Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Tích hợp giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học trong dạy học chủ đề 'Con người và sức khỏe' môn Khoa học ở Tiểu học

Tích hợp giáo dục giới tính vào hệ thống giáo dục để đảm bảo sự tiến bộ trong việc giáo dục, hạn chế sự bất bình đẳng và giải quyết các vấn đề liên quan đến giới tính cho học sinh.

Tác giả: Phạm Việt Quỳnh*, Phan Thị Hồng The

Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội

[Tạp chí Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam Số 3, tháng 03 năm 2024]

nckh

TÓM TẮT: Tích hợp giáo dục giới tính vào hệ thống giáo dục để đảm bảo sự tiến bộ trong việc giáo dục, hạn chế sự bất bình đẳng và giải quyết các vấn đề liên quan đến giới tính cho học sinh. Để góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học, bài viết đã đề xuất quy trình và ví dụ minh họa tích hợp giáo dục giới tính trong dạy học chủ đề “Con người và sức khỏe” môn Khoa học. Đồng thời, quá trình dạy học giáo dục giới tính có đề cập đến việc sử dụng các poster, tranh ảnh... làm phương tiện dạy học nhằm tăng cường hứng thú học tập, giúp học sinh tiểu học hiểu được vấn đề nhạy cảm, khó diễn đạt một cách khoa học, dễ hiểu và góp phần nâng cao hiệu quả tích hợp giáo dục giới tính trong môn Khoa học.

TỪ KHÓA: Tích hợp, giáo dục giới tính, môn Khoa học, học sinh, Tiểu học.

1. Đặt vấn đề

Giáo dục giới tính là vấn đề được các nước trên thế giới và Việt Nam đặc biệt quan tâm. Hằng năm, số trẻ em có thai ngoài ý muốn, bị bắt cóc, bị xâm hại tình dục,… ngày càng tăng cao. UNESCO cho rằng, giáo dục giới tính và tình dục toàn diện là một quy trình dạy và học lồng ghép trong chương trình giáo dục về các khía cạnh: nhận thức, tâm lí, thể chất và xã hội của tính dục. Nội dung cơ bản của giáo dục giới tính và tình dục toàn diện không chỉ về giáo dục về sinh sản, rủi ro và bệnh tật mà còn đề cập đến các mối quan hệ, tính dục tích cực, cũng như các ảnh hưởng văn hóa xã hội và giới đối với sức khỏe sinh sản hoặc sức khỏe tình dục với trọng tâm là phát triển các kĩ năng sống [1]. Nguyễn Lan Phương (2013) cho rằng, giáo dục giới tính là một dạng hoạt động học tập trong nhà trường phổ thông nhằm trang bị kiến thức giới tính và hình thành nên những phẩm chất, đặc điểm cũng như tâm thế của nhân cách con người, quy định nên thái độ, hành vi cần thiết cho xã hội con người đó đối với những đại diện của giới kia [2].

Mặc dù trình độ học vấn ngày càng tăng nhưng bất bình đẳng giới trong giáo dục vẫn tồn tại. Phân biệt giới và sự đối xử bất bình đẳng đối với nam và nữ trong các trường tiểu học vẫn là vấn đề cần được quan tâm [3]. Các nhà nghiên cứu Subrahmanian (2007), Nurhasanah (2021) đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục giới tính cho học sinh ở các trường tiểu học. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, tích hợp giới tính vào hệ thống giáo dục để đảm bảo sự tiến bộ trong việc giáo dục cho các học sinh nữ đồng thời hạn chế sự bình đẳng và giải quyết các vấn đề liên quan đến giới tính [4], [5].

