuất hiện mờ nhạt trong các vụ đánh ghen còn đóng khung suy nghĩ của công chúng về việc cứ đánh ghen sẽ là phụ nữ, gán cho phụ nữ cái mác hay ghen tuông, ghê gớm, chỉ biết động tay động chân.

8. Khuyến nghị, giải pháp

Cân nhắc khi đưa tin bài có nhạy cảm giới

Mỗi ngôn từ, hình ảnh trong các tác phẩm báo chí đều có khả năng thu hút sự chú ý của công chúng, tạo nên ảnh hưởng sâu sắc tới cộng đồng. Nhà báo khi sáng tạo tác phẩm cần cân nhắc tới ngôn ngữ sử dụng trong bài có điểm nào thiếu nhạy cảm giới, vô tình hay hữu ý hạ thấp phẩm giá của người được nhắc đến. Sự né tránh hoặc nói giảm, bào chữa cho người đàn ông (do anh ta đào hoa, do kẻ thứ ba rất xinh đẹp, quyến rũ, do yếu lòng, do vợ không biết cách hấp dẫn chồng v.v…) khiến người đọc duy trì quan niệm sai lầm về giới, vừa có nguy cơ có thể tạo cho nam giới những căn cứ để ngụy biện, chối bỏ trách nhiệm của mình trong câu chuyện..

Nêu cao ý thức pháp luật

Báo chí không nên chạy theo giật gân, ‘câu view’, tập trung quá nhiều vào việc mô tả chi tiết hành vi đánh ghen như “một trận chiến” - điều này gây tác hại không nhỏ, khiến nhiều người lầm tưởng về việc sử dụng bạo lực trong đánh ghen là hợp pháp, và là lựa chọn phù hợp để giải quyết xung đột. Báo chí cần thông tin, chỉ dẫn đầy đủ về những hành vi bị pháp luật

ngăn cấm, không lấy cái sai này để khỏa lấp, bao biện cái sai khác. Nhiều tờ báo dễ dãi đăng lại những đoạn clip đánh ghen trôi nổi trên mạng, thậm chí không kiểm chứng, không tìm hiểu thêm sự thật, làm giảm sút giá trị, niềm tin và vai trò định hướng thông tin của báo chí.

Đưa ra góc nhìn mới

Góc nhìn đa dạng cũng là yếu tố giúp thay đổi suy nghĩ, ấn tượng của độc giả. Những bài viết với hướng tiếp cận tích cực hơn về những người phụ nữ có cách ứng xử nhân văn, bản lĩnh nhưng vẫn thể hiện được sự mềm mại và vị tha của người phụ nữ khi chồng ngoại tình sẽ giúp định hướng cho công chúng và phụ nữ có hành vi ứng xử tốt hơn.

Sự chung tay của các cơ quan báo chí

Phía các cơ quan báo chí nên đưa ra các quy định, chế tài để kiểm soát cách đưa tin, khai thác một chiều, có ý đổ lỗi và thiên kiến. Các tòa soạn cũng cần có quy định về việc mức độ đưa tin cho phù hợp. Đặc biệt với những bài viết có nhạy cảm giới, có thể gây nhận thức sai lầm thì cần tham vấn ý kiến chuyên gia về giới, chuyên gia truyền thông và chuyên gia pháp luật để có sự tiếp cận cân bằng và công bằng nhất.

9. Kết luận

Bằng cách áp dụng lý thuyết đóng khung và phương pháp phân tích nội dung các bài báo trên ba trang báo mạng điện tử là Phụ nữ online, Vietnamnet và Lao Động, nhóm tác giả đã chỉ ra những bộ khung mang định kiến với nữ giới trong các vụ việc báo chí đưa tin về đánh ghen. Cách đóng khung của báo chí đã làm cho những vụ việc đánh ghen chỉ là câu chuyện giữa những người phụ nữ với nhau. Báo chí tiếp tục xoáy sâu vào việc nữ giới phải giành giật nhau vì đàn ông, mà đàn ông thì không bị quy kết trách nhiệm. Trong những trường hợp chúng tôi phân tích, tất cả đều hướng vào sự trừng phạt đối với nhân vật nữ. Báo chí đã lựa chọn và làm nổi bật hình ảnh người vợ ghê gớm, đầy bạo lực khi đi đánh ghen, nhân tình bị đánh thì trẻ trung, xinh đẹp, xứng đáng bị đánh còn người chồng thì lại khắc họa rất nhạt nhòa. Chúng tôi đã rút ra ba loại bài mà báo chí thường triển khai khi đưa tin về các vụ việc đánh ghen (gồm đưa tin, định hướng, bàn luận) và phân tích từng loại bài. Bên cạnh đó, đưa ra đánh giá ảnh hưởng của những bộ khung này tới công chúng. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp - khuyến nghị nhằm giúp nhà báo hạn chế những định kiến giới và cải thiện, phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc định hướng thông tin nhằm đảm bảo quyền cho người phụ nữ.

Tài liệu tham khảo

  1. Berger, A. A. (2019). Media and communication research methods - International student edition: An introduction to qualitative and quantitative approaches. SAGE Publications, Incorporated.
  2. Mullen, P. E. (1993). Criminal behavior and mental health. Office of Justice Programs. https://www.ojp.gov/ncjrs/virtual-library/abstracts/crime-passion-and-changingcultural-construction-jealousy.
  3. Entman, R. (1993). Framing: Toward Clarification of a Fractured Paradigm. Northwester.

[Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam. Quyển 22, Số 2 - 2023]

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính