Tác giả: Phạm Thị Phương Thức, Phan Thị Hương Giang, Bùi Thị Thao
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
TÓM TẮT: Bài viết phân tích vấn đề sức khỏe tâm thần của 1.317 học sinh tiểu học tại Hà Nội. Phương pháp chính sử dụng là nghiên cứu tài liệu và điều tra bằng bảng hỏi, trong đó, Thang đo Điểm mạnh và Khó khăn - SDQ phiên bản dành cho cha mẹ học sinh được nhóm nghiên cứu lựa chọn. Kết quả điều tra cho thấy, 41% học sinh tiểu học tại Hà Nội có dấu hiệu đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, 29% học sinh ở mức ranh giới lâm sàng. Học sinh tiểu học có dấu hiệu đang gặp các vấn đề khó khăn trong quan hệ bạn bè nhiều hơn cả với 18.3% học sinh ở mức có biểu hiện lâm sàng và 21.9% học sinh ở ranh giới/nguy cơ lâm sàng. Bài viết so sánh kết quả nghiên cứu này với các công bố khoa học trong thời gian gần đây khi sử dụng thang đo SDQ để khảo sát trên đối tượng học sinh. Các yếu tố giới tính và khối lớp cũng được phân tích để chỉ ra sự khác biệt có ý nghĩa. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh tiểu học tại Việt Nam.
TỪ KHÓA: Sức khỏe tâm thần, SDQ, lâm sàng, học sinh, tiểu học.
1. Đặt vấn đề
Lứa tuổi học sinh là giai đoạn quan trọng để định hình lối sống và nhân cách. Trong quá trình đó, có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức gây ra khó khăn cho học sinh. Việc giải quyết thành công những khó khăn về phát triển, học tập và xã hội thời kì này sẽ giúp học sinh đạt được bước tiến trong nhận thức và học tập, có cuộc sống học đường tích cực và hạnh phúc. Tuy nhiên, nhiều học sinh phổ thông hiện nay đang gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu của Unicef tại Việt Nam (2022) [1] chỉ ra rằng, có từ 12-40% học sinh gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Những vấn đề này ở giai đoạn khởi phát nếu không được hỗ trợ kịp thời có khả năng sẽ ảnh hưởng đến tiến trình phát triển, kết quả học tập và chất lượng cuộc sống của học sinh.
Đứng trước xu hướng vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng gia tăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan Nhà nước có liên quan đã ban hành các văn bản pháp lí tạo “hành lang” cho công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh như: Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lí cho học sinh trong trường phổ thông; Quyết định số 2138/QĐ- BGDĐT ngày 03 tháng 8 năm 2022 Ban hành Kế hoạch giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022 - 2025; Thông tư 20/2023/TT-BGDDT ngày 30 tháng 10 năm 2023 hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập [2],[3],[4]. Từ đó, nhà trường phổ thông nói chung, trường tiểu học nói riêng có căn cứ xây dựng các chiến lược, kế hoạch và chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh. Song cho đến nay, việc triển khai công tác này trong các nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh đã được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu thốn cả về nguồn lực con người và điều kiện khác để thực hiện đồng bộ.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Khách thể và phương pháp nghiên cứu
2.2. Khách thể nghiên cứu
Sức khỏe tâm thần của học sinh tiểu học tại Hà Nội được khảo sát thông qua 1.317 cha mẹ học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 5 (tháng 10 năm 2023).
Phân bố mẫu khảo sát của 1317 học sinh tiểu học tại Hà Nội ở cả 5 khối lớp như sau: 20.1% học sinh lớp 1; 18.6% học sinh lớp 2; 20.6% học sinh lớp 3; 18.9% học sinh lớp 4 và 21.8% học sinh lớp 5. Tỉ lệ học sinh phân chia theo giới tính bao gồm: 52.6% học sinh nam, 47.4% học sinh nữ (xem Biểu đồ 1).
Trong số 1317 học sinh, có 96.4% học sinh “Chưa bao giờ” từng nhận sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lí chuyên nghiệp, 3% học sinh “Một vài lần” nhận sự hỗ trợ từ chuyên gia và 0.6% học sinh đã nhận sự hỗ trợ nhiều lần. Thời gian nghiên cứu được tiến hành vào tháng 10 năm 2023 qua hình thức khảo sát trực tuyến bằng link Google form.
2.1.2. Phương pháp nghiên cứu
Để đánh giá tình hình sức khỏe tâm thần của học sinh tiểu học tại Hà Nội, chúng tôi lựa chọn thang đo Điểm mạnh và Khó khăn (Strengths and Difficulties Questionnaire, SDQ) phiên bản dành cho cha mẹ để tiến hành khảo sát một số vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến. Đây là bảng hỏi dùng cho phát hiện ban đầu các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em từ 4-17 tuổi, do Robert Goodman (1997) thuộc Viện Tâm thần London đề xuất [5]. SDQ có tỉ lệ phát hiện biểu hiện lâm sàng đúng và tỉ lệ loại trừ vấn đề sức khỏe tâm thần đúng đạt từ 70 đến 95% khi so sánh với kết quả khám chuẩn của chuyên gia tâm lí, tâm thần quốc tế. Tổng số mệnh đề của SDQ là 25 được chia vào 5 tiểu thang đo: Vấn đề cảm xúc (5 item), vấn đề ứng xử (5 item), tăng động/giảm chú ý (5 item), vấn đề quan hệ bạn bè (5 item) và hành vi xã hội (5 item). Mỗi item của thang đo có 3 phương án trả lời theo mức độ: 0 - Không đúng; 1 - Đúng một phần; 2 - Chắc chắn đúng. Tổng điểm SDQ - phiên bản cho cha mẹ nằm trong khoảng 0 (sức khỏe tâm thần tốt) đến 40 (có vấn đề về sức khỏe tâm thần). Việc phân chia các mức độ ở 3 mức: Bình thường/không có khó khăn (0-13 điểm), ranh giới lâm sàng (14-16 điểm) và ngưỡng lâm sàng/có khó khăn (17-40 điểm). Tổng điểm khó khăn dựa trên bốn lĩnh vực đầu tiên, trong khi lĩnh vực thứ năm đề cập đến điểm mạnh. Việc đánh giá bằng SDQ có thể được thực hiện bởi trẻ em, phụ huynh hoặc giáo viên, tùy thuộc vào người dùng. Tuy nhiên, việc tự đánh giá có thể phù hợp hơn với trẻ lớn và thanh thiếu niên.
Ở Việt Nam, thang đo SDQ được dịch và chuẩn hóa lần đầu tiên trong đề tài cấp Bộ của tác giả Trần Tuấn (2006) [6]. Sau đó, nhóm tác giả Đặng Hoàng Minh, Bahr Weiss, Nguyễn Cao Minh (2013) đã Việt hóa trong một nghiên cứu diện rộng ở phạm vi toàn quốc [7]. Hiện nay, SDQ được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam trong các lĩnh vực tâm thần học và tâm lí học (Weiss và cộng sự, 2014; UNICEF, 2021) [8].
2.2. Tình hình sức khỏe tâm thần của học sinh tiểu học tại Hà Nội
Chúng tôi đánh giá sức khỏe tâm thần của 1.317 học sinh tiểu học tại Hà Nội bằng thang đo SDQ - phiên bản cho cha mẹ. Kết quả thể hiện ở Biểu đồ 2 dưới đây:
Kết quả khảo sát cho thấy, 30% học sinh tiểu học tại Hà Nội không gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần, một tỉ lệ tương đối lớn (29%) học sinh ở mức nguy cơ, cần có sự hỗ trợ (phòng ngừa, hướng dẫn) để các em vượt qua các vướng mắc đang gặp phải, đặc biệt có tới 41% học sinh đang có biểu hiện “lâm sàng” ở các khía cạnh khác nhau của sức khỏe tâm thần cần được can thiệp tâm lí (tham vấn, trị liệu). So sánh tỉ lệ này với các nghiên cứu cùng sử dụng công cụ SDQ thì tỉ lệ học sinh tiểu học tại Hà Nội gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần ở mức cao. Kết quả được thể hiện ở Bảng 1.
Bảng 1: Kết quả nghiên cứu thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh trong một số nghiên cứu
Nghiên cứu | Kết quả |
Nareerut Pudpong và cộng sự (2023). Các vấn đề tâm lí xã hội ở học sinh tiểu học ở Thái Lan trong đại dịch COVID-19, năm 2022. Tạp chí Bác sĩ Y tế Nhi khoa. 14: 159-168. doi: 10.2147/PHMT.S396706 | - Mẫu nghiên cứu: 701 học sinh tiểu học tại 10 trường thuộc 5 tỉnh đại diện các vùng miền của Thái Lan - SDQ phiên bản cho cha mẹ. - 41.1% học sinh có nguy cơ và gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. - 68,9% trẻ nhỏ gặp vấn đề về mối quan hệ bạn bè, tiếp theo là 37,4% có vấn đề về ứng xử và 30% có vấn đề về tăng động. - 13.7% là tỉ lệ trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần trong điều kiện bình thường (không phải bối cảnh COVID-19) (Wongtapitien. J, 2011). |
Thumann BF, Nur U, Naker D, Devries KM. (2016). Sức khỏe tâm thần của học sinh tiểu học ở Uganda và mối liên hệ của nó với bạo lực học đường, sự kết nối và đặc điểm của trường học: một nghiên cứu cắt ngang. BMC Y tế Công cộng.16:662. | - Mẫu nghiên cứu: 3.565 học sinh từ 42 trường Tiểu học trong khuôn khổ Dự án Trường học tốt của Uganda. - 20.7% học sinh được phân loại có khó khăn về sức khỏe tâm thần. - Trẻ em có mức độ kết nối với trường học thấp có tỉ lệ gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần cao gấp 1,43 lần (1,11 đến 1,83) so với những trẻ có mức độ kết nối với trường học tốt. - Việc theo học tại một trường học ở thành thị làm tăng tỉ lệ gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần ở học sinh. |
H Maurice-Stam và cộng sự (2018). Các tiêu chuẩn của Hà Lan về Bảng câu hỏi Điểm mạnh và Khó khăn (SDQ) - mẫu dành cho phụ huynh dành cho trẻ từ 2-18 tuổi. Kết quả Cuộc sống Chất lượng Sức khỏe.16(1):123. doi: 10.1186/s12955- 018-0948-1. | - Mẫu nghiên cứu: 403 học sinh tiểu học từ 6-12 tuổi tại Hà Lan (trong tổng mẫu 1.174 trẻ từ 2-18 tuổi) - SDQ phiên bản dành cho cha mẹ. - 9.3% học sinh ở ngưỡng lâm sàng. - Các so sánh theo giới tính cho thấy bé trai có nhiều vấn đề về hành vi hơn bé gái (0,000 < p < 0,048), phổ biến nhất là chứng tăng động, giảm chú ý, các vấn đề về bạn bè, giao tiếp xã hội xã hội những khó khăn tổng thể. |
Xin Gao, Wenhui Shi, Yi Zhai, Liu He, Xiaoming Shi (2013). Kết quả Bảng câu hỏi Điểm mạnh và Khó khăn do phụ huynh đánh giá ở 22.108 học sinh tiểu học từ 8 tỉnh của Trung Quốc. Viện Tâm thần học Thượng Hải, 25(6):364-74. doi: 10.3969/j. issn.1002-0829.2013.06.005. | - Mẫu nghiên cứu: 22.108 học sinh tiểu học tại 8 tỉnh đại diện của Trung Quốc. - 11% trẻ có biểu hiện bất thường, 8% ở ngưỡng ranh giới theo SDQ - cha mẹ báo cáo. - Bé trai có nhiều khả năng gặp các vấn đề tăng động, giảm chú ý nhiều hơn bé gái. - Bé gái có khả năng gặp các vấn đề cảm xúc nhiều hơn bé trai. - Vấn đề về quan hệ bạn bè tăng theo độ tuổi. - Vấn đề hành vi, cảm xúc và quan hệ bạn bè phổ biến ở khu vực nông thôn hơn. |