Giáo dục giới tính góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông cấp Tiểu học. Mục tiêu giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học nhằm cung cấp đầy đủ các kiến thức cơ bản về độ tuổi dạy thì, các bộ phận sinh dục trên cơ thể, các biện pháp chăm sóc và bảo vệ cơ thể, phòng chống bạo lực tình dục, giới tính, kĩ năng tự bảo vệ bản thân, tôn trọng cơ thể người khác [6]. Ở cấp Tiểu học, giáo dục giới tính góp phần giải quyết mẫu thuẫn giữa sự thay đổi về cơ thể tuổi dậy thì với nhận thức, sự hiểu biết của các em về vấn đề giới tính. Đồng thời, giáo dục giới tính nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sự bình đẳng giới; góp phần trang bị cho các em tri thức và kĩ năng để bảo vệ bản thân, tránh được những hậu quả đáng tiếc liên quan đến lạm dụng và xâm hại tình dục. Nội dung giáo dục giới tính được cung cấp chính thức trong chủ đề “Con người và sức khỏe” trong môn Tự nhiên và Xã hội, môn Khoa học ở cấp Tiểu học [6]. Hơn nữa, dậy thì ở trẻ thường bắt đầu xuất hiện từ 8 - 14 tuổi, tức là học sinh cuối cấp Tiểu học và đầu cấp Trung học cơ sở [7]. Do đó, trong phạm vi bài viết này, nghiên cứu trên cơ sở phân tích nội dung giáo dục giới tính trong chủ đề “Con người và sức khỏe” môn Khoa học ở Tiểu học, đề xuất quy trình dạy học tích hợp giới tính trong chủ đề này cho học sinh tiểu học và ví dụ minh họa cụ thể.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Nội dung tích hợp giáo dục giới tính trong chủ đề “Con người và sức khỏe” môn Khoa học ở Tiểu học

Giáo dục giới tính được đưa vào chương trình các môn học học bắt buộc hoặc các hoạt động giáo dục bảo đảm phù hợp với sự phát triển tâm sinh lí lứa tuổi học sinh tiểu học. Cụ thể, trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Tiểu học, nội dung dung giáo dục giới tính được đưa vào các môn học và hoạt động giáo dục như: Môn Đạo đức, môn Tự nhiên và Xã hội (Lớp 1, 2, 3), Khoa học (Lớp 4, 5), hoạt động trải nghiệm [6]… Chương trình môn Khoa học gồm các chủ đề là: Chất, Năng lượng, Thực vật và động vật, Nấm và vi khuẩn, Con người và sức khỏe, Sinh vật và môi trường. Trong đó, chủ đề “Con người và sức khỏe” thể hiện rõ nét các nội dung giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học, cụ thể như sau:

- Sự sinh sản và phát triển ở người: Nêu được ý nghĩa của sự sinh sản ở người; Phân biệt được đặc điểm sinh học và đặc điểm xã hội của nam và nữ; Thể hiện được thái độ, thực hiện tôn trọng các bạn cùng giới và khác giới; Sử dụng được sơ đồ và một số thuật ngữ (trứng, tinh trùng, sự thụ tinh,...) để trình bày quá trình hình thành cơ thể người; Phân biệt được một số giai đoạn phát triển chính của con người (tuổi ấu thơ, tuổi dậy thì, tuổi trưởng thành,...).

- Chăm sóc sức khoẻ tuổi dậy thì: Nêu và thực hiện được những việc cần làm để chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở tuổi dậy thì; Giải thích được sự cần thiết phải giữ vệ sinh cơ thể, đặc biệt ở tuổi dậy thì; Có ý thức và kĩ năng thực hiện vệ sinh cơ thể, đặc biệt là vệ sinh cơ quan sinh dục ngoài.

- An toàn trong cuộc sống: Phòng tránh bị xâm hại; Nói được về cảm giác an toàn và quyền được an toàn, bảo vệ sự toàn vẹn của cá nhân và phản đối mọi sự xâm hại; Trình bày những nguy cơ dẫn đến xâm hại tình dục và cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại; Lập được danh sách những người đáng tin cậy để được giúp đỡ khi cần; Đưa ra được yêu cầu giúp đỡ khi bản thân hoặc bạn bè có nguy cơ bị xâm hại.

Bên cạnh đó, một số nội dung trong chương trình môn Khoa học đã có nội dung giáo dục giới tính. Một số nội dung khác giáo viên tích hợp vào trong quá trình dạy học. Ví dụ: Khi dạy về mạch nội dung Chế độ ăn uống cân bằng có thể tích hợp nội dung về chế độ ăn uống cân bằng cho tuổi dậy thì để giúp các em có cơ thể khỏe mạnh cao lớn hoặc khi dạy nội dung một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng có thể tích hợp về nội dung những thực phẩm không tốt cho sức khỏe và gây dậy thì sớm ở trẻ (đồ uống có ga, nước ngọt, thịt chiên nướng, đồ ăn nhanh…).

2.2. Quy trình tích hợp giáo dục giới tính trong dạy học chủ đề “Con người và sức khỏe” môn Khoa học ở Tiểu học

2.2.1. Quy trình

Trên cơ sở tìm hiểu tài liệu Nguyễn Minh Giang và cộng sự [8], [9], chúng tôi xin đề xuất quy trình tích hợp giáo dục giới tính trong môn Khoa học ở Tiểu học gồm các bước sau đây:

Bước 1: Xác định yêu cầu cần đạt của bài dạy/chủ đề tích hợp giáo dục giới tính

Nghiên cứu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Khoa học để liệt kê được yêu cầu cần đạt của bài dạy/chủ đề tích hợp giáo dục giới tính. Từ đó làm căn cứ chuẩn bị đồ dùng và thiết kế các hoạt động học tập.

Bước 2: Chuẩn bị đồ dùng phương tiện phục vụ cho bài dạy/chủ đề tích hợp giới tính

Trong dạy học, phương tiện dạy học không chỉ được dùng để hình thành kiến thức mà còn góp phần gây hứng thú học tập, kích thích sự tìm tòi, khám phá kiến thức của học sinh. Do đó, để tích hợp giáo dục giới tính đạt hiệu quả tốt, việc chuẩn bị các phương tiện dạy học hỗ trợ là điều không thế thiếu và cần được chú trọng. Nội dung giáo dục giới tính thể hiện qua tranh ảnh, poster, truyện tranh, video... với những hình ảnh bắt mắt, nội dung ngắn gọn súc tích sẽ kích thích sự hứng thú học tập của học sinh. Hơn nữa, thông qua những tranh ảnh, poster, truyện tranh, video..., những vấn đề nhạy cảm, khó diễn đạt trở nên gần gũi, dễ hiểu để các em có cách hiểu đúng đắn. Tuy nhiên, khi thiết kế những phương tiện dạy học này cần đảm bảo các yêu cầu sau: 1/ Đảm bảo tính chính xác, khoa học của nội dung tích hợp giáo dục giới tính; 2/ Đảm bảo tính sư phạm: Phù hợp nội dung bài dạy đáp ứng yêu cầu cần đạt của nội dung bài học hay chủ đề tích hợp giáo dục với giới tính và nổi bật tính trực quan. Những hình ảnh hay nội dung quan trọng cần được nhấn mạnh bằng màu sắc hay độ lớn để học sinh dễ dàng nhận ra, kích thích sự hứng thú; 3/ Đảm bảo tính thẩm mĩ: Font chữ rõ ràng, kích cỡ chữ không nên nhỏ quá. Hình ảnh rõ ràng, đẹp, hấp dẫn để học sinh hứng thú quan sát, nhờ đó nâng cao hiệu quả học tập; 4/ Hàm lượng thông tin trong poster, truyện tranh, video… ngắn gọn, súc tích, phù hợp thời lượng dành cho nội dung học tập và phù hợp với đối tượng học sinh lớp 4, 5.

Bước 3: Thiết kế các hoạt động dạy học tích hợp giáo dục giới tính

Trên cơ sở yêu cầu cần đạt, các phương tiện đồ dùng đã chuẩn bị (poster, truyện tranh, video) kết hợp với việc nghiên cứu các tài liệu sách giáo khoa, sách giáo viên, các tài liệu giáo dục giới tính liên quan. Giáo viên thiết kế các hoạt động dạy học theo tiến trình dạy học: Hoạt động khởi động; Hoạt động hình thành kiến thức mới à Hoạt động luyện tập - thực hành; Hoạt động vận dụng, trải nghiệm [10]. Khi thiết kế các hoạt động dạy học, giáo viên cần lựa chọn các phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của học sinh tiểu học, phù hợp với dạy học nội dung tích hợp giáo dục giới tính.

Bước 4: Tổ chức dạy học tích hợp giáo dục giới tính

Ở bước này, giáo viên tổ chức dạy học tích hợp giáo dục giới tính theo tiến trình đã được thiết kế, trong đó có sử dụng các poster, truyện tranh, video... có nội dung giáo dục giới tính liên quan đến bài dạy/chủ đề tích hợp. Việc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh cần rõ ràng, khả thi, nêu rõ yêu cầu về sản phẩm, thời gian thực hiện, đảm bảo tất cả học sinh đều phải thực hiện nhiệm vụ.

Trong quá trình học sinh thực hiện nhiệm vụ, giáo viên cần khuyến khích học sinh hợp tác, giúp đỡ nhau, luôn chú ý quan sát bao quát lớp, kịp thời phát hiện những học sinh đang gặp khó khăn và hỗ trợ kịp thời, không “bỏ quên” học sinh nào. Sau khi học sinh hoàn thành nhiệm vụ, giáo viên tổ chức cho đại diện học sinh trình bày kết quả, các nhóm khác nhận xét và bổ sung nhằm giúp các em chính xác hóa kiến thức mà học sinh đã học được thông qua hoạt động. Hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục giới tính được tiến hành linh hoạt, có thể tổ chức dạy học theo lớp, cá nhân hay nhóm; Dạy học ở trong lớp, ngoài sân trường, hay ngoài khuôn viên nhà trường…; Tăng cường thực hành, trải nghiệm, rèn luyện kĩ năng ứng phó với các tình huống có nguy cơ bị xâm hại trong việc xử lí các tình huống cụ thể của đời sống.

Bước 5: Đánh giá và điều chỉnh sau bài dạy

Sau khi thực hành giảng dạy tiết học, giáo viên tự đánh giá xem việc chuẩn bị các phương tiện dạy học đã đầy đủ chưa? Nội dung, hình ảnh các poster, truyện tranh, hay video có phù hợp với học sinh không? Có phù hợp với nội dung bài dạy không? Có kích thích sự chú ý của học sinh không? Bài dạy của mình đã đáp ứng yêu cầu cần đạt chưa?... để rút ra những ưu điểm và hạn chế của tiết dạy. Từ đó, giáo viên có những biện pháp cụ thể và rút kinh nghiệm cho các bài dạy sau nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

2.2.2. Ví dụ minh họa

Minh họa quy trình tích hợp giáo dục giới tính trong dạy học chủ đề “Phòng tránh bị xâm hại” môn Khoa học lớp 5 (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018).

Bước 1: Xác định yêu cầu cần đạt của bài dạy/ chủ đề tích hợp giáo dục giới tính

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Khoa học, một trong những yêu cầu cần đạt của chủ đề trên là: “Trình bày được những nguy cơ dẫn đến bị xâm hại tình dục và cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại”. Như vậy, nội dung của bài học cũng là nội dung giáo dục giới tính. Muốn nâng cao chất lượng dạy học khi dạy nội dung này, giáo viên cần chú trọng đến việc chuẩn bị các đồ dùng dạy học.

