Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14.
Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây ra tử vong ở lứa tuổi 15-19. Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông.
Ở Việt Nam, báo cáo mới nhất cũng cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần dao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên. Trong đó, rối loạn cảm xúc là 11,5%, rối loạn ứng xử là 9,2%.
Một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi thì có gì mà phải trầm cảm? Hẳn khá nhiều người lớn sẽ nói vậy. Họ đang nhìn lũ trẻ theo cái kiểu: Trẻ con thì biết cái gì? Có quá nhiều những người lớn như thế. Trẻ con thì biết cái gì nên người lớn làm gì cũng được.
Trẻ con thì biết cái gì nên người lớn đặt đâu trẻ con phải ngồi đó. Trẻ con thì biết cái gì nên người lớn tha hồ đánh ghen xé quần xé áo nhau, tha hồ đấm vào mặt nhau trên đường trước mặt trẻ con, tha hồ văng tục chửi bậy (và cho rằng các con phải biết thông cảm cho những phút xả xì trét của bố mẹ)…
Lũ trẻ thực sự có nhiều áp lực hơn người lớn. Có những áp lực nhìn thấy được và có cả những áp lực không nhìn thấy được. Có những áp lực là do người lớn tạo ra và có cả những áp lực do chính bản thân lũ trẻ tự tạo ra.
Có những áp lực khiến trẻ stress và có những áp lực khiến trẻ làm cho người lớn stress theo. Có những áp lực chúng ta thấy bình thường nhưng với lũ trẻ thì nó là áp lực khủng khiếp.
Trong những câu khen ngợi kiểu “Bố tự hào về điểm 10 của con” cũng sẽ thành một lưỡi câu móc chặt vào suy nghĩ của lũ trẻ. Càng yêu cha mẹ bao nhiêu, đứa trẻ càng muốn chứng tỏ bản thân để được nhận về sự tự hào ấy.
Mạng xã hội khiến người ta bị phụ thuộc cảm xúc vào số like, số comment. Tụi trẻ cũng có “mạng xã hội” của riêng chúng. Chúng cũng bị phụ thuộc cảm xúc vào những lời tán dương của bố mẹ, bạn bè, thầy cô. Nên áp lực đôi khi cũng bắt đầu từ đó.
Chúng ta, ai cũng từng là trẻ con. Nhưng trẻ con ngày xưa và trẻ con bây giờ khác nhau nhiều lắm. Chỉ là bố mẹ ngày xưa và bố mẹ ngày nay nhiều khi lại chẳng chịu khác đi.
Chúng ta đôi khi vẫn dùng cách mà bố mẹ chúng ta đã làm để dạy lũ trẻ. Chúng ta đôi khi vẫn nghĩ: Ối dào, ngày xưa bố toàn bị ông bà nội đánh mà bố có tổn thương đâu. Nên bây giờ, khi giận dữ, chúng ta vẫn dùng roi vọt với con mình. Nên bây giờ, chúng ta vẫn dùng những kiểu giáo dục cũ kỹ, phong kiến, lạc hậu với con mình.
Tôi có một cuốn sách: Con cái chúng ta khổ thật- Và chúng ta cũng thế. Cuốn sách ấy tôi viết về những nỗi khổ mà con cái chúng ta gặp phải và chính chúng ta, vì yêu con mà cũng đang phải khổ theo.
Tôi đã đưa ra một thông điệp: Cha mẹ hạnh phúc thì con cái cũng hạnh phúc. Là tôi mong đợi các bậc cha mẹ hãy hạnh phúc để con cái được hạnh phúc theo. Bởi đã hết rồi cái thời bố mẹ hy sinh hạnh phúc để con được hạnh phúc. Và khi bố mẹ hạnh phúc, tôi tin, không có đứa trẻ nào bị trầm cảm nữa, chắc chắn đấy!
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Làm cha mẹ thời nay tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].