Đặng Hoàng Minh và cộng sự (2013). Sức khỏe tâm thần trẻ em Việt Nam: Thực trạng và các yếu tố nguy cơ. Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. | - Mẫu nghiên cứu: 1.314 trẻ từ 6-16 tuổi đại diện 10 tỉnh/thành phố tại Việt Nam. - Tỉ lệ trẻ em trên điểm giới hạn là 13,2%, trong đó 8% ở ngưỡng ranh giới và 5.2% ở ngưỡng bất thường theo SDQ - cha mẹ báo cáo. - Tỉ lệ trẻ nam cao hơn nữ ở các vấn đề hành vi và tăng động, nữ cao hơn nam ở vấn đề tình cảm. - Theo các tiểu thang đo, tỉ lệ trẻ có vấn đề bạn bè là cao nhất với 20.7% ở mức bất thường, 19.51% ở mức ranh giới; tiếp theo là tỉ lệ các em có vấn đề tình cảm với 16.29% ở mức bất thường, 11.59% ở mức ranh giới. |
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tỉ lệ học sinh có dấu hiệu “bất thường” ở các lĩnh vực sức khỏe tâm thần gấp đôi so với các nghiên cứu trong thời gian qua khi cùng sử dụng thang đo SDQ. Điều này có thể lí giải một phần nguyên nhân. Thứ nhất, bối cảnh nghiên cứu vào năm 2023, sau đại dịch COVID-19 có thể là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến tình hình sức khỏe tâm thần của học sinh tiểu học Hà Nội. COVID-19 dẫn đến tỉ lệ học sinh tiểu học gặp nhiều các vấn đề hơn điều kiện bình thường đã được chỉ ra ở Thái Lan và các quốc gia trên thế giới (Nareerut Pudpong và cộng sự, 2023). Mặt khác, đại dịch có thể làm trầm trọng hơn các biểu hiện, triệu chứng về vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh. Thứ hai, nghiên cứu này sử dụng biểu mẫu khảo sát trực tuyến có thể là một yếu tố khác ảnh hưởng đến kết quả về sức khỏe tâm thần của học sinh. Thứ ba, trong phạm vi nghiên cứu, chúng tôi chọn mẫu ngẫu nhiên đơn giản từ cha mẹ học sinh ở một số trường tiểu học tại Hà Nội có thể dẫn đến tỉ lệ có vấn đề về sức khỏe tâm thần nêu trên. Có thể vì các lí do này dẫn đến kết quả nghiên cứu về tỉ lệ học sinh “bất thường” ở mức cao và không tương đồng với một số nghiên cứu công bố gần đây. Ở từng tiểu thang đo, kết quả đánh giá về sức khỏe tâm thần của học sinh tiểu học tại Hà Nội thể hiện ở Biểu đồ 3.
Biểu đồ 3 cho thấy, học sinh tiểu học tại Hà Nội có biểu hiện lâm sàng trong quan hệ bạn bè nhiều hơn cả với tỉ lệ 19.2% và 19.8% học sinh ở ranh giới/nguy cơ lâm sàng. Xếp vị trí thứ 2 là nhóm vấn đề hành vi của học sinh với 8.8% học sinh gặp khó khăn và 12.1% học sinh ở mức nguy cơ. Vấn đề tăng động/giảm chú ý cũng là lĩnh vực đáng quan tâm với 8.7% học sinh có biểu hiện lâm sàng. Các vấn đề cảm xúc và quan hệ xã hội có tỉ lệ học sinh gặp khó khăn ở mức thấp (trong khoảng trên dưới 5%). Kết quả này cũng có phần khác biệt so với các nghiên cứu sử dụng SDQ khảo sát ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Trong khi, với học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, vấn đề cảm xúc là lĩnh vực cần có sự quan tâm hàng đầu thì ở học sinh tiểu học Hà Nội, quan hệ bạn bè là lĩnh vực các em có nhiều biểu hiện khó khăn hơn cả.
Nhìn chung, có 41% học sinh tiểu học tại Hà Nội có dấu hiệu đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, có biểu hiện lâm sàng cần can thiệp (tham vấn, trị liệu) từ chuyên gia; 29% học sinh ở mức ranh giới/ nguy cơ gặp khó khăn cần sự hỗ trợ (phòng ngừa, hướng dẫn) của giáo viên, cha mẹ và phòng tư vấn tâm lí. Học sinh tiểu học tại Hà Nội có dấu hiệu đang gặp các vấn đề khó khăn trong quan hệ bạn bè với 18.3% học sinh ở mức có biểu hiện lâm sàng và 21.9% học sinh ở ranh giới/nguy cơ lâm sàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, học sinh tiểu học tại Hà Nội có nguy cơ cao đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần.
a. Tình hình sức khỏe tâm thần của học sinh tiểu học Hà Nội theo giới tính
Tỉ lệ học sinh tiểu học tại Hà Nội chia theo giới tính tham gia khảo sát có tỉ lệ là 47% học sinh nữ và 53% học sinh nam. Kết quả phân tích theo giới tính về sức khỏe tâm thần như sau (xem Biểu đồ 4):
Biểu đồ 4 cho thấy, tỉ lệ học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần ở học sinh nam cao hơn học sinh nữ (với điểm trung bình lần lượt của nam là 1.19 - Độ lệch chuẩn là 0.81 và nữ là 1.01- Độ lệch chuẩn là 0.85). Kết quả này có thể xuất phát do chệnh lệch tỉ lệ nam nữ trong mẫu nghiên cứu (nam sinh nhiều hơn nữ sinh 6%). So sánh với các nghiên cứu cùng sử dụng thang đo SDQ (Bảng 1) cho thấy, kết quả từ báo cáo này có sự tương đồng. Phân tích T - test cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa về tình hình sức khỏe tâm thần của học sinh nam và học sinh nữ tiểu học Hà Nội (p=0.000, <0.05). Ở từng tiểu thang đo, sự khác biệt về giới tính tương đối rõ ràng. Trong 5 lĩnh vực được sàng lọc bằng SDQ, 3 lĩnh vực cho kết quả khác biệt có ý nghĩa giữa học sinh nam và học sinh nữ tiểu học tại Hà Nội: Hành vi (p=0.002<0.05), ADHD (p=0.000<0.05) và Quan hệ bạn bè (p=0.002<0.05). Theo các lĩnh vực, học sinh nam có dấu hiệu lâm sàng ở các tiểu thang đo quan hệ bạn bè (22.6%) và tăng động giảm chú ý là nhiều nhất (11.7%). Trong khi đó, học sinh nữ có nhiều biểu hiện bất thường ở tiểu thang đo quan hệ bạn bè (15.2%) và hành vi (6.9%). Riêng ở lĩnh vực cảm xúc, học sinh nữ có biểu hiện lâm sàng (5.8% so với 4.8%) và nguy cơ (7.7% so với 5.3%) cao hơn học sinh nam.
b. Tình hình sức khỏe tâm thần của học sinh tiểu học Hà Nội theo khối lớp
Tỉ lệ theo khối lớp của 1317 học sinh tiểu học tại Hà Nội như sau: 20.1% học sinh lớp 1; 18.6% học sinh lớp 2; 20.6% học sinh lớp 3; 18.9% học sinh lớp 4 và 21.8% học sinh lớp 5. Kết quả SDQ thể hiện ở Bảng 2.
Xét theo khía cạnh khối lớp, học sinh lớp 5 và lớp 3 xuất hiện các biểu hiện lâm sàng và có nguy cơ gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần nhiều hơn so với các khối lớp còn lại. Cụ thể, học sinh lớp 5 có tỉ lệ ở ngưỡng lâm sàng và ranh giới/nguy cơ cao nhất trong tiểu thang đo về cảm xúc (7% và 6.3%), hành vi (12.2% và 16%) và giao tiếp xã hội (5.9% và 16%). Học sinh lớp 3 lại gặp khó khăn về các lĩnh vực cảm xúc (7% và 5.9%), tăng động giảm chú ý (12.2% và 4.4%) và quan hệ bạn bè (24.7% và 22.1%). Mặt khác, học sinh lớp 4 cũng có nhiều dấu hiệu lâm sàng ở tiểu thang đo giao tiếp xã hội (6%), có nguy cơ/ranh giới lâm sàng về cảm xúc (8%) và quan hệ bạn bè (22.3%). Sự khác biệt về sức khỏe tâm thần ở các khối lớp thể hiện rõ nhất ở nhóm Hành vi khi phân tích ANOVA cho thấy sig.=0.000<0.05.
