Cách kiểm soát huyết áp, phòng ngừa đột quỵ khi trời lạnh

Huyết áp thường tăng cao khi trời lạnh và đây là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi. Vậy cần làm gì để kiểm soát huyết áp trong những ngày rét đậm, rét hại?

Theo bác sĩ BV Trung ương Quân đội 108, thời tiết lạnh làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình, theo thống kê thì chỉ có khoảng 1/3 trong số bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị và trong số những người được điều trị chỉ có 1/3 kiểm soát được huyết áp bằng thuốc.

Những bệnh nhân bị tăng huyết áp, nên uống các thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh họa

Những bệnh nhân bị tăng huyết áp, nên uống các thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh họa

Với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90 mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên, ngoài ra mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa... Nếu huyết áp tối đa quá 180 mmHg là điều rất đáng lo ngại. Nhiều người có tiền sử cao huyết áp lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong. Đặc biệt, những người bị bệnh tiểu đường nguy cơ biến chứng tăng huyết áp càng cao và dễ có cơn huyết áp kịch phát, nguy hiểm.

Đối với bệnh nhân có bệnh mạch vành, khi trời lạnh nhu cầu oxy cho cơ tim tăng hơn vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi.

Cách kiểm soát huyết áp, phòng ngừa đột quỵ khi trời lạnh

  • Vào mùa đông lạnh, người cao tuổi cần giữ ấm đầy đủ, đặc biệt là những người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành.
  • Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh.
  • Với người cao tuổi, khi có cơn tăng huyết áp, không nên giảm huyết áp quá nhanh, sẽ rất nguy hiểm do sự phản ứng của mạch máu ở người già không tốt, nếu giảm huyết áp quá nhanh, cơ thể sẽ không thích ứng được sẽ xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. 
  • Những bệnh nhân bị tăng huyết áp, nên uống các thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc tăng huyết áp cần được uống liên tục, suốt đời, không được ngừng thuốc đột ngột và có theo dõi của nhân viên y tế.
  • Những bệnh nhân có bệnh động mạch vành nên được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
  • Đối với người cao tuổi sức đề kháng yếu và những người mắc các bệnh về tim mạch cần tuyệt đối thực hiện các biện pháp dự phòng, giữ ấm cơ thể, tránh lạnh đột ngột, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài trời. Cần tiếp tục duy trì điều trị các bệnh tim mạch theo hướng dẫn của bác sĩ.
An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính