Thằng cháu còn trẻ, bố mẹ vẫn chiều, không biết phải nói ra sao mỗi khi có người hỏi về chuyện đó, chỉ lúng búng bảo, “chúng cháu chưa nghĩ đến chuyện ấy ạ”.
Nhưng cô con dâu thì là người khá hiện đại, và sau rất nhiều lần ý nhị về chuyện đó mà không một ai bên họ hàng thèm hiểu nhưng vẫn điều ra tiếng vào mỗi lần có kỳ cuộc ăn cỗ, một lần đã nói thẳng, “các bác để cho chúng cháu một thời gian nữa. Khi nào muốn có con, chúng cháu sẽ báo. Cháu còn muốn làm nhiều việc, nhiều dự định, đi nhiều nơi nữa đã”.
Thế là mẹ chồng không vui, các bác nói sau lưng là “con dâu hỗn không biết dạy”, các bà cô bên chồng thì lườm nguýt hình dung ra một cơn bão sắp đổ lên đầu cô con dâu ấy, người ngay từ đầu đã bị nói là “ích kỉ” khi chỉ muốn ở riêng thay vì ở chung với bố mẹ chồng.
Cô bạn bảo, thời này rồi mà ngay ở Hà Nội, người ta vẫn quan niệm rằng, là một cô con dâu nghĩa là được đưa về cưới để phục vụ nhà chồng, trong đó có trách nhiệm phải đẻ con cho bố mẹ chồng bế (nếu là con trai thì càng tốt, dâu ấy là dâu giỏi đẻ).
Và rồi cô giải thích, nhà cháu cô không phải là những người quá “âm lịch”. Họ cũng đi Tây đi Tàu, cũng có vị trí cao trong xã hội, nhưng luôn sống hình thức và ganh đua với các nhà khác trong họ hàng, kể cả trong chuyện đẻ. Bây giờ, gặp phải cô con dâu như thế, họ khá tức giận.
Vì mẹ chồng không thể nói được con dâu phải đẻ, nên bắt đầu xuất hiện cái cảnh đi đến đâu cô con dâu cũng “được” hết bác, rồi lại dì, rồi cô khuyên nhủ phải nhanh chóng mà đẻ đi, nhà này ai lấy chồng xong cũng đẻ ngay, định chống lại truyền thống à, hay là tịt rồi.
Hôm ngồi với một ông anh, mình có vui mồm kể lại chuyện này. Ông anh liền kêu lên rằng, mấy tháng lấy nhau mà chưa có gì là “tịt rồi”, là “kém rồi”, “cần phải xem lại máy móc của cả vợ lẫn chồng”.
Mình giật mình nhìn lại ông anh vì quan điểm ấy. Ồ hoá ra cái ông có một cô con gái đã đi làm kia cũng nghĩ thế hay sao? Và ông cũng đã nói như thế với con mình, để đến mức nó tuyên bố sẽ không lấy chồng nếu bố cứ áp đặt như vậy.
Thế kỉ 21 rồi, sao lại vẫn có tư tưởng về chuyện đẻ thế này nhỉ. Có những đôi trẻ mới lấy nhau còn chưa ổn định cuộc sống vợ chồng, chưa tích luỹ được nhiều về tài chính, thậm chí còn chưa được hưởng thụ cuộc sống lứa đôi theo đúng nghĩa, đã bị hết cha mẹ đến họ hàng, người thì ý tứ bóng gió, người thì hỏi thẳng vào mặt về chuyện đẻ con đẻ cái.
Tại sao có những con người vô duyên và cứ can thiệp vào cuộc sống của người khác như thế, thậm chí lấy chuyện con người ta đẻ hay không đẻ làm chuyện tọc mạch của bản thân mình?
Trương Anh Ngọc
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Áp lực con cái tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].