Bảng 2: Thực trạng sức khỏe tâm thần của học sinh tiểu học tại Hà Nội theo khối lớp (tỉ lệ %)
Lớp | Về Cảm xúc | Về Hành vi | ADHD | Quan hệ bạn bè | Giao tiếp xã hội | |||||
RG | NLS | RG | NLS | RD | NLS | RD | NLS | RG | NLS | |
Lớp 1 | 6.0 | 2.3 | 9.4 | 4.2 | 6.4 | 8.3 | 16.2 | 16.6 | 14.7 | 3.4 |
Lớp 2 | 6.1 | 4.1 | 13.5 | 5.7 | 7.3 | 6.5 | 19.6 | 16.7 | 10.6 | 3.7 |
Lớp 3 | 5.9 | 7.0 | 10.7 | 10.7 | 4.4 | 12.2 | 22.1 | 24.7 | 15.1 | 4.1 |
Lớp 4 | 8.0 | 5.6 | 10.8 | 10.8 | 6.4 | 8.0 | 22.3 | 16.1 | 9.2 | 6.0 |
Lớp 5 | 6.3 | 7.0 | 16.0 | 12.2 | 8.0 | 8.7 | 19.9 | 20.9 | 16.0 | 5.9 |
Chung | 6.5 | 5.2 | 12.1 | 8.8 | 6.5 | 8.8 | 19.8 | 19.1 | 13.3 | 4.6 |
(Chú thích: RG: Ranh giới; NLS: Ngưỡng lâm sàng)
Như vậy, ở chiều cạnh giới tính, học sinh nam có dấu hiệu “lâm sàng” về sức khỏe tâm thần cao hơn học sinh nữ, đặc biệt là ở các tiểu thang đo hành vi, ADHD và quan hệ bạn bè, sự khác biệt có ý nghĩa đã được giải thích dưới góc độ Tâm lí học. Ở khía cạnh khối lớp, học sinh lớp 5 và lớp 3 được cáo cáo rằng, có biểu hiện “lâm sàng” về sức khỏe tâm thần nhiều hơn cả, cụ thể: Học sinh lớp 5 có dấu hiệu khó khăn ở các lĩnh vực cảm xúc, hành vi và giao tiếp xã hội; học sinh lớp 3 có dấu hiệu khó khăn ở các lĩnh vực cảm xúc, tăng động giảm chú ý và quan hệ bạn bè.
2.3. Một số khuyến nghị đối với công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh tiểu học thông qua phòng tư vấn học đường
Trong bối cảnh các vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh và thanh thiếu niên đang có xu hướng tăng cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản, kế hoạch thúc đẩy công tác này trong trường phổ thông nói chung, trường tiểu học nói riêng. Thông tư Số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 10 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, trong đó, vị trí việc làm “tư vấn học sinh” đã được đề xuất trong nhà trường phổ thông. Đây là hành lang quan trọng để triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh. Mặt khác, căn cứ vào kết quả nghiên cứu về tình hình sức khỏe tâm thần của học sinh tiểu học Hà Nội được báo cáo trên đây. Để công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh tiểu học Hà Nội thông qua phòng tư vấn học đường diễn ra hiệu quả trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu có một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần có kế hoạch triển khai đánh giá, sàng lọc trên diện rộng nhằm xác định tình hình sức khỏe tâm thần của học sinh tiểu học theo từng năm học, từng giai đoạn. Đây là căn cứ quan trọng để phòng tư vấn học đường xây dựng và phát triển các chương trình phòng ngừa trúng mục tiêu, dựa trên bằng chứng và đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Thứ hai, cần thiết xây dựng các chương trình phòng ngừa liên quan đến mối quan hệ bạn bè trong trường học. Việc thúc đẩy các mối quan hệ tích cực là nền tảng quan trọng để học sinh có trải nghiệm học đường hạnh phúc, đồng thời giảm thiểu tình trạng bắt nạt và bạo lực học đường.
Thứ ba, chương trình phòng ngừa dựa trên cơ sở giới cần được xây dựng và phát triển liên quan đến sự khác biệt về khó khăn ở từng lĩnh vực sức khỏe tâm thần của nam sinh và nữ sinh.
Thứ tư, phối hợp với các bên liên quan trong can thiệp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó vai trò của nhà tâm lí lâm sàng và giáo viên giáo dục đặc biệt là rất quan trọng.
3. Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy, học sinh tiểu học ở Hà Nội gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần ở mức độ khác nhau trong từng lĩnh vực, phân bố ở mức từ thấp đến cao và là vấn đề cần được quan tâm. Tỉ lệ này nằm trong dải tỉ lệ học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần được công bố trong các nghiên thời gian gần đây ở học sinh tiểu học.
Có 41% học sinh tiểu học tại Hà Nội có nguy cơ cao gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, có biểu hiện lâm sàng cần can thiệp (tham vấn, trị liệu) từ chuyên gia; 29% học sinh ở mức ranh giới gặp khó khăn cần sự hỗ trợ (phòng ngừa, hướng dẫn) của giáo viên, cha mẹ và phòng Tham vấn tâm lí. Học sinh tiểu học Hà Nội có dấu hiệu đang gặp các vấn đề khó khăn trong quan hệ bạn bè nhiều hơn cả với 18.3% học sinh ở mức có biểu hiện lâm sàng và 21.9% học sinh ở ranh giới/nguy cơ lâm sàng. Ở chiều cạnh giới tính, học sinh nam có dấu hiệu “lâm sàng” về sức khỏe tâm thần cao hơn học sinh nữ, đặc biệt là ở các tiểu thang đo hành vi, ADHD và quan hệ bạn bè, sự khác biệt có ý nghĩa đã được giải thích dưới góc độ Tâm lí học. Ở khía cạnh khối lớp, học sinh lớp 5 có biểu hiện “lâm sàng” về sức khỏe tâm thần nhiều hơn cả, cụ thể ở các lĩnh vực cảm xúc, hành vi và giao tiếp xã hội. Thang đo SDQ cho phép đánh giá, sàng lọc ban đầu một số vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh tiểu học tại Hà Nội. Kết quả khảo sát là cơ sở để nhà trường và gia đình có căn cứ trong việc phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh tiểu học.
Lời cảm ơn: Bài viết là kết quả nghiên cứu của Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2023: “Giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh tiểu học thông qua phòng tư vấn học đường”, Mã số: V2023-08TX, do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ trì.
Tài liệu tham khảo
- UNICEF, (2022), Nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em nam và nữ vị thành niên tại Việt Nam, https://www.unicef.org/ vietnam/media/9821/file.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo, (18/12/2017), Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lí cho học sinh trong trường phổ thông.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo, (03/8/2022), Quyết định số 2138/QĐ-BGDĐT ban hành Kế hoạch giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022- 2025.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo, (30/10/2023), Thông tư 20/2023/TT-BGDDT Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.
- Goodman R, (1997), The Strengths and Dificulties Questionnaire: A Research Note. Journal of Child Psychology and Psychiatry, 38, 581-586.
- Trần Tuấn, (3/2006), Đánh giá độ nhạy và độ đặc hiệu của bộ câu hỏi SDQ25 sử dụng trong chẩn đoán sàng lọc rối nhiễu tâm trí trên đối tượng trẻ em 4-16 tuổi tại Việt Nam, Báo cáo nghiệm thu đề tài cấp Bộ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam.
- Đặng Hoàng Minh - Bahr Weirss - Nguyễn Cao Minh, (2013), Sức khỏe tâm thần trẻ em Việt Nam: Thực trạng và các yếu tố nguy cơ, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.
- UNICEF, (2021), Sức khỏe tâm thần và tâm lí xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam, https://www.unicef.org/vietnam/media/1011/
MENTAL HEALTH OF HANOI PRIMARY SCHOOL PUPILS: CURRENT STATUS AND RECOMMENDATIONS
ABSTRACT: The article analyzes the mental health issues of 1.317 Hanoi primary school pupils. The main method used is document research and questionnaire survey, of which the Strengths and Difficulties Scale
- SDQ version - for parents and students was used. Survey results showed that 41 percent of primary school pupils showed signs of having mental health problems, and 29 percent of them were at the clinical borderline level. Primary school pupils showed signs of having more difficulties in peer relationships, with 18.3 percent of them at the clinical level and 21.9 percent of them at the borderline/clinical risk level. The article also compares these results with recent scientific publications using the SDQ Scale to survey pupils. Moreover, the article shows meaningful differences based on gender and grade. On that basis, the article proposes some recommendations to promote mental health care activities for primary school pupils in Vietnam.
KEYWORDS: Mental health, SDQ, clinical, pupils, primary school.
[Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, Số 4, tháng 04 năm 2024]
Bạn đang xem bài viết Sức khỏe tâm thần của học sinh tiểu học tại Hà Nội: Thực trạng và khuyến nghị tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].