Bước 2: Chuẩn bị đồ dùng phương tiện dạy học

Dựa trên cơ sở yêu cầu cần đạt của bài dạy, giáo viên thiết kế các tranh ảnh (xem Hình 1), poster (xem Hình 2) có nội dung về các tình huống có nguy cơ bị xâm hại và biện pháp phòng tránh cụ thể như sau: Sử dụng phần mềm Canva để thiết kế tranh ảnh và poster (xem Hình 1 và Hình 2) theo các bước như sau: Bước 1. Tìm và chọn mẫu phù hợp với nội dung giáo dục giới tính cần thiết kế; Bước 2. Chọn lọc nội dung và hình ảnh phù hợp; Bước 3. Sắp xếp lại bố cục kênh hình và kênh chữ hợp lí; Bước 4. Tải tranh ảnh hoặc poster về và sử dụng.

Bước 3: Thiết kế các hoạt động dạy học tích hợp giáo dục giới tính

Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chủ đề “Phòng tránh bị xâm hại” môn Khoa học lớp 5 (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018) đã xác định ở Bước 1 là: Trình bày được những nguy cơ dẫn đến bị xâm hại tình dục và cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại. Giáo viên thiết kế các hoạt động học tập gồm:

Hoạt động 1: Khởi động: Giáo viên đưa ra tình huống có nguy cơ bị xâm hại ở bể bơi và yêu cầu học sinh giải quyết, từ đó giáo viên dẫn dắt vào bài. Hoạt động này có ý nghĩa tạo tâm thế, tạo động lực để học sinh mong muốn học kiến thức mới liên quan đến nội dung phòng tránh sự xâm hại.

Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới, bao gồm:

image004

Hình 1: Tranh ảnh về một số tình huống có nguy cơ bị xâm hại

image006

Hình 2: Poster - Bông hoa cảnh báo (Cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại)

Hoạt động 2.1: Tổ chức quan sát tranh (xem Hình 1) và thảo luận nhóm để tìm hiểu một số tình huống có nguy cơ bị xâm hại. Yêu cầu cần đạt của hoạt động này là học sinh trình bày được một số tình huống có nguy cơ bị xâm hại như: đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ; ở trong phòng kín với người lạ; nhận được quà hoặc nhận được sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không có lí do,...; Hoạt động 2.2: Giáo viên tổ chức cho học sinh tham gia trò chơi “Truyền điện” để tìm hiểu về cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại. Yêu cầu cần đạt của hoạt động này là học sinh kể được các cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại.

Hoạt động 3: Luyện tập, thực hành. Giáo viên yêu cầu học sinh viết kịch bản và đóng vai các tình huống có nguy cơ bị xâm hại và cách ứng phó. Yêu cầu cần đạt của hoạt động này là kịch bản về tình huống có nguy cơ bị xâm hại và cách ứng phó. Sau đó đóng vai thể hiện tình huống đó trước cả lớp.

Hoạt động 4: Vận dụng, trải nghiệm: Giáo viên tổ chức cho học sinh làm việc nhóm để thiết kế poster giúp tuyên truyền về các cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại. Yêu cầu cần đạt là làm được poster có nội dung về các cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại, được đánh giá theo các tiêu chí ở Bảng 1.

Bước 4: Tổ chức dạy học tích hợp giáo dục giới tính

Dựa trên tiến trình dạy học đã thiết kế trên, giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động học tập.

Hoạt động 1: Khởi động: Giáo viên nêu tình huống: Lan năm nay học lớp 5, Lan rất thích bơi. Một hôm chủ nhật được nghỉ học nên Lan được bố mẹ đưa đi bơi, trong lúc bơi có một thanh niên bơi áp sát vào người Lan và dùng tay sờ vào vùng riêng tư của Lan khiến cô bé rất khó chịu. Giáo viên nêu câu hỏi: Nếu em là Lan em sẽ làm gì? Sau khi học sinh trả lời, giáo viên nhận xét, dẫn dắt vào bài mới: “Trong cuộc sống luôn ẩn chứa rất nhiều những nguy cơ bị xâm hại. Vậy làm thế nào chúng ta nhận biết và phòng tránh chúng để giữ an toàn cho bản thân mình? Cô trò chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu bài học ngày hôm nay: “Phòng tránh bị xâm hại”.

Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới

Hoạt động 2.1: Tìm hiểu một số tình huống có nguy cơ bị xâm hại. Giáo viên tổ chức cho học sinh quan sát tranh ảnh (xem Hình 1) về một số tình huống có nguy cơ bị xâm hại trong cuộc sống. Giáo viên yêu cầu học sinh thảo luận nhóm đôi để trả lời câu hỏi: Trong các tình huống trên, đâu là tình huống an toàn, đâu là tình huống có nguy cơ bị xâm hại? Vì sao? Sau đó, các nhóm gọi đại diện 2 - 3 học sinh trả lời câu hỏi. Giáo viên có thể mở rộng kiến thức thông qua việc yêu cầu học sinh liệt kê một số tình huống có nguy cơ bị xâm hại khác mà em biết.

Hoạt động 2.2: Tìm hiểu về cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại. Giáo viên sử dụng kĩ thuật động não, tổ chức cho học sinh chơi trò chơi “Truyền điện”. Học sinh lần lượt kể các cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại ở Hình 1: Không đi một mình nơi tối tăm, vắng vẻ; Hét to “Không”, bỏ chạy khi có người đụng chạm vùng riêng tư trên cơ thể mình; Không nhận tiền, quà từ người lạ; Không nhận sự giúp đỡ mà không nói lí do của người lạ; Không mở cửa cho người lạ vào nhà. Sau đó, giáo viên hướng dẫn học sinh tóm tắt lại các cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại.

Hoạt động 3: Luyện tập, thực hành. GV chia lớp học sinh thành năm nhóm. Sau đó, giáo viên yêu cầu nhóm 1,2,3,4,5 lần lượt nghiên cứu nội dung 1,2,3,4,5 trong poster (xem Hình 2) và viết kịch bản tương ứng cho từng cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm và đóng vai thể hiện tình huống đó.

Hoạt động 4: Vận dụng, trải nghiệm: Thiết kế poster giúp tuyên truyền về các cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại. Giáo viên yêu cầu học sinh làm việc theo nhóm thiết kế một poster thể hiện các cách phòng tránh, ứng phó khi có nguy cơ bị xâm hại để tuyên truyền cho bạn bè và những người xung quanh.

Bảng 1: Các tiêu chí đánh giá poster tuyên truyền về cách phòng tránh, fíng phó khi có nguy cơ bị xâm hại

 

Tiêu chí

Tốt

Đạt

Chưa đạt

Nội dung poster

Thể hiện rõ đầy đủ, chính xác các cách phòng tránh, fíng phó khi có nguy cơ bị xâm hại.

Thể hiện chính xác, nhưng chưa đầy đủ các cách phòng tránh, fíng phó khi có nguy cơ bị xâm hại.

Thể hiện chưa chính xác, đầy đủ các cách phòng tránh, fíng phó khi có nguy cơ bị xâm hại.

Hình thức poster

- Sáng tạo, thu hút mọi người.

- Bố cục, hình ảnh, màu sắc hài hòa, đẹp, kênh chữ rõ ràng, dễ đọc.

- Tương đối sáng tạo và thu hút mọi người.

- Bố cục, hình ảnh, màu sắc tương đối hài hòa, đẹp; kênh chữ tương đối rõ ràng, dễ đọc.

- Chưa sáng tạo, không hút người khác.

- Bố cục, hình ảnh, màu sắc chưa hài hòa, không đẹp; kênh chữ khó đọc.

Hoạt động nhóm

Tất cả các thành viên đều tham gia tích cực, có tinh thần trách nhiệm.

Có những thành viên chưa tham gia tích cực, chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm.

Các thành viên của nhóm chưa tích cực trong việc thiết kế poster.

Báo cáo

Giới thiệu được sản phẩm poster của nhóm rõ ràng, logic, hấp dẫn và thu hút được sự chú ý các bạn trong lớp.

Giới thiệu được sản phẩm poster của nhóm rõ ràng, logic, nhưng chưa thực sự hấp dẫn và thu hút được sự chú ý các bạn trong lớp.

