Trách nhiệm không phải là một khoá học- trách nhiệm là một thái độ sống. Muốn con tự lập nhưng con không biết về trách nhiệm thì tự lập đó khác gì cỏ cây tự mọc? Nhiều cha mẹ dạy con tự lập mà quên dạy con sống có trách nhiệm.
Tôi vẫn nói với cậu con trai lớn của mình: Thước đo sự trưởng thành của người đàn ông dựa trên trách nhiệm mà anh ta gánh vác. Nói như dì của người nhện Spider Man: Quyền lực càng cao, trách nhiệm càng nặng. Một người đàn ông mãi chưa trưởng thành nếu như anh ta sống không có trách nhiệm.
Tôi dạy cậu ấy trách nhiệm từ chính việc bố cậu đã từng sống vô trách nhiệm thế nào. Và giờ là lúc bố con mình cùng sửa sai. Chúng ta cùng gánh vác trách nhiệm. Như chuyện học là của con. Con phải chịu trách nhiệm với điểm số của mình cũng như con đường học vấn của mình. Con bị điểm kém bố không giận.
Nhưng điểm số là thước đo trách nhiệm của con với việc học của con. Bố phạt con vì con thiếu trách nhiệm với việc học của mình chứ không phải vì điểm số.
Đàn ông mà vô trách nhiệm thì gã đàn ông đó mãi chỉ là một đứa trẻ lớn xác. Con trưởng thành khi con có trách nhiệm với chính bản thân mình. Rồi sau đó là trách nhiệm với gia đình mình. Nhà cửa bừa bộn, con phải thấy trách nhiệm của mình là dọn dẹp nó lại. Là anh cả, con phải có trách nhiệm gương mẫu trước 2 em. Trách nhiệm khi ấy có khi chỉ là sự bao dung.
Vì mình có trách nhiệm với ai đó nên mình cần bao dung, thứ tha để giúp họ sửa sai. Trách nhiệm với cả việc lên tiếng bảo vệ những điều tốt đẹp, phản ứng với những thứ xấu xí. Trách nhiệm với cộng đồng mình đang sống để có một cộng đồng tốt hơn, tử tế hơn.
Tôi cũng nói với 2 cô con gái của mình về trách nhiệm. Trách nhiệm khác nghĩa vụ. Nghĩa vụ là nấu một bữa cơm. Trách nhiệm là cả nhà sẽ ăn ngon. Nghĩa vụ là một cái áo vừa vặn. Trách nhiệm là cái áo đó rất phù hợp với người mặc. Nghĩa vụ là để ý. Trách nhiệm là để tâm.
Một người phụ nữ có trách nhiệm là một người phụ nữ để tâm đến chính bản thân mình, đến những người mình thương yêu. Trách nhiệm là tự chăm sóc mình thật tốt để người yêu mình yên lòng, an lòng. Trách nhiệm cũng là lên tiếng với những điều mình không thích, nói không với những điều không đúng với lương tâm mình. Trách nhiệm càng cao- giá trị càng sâu.
Một người phụ nữ có giá trị là một người phụ nữ ai cũng trân trọng. Như mẹ của 2 con, bố trân trọng mẹ vì mẹ luôn tôn trọng giá trị bản thân, có trách nhiệm với chính bản thân mình và có trách nhiệm với gia đình nhỏ này. Càng có trách nhiệm, mẹ càng trở nên giá trị trong mắt bố.
Trách nhiệm không phải gông cùm như nhiều phụ nữ vẫn than thở trên mạng. Rằng vì họ có trách nhiệm với con cái, gia đình nên họ phải hy sinh điều này điều nọ. Không! Nếu nghĩ đó là trách nhiệm thì thứ trách nhiệm ấy chỉ là hình thức, là cái áo choàng siêu nhân. Vốn áo choàng siêu nhân không làm nên siêu nhân.
Thứ mà những người phụ nữ đó nói chỉ là họ coi làm mẹ là một nghề, làm vợ là công việc. Bởi một khi ta được học hiểu về trách nhiệm, ta sẽ hiểu, trách nhiệm phát xuất từ tim chứ không phải từ óc. Trách nhiệm không phải là thứ ta dùng nó để đạt mục đích này hay mục đích khác.
Dạy con sống có trách nhiệm không phải dạy ngày một ngày hai, hay 9 điều, 10 ý. Mà là một thái độ sống mà chúng ta cần phải tuân thủ. Như đi học muộn bị phạt thì trách nhiệm của ta là thi hành án phạt. Như có những chuyện bố có thể vì con lên tiếng với trường con nhưng nếu nó thuộc trách nhiệm của con thì bố sẽ yêu cầu con gặp riêng thầy cô trao đổi. Bố không làm thay con điều đó.
Như chính cuộc đời của con, bố mẹ chỉ là người định hướng, trợ giúp chứ không sống thay con được. Dù có thể, trong đôi lần con vấp ngã, trong trách nhiệm của mình, các con sẽ tự đứng dậy, tự sửa chữa, bố mẹ có thể thắt lòng thương con. Nhưng như bố luôn từng nói: Bố chỉ có cái ôm này dành cho các con. Còn sửa chữa chúng thế nào là trách nhiệm của các con vậy!
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Trách nhiệm thực sự của cha mẹ với con cái là gì? tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].