Lúng túng trong việc giới thiệu sản phẩm poster của nhóm. Báo cáo chưa rõ ràng, logic, chưa hấp dẫn và thu hút được sự chú ý các bạn trong lớp.

Giáo viên tổ chức cho học sinh báo cáo sản phẩm. Đại diện các nhóm trưng bày poster và nêu biện pháp ứng phó với mỗi tình huống bị xâm hại đó. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh sử dụng phần mềm Canva hoặc tự vẽ để tạo ra sản phẩm poster của mình (xem Hình 2). Các nhóm nhận xét và đánh giá poster của nhóm bạn dựa trên các tiêu chí ở Bảng 1.

Bước 5: Đánh giá và điều chỉnh sau bài dạy

Sau khi giảng dạy, giáo viên tự đánh giá và điều chỉnh bài giảng của mình để rút kinh nghiệm cho những tiết dạy sau.

3. Kết luận

Bài viết trên cơ sở xác định các nội dung thuận lợi cho dạy học tích hợp giáo dục giới tính trong chủ đề “Con người và sức khỏe” môn Khoa học ở Tiểu học như: Dinh dưỡng ở người (dinh dưỡng cho độ tuổi dậy thì); Sự sinh sản và phát triển ở người, Chăm sóc sức khoẻ tuổi dậy thì; An toàn trong cuộc sống: Phòng tránh bị xâm hại. Từ đó, phân tích các bước tích hợp giáo dục giới tính trong dạy học chủ đề “Con người và sức khỏe” môn Khoa học ở Tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Từ quy trình và ví dụ minh họa nêu trên giúp giáo viên tiểu học tổ chức được các hoạt động giáo dục giới tính hấp dẫn thông qua việc sử dụng các phương tiện dạy học trực quan như tranh ảnh, poster... góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học.

Tài liệu tham khảo

[1] UNESCO, (2020), Báo cáo đánh giá tóm tắt năm 2020 về tình hình giáo dục giới tính và tình dục toàn diện ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, https://unesdoc. unesco.org/ark:/48223/pf0000377782_vie.

[2] Nguyễn Phương Lan, (2013), Trở lại tâm lí của học sinh trung học cơ sở trong giáo dục giới tính, Luận án Tiến sĩ Tâm lí học, Học viện Khoa học Xã hội

[3] Gastineau, B., Gnele, J., & Mizochounnou, S, (2015), School Practices and Gender in Primary Schools in Cotonou, Autrepart, 7475(2), 3-22.

[4] Subrahmanian, R., (2007), Gender in Primary and Secondary Education: A handbook for policy-makers and other stakeholders, Commonwealth Secretariat.

[5] Sumantri, M. S., (2021), Pengelolaan Pendidikan Berbasis Kebijakan Gender Di Salah Satu Sekolah Dasar Banten, Elementary school journal pgsd fip unimed, 11(1), 79-88.

[6] Bộ Giáo dục và Đào tạo, (26/12/2018), Chương trình Giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT).

[7] Đỗ Hồng Cường - Phạm Việt Quỳnh, (2018), Giáo trình Sinh lí học trẻ em lứa tuổi tiểu học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.17-18.

[8] Nguyễn Minh Giang - Phạm Tường Yến Vũ - Nguyễn Thị Mai Hương, (2019), Thiết kế một số nội dung, phương tiện và phương pháp dạy học giáo dục giới tính cho học sinh tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh theo định hướng phát triển năng lực, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, số 64, tập 1, tr.27-36

[9] Nguyễn Minh Giang - Lê Thị Thu Lý, (01/2019), Xây dựng một số nội dung và hoạt động giáo dục giới tính cho học sinh lớp 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Giáo dục, số 446, Kì 2, tr.24-29; 19.

[10] Bộ Giáo dục và Đào tạo, (07/6/2021), Công văn 2345/ BGDĐT-GDTH Hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp Tiểu học.

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính